Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Ngất ngây men nồng ở Takayama


SGTT.VN - Vốn có chút kinh nghiệm lang thang ở “xứ sở hoa anh đào”, trước khi lên đường kỳ này tôi đã bỏ vào balô từ điển Việt – Nhật, Nhật – Việt cộng thêm những câu hỏi chuẩn bị sẵn trong đầu bằng tiếng Nhật, nhưng Takayama lại đón tôi với những biển hiệu và bản đồ kèm thông tin rất đầy đủ bằng tiếng Anh. Có lẽ đây là số ít thành phố ở Nhật khiến tôi cảm thấy tự tin rảo bước và hoà mình vào cuộc sống nơi đây.
Ngắm kiến trúc nhà gỗ phố cổ
Khu phố cổ Sanmachi có những ngôi nhà gỗ vài trăm năm còn tồn tại. Ảnh:
Từ Nagoya, một đô thị khá lớn phía đông nam đảo Honsu, tôi khởi hành đi Takayama lúc 12 giờ 34 và đến nơi sau hơn hai tiếng lắc lư trên con tàu dành cho khách du lịch (phân biệt ở chỗ có cửa kính rất rộng). Đến chậm hai phút, người lái tàu và các nhân viên bắc loa thành thật xin lỗi và mong quý khách bỏ qua. Điều khiến tôi thán phục người Nhật trong việc tôn trọng giờ giấc.
Takayama trong tiếng Nhật có nghĩa là ngọn núi cao, dân số trên dưới 10.000 người và diện tích hơn 2.000km2, thành phố hiện ra trong mắt tôi thanh bình và yên lặng. Đô thị này nổi tiếng bởi những con đường với hàng trăm ngôi nhà cổ bằng gỗ có tuổi thọ trên bốn thế kỷ. Nghề mộc ở Takayama từng phát triển rực rỡ và người ta tin rằng những thợ mộc nơi này đã được mời đến thi công cung điện tại cố đô Kyoto hay Nara xưa kia.
Chỉ mất nhiều nhất 20 phút đi bộ để đến bất cứ nơi nào từ ga Takayama trong bán kính 2km. Thẳng hướng bắc tôi đi tìm những ngôi nhà gỗ từng làm mê hoặc những người yêu kiến trúc. Con đường trong khu phố cổ Sanmachi chỉ rộng chừng 4m, hai bên là máng dẫn nước sạch từ trên núi chảy về. Trưa hè oi bức, người dân thường mang gàu múc nước tưới lên mặt đường cho mát.
Cảm giác đi giữa lòng phố ngỡ như đang ở Kyoto nhưng tôi sớm nhận ra sự khác biệt của Takayama từ chút tĩnh lặng của cảnh vật đi kèm nét hiền hoà thân thiện của các cư dân. Họ lịch sự cúi chào khách lạ nếu vô tình bắt gặp ánh mắt của nhau. Nhờ vào du lịch, các gia đình đa phần mở hoặc cho thuê các căn nhà gỗ để kinh doanh dịch vụ bán hàng lưu niệm, quán ăn, càphê và đặc biệt là rượu sake.
Trước một vài căn nhà, người ta treo biểu tượng sugidama – một túm cây tuyết tùng, dấu chỉ cho những gia đình nấu và bán rượu sake truyền thống. Tôi bước vào một tiệm sake mang tên Niki Shuzo. Căn nhà gỗ có tuổi thọ hơn 300 năm và kế thừa đến thế hệ thứ tư.
Nhấp rượu sake mới ra lò
Sake là loại rượu có thể dùng ở nhiều thang nhiệt độ khác nhau từ 5 – 55 độ. Một trong những lý do để Takayama nổi tiếng về sake bởi nước nấu rượu được lấy từ đỉnh Hida trong lành cộng với thời tiết mát mẻ quanh năm của thành phố. Lò Niki ra đời năm 1695, nổi tiếng với Ginjo-shu và Daiginjo-shu. Ginjo-shu là rượu sake làm từ hạt gạo được đánh bóng khá kỹ đến chỉ còn 60% kích thước nguyên của hạt, có vị thanh nhã. Daiginjo-shu được đánh bóng kỹ hơn với 50% còn lại kích thước nguyên và có vị đậm đà.
Ở Nhật Bản bạn có thể sử dụng phương tiện tàu điện của hãng JR hầu như đi đến khắp các nơi trên cả nước. Bạn có thể mua vé tàu tại tất cả các ga đi đến khắp các nơi. Các trung tâm thông tin cũng đặt ở tất cả các ga nhưng không có nhiều người nói tiếng Anh nếu là các ga nhỏ.
Ở Takayama có khá nhiều nhà trọ và khách sạn dành cho các du khách nhiều tầng lớp với giá dao động từ 3.000 – 7.000 yen Nhật. Thông tin và giá cả có thể tham khảo ngay tại trung tâm thông tin trước cửa ga Takayama.
Các lò sake ở Takayama rất thẳng thắn, mọi người đều có thể thử rượu nhưng phải trả một chút phí từ 150 – 200 yen Nhật một ly. Tôi quyết định thử loại Junmai Daiginjo-shu có tên Namazake Himuro, thứ rượu chỉ có từ tháng 4 – 9 hàng năm. Với độ cồn khoảng 16 – 17%, ly rượu Namazake Himuro mát lạnh có vị rất dịu và trong lành. Trò chuyện với chị nhân viên quán, chị cho biết, rất tiếc sau thảm hoạ động đất vào ngày 11.3 vừa qua số lượng du khách giảm mạnh. Chính quyền và các công ty lữ hành hay đường sắt như JR đang nỗ lực đưa ra các chương trình khuyến mãi nhằm khôi phục lượng khách quốc tế và nội địa trở lại Takayama. Về biểu tượng sugidama treo trước cửa, chị cho biết, cứ mỗi cuối vụ sake (thường người Nhật làm sake vào mùa đông), họ cắt những cành tuyết tùng tươi, bó lại thành bông tròn treo trước cửa để báo hiệu rằng cửa hiệu của chúng tôi đã hoàn thành, quý khách đã có thể thưởng thức những loại rượu sake vừa ra lò. Tôi thử thêm chút sake Daiginjo-shu có tên Ryomen Sukuna vị thơm nguyên chất, mát lạnh đến mê người.
Khi được tiễn ra cửa, tôi hỏi thêm chị tiếp tân về giậu dây leo trồng trước nhà. Chị nói đó là giàn bông mướp đắng, trồng để tạo mảng xanh, giảm sức nóng và mức tiêu thụ điện. Rất nhiều gia đình khắp thành phố đang hưởng ứng chương trình tiết kiệm năng lượng toàn quốc vì nhà máy điện hạt nhân gặp sự cố. Tôi chia tay Niki thêm một lần nữa ngưỡng mộ người Nhật.
Hy vọng tương lai thật gần, Takayama sẽ lại đón thật nhiều du khách đến thăm bởi nơi đây mang đậm sắc màu văn hoá và lôi cuốn từ cảnh sắc đến con người.
BÀI VÀ ẢNH: AN NAM

Không có nhận xét nào: