Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Tiếng đàn dắt tôi đi qua nỗi nhớ



(VOV) - Vẫn còn đây cảm giác phiêu bồng khi vừa thả bước trên hè đường lát đá vừa lắng nghe tiếng kèn dìu dặt của người nghệ sĩ Scotland đứng biểu diễn ở con phố cổ
Tôi đi qua nỗi nhớ nước Anh bằng sự ám ảnh về tiếng đàn piano của người nghệ sĩ đường phố. Trong một ngày đông lạnh giá với làn không khí nhẹ bẫng, trong suốt, vấn vít vài sợi nắng, tiếng đàn thánh thót cứ vương vào tim tôi một nỗi đau mơ hồ, nhè nhẹ.
Người nghệ sĩ già ngả mình đàn, đàn mãi và cảm xúc tuôn trào trên mỗi ngón tay ông đã làm bao con tim khách vãng lai thổn thức. Cả vùng không gian dường như rộng ra, sâu hơn và thời gian như lắng lại, từng giọt, từng giọt…
Ấy là tiếng đàn tôi đã nghe ở York, thành phố nhỏ cổ kính mộng mơ. Khi đó, tôi đã biết, không gian này, tiếng đàn này sẽ gieo vào lòng tôi nỗi nhớ khi vô tình, nó chạm vào nỗi cô đơn êm dịu trong tôi.
Nếu có dịp đi qua nhiều thành phố của nước Anh, người ta dễ dàng bắt gặp hình ảnh những nghệ sĩ đứng biểu diễn nhiệt tình và say sưa trên đường phố và đó đã trở thành một phần hình ảnh của đất nước này… Không phải lần đầu tiên đón năm mới nơi đất khách nhưng Noel ở London, dù ông già Tuyết có hiện diện ít hơn so với một số nước châu Âu khác, những bản nhạc vui nhộn được tấu lên bởi các nghệ sĩ đường phố đã làm vui chân khách vãng lai khi đón năm mới nơi xứ lạ. Đường phố London càng lúc càng vắng khi đồng hồ nhích dần đến con số 12.  Người đi lại lúc này hầu như chỉ là khách ngoại quốc bởi Noel là dịp sum họp gia đình. Và chúng tôi dường như là những người khách cuối cùng rời bến tàu điện ngầm. Những người bản xứ còn đủ bình tĩnh nán lại không ai khác, chính là những người nghệ sĩ đường phố và một trong những nơi được họ chọn biểu diễn nhiều nhất là các bến tàu điện ngầm. Trong thanh âm rộn ràng đón chào năm mới, chợt tiếng violin réo rắt ở một góc underground làm tôi dừng bước. Tiếng violin gợi buồn về kỷ niệm, về chốn xưa khiến tôi rưng rưng nhớ nhà. Lẳng lặng bỏ vài đồng xu vào chiếc mũ, tôi nhìn người nghệ sĩ mỉm cười và ông cũng nhìn tôi, cười thân thiện. Ở xứ lạ, giữa hai con người xa lạ nhưng trong một khoảng khắc ngắn ngủi, âm nhạc đã là một sợi dây kết nối cảm xúc vô hình.
Vâng, tôi nhớ nước Anh, nhớ Endinburgh... Tôi là người may mắn vì được có mặt, có thể, chỉ là một lần duy nhất, đắm mình trong không gian mê hoặc nửa hư nửa thực của thủ đô Scotland. Vẫn còn đây, cảm giác huyền hoặc khi vào thăm lâu đài cổ Endinburgh, vẫn còn đây, trên môi, ngất ngây hương vị Scotch whisky nồng say, và vẫn còn đây, cảm giác phiêu bồng khi vừa thả bước trên những con đường lát đá vừa lắng nghe tiếng kèn dìu dặt của những người nghệ sĩ mặc váy Scotland đứng say sưa biểu diễn ở các con phố cổ. Chính họ là người giới thiệu tuyệt vời cho nét văn hoá đặc sắc của Scotland và làm tròn đầy thêm cảm giác đây là một chốn riêng đặc biệt của thế giới, chỉ đến nơi này mới có, riêng Scotland mới có.          
Âm nhạc đường phố cũng đã là một trong rất nhiều âm thanh quen thuộc của đời sống hàng ngày của thành phố Bristol, nơi tôi sống và học tập. Trong những hôm mưa lạnh ẩm ướt hay những ngày đẹp trời, nắng vàng rực rỡ, tiếng nhạc đã len lỏi vào tâm tư xúc cảm và nó đã như những sợi dây rất mảnh, kéo tôi gần hơn đến với tâm hồn nước Anh: dù buồn, vui, dù đau đớn nhớ nhung hay hân hoan hạnh phúc thì mình hãy sống trọn vẹn giây phút ấy, là chính mình giây phút ấy, chẳng có gì phải âu lo.  Những bản nhạc được tấu lên như vốn dĩ tự nhiên vẫn là như thế nhưng đó lại là tiếng lòng yêu đời thiết tha của người nghệ sĩ dù cho cuộc sống có khó khăn…Phải thế chăng mà nó ám ảnh, nó trở thành nỗi nhớ mơ hồ nhưng dai dẳng trong tôi. 
Những đêm không ngủ khi về nước, trong thinh không tĩnh mịch, nghe tiếng piano ai đàn từ xa vọng lại, lòng chợt se thắt trong một cảm giác thân thuộc mà biết rằng nó đã xa xôi…
Sương Mai

Không có nhận xét nào: