Hầu hết các đoàn đi Đông Bắc vào mùa hè đều muốn dừng lại tại Thừa Đức để ghé thăm hành cung Nhiệt Hà, bởi Nhiệt Hà hay Tỵ Thử sơn trang là một trong những thắng cảnh nổi tiếng nhất của Trung Hoa trong khoảng 300 năm trở lại đây. Nghe nói, hơn hai thế kỷ trước, những vị sứ giả người Anh, Nhật, Hàn... sau khi được mời đến diện kiến hoàng đế Càn Long tại Nhiệt Hà trở về đã không tiếc lời ca ngợi thắng cảnh này và xem nó như đệ nhất danh thắng trong thiên hạ.
|
Trường thành dài 10km chạy quanh co
|
Từ Bắc Kinh lên Thừa Đức khoảng 250km, nếu đi xe hơi mất hơn 3 giờ, còn đi tàu hoả nhanh nhất cũng mất 4 giờ vì toàn lên núi. Đường đi đèo dốc quanh co tựa đường Trường Sơn, nhưng phong cảnh hai bên đường chắc chắn không đẹp bằng bên ta vì chủ yếu là đồi núi trọc. Qua khỏi trung tâm Bắc Kinh khoảng 70km thì gặp dải Trường thành vắt ngang, đây chính là tuyến chạy đến cửa Sơn Hải Quan nổi tiếng. Gần đến Thừa Đức núi non càng nhiều, đèo dốc càng hiểm trở. Đột ngột, qua một ngọn núi cao xe đổ xuống một vùng thung lũng rất rộng và xanh rợp cỏ cây. Đó chính là thành phố Thừa Đức nơi có toà Tỵ Thử sơn trang...
Thừa Đức nay là thành phố cấp tỉnh của Hà Bắc, gồm 3 quận và 1 huyện với diện tích hơn 4.400km2 và dân số khoảng 750.000 người, trong đó vùng nội thị có khoảng 325.000 dân, tức tương đương với dân số của thành phố Huế. Thành phố có rất nhiều dân tộc thiểu số khác nhau: Mãn, Mông Cổ, Tạng, Duy Ngô Nhĩ... Địa hình Thừa Đức rất đa dạng, bốn bề là núi, chủ yếu là các mạch núi thuộc dãy Thất Lão Đồ Sơn và Yến Sơn, độ cao biến đổi từ 200m đến 1.200m; lại có rất nhiều sông suối, rừng rậm, thảo nguyên. Với địa thế mặt giáp cả Bắc Kinh, Thiên Tân, lưng dựa Nội Mông, đông là Liêu Ninh, tây là Trương Gia Cảng, từ xa xưa Thừa Đức đã được các triều đại Trung Quốc xem là chốn trọng địa, là chìa khoá đi vào vùng Đông Bắc nên đều xây thành trì trấn giữ.
Thời Thanh chính là giai đoạn lãnh thổ Trung Quốc lớn nhất trong lịch sử, lúc thịnh thế, Thanh triều có hàng chục hành cung, ly cung to lớn nằm ở Bắc Kinh, Nam Kinh, Hàng Châu và vùng Đông Bắc. Nhưng Tỵ Thử sơn trang lại là một hiện tượng đặc biệt, bởi nó không chỉ là hành cung lớn nhất mà còn là một công trình gắn liền với tập quán di trú của các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc.
Từ thời Liêu, sau khi người Khiết Đan tràn vào Trung Nguyên, lấy Bắc Kinh làm kinh đô thì đã định ra “Nại bát chế”, nói rõ: “Người Liêu vốn ở đại mạc, vào bên trong Trường thành (tức vào Trung Nguyên) thì tuỳ thời mà thích ứng, mùa thu đông tránh lạnh, mùa xuân hè tránh nóng”. Trong tiếng Khiết Đan, “Nại bát” có nghĩa là “rời khỏi nơi ở” hay di trú. Thực ra đây là tập quán chung của người thiểu số vùng Đông Bắc. Thời Kim, Nguyên các hoàng đế đều vẫn bảo lưu phong tục di trú lên bắc về nam trong mùa hè và mùa đông.
Nhưng hoàng đế di trú thì vẫn phải tiếp đón quần thần, giải quyết chính sự nên tại hành cung bao giờ cũng có khu cung điện với kiến trúc to lớn.
Tại kinh đô Bắc Kinh, địa thế không cho phép dựng hành cung phù hợp để “tỵ thử”(tức tránh nóng) do đất đai phần lớn đều là đồng bằng, núi rừng phía tây qua các thời đã bị phá nhiều và biến thành các hoa viên, vì vậy xây hành cung tránh nóng chỉ có thể lên vùng đông bắc.
Năm Thuận Trị 7 (1650), Nhiếp chính vương Đa Nhĩ Cổn có dụ: “Kinh thành xây dựng đã lâu, địa thế có hồ ao thuỷ diện, 3 mùa xuân-thu-đông có thể ở, mùa hè nóng nực rất khó chịu. Nhưng nghĩ, kinh thành là nơi đô hội của các triều đại, xây dựng nên không dễ, bất khả thiên di. Các triều Liêu, Kim, Nguyên đều xây các thành bên ngoài kinh đô để tránh sự nóng nực vào mùa hè. Nay cần xây 1 toà thành nhỏ làm nơi đến tránh nóng. Lương tiền để xây thành giao cho 9 tỉnh: Trực Lệ (tức Hà Bắc), Sơn Tây, Sơn Đông, Triết Giang, Giang Nam, Hà Nam, Hồ Quảng, Giang Tây và Thiểm Tây, tổng cộng 240 vạn lượng” (1).
Toà thành nhỏ nói trên chính là cơ sở đầu tiên của Tỵ Thử sơn trang sau này, ban đầu gọi là hành cung Khách Thích Hà Đồn (tiếng Hán nghĩa là Hắc Thành).
Hành cung ban đầu này nằm ở điểm giao nhau của hai con sông Loan Hà và Y Tốn Hà. Đây là một vị trí chiến lược quan trọng, cửa ngõ vào vùng Nội Mông và vùng Đông Bắc, từ thời Chiến Quốc đến Tây Hán đã có xây thành ấp, về sau càng là nơi hội tụ đông đúc.
Nhưng việc xây hành cung bị bỏ dở vì Đa Nhĩ Cổn chết sớm. Đến năm 1677, Khang Hy mới chú ý đến hành cung trên, và ông có mục đích khác: làm nơi chiêu dụ đón tiếp các thân vương Mông Cổ nhằm đoàn kết các sắc tộc ở vùng Đông Bắc và Nội Mông-những sắc tộc đã cùng bộ tộc Nữ Chân của ông nhập quan, đánh đổ triều Minh bạc nhược.
Thực ra, Thích Khách Hà Đồn vốn là một trong số các hành cung đi lên vùng Đông Bắc của Thanh triều, thuở ban đầu nó mang tính chất một ly cung lớn, về sau mới được xây dựng mở rộng thêm.
|
Gác Đại Thừa nơi đặt bức tượng Bồ Tát lớn nhất thế giới trong chùa Phổ Ninh
|
Sau khi trấn áp được các cuộc phản loạn ở trong nước, hoàng đế Khang Hy rất chú ý đến việc khống chế các thân vương quý tộc người Mông Cổ ở Đông Bắc và Nội Mông. Vì vậy tại khu Đông Bắc cách kinh đô Bắc Kinh khoảng 500km, Khang Hy cho dựng Mộc Lan vi trường (2) làm nơi hàng năm đến săn bắn, thao luyện quân sĩ và gặp gỡ lực lượng quý tộc Mông Cổ. Từ Bắc Kinh đến Mộc Lan vi trường, triều Thanh dựng 14 hành cung, Khách Thích Hà Đồn là 1 trong 14 hành cung trên với tên gọi Nhiệt Hà Thượng Dinh hành cung (3). Các hành cung kết cấu khá giống nhau: gồm phần cung điện phía trước và vườn cảnh phía sau. Cung điện chia 3 khu: giữa, và đông, tây. Giữa dành cho hoàng đế bàn chính sự, hai bên dành cho hoàng thái hậu, các hoàng tử... Nhưng Nhiệt Hà là một dạng đặc biệt, vốn là ly cung - nơi tránh nóng, lại kiêm thêm chức năng hành cung.
Có thể chia lịch sử xây dựng hành cung này thành 3 thời kỳ: Nhiệt Hà Thượng Dinh hành cung, Nhiệt Hà hành cung và Tỵ Thử sơn trang. Nhiệt Hà Thượng Dinh hành cung, được xây từ năm 1703-1707, trên cơ sở của Khách Thích Hà Đồn. Nhiệt Hà hành cung được đổi tên năm 1708, là quá trình xây dựng tiếp theo của Thượng Dinh hành cung. Còn Tỵ Thử sơn trang, được Khang Hy đổi tên năm 1711, khi kiến trúc hành cung đã định hình; sau đó Khang Hy còn ra sức xây dựng mở mang, hình thành nên 36 cảnh. Chính tay vị hoàng đế này đã vịnh bút đề thơ vào 36 bức tranh vẽ 36 cảnh trên (4).
Năm 1741, Càn Long lần đầu tiên đến Tỵ Thử sơn trang, từ đó đến năm 1754, ông cho mở rộng và xây dựng liên tục hành cung này, biến nó trở thành khu vườn hoàng gia lớn nhất của Thanh triều. Càn Long đã hoàn thành thêm 36 cảnh, cộng với 36 cảnh thời Khang Hy tạo thành 72 cảnh đẹp chính của hành cung Nhiệt Hà .
Khoảng từ năm 1755-1759, để kỷ niệm việc dẹp yên loạn Tân Cương trước đó, Càn Long cho xây chùa Phổ Ninh quy mô rất lớn bên ngoài sơn trang. Từ năm 1760 trở về sau, việc xây dựng chuyển qua khu rừng núi với hàng chục công trình lớn nhỏ như Sáng Đắc trai, Tú Khởi đường, Tịnh Hàm Thái Cổ sơn phòng, Sơn Cận hiên, Châu Nguyên tự, Bích Phong tự... Khu hồ ao thì xây thêm Văn Viên Sư Tử lâm và Văn Tân các, Yên Vũ lâu, Giới Đắc đường, Hoa Thần miếu... Việc xây dựng tiếp diễn đến năm 1792 mới hoàn tất.
Cũng trong thời Càn Long, kế tục Khang Hy, ông đã cho xây thêm 10 khu miếu bao quanh ngoài sơn trang, tạo nên quần thể miếu tự cung đình lớn nhất của Trung Quốc trong lịch sử, đó là khu Ngoại miếu.
Khu Ngoại miếu thường được gọi là Ngoại Bát miếu, thực ra có đến 12 toà miếu được xây trong thời Khang Hy và Càn Long. Nhưng theo quy định của “Nhiệt Hà viên đình tắc lệ”, thì: “Ba khu miếu tự là La Hán đường, Quảng An tự, Phổ Lạc tự không thiết đặt Lạt Ma trụ trì, Phổ Hựu tự thì cho thuộc vào Phổ Ninh tự; 8 khu miếu còn lại Lạt Ma (tức Hoà thượng) do triều đình cử đến, hàng tháng được cấp ngân lượng”. Nghĩa là chỉ có 8 miếu tự chính thức có bổ nhiệm chức Lạt Ma trụ trì. Danh xưng “Ngoại Bát miếu” cũng từ đó mà ra, sau này trở thành từ chỉ chung các khu miếu tự bên ngoài sơn trang.
|
Miếu Phổ Đà Tông Thừa trong Bát Miếu ngòai vườn
|
Hai khu miếu tự được xây dựng đầu tiên là Bác Nhân tự và Bác Thiện tự, dựng năm 1713 để kỷ niệm sinh nhật lần 60 của Khang Hy và để tiếp đón các thân vương Mông Cổ. Hai chùa này nằm trên khu đất bằng phẳng phía bờ đối diện sông Võ Liệt, phía đông sơn trang, cấu trúc kiểu “Già lam thất đường thức”, tựa như phiên bản của Cùng Lãm tự trong hành cung Khách Thích Hà Đồn.
Mười khu miếu tự còn lại đều nằm phía đông và bắc sơn trang, đều do Càn Long xây dựng trong khoảng thời gian 1755-1780; cứ khoảng 3-5 năm lại xây 1 toà. Cụ thể như sau: Phổ Ninh tự (1755-1758), Phổ Hựu tự (1759), An Viễn miếu (1764-1765), Phổ Lạc tự (1766-1767), Phổ Đà Tông Thừa miếu (1767-1771), Quảng An tự (1772), Thù Tượng tự (1774-1775), La Hán đường (1774), Di Đà Phúc Thọ miếu (1779) và Quảng Duyên tự (1779).
Điểm độc đáo là các toà miếu tự trên đều có sự kết hợp nhiều phong cách kiến trúc nghệ thuật của người Hán, Mãn, Mông Cổ, Tạng, Duy Ngô Nhĩ... nhằm thể hiện sự đoàn kết dung hợp văn hoá giữa các dân tộc. Đây là một việc làm hoàn toàn có chủ đích. Càn Long đã nhiều lần tổ chức lễ thượng thọ tại đây để gặp gỡ, tiếp kiến và ban ân sủng cho quý tộc thân vương các dân tộc thiểu số vùng Đông Bắc và Nội Mông.
***
Hành cung Nhiệt Hà được xây dựng trong 89 năm, qua 3 đời hoàng đế Khang Hy, Ung Chính và Càn Long, là sự tập trung tinh lực của Thanh triều trong thời gian dài nên nó trở thành một công trình vĩ đại. Về mặt cấu trúc, được chia làm hai phần: Tỵ Thử sơn trang và khu Ngoại miếu. Du khách đã đến Thừa Đức thì cũng nên dành vài ngày để đi thăm cho hết các thắng cảnh trên. Nếu đi thăm Ngoại Bát miếu thì nhanh cũng mất một ngày, còn đã vào khu sơn trang thì tối thiểu cũng phải mất hai ngày mới có thể đi hết khu vườn mênh mông này.
- Tỵ Thử sơn trang: rộng 564ha, có vòng tường xây đá dài 10km, cao từ 2,5m-6m tuỳ theo địa hình, gồm hai khu: cung điện và khu ngự uyển. Khu cung điện nằm ở phía nam, bố trí đăng đối, nghiêm cẩn, phong cách thiên về mộc mạc, hiện có thu thập và trưng bày hơn 20.000 hiện vật liên quan đến cuộc sống sinh hoạt của hoàng đế. Khu ngự uyển thì phân làm 3 khu: khu hồ ao phía đông nam, khu núi rừng phía tây bắc và khu thảo nguyên phía đông bắc. Với địa hình hết sức đa dạng, phong phú, Tỵ Thử sơn trang được xem là hình ảnh thu nhỏ của đất nước Trung Quốc.
|
Tấm hòanh Tỵ Thử sơn trang Thủ bút của vua Khang Hy
|
- Khu cung điện: gồm 4 tổ hợp kiến trúc Chính cung, Tùng Hạc trai, Vạn Hác Tùng Phong và Đông cung tạo nên.
Chính cung: Là kiến trúc chủ thể của cả sơn trang, là nơi hoàng đế xử lý triều chính và cư trú, bao gồm 9 toà viện lạc (6) liên tiếp nhau, phân ra kiểu “tiền triều hậu tẩm”. Các công trình kiến trúc chủ thể nằm trên trục chính (Dũng đạo), gồm: Lệ Chính môn, Cung môn, Ngọ môn, Chiêm Bạc Kính Thành điện, Tứ Tri thư thất, Vạn Tuế chiếu phòng, Tẩm Cung Môn điện, Yên Ba Trí Sảng điện, Vân Sơn Thắng Địa lâu và Tụ Vân môn; hai bên các công trình này là những phối điện, vu phòng, hành lang... chủ yếu dùng gam màu xám, nâu, xanh, không dùng màu sáng hay trang trí hoa lệ.
Lệ Chính môn là cửa chính của khu cung điện cũng là cửa chính của sơn trang, kiến trúc đồ sộ kiểu “trùng đài tam môn, tam doanh”, biển ngạch viết tên cổng bằng 5 loại chữ Hán-Mãn-Mông-Tạng-Duy Ngô Nhĩ. Trước cổng có chiếc bình phong lớn xây gạch, sau cổng là Cung môn, có biển đề “Tỵ Thử sơn trang”, thủ bút của hoàng đế Khang Hy. Đáng chú ý là ngôi điện chính 7 gian Chiêm Bạc Kính Thành điện hoàn toàn làm bằng gỗ Nam mộc (nên còn gọi là Nam Mộc điện), trong đặt ngai vàng và trần thiết nhiều đồ ngự dụng quý.
Tùng Hạc trai cũng mô phỏng theo kiểu tiền triều hậu tẩm để bố trí, gồm hai toà viện lạc nối tiếp nhau; các công trình chủ yếu gồm: Tùng Hạc trai, Lạc Thọ đường, Kế Đức đường, Sướng Viễn lâu...
Vạn Hác Tùng Phong nằm ở phía bắc Tùng Hạc trai, là một cụm kiến trúc được bố trí linh hoạt, sát bờ hồ, mang phong cách Giang Nam. Công trình kiến trúc chủ yếu có Vạn Hác Tùng Phong, Loan Thỉ trai..
Đông cung nằm trong cửa Đức Hối, phía đông của Tùng Hạc trai. Tại đây có nhiều đình tạ, lang..., nổi bật là toà Thanh Âm các 3 tầng cao vút, là 1 trong 3 toà “đại hí lâu” (lầu xem hát, kịch) của Thanh triều.
- Khu ngự uyển: gồm 3 khu vực tạo thành là khu ao hồ, khu thảo nguyên và khu núi rừng.
Khu ao hồ: nằm phía bắc khu cung điện, phía nam khu thảo nguyên, phía đông khu rừng núi, tổng diện tích khoảng 600 mẫu (40ha), gồm 8 chiếc hồ liên tiếp nhau được ngăn cách bởi hệ thống đê, là Trừng hồ, Như Ý hồ, Trường hồ, Tây hồ (nay không còn), Thượng hồ, Hạ hồ, Cảnh hồ, Ngân hồ. Đây cũng là khu vực đẹp nhất, tập trung nhiều kiến trúc nhất của sơn trang. Khu ao hồ được bố trí làm 3 tuyến: Tuyến phía đông, tuyến trung tâm và phía tây.
Tuyến phía đông gồm các cảnh chính như Thuỷ Tâm tạ, Văn viên, Nguyệt Sắc Giang Thanh, Thanh Thư sơn quán, Giới Đắc đường, Vựng Vạn Tổng Xuân miếu, Kim Sơn... Thuỷ Tâm tạ gồm 3 toà đình kiểu trùng diêm, nằm sát mặt nước rất đẹp. Phía đông là Văn viên sử Tử Lâm, là sự mô phỏng của khu vườn sử Tử Lâm nổi tiếng ở Tô Châu, gồm đến 16 cảnh đẹp được đề vịnh. Men theo phía đông hồ một đoạn lại gặp một cụm kiến trúc đặt giữa bốn bề mặt nước, đây là nơi Khang Hy tự tay phóng bút đề biển “Nguyệt Sắc Giang Thanh”, kiến trúc có cả điện, đường, đình, tạ rất phong phú. Tương ứng với Nguyệt Sắc Giang Thanh về phía tây là cụm Thanh Thư sơn quán, cũng có điện, đường, trai, phòng... tạo thành một tổ hợp khép kín. Đi tiếp nữa sẽ gặp Giới Đắc đường, Vựng Vạn Tổng Xuân miếu; đáng chú ý là toà Thượng Đế các 3 tầng cao vút phía sau ngôi điện Thiên Vũ Hàm Sướng - điện chính của khu miếu. Nếu đi đến tận cùng sẽ gặp dòng suối Nhiệt Hà nổi tiếng của sơn trang, cảnh trí non nước ở đây đẹp vô cùng!
Tuyến trung tâm gồm các công trình chính như Điềm Bôi Bích, Như Ý Châu, Yên Vũ lâu... Từ Vạn Hác Tùng Phong của khu cung điện đi về phía bắc, qua một chiếc cầu nhỏ là tới con đê Chi Kính Vân, đê phân làm 3 đoạn nối liền 3 hòn đảo Nguyệt Sắc Giang Thanh, Hoàn Bích và Như Ý Châu. Đầu tiên là đến đảo Hoàn Bích, do bốn bề nước biếc vây quanh nên mới thành tên như vậy, trên đảo có hai toà viện lạc, điện chính có biển đề “Hoàn Bích”. Phía bắc đảo có ngôi đình lợp cỏ gọi là Thái Lăng Độ. Theo đê đi đến đoạn giữa là lên đảo lớn nhất - Như Ý Châu, trên đảo điện đài, lâu các, đình tạ liên tiếp nhau. Như Ý Châu có đến 12 cảnh trong tổng số 72 cảnh của sơn trang. Trong các công trình kiến trúc, nổi bật có toà cổng Vô Thử Thanh Lương 5 gian, Diên Huân sơn quán 7 gian, Lạc Thọ đường, toà lầu 2 tầng Nhất Phiến Vân, ngôi chùa Pháp Lâm tự với toà điện chính Thuyền Nhược Tướng, ngôi đình Thanh Huy... Ở phía bắc Như Ý Châu, giữa Trừng hồ có hòn đảo nhỏ gọi là Thanh Liên đảo, trên đảo có toà lầu 2 tầng Yên Vũ lâu rất đẹp, biển đề thủ bút vua Càn Long.
Tuyến phía tây đi từ cửa phía sau khu Chính cung, men theo hồ về phía bắc, cảnh sắc hai bên có sơn có thuỷ tuyệt đẹp. Trên bờ đối diện với đảo Hoàn Bích, sát mép nước có ngôi đình hình chữ “thập”, gọi là Như Ý Hồ đình; phía tây đình có khu viện lạc, cổng chính đề “Phương Viên cư”, trong có điện đường. Lại đi tiếp về phía bắc có ngôi đình vuông, còn treo biển đề thủ bút vua Khang Hy “Phương Chử Lâm Lưu”. Phía sau khu này đi qua Hồng kiều sẽ gặp mấy cảnh nữa như Trường Hồng Ẩm Luyện, Song Hồ Hiệp Cảnh, Lâm Phương Thự, Tây Thuyền Ổ...
- Khu thảo nguyên: Đây là khu vực hình tam giác, rộng gần 1.000 mẫu (hơn 60ha), cảnh sắc kiểu đồng cỏ thảo nguyên mênh mông, công trình kiến trúc chỉ bố trí rải rác, nổi bật có 4 ngôi đình Thuỷ Lưu Vân Tại, Hào Bộc Gian Tưởng, Oanh Chuyển Kiều Mộc và Bổ Điền Tòng Việt nằm ở chỗ giáp giới với Trừng hồ. Phía gần dòng Nhiệt Hà có mấy công trình như điện Bình Hương phiến, Xuân Hảo hiên, Sào Thuý đình..., đáng chú ý còn có ngôi chùa Vĩnh Hựu, gồm điện, đường, tháp xá lợi, sơn môn.. Trong chùa có thờ tranh vẽ hình từ hoàng đế Khang Hy đến Gia Khánh. Ở phía đông bắc chùa Vĩnh Hựu, chỗ giáp dòng Võ Liệt hà chảy vào vườn có một số cụm kiến trúc nữa, như gác Ái Lưu Huyên Ba, Trừng Quan trai, Thuý Vân Nhâm đình, Văn Tân các...
- Khu rừng núi: Đây là khu vực rộng lớn nhất, chiếm 4/5 diện tích toàn sơn trang, địa hình núi cao chập chùng hiểm trở, nhiều khe núi, hang hốc, rừng rậm, cảnh trí hết sức tự nhiên, các công trình kiến trúc chỉ có tính chất điểm xuyết, chủ yếu là các ngôi đình đặt trên những ngọn núi cao.
Thăm sơn trang bạn nên dành ngày thứ nhất để đi xem khu cung đình và khu hồ ao, khu thảo nguyên thuộc vườn ngự uyển. Dù trong những ngày nắng gắt ở đây vẫn rất mát mẻ. Các cung điện to lớn nhưng có vẻ khá mộc mạc và không sơn thếp; khu hồ ao và khu thảo nguyên thì rộng rãi thoáng đãng và bố trí kiến trúc rất tinh tế. Ngày thứ hai bạn nên leo núi để biết thế nào là cảnh sắc rừng rậm núi cao của miền Đông Bắc. Lên núi có rất nhiều tuyến đường, có cả tuyến dành cho xe chạy bao quanh khu núi non. Nếu ngại leo núi bạn có thể bỏ ra 40 tệ để được đăng sơn. Tuyến xe này sẽ dừng lại 3 điểm trên các đỉnh núi để bạn ngắm cảnh và chụp hình. Tại điểm dừng phía đông sơn trang bạn sẽ được phóng tầm mắt ngắm toàn bộ khu Ngoại Bát miếu ở bên ngoài. Cảnh trí rất đẹp.
- Khu Ngoại miếu: Đây là bộ phận kiến trúc rất quan trọng nằm bên ngoài sơn trang, nhưng vẫn xem như một phần của hành cung Nhiệt Hà, chúng được ví như quần thể tinh tú vây quanh mặt trăng là sơn trang của hoàng đế.
Ngoại miếu với 12 toà miếu tự được xây dựng trong suốt 67 năm (1713-1780), chiếm diện tích đến 47,2ha, là sự tổng hợp của nhiều phong cách kiến trúc nghệ thuật Hán, Mãn, Tạng... Mỗi toà tự miếu đều có một vị trí riêng.
Bác Nhân tự nằm ở bờ đông sông Võ Liệt, toạ bắc diện nam, diện tích 3,77ha; bố cục kiểu “Già lam thất đường thức”; từ ngoài vào trong gồm Sơn môn, Thiên Vương điện, Từ Vân Phổ Ấm điện và Bảo Tướng Trường Tân điện.
Bác Thiện tự nằm ở phía đông bắc Bác Nhân tự, hình thức bố cục tương tự ngôi chùa trên, đáng tiếc là không còn.
Phổ Lạc tự nằm phía đông bắc Bác Thiện tự, diện tích 2,4ha; bố cục phân làm hai bộ phận, phía trước là Sơn môn, lầu chuông lầu trống, Thiên Vương điện, Tông Ấn điện và Huệ Lực điện; phần sau là một thành đài 3 tầng, cao đến 35,5m trên xây Húc Quang các, hình tròn, mái lợp ngói hoàng lưu ly, hình thức như điện Kỳ Niên ở Thiên Đàn Bắc Kinh.
An Viễn miếu nằm trên ngọn Khánh Thuỳ Phong, diện tích 2,6ha, từ ngoài vào gồm tam tiến viện lạc, điện chính Phổ Độ điện rộng 7 gian, 3 tầng rất đồ sộ.
Phổ Ninh tự nằm ở khu đông bắc Thừa Đức, diện tích 3,3ha, toạ bắc diện nam, cấu trúc phân làm hai bộ phận; phần phía trước bố trí kiểu “Già Lam thất đường thức” với sơn môn, bi đình, lầu chuông, trống, Thiên Vương điện, Đại Hùng Bảo điện..., phần phía sau cấu trúc kiểu Tạng với gác Đại Thừa cao 36,6m đặt trên một nền đài cao 9m, trong có bức tượng Phật Quan Âm Thiên thủ Thiên nhãn điêu khắc từ một khúc gỗ đàn hương, được xem là bức tượng gỗ lớn nhất thế giới với chiều cao 27,3m. Hai bên các có Nhật điện, Nguyệt điện và một số công trình khác.
Phổ Hựu tự nằm ở phía đông Phổ Ninh tự, chỉ cách qua bức tường thành, diện tích 6.600m2, kiến trúc gồm Sơn môn, Đại Phương Quảng điện, Thiên Vương điện, Pháp Luân điện, lầu tàng kinh; đây cũng là viện tàng trữ kinh Phật của cả Bát miếu.
Quảng Duyên tự nằm phía đông Phổ Hựu tự, là ngôi chùa nhỏ nhất, diện tích chưa đến 1/2ha; cấu trúc có Sơn môn, Thiên Vương điện, Đại điện, Phật lâu tạo thành.
Miếu Tu Di Phúc Thọ nằm ở phía tây bắc Thừa Đức, diện tích gần 3,8ha; bố cục gồm 3 phần, phía trước có Ngũ Không kiều, sơn môn, bi đình, sư tử đá, Bạch đài tạo thành; phần giữa gồm cửa Lưu ly và Đại Hồng đài tạo nên; phần sau gồm 3 công trình Kim Giá đường, Vạn Pháp Tông Nguyên điện và tháp lưu ly Vạn Thọ.
Miếu Phổ Đà Tông Thừa cách miếu trên không xa về phía tây, lưng dựa núi, mặt nhìn ra sông, diện tích đến 22ha, là ngôi miếu lớn nhất trong 12 miếu tự; cấu trúc chia 3 bộ phận gần như miếu Tu Di Phúc Thọ, nhưng Đại Hồng đài nằm sau cùng là kiến trúc chủ thể. Ngôi miếu này thường được gọi là “Tiếu Bố Đa Lạt cung” vì hình thức kiến trúc khá giống cung Bố Đa Lạt ở Tây Tạng.
Thù Tượng tự nằm phía tây miếu Phổ Đà Tông Thừa, diện tích 2,3ha, toạ bắc diện nam, từ ngoài vào trong gồm sơn môn, lầu chuông, trống, Thiên Vương điện, Hội Thừa điện, Bảo Tướng các, trong sân chùa trồng nhiều tùng và xếp giả sơn đá.
La Hán đường nằm ở phía tây chùa trên, diện tích 1,2ha, cơ bản kiến trúc đã bị thiêu huỷ trong thời Nhật chiếm đóng.
Tiếp về phía tây là Quảng An tự, hiện cũng đã không còn.
Đi thăm Bát miếu tốt nhất là đi taxi, giá cả cũng rẻ. Còn nếu bạn là người giỏi đi bộ và có thú thích nhẩn nha lang thang trong các ngôi chùa thì cũng rất phù hợp, vì khoảng cách giữa các chùa, miếu cũng khá gần. Thời gian thăm Bát miếu đẹp nhất là lúc sáng sớm hoặc khi chiều tà. Các ngôi chùa miếu ở đây đều mở cửa rất sớm và đóng cửa rất muộn.
***
Trải qua đúng 3 thế kỷ với bao nhiêu biến động lịch sử, về cơ bản hành cung Nhiệt Hà vẫn còn được bảo lưu khá nguyên vẹn. Có người cho rằng đó là sự may mắn hi hữu vì hầu hết các hành cung, ly cung của Thanh triều tại Bắc Kinh và các nơi khác đều bị chiến tranh thiêu huỷ. Cũng có người cho rằng, sự may mắn trên có được là do Tỵ Thử sơn trang chọn được địa thế phong thuỷ quá hoàn hảo.
Về phong thuỷ, hành cung Nhiệt Hà được xem là nơi cực kỳ đắc địa về nhiều mặt. Có nhà nghiên cứu còn lấy cả đoạn văn trong Tây Đô phú của Ban Mạnh Kiên để so sánh: “Thể tượng hồ thiên địa, kinh vỹ hồ âm dương, cứ khôn linh chi chính vị, phỏng thái tử chi viên phương” (hình thể gồm cả thiên địa, toạ độ hội đủ âm dương, ở ngay chính vị dưới đất, mà phỏng theo Tử cung trên trời) (5). Sơn trang nằm trên vùng bồn địa nhỏ của dòng Nhiệt Hà, địa thế gồm đủ cả núi non, sông nước, cây cỏ tự nhiên; sau lưng có hai ngọn núi cao vút là Kim sơn và Hắc sơn làm “Bắc chẩm song phong” (hai ngọn núi phía bắc làm gối dựa), trước mặt có ngọn Tăng Mão sơn vươn ngang như chiếc bình phong làm án, lại có núi xa hơn làm triều sơn, tả hữu đều có núi vây che chắn làm Thanh long, Bạch hổ; dòng Võ Liệt hà chảy ra quanh co, uốn lượn từ phía mạch núi Khánh Chuỳ phong (được xem là long mạch), nước biếc, vị ngọt, mùi thơm càng chứng tỏ là chốn phúc địa.
Có thực là phong thuỷ đã giúp hành cung Nhiệt Hà trường tồn với thời gian hay không thì chưa rõ, nhưng nếu đã đến đây thì du khách khó mà kìm được cảm xúc ngạc nhiên, khâm phục trước một công trình khổng lồ và tuyệt đẹp. Năm 1994, hành cung Nhiệt Hà và cả khu Ngoại Bát miếu đã được ghi tên vào danh mục Di sản văn hoá thế giới của UNESCO. Đến Nhiệt Hà bạn còn biết được nhiều cái “đệ nhất thiên hạ”, như ngoài “khu vườn ngự uyển lớn nhất” (tức hành cung rộng 564ha), còn có “khu tự miếu cung đình lớn nhất” (Ngoại Bát miếu), “bức tượng Phật bằng gỗ lớn nhất” (tượng Quan Thế Âm Bồ Tát Thiên thủ Thiên nhãn, cao hơn 27m), “Chiếc trụ đá tự nhiên đẹp nhất” (ngọn Khánh Chuỳ Phong), “dòng sông ngắn nhất thế giới” (sông Nhiệt Hà), “Cây tùng kỳ lạ nhất” (cây Cửu Long tùng) ...
Bắc Kinh, tháng 6.2006
..................
(1) Thanh Thế tổ thực lục, quyển 46. Dẫn theo Vương Lập Bình trong sách Tỵ Thử sơn trang xuân thu, tr.5.
(2) Mộc Lan vi trường (tiếng Mãn gọi là Mộc Lan Hồi Hãn - nghĩa là nơi săn hươu nai). Trường bắn này có chu vi 650km, gồm 72 vi trường. Đây còn là nơi luyện tập quân sĩ cưỡi ngựa bắn cung (nhất là quân Bát kỳ).
(3) Mười bốn hành cung là:
1. Ba Khắc Thập hành cung (tiếng Mãn, Ba Khắc Thập có nghĩa là thầy giáo) xây 1710, cách bắc khẩu đông bắc hơn 10 dặm, năm 1829 triệt giải.
2. Lưỡng Gian phòng hành cung: cách bắc khẩu 40 dặm, xây năm 1702.
3. Thường Sơn Cốc: cách Lưỡng Gian phòng hành cung hơn 30 dặm về đông bắc, xây năm 1720.
4. YênTử Lệnh hành cung: cách Thường Sơn Cốc hơn 8 dặm, xây năm 1702
5. Vương gia dinh hành cung: Cách Thường Sơn Cốc hành cung hơn 40 dặm, xây năm 1704.
6. Hoa Du (còn gọi là Hoa Ngư) hành cung: cách Vương Gia Dinh hành cung hơn 30 dặm, xây năm 1703, năm 1742 Càn Long cho triệt giải.
7. Lam Kỳ Dinh hành cung: nằm ở tây bắc Nhiệt Hà Thượng Dinh hành cung, xây năm 1703, năm 1746 triệt giải.
8. Hoàng Thổ Khảm hành cung: cách hành cung Nhiệt Hà hơn 40 dặm, xây năm 1717, năm 1823 bị triệt giải.
9. Trung Quan hành cung: Cách hành cung Nhiệt Hà hơn 60 dặm về phía bắc, xây năm 1712
10. Thập Ba Nhĩ Đài hành cung, cách hành cung Trung Quan hơn 37 dặm, dựng năm 1720.
11. Ba La Hà Đồn hành cung: cách hành cung Thập Ba Nhĩ Đài 18 dặm về phía tây, xây năm 1703.
12. Trương Tam Dinh hành cung: cách hành cung Ba La Hà Đồn 56 dặm về phía bắc, xây năm 1703.
13. Đường Sơn Dinh hành cung: cách Trương Tam Dinh 20 dặm về phía bắc, xây năm 1703.
14. Nhiệt Hà thượng dinh hành cung (tiền thân của Nhiệt Hà hành cung), xây năm 1703.
(4) Ba mươi sáu cảnh gồm: 1. Yên ba trí sảng, 2. Chi kính vân đê, 3. Vô thử thanh lương, 4. Diên huân sơn quán, 5. Thuỷ phương nham tú, 6. Vạn hác tùng phong, 7. Tùng hạc thanh việt, 8. Vân sơn thắng địa, 9. Tứ diện vân sơn, 10. Bắc chẩm song phong, 11. Tây lãnh thần hà, 12. Chuỳ phong lạc chiếu, 13. Nam sơn tích tuyết, 14. Lê hoa bạn nguyệt, 15. Khúc thuỷ hà hương, 16. Phong tuyền thanh thính, 17. Hào bộc gian tưởng, 18. Thiên vũ hàm sướng, 19. Ái lưu huyên ba, 20. Tuyền nguyên thạch bích, 21. Thanh Phong lục kỳ, 22. Oanh chuyển kiều mộc, 23. Hương viễn ích thanh, 24. Kim liên ánh nhật, 25. Viễn cận tuyền thanh, 26. Vân phàm nguyệt phảng, 27. Phương chử lâm lưu, 28. Vân dung thuỷ thái, 29. Trừng tuyền nhiễu thạch, 30. Trừng ba điệp thuý, 31. Thạch cơ quan ngư, 32. Kính thuỷ vân lãnh, 33. Song hồ hiệp cảnh, 34. Trường hồng ẩm luyện, 35. Bổ điền tùng việt, 36. Thuỷ lưu vân tại.
(5) Ba mươi sáu cảnh mới cũng do chính tay Càn Long vịnh thơ và đặt tên, gồm: 1. Lệ chính môn, 2. Cần Chánh điện, 3. Tùng Hạc trai, 4. Như Ý hồ, 5. Thanh Tước phảng, 6. Kỳ Vọng lâu, 7. Thuần lộc ba, 8. Thuỷ Tâm tạ, 9. Di Chí đường, 10. Sướng Viễn đài, 11. Tịnh Hảo đường, 12. Lãnh Hương đình, 13. Thái Lăng độ, 14. Quan Liên sở, 15. Thanh Huy đình, 16. Thuyền Nhược tương, 17. Thương Lãng kỳ, 18. Nhất phiến vân, 19. Bình Hương phiến, 20. Vạn Thụ viên, 21. Thức Mã đại, 22. Gia Thụ hiên, 23. Lạc Thành các, 24. Tú Vân diêm, 25. Trừng Quan trai, 26. Thuý Vân nham, 27. Yêm Hoạ song, 28. Lăng Thái hư, 29. Thiên xích tuyết, 30. Ninh Tịnh trai, 31. Ngọc Cầm hiên, 32. Lâm Phương thự, 33. Tri Ngư cơ, 34. Dũng Thuý nham, 35. Tố Thượng trai, 36. Vĩnh Điềm cư.
(6) Viện lạc là khái niệm trong kiến trúc cổ Trung Quốc, chỉ một tổ hợp kiến trúc hình chữ “khẩu” do 4 công trình tạo nên, dạng như “tứ hợp viện”. Viện lạc thường gồm nhiều cụm nối tiếp nhau, nếu gồm 2 cụm thì gọi là “Nhị tiến viện lạc”, 3 cụm là “Tam tiến viện lạc”, 5 cụm là “Ngũ tiến viện lạc”... Theo cách bố trí này, những công trình kiến trúc quan trọng đều nằm trên trục chính từ ngoài vào trong, các công trình phụ hay kém quan trọng hơn thì bố trí ở hai bên cánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét