Thứ Năm, 12 tháng 4, 2012

Đi tìm đế chế giữa rừng già (kỳ 2): Trên đỉnh núi thiêng



Xem h�nh
Dòng suối với hàng ngàn tượng Linga, Yoni, thần Laksmi, apsara được chạm khắc trong 100 năm dưới lòng suối - Ảnh: Binh Ng

Từ đỉnh núi này đã ra đời tuyên ngôn độc lập của vương quốc Khơme. Người ta đã mất hơn 100 năm để biến một dòng suối thành bức tranh tượng đá khổng lồ và kẻ hậu thế vẫn tin rằng đó là bước chân đầu tiên của vị thần xây dựng nên kỳ quan Angkor.
Thánh địa ngàn năm
Ba năm trước chúng tôi đã đến nơi này trong một chuyến hành trình đầy hiểm nguy bằng xe gắn máy. Con đường mòn dẫn lên núi Kulen ngày ấy vẫn còn hoang sơ, chưa in đậm dấu chân người, rắn bò ngang đường, đàn khỉ phóng mình trên những hàng cây và những tấm bảng cảnh báo mìn ở khắp nơi. Vậy mà hôm nay, khi đặt chân lên đỉnh núi, chúng tôi đã bắt gặp hàng đoàn người từ nhiều miền của đất nước chùa tháp tụ hội về đây từ nhiều ngày để chiêm bái núi thiêng. Giờ đây con đường đã được nâng cấp, dòng người hướng về Kulen ngày một đông hơn.
Năm 802, đức vua Jayavarman II đã tìm ra khu rừng nguyên sinh rộng đến 37.500ha, từ đây có thể phóng tầm mắt về bốn hướng của đồng bằng Siem Reap ngút ngàn. Trên đỉnh núi này có dòng suối trong veo được xem là nơi phát nguồn của dòng sông Siem Reap. Tại đây - trên đồi Mahendra, Jayavarman II đã tuyên bố nền độc lập của vương quốc Khơme khỏi đế quốc Java và chọn nơi này làm kinh đô, mở ra kỷ nguyên rực rỡ mà hậu thế hôm nay gọi đó là thời kỳ "Đông Nam Á dưới bóng Angkor".
Sau thời kỳ huy hoàng kéo dài hàng trăm năm, kinh đô Kulen lại chìm đắm giữa núi rừng âm u. Mãi đến năm 1968, những nhà thám hiểm người Pháp mới phát hiện Kulen, nhưng do chiến tranh triền miên và nhất là trong những năm 1980-1990 nơi đây là căn cứ địa của Khơme Đỏ, nên mãi đến năm 2000 người ta mới khai phá một con đường độc đạo lên Kulen và nơi này được xem là thánh địa hành hương về cội nguồn của người Khơme.
Gần một ngàn năm trước, năm 1050, vua Suryavarman I đã cho ngăn con suối trên đỉnh núi để thực hiện một công trình tôn giáo được xem là tốn kém và kỳ vĩ nhất đất nước chùa tháp: biến dòng suối có chiều dài hơn bốn cây số thành một bức tranh điêu khắc đá dưới nước với hàng ngàn tượng Linga, Yoni, nữ thần Laksmi, tiên nữ apsara... Cho đến bây giờ người ta vẫn chưa thể giải thích được câu trả lời tiền nhân đã thực hiện công trình đục đá, tạc tượng dưới dòng suối này như thế nào, nhưng theo sử sách Khơme thì việc tạc tượng dưới đáy dòng suối kéo dài hơn 100 năm và cho đến giờ vẫn tồn tại như một thách thức với thời gian.
Bây giờ đang là mùa mưa, nước suối Kulen dường như dâng cao hơn, nhưng bên dưới lòng suối những kiệt tác điêu khắc khổng lồ với hàng ngàn tượng Linga, Yoni (miêu tả bộ phận sinh dục của nam và nữ) được tạc thẳng vào nền đá vẫn huyền ảo lung linh. Hàng ngàn bức phù điêu chạm trổ rất tinh vi về các tượng thần Deva, tiên nữ apsara mà qua ánh nắng chúng tôi có cảm giác những bức tượng đang nhảy múa. Đi lên thượng nguồn dòng suối, chúng tôi phát hiện nhiều phiến đá khổng lồ chạm trổ nữ thần sắc đẹp Laksmi vô cùng sống động.

Tượng Phật khổng lồ trên đỉnh Kulen - Ảnh: Binh Nguyên
Dấu chân thần xây đền Angkor
Rời dòng suối ngàn Linga huyền bí, chúng tôi lên đỉnh - nơi có ngọn đồi Mahendra lịch sử, Lim Sopheaktra - người dẫn đường của chúng tôi - cho biết cả khu rừng Kulen còn đến 37 ngôi đền, chùa cổ có tuổi đời hàng ngàn năm, nhưng đặc biệt nhất vẫn là chùa Paang Thom, nơi đây ngoài bức tượng Phật được tạc thẳng vào núi đá, phần thân tượng dài 9,7m, cao 3,3m. Tương truyền để xây dựng kỳ quan Angkor, người Khơme đã được sự giúp sức của các vị thần và nơi này còn lưu giữ dấu chân phải dài 2m, sâu 0,4m mà theo truyền thuyết là dấu chân đầu tiên của thần và dấu chân trái nằm trên đỉnh núi Ba Kheng cách Kulen 50km.
Khi chúng tôi tìm đến núi Ba Kheng - một ngọn núi thấp, chỉ cao 65m, thì quả nhiên nơi này vẫn còn lưu giữ dấu vết được cho là dấu chân thần bên trái. Đỉnh núi này cũng đã từng là trung tâm kinh đô của đế chế Khơme cổ xưa được xây dựng trong thời gian từ năm 889 đến năm 915 dưới thời vua Yasovarman I. Dưới chân ngôi đền thờ tượng thần Linga của nhà vua vẫn còn hình dáng bốn con đường và hào nước sâu bao bọc bốn hướng như một thành trì bảo vệ đền tháp trên đỉnh núi. Cũng còn đó dấu tích của những giếng nước mà sử sách đã ghi nhận về sự tồn tại của hơn 800 giếng nước cung cấp cho cả kinh đô ngày xưa.
Phnom Ba Kheng là biểu tượng của đỉnh núi thiêng Meru trong thần tích đạo Hindu, những cột đá, những bức tượng thần, những bức phù điêu còn lại vẫn cho chúng tôi cảm nhận sự vĩ đại của nó thời xa xưa với bốn ngọn tháp trên tầng cao nhất, năm tầng ở giữa với mỗi tầng 12 tháp được dựng lên bằng gạch nung tượng trưng cho 12 con giáp. Một con số thật bất ngờ: tổng cộng 108 tháp đền tượng trưng cho bốn chu kỳ mặt trăng tương ứng với 27 ngày cho một chu kỳ trong trời đất.
Cho dù chỉ là ngọn núi thấp, nhưng người xưa đã thật tài tình khi chọn nơi này làm trung tâm kinh đô. Từ trên đỉnh Ba Kheng, chúng tôi có thể phóng tầm mắt ra bốn phương trời, nhìn được đỉnh năm ngọn tháp của đền Angkor Wat phía xa xa, thấy được cả đỉnh núi Kulen và cả một bình nguyên rộng lớn. Người ta kể ngày xưa khi cho xây dựng khu đền Ba Kheng, đức vua chọn nơi này để nhìn ra thiên hạ mà đưa ra những cuộc chinh phạt mở rộng bờ cõi.
Không hiểu từ khi nào Ba Kheng đã trở thành nơi đón ánh hoàng hôn của khách thập phương. Nhưng chúng tôi lại thích tìm cho mình một góc nhìn khác từ Ba Kheng nhìn về đền Angkor Wat, nơi mà những người giữ đền kể rằng: "Khi màn đêm xuống, hàng ngàn tiên nữ apsara từ những bức phù điêu trên các dãy hành lang cổ kính dài hun hút sà xuống nhảy múa, nữ thần sắc đẹp Laksmi lại ngồi bên chú khỉ Hanuman nghe kể chuyện khuấy biển sữa tìm thuốc trường sinh, và quan quân của đức vua Suryavarman II - người xây đền Angkor - lại từ trên các bức phù điêu hiện ra". Đi khắp các ngôi đền trên đất nước chùa tháp, chúng tôi như đi giữa những câu chuyện cổ tích như vậy.
Binh Nguyên (Theo http://www.tuoitre.com.vn)

Không có nhận xét nào: