Thứ Tư, 13 tháng 6, 2012

Đến Bukit Lawang thăm Orang Utan


SGTT.VN - Làng Bukit Lawang là điểm dừng chân nghỉ ngơi lâu dài, và có người đã ở hẳn lại đây. Còn với nhiều người khác, đến đây chỉ để thăm những “người anh em” lông đỏ Orang Utan đang sinh sống kề bên.
Mẹ con chị Hai đang... chén.
Nằm sát rừng quốc gia Leusier, làng Bukit Lawang cách phố cảng Medan 96km, nhưng đi xe mất hơn bốn tiếng. Là điểm du lịch được nhiều người biết đến ở đảo lớn Sumatra, ngôi làng nhỏ, đơn sơ cuốn hút du khách bởi nhiều điểm. Với những khách thích du lịch mạo hiểm, Bukit Lawang là điểm dừng chân nghỉ ngơi thú vị trước và sau các hành trình trekking vào khu rừng Leusier...
“Người anh em” đang hấp hối
Rừng quốc gia Leusier được đưa vào danh sách bảo tồn từ những năm 1970, chủ yếu là để bảo vệ loài vượn người lông đỏ Orang Utan (O.U) đang sắp bị tuyệt chủng. Tiếng Indonesia, orang là “người”, (h)utan là “rừng rậm”. O.U là tên gọi của “người anh em” gần với chúng ta, giờ chỉ còn sống sót trên hai đảo Sumatra (Indonesia) và Borneo (Malaysia). Hiện người ta ước tính có khoảng 5.000 con đang sinh sống tại đây.
Tôi đến Bukit Lawang chỉ để thăm thú các O.U này. Do không đi trekking, khó có khả năng nhìn thấy các cô chú O.U, tôi hỏi thăm và biết được là có thể tháp tùng các anh kiểm lâm vào giờ cho ăn. Nghe hơi lạ, tôi hỏi thì ra việc cho ăn này để hỗ trợ thêm cho chủ yếu các cô vượn vừa sinh con, ốm yếu, gặp khó khăn trong việc kiếm mồi, khi nào khoẻ mạnh lại sẽ bị cắt khẩu phần ngay.
Sáng sớm, núi rừng còn sương mù dày đặc, tôi và các bạn Tây theo mấy anh kiểm lâm đang xách mấy xô sữa, mấy nải chuối băng băng phía trước.
Rừng quốc gia Leusier thật sự được giữ gìn, cây cối xanh tốt và to lớn. Sáng sớm không khí trong rừng mát rượi. Đường dốc vẫn ráng bươn để kịp nghe anh kiểm lâm kể chuyện mấy cô vượn lông đỏ. Thì ra, các “cô” ở đây đều có phân cấp hết, chị Hai là nàng Lisa, chị Ba là Jessy… Khi phân phát thức ăn chị Hai nhận trước, xong mới đến chị Ba… Lâu lâu các chị lại có trận quyết chiến để thay đổi “số má”. Khi nào con cái lớn khôn, các anh không chia phần nữa thì các chị tự động rút lui vào rừng già, để nhường thức ăn cho các cô vượn ốm yếu, mới có em bé hoặc bầu bì… Mới chỉ nghe kể thôi mà cả đám Tây, ta gì đều mắt tròn mắt dẹt.
Tự lực cánh sinh là chính
Một lát, chị Ba Jessy ôm con bẽn lẽn đu dây xuống. Rõ ràng là chị này tranh thủ, vì khi chị đang uống sữa, thấy chị Hai phi tới, chị Ba liền nhanh chóng rút lui lên cao đứng chờ. Chờ cho chị Hai Lisa ăn chuối, uống sữa; con chị Hai cũng uống sữa xong rút lui, chị Ba mới bế con tụt xuống ăn uống tiếp. Chị Hai, chị Ba, rồi chị Tư… ăn uống xong bồng con vọt tuốt vào rừng sâu chẳng thèm chào hỏi một câu!
Theo anh kiểm lâm, rừng Leusier không chỉ chăm sóc, bảo vệ các cô chú O.U sống tại đây mà còn từ các nơi khác đưa về. Các cô chú sống trong chuồng của các gánh xiếc, nhà tư nhân hay sở thú… khi đưa về đây phải được dạy làm quen dần với cách tự kiếm sống trong môi trường hoang dã rồi mới thả vào rừng. Nếu không, chúng rất khó sống sót trong điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên. Nghe anh nói, tôi mới thấy những cô chú O.U ở đây may mắn làm sao, những cô khỉ, chú voọc ở quê nhà mới tội nghiệp.
Chạnh lòng nhớ các đợt “bắt – thả, bắt – thả” động vật hoang dã của các lực lượng quản lý ở quê nhà, đâu đó vài ba tuần là đọc thấy tin người ta phát hiện những chú voọc bị bắt sống hay xẻ thịt. Biết đến bao giờ chúng sẽ được như những người “anh em họ” ở Bukit Lawang?
BÀI VÀ ẢNH: TRẦN THÁI
Có hai cách để đến Medan, của ngõ lên Bukit Lawang. Bạn có thể bay bằng HKGR đến Jakarta hay Kuala Lumpur rồi bay tiếp đến Medan, đảo lớn Sumatra, Indonesia. Hoặc bạn có thể sang Penang, Malaysia (bay hoặc đi xe từ Kuala Lumpur) rồi đi phà sang Medan. Từ Medan đi Bukit Lawang mất khoảng 20.000 đồng cho 4 giờ đi xe. Nghỉ ngơi, ăn uống ở Bukit Lawang giá rẻ cực kỳ, chỉ khoảng 60.000đ/phòng đơn và 30.000 – 40.000đ cho một bữa ăn.

Không có nhận xét nào: