Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Cổ trấn Tây Đường



Xem h�nh


Cuối tháng 4, từ Tô Châu tôi về Thượng Hải. Ở thành phố hoa lệ này mới vài ngày đã thấy nhàm chán và hối tiếc vì đã không theo thi sĩ Lý Bạch“Yên hoa tam nguyệt há Dương Châu”. Nghe nói Dương thành còn giữ được nhiều nét cổ kính, lại còn phục hồi nguyên cả dải vườn cổ tuyệt mỹ ven Sấu Tây Hồ.
Từ Thượng Hải tôi đi Tây Đường (một cổ trấn nằm trên đường về Hàng Châu), để tham dự cuộc hội thảo quốc tế về bảo tồn các cổ trấn tại Trung Quốc. Tây Đường chỉ cách Thượng Hải 80km, đi xe hơi hay ngồi tàu hoả cũng đều mất đúng một tiếng đồng hồ. Nằm cạnh thành phố đông dân nhất, phồn hoa nhất của đất nước Trung Quốc khổng lồ, nhưng Tây Đường như thuộc về một thế giới khác: cổ kính, bình yên và trữ tình như một điệu dân ca của miền sông nước Giang Nam.

Cổ trấn này bắt đầu được hình thành từ thời Đường với sự tập trung của các làng nghề thủ công nổi tiếng như làm gạch ngói, nấu rượu, chạm khắc mộc, làm cúc áo..., các sản phẩm chủ yếu đưa về các trấn thành Tô Châu, Hàng Châu. Thời Minh-Thanh, Tây Đường càng trở nên trù phú bởi lợi thế nằm trên tuyến đường thuỷ then chốt của đất Giang Nam. Đến nay, cổ trấn vẫn còn giữ được khá hoàn hảo một quần thể kiến trúc mang phong cách Minh-Thanh rộng đến 250.000m2, và đặc biệt là 7.000 hộ dân sống trong các khu phố cổ vẫn làm cho du khách tưởng như mình đang lạc vào một thế giới khác!

Tây Đường thuộc huyện Gia Thiện, tỉnh Triết Giang, một tỉnh có nền kinh tế được xếp hàng đầu Trung Quốc hiện nay. Đặc biệt, ngành du lịch Triết Giang rất phát triển và mang tính chuyên nghiệp cao. Các chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc thường cho rằng người Triết Giang bẩm sinh đã có máu làm du lịch vì từ ngàn năm trước vùng đất này đã là nơi mà mọi người Trung Quốc đều muốn đến thăm, và tổ tiên của họ đã rất giỏi khai thác lợi thế này.

Tây Đường có quy mô trung bình, toàn trấn rộng 83 km2, trong đó khu phố cổ còn giữ nguyên diện mạo chỉ khoảng 2km2. Đây thực sự là một vùng đất điển hình của miền sông nước Giang Nam. Nằm ven dòng Trường Giang nổi tiếng, Tây Đường có đến 9 dòng sông lớn nhỏ vốn là những chi lưu, phân lưu của Trường Giang chảy xuyên qua theo nhiều chiều, chia cổ trấn thành 8 khu vực khác nhau. Từ xưa người Tây Đường đã tự hào vùng đất “tứ thuỷ triều quy, bát diện lai phong” (bốn mặt nước tụ về, 8 hướng đều đón được gió) của họ là độc nhất vô nhị. Vì vậy, rất nhiều danh sĩ, hiền sĩ Trung Hoa đã tìm đến đây và không ít người đã chọn nơi này làm quê hương. Trong thời quân chủ, cổ trấn Tây Đường nhỏ bé này có đến 19 vị tiến sĩ; còn hiện tại, tính từ học vị phó giáo sư trở lên, Tây Đường cũng đóng góp trên 100 vị. Quả là một vùng đất đặc biệt!

Tây Đường có nhiều cái để mê hoặc du khách, đặc biệt là các loại hình “bảo tàng sống” được bảo tồn và xếp đặt rất tự nhiên. Trên những kênh rạch dọc ngang trong cổ trấn, 104 cây cầu với nhiều dáng vẻ, kích cỡ cũng đã đủ sức hấp dẫn đôi chân của những người lười đi bộ nhất. Vả lại, đi thăm cổ trấn hoàn toàn không phải lo chuyện nắng mưa vì tất cả các mặt phố cổ đều có hành lang nối thông. Đó là những hành lang có mái che rất đặc biệt, nguyên là mái hiên trước của các căn phố được nối dài thêm và có hệ thống trụ đỡ phía ngoài. Đây là nơi dành cho người đi bộ trong trấn, nơi du khách có thể xem hàng, mua bán, hoặc nơi gia chủ hóng mát, trò chuyện với hàng xóm... Chiều dài hệ thống hành lang trong phố cổ là hơn 2km, tức dài gấp 3 lần tuyến trường lang nổi tiếng tại Di Hoà Viên!

Đi dọc các con phố trong cổ trấn, du khách được chứng kiến cuộc sống bình dị, êm ả của cư dân, tưởng chừng như cuộc sống hiện đại, náo nhiệt bên ngoài không thể lọt vào chốn này! Tây Đường cũng có rất nhiều ngõ (hẻm) nổi tiếng. Các ngõ phần lớn đều rất hẹp, nằm kẹp giữa hai bức tường gạch cao ngất nên trông càng sâu hun hút. Có ngõ dài đến 236m, có ngõ bề ngang chỉ rộng 30cm, muốn vào đều phải nghiêng người. Nổi tiếng nhất là ngõ Thạch Bì, dài 68m, dùng nguyên 216 tảng đá lát đường đi từ ngoài vào trong. Cuối ngõ này có một quán rượu nổi tiếng, khách uống say có thể tự do dùng bút đề thơ lên tường làm lưu niệm!

Tây Đường cũng nổi danh là vùng sản xuất rượu hoàng tửu của Trung Quốc không kém gì Thiệu Hưng. Hoàng tửu của Tây Đường thơm nồng nàn nhưng vị rất dịu, khi uống đều dùng chén gốm to như chén ăn cơm; đã cầm chén lên thì rất khó dừng lại, nhưng không thể lường được lúc nào sẽ say...

Mà cũng không dễ say vì tại Tây Đường khi uống rượu luôn sẵn đồ nhắm ngon. Các loại cua cá, tôm ếch ở Tây Đường rất phong phú, chế biến đơn giản nhưng tinh tuý. Nhưng hấp dẫn nhất có lẽ là món thịt kho tàu, dọc phố cổ cứ vài chục bước chân lại thấy một hàng. Thịt kho không mặn không nhạt, vị thơm, bùi, béo... có đủ, dường như được làm ra để phục vụ dân nhậu vậy!

Cổ trấn nhỏ nhưng hàm lượng văn hoá rất phong phú. Ngay trong phố cổ có Tây Viên, Tuý Viên là những khu vườn tư gia rất điển hình của phong cách Giang Nam. Vườn quy mô nhỏ nhưng tinh xảo, bố trí kiến trúc vừa phải, các loại đá, cây, hoa đều được chọn lựa công phu...

Các bảo tàng, nhà trưng bày cũng là nơi rất đáng đến xem: Bảo tàng cúc áo, bảo tàng rượu Hoàng tửu, bảo tàng gạch ngói, bảo tàng chạm khắc rễ cây, Nhà trưng bày các đồ gỗ nội thất thời Minh Thanh...

Tây Đường là nơi sản xuất các loại cúc áo lớn nhất và nổi tiếng nhất của Trung Quốc từ mấy trăm năm nay. Thời Minh-Thanh, cổ trấn là nơi cung cấp các loại cúc cao cấp (chủ yếu từ ngọc trai, tơ lụa kết) cho hoàng cung. Hiện nay, hơn 500 công ty và hộ gia đình tại Tây Đường vẫn sản xuất 40% tổng sản lượng cúc áo của cả nước, giá trị đạt hơn 1 tỷ nhân dân tệ. Bảo tàng cúc áo chia làm 6 khu, trưng bày các loại cúc áo, mũ, quần... từ thời cổ đại đến nay.

Bảo tàng rượu Hoàng tửu chắc chắn hấp dẫn giới nam nhi vì tại đây, du khách không chỉ được xem mà còn có thể nếm thử và mua các loại hoàng tửu được chưng cất và bảo quản từ lâu đời.

Những người mê kiến trúc, mỹ thuật cổ hẳn có nhiều cảm hứng khi đến xem bảo tàng điêu khắc các loại rễ cây và nhà trưng bày đồ gỗ nội thất thời Minh Thanh. Ở các bảo tàng này, hiện vật trưng bày không nhiều lắm nhưng đều là những đồ rất tinh tuý mà tại những bảo tàng lớn chưa hẳn đã có. Tôi thì rất thích Bảo tàng gạch ngói gốm của Tây Đường. Hơn 300 chủng loại gạch ngói gốm khác nhau, trong đó chủ yếu là ngói trang trí, được trưng bày đơn giản nhưng rất hiệu quả trong một ngôi nhà cổ thuần phong cách địa phương. Có rất nhiều loại ngói cầu kỳ vốn chỉ thấy từ xa trên mái những cung điện ở Bắc Kinh, nay được xem tận mắt, được sờ nắn và cảm nhận trọng lượng lớn đến không ngờ...

***

Ba ngày tham dự hội thảo trong đó có một ngày và một đêm đi khảo sát toàn diện cổ trấn, gần 100 đại biểu quốc tế và từ các miền khác nhau của Trung Quốc đến đây đã thâu thái được rất nhiều điều bổ ích. Rất nhiều đại biểu đã không khỏi ngỡ ngàng thích thú khi tham dự buổi khảo sát “đêm Giang Nam” được tổ chức ngay tối đầu tiên tại Tây Đường. Không khoa trương ầm ĩ, cũng không bày vẽ rườm rà, tất cả các đại biểu được hoà cùng du khách tham dự một cách tự nhiên vào cuộc sống của người dân. Trên những con thuyền gỗ chỉ chở được hơn chục người, chầm chậm len lỏi qua các kênh rạch dọc ngang của cổ trấn, du khách có thể nghe rõ tiếng mái chèo khoát nước hoà cùng lời thuyết minh nhẹ nhàng của cô hướng dẫn viên người bản địa. Ánh sáng nhè nhẹ từ dãy đèn lồng treo dọc các con phố đôi bờ càng khiến đêm Tây Đường thêm mờ ảo, mông lung...

Ít ai có thể ngờ được rằng cổ trấn chỉ có quy mô tương đương với phố cổ Hội An này, mỗi năm có đến hơn triệu du khách đến thăm. Riêng thu nhập từ nguồn bán vé tham quan cổ trấn hằng năm đã đạt hơn 1,5 triệu USD. Vậy mà theo ông Thẩm Quốc Cường, Trưởng ban quản lý bảo tồn và phát triển du lịch cổ trấn Tây Đường, tại đây người ta còn phải thực hiện chế độ khống chế khá nghiêm ngặt lượng du khách đến thăm, mỗi ngày tối đa chỉ cho phép 4.000 người, trong khi vào mùa cao điểm có hôm có đến 12.000 người muốn đến cổ trấn.

Cái giỏi của Tây Đường là giải quyết rất tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Người Tây Đường ý thức sâu sắc về di sản mà họ được kế thừa. Họ không xem đó là trở ngại mà là một lợi thế lớn để phát triển. Từ những năm 1980, chính quyền địa phương đã phối hợp với trường Đại học Đồng Tế (Thượng Hải) tiến hành quy hoạch toàn diện cổ trấn. Tiếp đó, những nội quy, quy chế về bảo tồn và phát triển được ban hành rất kịp thời. Người dân trong cổ trấn được chính quyền tạo nhiều điều kiện tốt để cải thiện cuộc sống, nhưng bù lại, họ phải chấp hành nghiêm ngặt những quy chế về xây dựng, cải tạo các công trình cư trú. Nhờ vậy mà trải qua mấy chục năm cải cách, mở cửa, Tây Đường vẫn bảo tồn khá hoàn hảo các khu phố cổ. Năm 2003, Tây Đường được Bộ xây dựng xếp vào danh sách 1 trong 10 cổ trấn bảo tồn hoàn hảo nhất của Trung Quốc; cùng trong năm này, UNESCO trao danh hiệu “Đơn vị bảo tồn đạt thành tích xuất sắc” cho Tây Đường. Ngành du lịch Trung Quốc thì xếp cổ trấn Tây Đường vào điểm du lịch cấp 4A (cấp cao nhất) của toàn quốc. Hiện Tây Đường đang xúc tiến việc xây dựng hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận danh hiệu Di sản Văn hoá Thế giới cho cổ trấn.

Trên đường từ cổ trấn về Hàng Châu tôi cứ suy nghĩ mãi về lời tâm sự của ông Thẩm Quốc Cường trong bữa tiệc chia tay: “Tây Đường có được như hôm nay là nhờ cả chính quyền và nhân dân đều trân trọng truyền thống văn hoá vốn có, biết biến nó thành sức mạnh, thành lợi thế để phát triển. Khẩu hiệu của Tây Đường là “Văn hoá Đường-Tống, kiến trúc Minh Thanh, con người hiện đại!”

Nghe thật đơn giản. Nhưng chắc chắn phải là người thực sự có văn hoá, có tài năng và có đủ sự dũng cảm thì mới suy nghĩ và hành động như vậy được!

Trông người lại ngẫm đến ta...!

                  


Phan Thanh Hải (Theo Kiến Thức Ngày Nay 568)

Không có nhận xét nào: