Thứ Hai, 12 tháng 3, 2012

Đảo tu viện Mont-Saint-Michel: Giữa hiện thực và huyền thoại


(VOV) - Được UNESCO công nhận là Di sản thế giới 1979, đảo Mont-Saint-Michel là một trong những tổ hợp công trình kiến trúc và tự nhiên độc đáo và kỳ bí, thu hút hàng triệu khách mỗi năm

Quang Hưng (từ Paris)
Kiến trúc Trung cổ trên hòn đảo đẹp nhất nước Pháp
 mont-sain-michel---phap-7
Mont Saint-Michel được coi là nơi quang cảnh đẹp nhất nước Pháp. Nơi đây nổi tiếng với tu viện dòng Benedict theo phong cách gothic, những ngôi làng từ thời trung cổ và các con đường quanh co uốn lượn.
Hòn đảo Mont Saint-Michel, cách Paris 353 cây số, về hướng Tây Bắc. Đây là một thị xã của Pháp trong vùng Manche, sát cạnh Basse-Normandie. Tên Mont Saint-Michel xuất phát từ một núi đá nhỏ, (Mont) để tên ông thánh Michel.
Nếu một lần đặt chân lên hòn đảo này, du khách chắc chắn sẽ không thể quên công trình kiến trúc nổi tiếng – tu viện dòng Benedict. Tu viện này đặc biệt bởi sự hòa quyện, phối hợp những nét tinh hoa đặc sắc giữa lối kiến trúc romain (lối kiến trúc cổ xưa của Ý) và kiến trúc gothic (cổ xưa Đức). Kiến trúc cổ Ý mang cho tu viện sức mạnh và sự nguy nga lộng lẫy. Còn kiến trúc cổ Đức lại mang đến cho công trình nét nhẹ nhàng, thanh thoát, nhưng vô cùng lôi cuốn. Tượng thánh Michel được đặt trên đỉnh nhà thờ của tu viện, với độ cao 170m.
Tu viện được xây dựng trên núi.
Công trình kiến trúc vĩ đại, cổ kính được xây dựng hoàn toàn bằng đá đục. Đây là một trong những kiệt tác kiến trúc của một nền văn minh có chiều hướng đi tìm tâm linh với niềm tin mãnh liệt. Linh mục Avranches đã xây căn nhà thờ nhỏ đầu tiên trên hòn đảo Mont Saint – Michel ngày 16 tháng 10 năm 709. Đến năm 966, theo yêu cầu của bá tước ở vùng Normandie, một tập thể tu sĩ áo choàng nâu với mũ phủ kín đầu, đến tu tại nơi đây, kể từ thế kỷ thứ 4. Trong 800 năm, người dân nơi đây không ngừng xây cất tu viện, làm rộng và tu tạo ngày càng hoàn thiện hơn. Ngay ở thế kỷ 13, Mont Saint-Michel đã được mệnh danh là một “Kỳ quan”. Ngọn núi này, trước năm 710, mang tên “Mont-Tombe”. Sau đó, được đổi tên là Mont Saint-Michel.
Tu viện được xây dựng hoàn toàn bằng đá đục.
Mái vòm cong mang đặc trưng của lỗi kiến trúc gothic
Tu viện trên hòn núi đá này giữa cát trắng và biển xanh hiền hòa là một trong những cảnh trí du lịch thu hút du khách đứng thứ ba tại Pháp chỉ sau tháp Eiffel và cung điện Versailles. Mỗi năm, có khoảng 3 triệu 2 trăm ngàn du khách thăm viếng. Mont Saint-Michel được UNESCO xếp vào danh sách di sản thế giới vào năm 1979.
Huyền ảo, lung linh giữa mênh mông sóng nước.
Nguyễn Đức – Theo Đô thị




Đảo tu viện Mont-Saint-Michel nằm ở Tây Bắc nước Pháp, cách thủ đô Paris hơn 350 km. Không hổ danh là một trong ba điểm thăm quan hàng đầu nước Pháp (sau tháp Eiffel và lâu đài Versailles, đảo Mont-Saint-Michel hiện ra sừng sững, hiên ngang với một ngọn tháp nhọn hoắt chĩa thẳng lên bầu trời xanh. Chính sự kỳ vĩ của toà tháp của tu viện trên đỉnh hòn đảo đã gợi ý cho các nhà làm phim “Chúa tể của những chiếc nhẫn” vẽ ra Bạch thành Minas Tirith, nhưng phải dựa rất nhiều vào đồ hoạ vi tính. Trong khi đó, đảo tu viện Mont-Saint-Michel là hiện thực, nhưng đầy kỳ vĩ và bí hiểm.
Sự kỳ bí của đảo tu viện Mont-Saint-Michel hiện hữu ngay trong lịch sử hình thành tu viện. Chuyện kể rằng thời xa xưa, giám mục thánh Aubert d’Avranches trong một giấc ngủ của mình, đã ba lần nhận được lệnh của thánh Saint-Michel xây dựng một nhà nguyện trên đảo. Năm 708, thánh Aubert d’Avranches thực hiện ý chỉ này và hai năm sau đó, năm 710, công trình được hoàn thành. Tên gọi trước kia của đảo là Mont-Tombe cũng được đổi tên là Mont-Saint-Michel từ đó.
Đảo Saint-Michel nhìn từ xa
Trước khi được định hình như ngày nay, Mont-Saint-Michel đã nếm trải biết bao thăng trầm của lịch sử. Sau một vụ cháy lớn năm 922 thiêu trụi toàn bộ những công trình tôn giáo đầu tiên, năm 966, Công tước vùng Normandie là Richard I đã cho xây dựng một tu viện dòng Benedict  trên đảo. Được gia cố và xây dựng thêm nhiều phần, nhưng vào năm năm 1203, tu viện Mont-Saint-Michel lại bị đốt cháy. Vua Pháp khi đó là Phillip Augustus đã dành một khoản tiền quan trọng để xây dựng lại nhà thờ. Năm 1228, một tu viện mới được xây dựng lại với theo phong cách gô-tíc và những nét cơ bản còn giữ lại cho tới nay.
Có một đặc điểm khiến Mont-Saint-Michel không giống những hòn đảo khác bởi nó biến đổi không ngừng theo sự thay đổi của thuỷ triều. Ít có nơi nào trên thế giới, thuỷ triều lại thay đổi mạnh như ở đây. Một năm có 53 ngày, nước thuỷ triều lên xuống mức đỉnh điểm, có thể cao tới gần 13 m, lên và xuống chỉ trong vài tiếng đồng hồ. Sự thay đổi của mực nước khiến cho khi thì Mont-Saint-Michel giống như một ngọn đồi trên cạn, nhưng lúc khác Mont-Saint-Michel lại trở thành một hòn đảo thực nổi giữa đại dương.
Có lẽ chính vì đặc điểm này mà Mont-Saint-Michel đã từng được coi là một pháo đài trong cuộc chiến Trăm năm giữa Anh và Pháp rồi được chuyển thành nhà tù trong hơn 100 năm, từ cuối thời kỳ Phục hưng tới Cách mạng Pháp. Với cuộc Cách mạng Pháp, Mont-Saint-Michel trở thành một nhà tù thực sự. Nhiều căn phòng trong tu viện được chuyển thành những công xưởng với hàng trăm người lao động khổ sai. Đến Mont-Saint-Michel ngày này, khách tham quan vẫn còn thấy hệ thống dòng dọc dùng để vận chuyển tù nhân. Các phạm nhân đứng bên trong bánh xe lớn và dùng sức làm quay bánh xe, vận chuyển tù nhân từ dưới chân đồi lên trên. Dưới sức ép của nhiều nhà văn, trong đó có Victor Hugo, Flaubert... nhà tù Mont-Saint-Michel đã bị bãi bỏ năm 1863.
Ngày nay, giống như trong hàng ngàng năm trước đó, dân số khiêm tốn của ngôi làng có diện tích chưa đầy 4 km2 Mont-Saint-Michel sống bằng nghề phục vụ khách hành hương tới tu viện Mont-Saint-Michel. Cùng với Roma và nhà thờ Saint Jacques de Compostella ở Tây Ban Nha, Mont-Saint-Michel một trong ba điểm hành hương lớn hàng đầu của châu Âu. Khách hành hương đến từ khắp Bắc Âu và đóng góp một phần quan trọng vào số lượng 3,5 triệu du khách mỗi năm mà hòn đảo nhỏ bé Mont-Saint-Michel đón tiếp.
Để tạo điều kiện thuận tiện cho người hành hương tới Mont-Saint-Michel vào năm 1879, một con đê nổi được xây dựng nối đảo với đất liền. Với con đường mới này, người hành hương và khách du lịch không phải chờ khi thuỷ chiều rút mới ra đảo nữa. Ngày nay, đi bằng xe hơi cũng có thể đến sát chân đảo và để xe ở đó (với điều kiện là những giờ nước thuỷ triều rút). Tuy nhiên, hiện tại, ban quản lý đảo Mont-Saint-Michel đang thực hiện một cuộc thăm dò lớn để tìm hiểu nhu cầu của khách tham quan và tính tới việc di dời bãi đỗ xe ra xa khỏi khu vực chân đảo. Thay vào đó, khách thăm quan sẽ được đưa tới đảo bằng xe điện nhằm bảo vệ tốt nhất môi trường.
Len lỏi chèo lên đỉnh núi trên những con đường lát đá hẹp và lúc nào cũng đông nghịt du khách và người hành hương, những người khách thăm quan sẽ nhớ về những mùa khai hội Chùa Hương hay Yên Tử. Tuy xa mà gần, tuy khác biệt văn hoá mà lại tương đồng về tâm linh đến thế! Đôi lúc mỏi chân, khách du lịch có thể dừng lại ngắm những bộ giáp sắt thời cổ, những thanh kiếm, khiên... được thiết kế làm đồ lưu niệm. Khách du lịch cũng có thể dừng trước một khoảng trống của quả núi và phóng tầm mắt ra khắp vịnh Saint-Michel và những cánh đồng xa tít tắp. Khi bụng đã vơi đi sau một chuyến hành trình, du khách dừng chân ở cửa hàng Mẹ La mère Poulard để ăn món “Trứng ốp-lát theo kiểu La mère Poulard ”, một món đặc sản dành cho những người hành hương nổi tiếng từ thế kỷ 19.
Rời xa Mont-Saint-Michel, trên con đường ra đường quốc lộ, ngoảnh mặt lại vẫn thấy đảo tu viện Mont-Saint-Michel kỳ vĩ nổi bật trên nền cánh đồng cỏ của miền quê. Đã chiều, nhưng những chiếc xe hơi mang biển Pháp và châu Âu vẫn hướng về đảo tu viện Mont-Saint-Michel. Trong số họ, chắc hẳn cũng có những người lần đầu đến thăm và cũng có thể có những người đang hành hương tới vùng đất linh thiêng này./.
Kiến trúc cổ
Khách len lỏi trên những con đường trên đảo
Và lựa chọn quà lưu niệm
Nà dân trên đảo
Ngọn hải đăng
Một bãi đỗ xe trên đảo
Vũ khí còn sót lại từ thời cuộc chiến trăm năm Anh-Pháp

Không có nhận xét nào: