Ẩn mình trong rừng
Từ thủ đô Phnom Penh, chúng tôi theo quốc lộ số 6 để lên thị xã Kompong Thom và sau đó ngược lên hướng đông bắc, đi trên con đường đất đỏ cực kỳ xấu dẫn vào rừng sâu. Anh Lim Sopheaktra, người dẫn đường, nói: “Người dân Campuchia từ lâu đã xem Sambo Prey Kuk là khu rừng thiêng, cứ vào dịp lễ tôn giáo, họ lại vượt rừng vào đây để làm lễ, chiêm bái rất đông”.
Mãi đến 2 giờ chiều chúng tôi mới vượt qua “con đường đau khổ” để vào đến cửa rừng. Người địa phương cử ra một viên cảnh sát đi theo làm nhiệm vụ dẫn đường kiêm bảo vệ. Bởi theo Sam Smar - viên cảnh sát đi theo chúng tôi: “Khu đền này có 54 cụm tháp lớn nhỏ nằm rải rác trong khu rừng hoang rộng đến 30km2. Trước ngày 11-3-2003 - ngày chính phủ chính thức cho mở cửa khu đền - ít ai dám vào rừng một mình vì còn rất nhiều bom mìn và không có lối đi, rất dễ lạc lối”.
Smar là người sinh ra và lớn lên ở Sambo Prey Kuk, nhưng từ khi được cử làm cảnh sát bảo vệ khu đền, anh phải mất hàng năm trời dò tìm mới cơ bản thông thuộc các lối mòn đi qua bốn cụm đền chính.
Theo chân Smar, chúng tôi tiến vào rừng. Khắp nơi vẫn còn loang lổ hố bom và đạn pháo, những đoạn tường thành phần nhiều đã sụp đổ, đầy rêu phong cổ kính lộ dần ra giữa những hàng cây cổ thụ.
|
Ngôi đền Trapeang Ropeak với những hoa văn tinh xảo ở kinh đô giữa rừng già Sambo Prey Kuk thế kỷ thứ 7 - Ảnh: Binh Nguyên |
Từ giữa thế kỷ thứ 6, vương quốc Phù Nam đã bắt đầu suy yếu do những cuộc trường chinh, Bhavavarman - một người thuộc dòng dõi hoàng gia - đã lấy công chúa Chân Lạp và sau đó được tôn làm vua nước này.
Theo các văn bia cổ được tìm thấy ở khu vực Chamkrong, chính vị vua Bhavavarman đã biến cuộc hôn nhân của mình thành nền móng cho việc ra đời vương triều Kampuja - ánh bình minh của đế chế Khơme hùng mạnh sau này.
Chính vua Isanavarman I (615 - 635), cháu của Bhavavarman, là người quyết định dựng kinh đô tại Sambo Prey Kuk vào giữa thế kỷ thứ 7.
Lim Sopheaktra cho biết: “Ngay từ khi phát hiện khu đền ẩn mình trong rừng, người ta đã tìm ra nhiều bia ký được khắc từ thời Isanavarman I cho thấy đó là một kinh thành to lớn và tráng lệ”.
Lim cho chúng tôi xem một tài liệu cổ do các nhà sử học đời nhà Tùy - Trung Quốc ghi chép lại khung cảnh của Sambo Prey Kuk này xưa: “Nhà vua sống trong cung điện giữa kinh đô đông đến hơn hai vạn hộ. Ở trung tâm kinh đô có một hoàng cung là nơi nhà vua thiết triều và tiếp kiến sứ thần... Cứ ba ngày một lần, nhà vua ra ngự ở hoàng cung, ngồi trên một cái sập bằng gỗ hương sơn son thếp vàng. Phía trên sập có treo một khung trần bằng ngà voi trang trí những bông hoa mạ vàng, bốn phía căng đủ các thứ gấm vóc, toàn bộ cái sập trông như một tòa lâu đài”.
|
Những "cây nuốt đền" ở khu rừng Sambo Prey Kuk mà trong thân của nó là dấu vết của những ngôi đền to lớn - Ảnh: Binh Nguyên |
Ngôi nhà của tiên đế
Bốn bề là rừng rậm, đó đây là những phế tích tường thành, hồ công chúa, vọng gác, đền thờ..., những hình bóng của một kinh đô ngàn năm trước. Viên cảnh sát Smar thấy chúng tôi bần thần trước khung cảnh hoang tàn đã vội trấn an: “Đi sâu vào trong rừng vẫn còn những đền đài còn nguyên vẹn, vẫn đứng vững qua hàng ngàn năm”.
Ngôi đền sư tử - Yeai Pourn - cao nhất kinh đô Sambo Prey Kuk ngày xưa, và là một trong bảy ngôi đền cổ còn gần như nguyên vẹn.
Ngôi đền cao đến 19 mét, có bốn cửa, nhưng chỉ có một cửa mở quay về hướng đông, ba cửa khác được bịt kín, mà theo những bia ký tại Sambo Prey Kuk được viết bằng chữ Khơme cổ: “Chỉ những ai đức độ vẹn toàn mới có khả năng mở ra các cánh cửa kia”.
Trước cửa đền hướng đông là hai con sư tử đá với hình dáng oai nghiêm đứng canh giữ ngôi đền. Smar kể rằng trước đây có một băng trộm mộ cổ đã vào tận đây định đánh cắp tượng sư tử nhưng không tài nào cạy nổi đế tượng.
Nhưng khi chính quyền vào trùng tu đền, các tu sĩ đã vào khấn vái thì chỉ cần bốn người khiêng bật được tượng mang về Kompong Thom cất giữ, tượng chỉ mới được để vào vị trí cũ từ năm 2003.
Còn ở nhóm đền Trapeang Ropeak, nơi thờ thần Indra vẫn còn nguyên hình hài, vào bên trong đền nhiều nơi như đã mục ruỗng, đỉnh tháp đã bị sụp, lộ ra ánh sáng bên trên đỉnh tháp, những rễ cây cổ thụ đã bao bọc trùm kín cả ngôi đền trông thật ấn tượng và đặc biệt các phù điêu với nhiều hoa văn, họa tiết cực kỳ tinh xảo và sống động.
Trên vách đền có nhiều lỗ thủng, mà theo Lim Sopheaktra, đó là nơi người xưa đã đính kim cương và ngọc quí, những báu vật này đã biến mất một cách bí ẩn. Ở những tháp đền trong khu vực hoàng cung, những đoạn tường thành với nét điêu khắc tuyệt mỹ vẫn còn nằm rải rác khắp khu rừng, các đền bệ thờ cúng Linga to lớn và những bức tượng thần Shiva vẫn lăn lóc đây đó theo thời gian.
Những ngôi đền ở đây bị bao bọc hoặc “nuốt chửng” bởi những cây da hàng ngàn năm tuổi, nhiều cây trong ruột của nó chỉ còn là dấu vết của những ngôi đền to lớn, người địa phương gọi đó là “những cây nuốt đền”.
Tuy đã ba đời sống tại Sambo Prey Kuk, nhưng Smar cũng như nhiều người dân sống quanh khu vực này hầu như ít biết về lịch sử của các đền đài, kể cả tên vị vua, niên đại của nó.
Smar nói: “Tôi chỉ biết khu rừng là ngôi nhà của tiên đế, cha mẹ tôi bảo thế, mỗi năm cứ vào dịp cầu mưa là cả làng lại kéo vào cúng bái, xin tiên đế ban phước, rừng thiêng lắm”.
Rồi Smar kể huyền thoại về cây da xà trước cổng hoàng cung, khi dân làng bị hạn hán, họ kéo vào rừng khấn vái, cây da đã tiết ra nước đủ dùng cho cả làng qua mùa khô hạn.
Khi những giọt nắng cuối cùng chìm dần dưới bóng đền sư tử, chúng tôi vẫn chưa muốn rời bước khỏi khu rừng, vì trong khung cảnh cô tịch, tiếng rừng như đang thì thầm chưa muốn dứt câu chuyện về một kinh đô mở ra ánh bình minh của một vương quốc hùng mạnh một thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét