Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

Ghé thăm đảo buôn nô lệ

Nằm cách cảng biển Dakar chừng 2 km ngoài khơi, đảo Gorée thu hút khách du lịch đến Senegale bởi khu bảo tàng buôn bán nô lệ da đen từ thế kỷ mười sáu đến thế kỷ mười chín.
Khởi nguồn của việc buôn bán nô lệ da đen là khi những người Hà Lan nhận ra họ không chịu nổi nắng nóng trên những cánh đồng trồng bông ở vùng Mỹ La tinh. Họ đến châu Phi, thuyết phục những người đứng đầu các bộ tộc đi đánh chiếm và bắt làm tù binh những bộ tộc láng giềng để bán cho họ. Những người bị bắt làm nô lệ thường bị giam giữ ở nơi này từ ba đến sáu tháng trước khi xuống tàu đưa sang châu Mỹ. “Ngôi nhà nô lệ” đầu tiên được xây dựng vào năm 1536, chín mươi hai năm sau khi người châu Âu đầu tiên đặt chân đến Gorée.
Ngôi nhà này do những người Hà Lan xây dựng vào năm 1776. Đây là ngôi nhà giam giữ người nô lệ cuối cùng được xây cất trên đảo. Trong căn phòng có mỗi chiều 2,6m, mười lăm đến hai mươi người đàn ông ngồi tựa lưng vào tường suốt ngày đêm. Mỗi ngày họ được phép ra ngoài một lần để đi vệ sinh. Xiềng xích cuốn quanh cổ và chân nặng tới mức không ai dám nghĩ đến việc nhảy xuống biển để bỏ trốn. Để có thể trờ thành “hàng hóa”, đàn ông phải nặng ít nhất 60 kg. Những người không đủ trọng lượng cần thiết sẽ được đưa vào phòng "tạm” để “vỗ béo”.
Giá của phụ nữ phụ thuộc vào độ lớn của vòng một và sự trinh tiết. Những cô gái mới lớn được tách ra nuôi riêng. Nếu họ có con với những người buôn nô lệ, những đứa trẻ cũng sẽ được thả tự do. Nhưng mẹ của chúng phải tham gia vào việc đánh nhau và bắt tù binh từ những bộ lạc khác đem ra đảo làm hàng hóa.
Trẻ con bị tách khỏi cha mẹ và bị ép nằm trên sàn đất san sát như ép cá hộp. Do tất cả trẻ con bị bắt theo cha mẹ đều không có giấy khai sinh, chúng được định giá bằng số răng đã mọc.
Khi tàu cập bến đưa họ sang châu Mỹ, gia đình người nô lệ bị ly tán khắp nơi, tùy theo nhu cầu của người mua. Đàn ông thường được chở đến bang Lousiana; phụ nữ bị đưa sang Cu-ba và Brazil, còn trẻ con bị đưa sang Haiti.
Tình hình vệ sinh ở nơi này tồi tệ tới mức nạn dịch hạch đầu tiên đã phát ra tại đây vào năm 1779.

Tầng hai của “Nhà nô lệ” thường là nơi ở của những người da trắng tham gia vào việc buôn bán nô lệ. Những người nô lệ da đen bị bắt đứng dưới sân cho những nhà buôn lựa “hàng” như lựa súc vật. Cuối dãy hành lang là cánh cửa mở ra biển. Đây là nơi những người nô lệ bị đưa xuống tàu. Một hành trình không có ngày trở lạ
Đoàn nhân viên UNICEF đi thăm đảo Gorée ngày 9 tháng 10, 2011
Dân số trên đảo Gorée hiện nay chừng 1,200 người. Phần lớn họ mở phòng tranh, quán ăn và bán đồ lưu niệm cho khách du lịch. Nghệ thuật “đeo bám” khách du lịch của người Senegale không thua kém gì dân ta. Phần lớn những chuỗi vòng cổ, vòng tay kết bằng hạt nhựa màu đều có xuất xứ từ Trung quốc, nhưng người bán hàng luôn quả quyết đấy là sản phẩm thủ công do những người phụ nữ trong gia đình chế tác. Họ cũng “nhìn mặt đặt giá” và nói thách giá trên trời. Nếu không có người bản xứ đi cùng thì bạn có thể phải trả gấp 4-5 lần giá thật.

Hai chú bò tót này được rao với giá 8,000 CFA (xấp xỉ $18) mỗi con. Sau khi đẩy qua đẩy lại, người bán hàng đồng ý hạ xuống còn 1,000 CFA. Chưa dám chắc đấy là giá thấp nhất có thể mua được.
Sau khi được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, những ngôi nhà trên đảo Gorée được bảo tồn theo đúng màu sơn nguyên bản. Những người Tây Ban Nha thường sơn nhà màu đỏ; người Anh sơn màu vàng và người Pháp thích tường màu trắng.
Đảo Gorée có nhiều phòng tranh. Tranh vẽ trên thảm, trên giấy và trên vải được bày dọc khắp các nẻo đường trên đảo.
Cát màu tự nhiên được lấy từ các địa danh khác nhau ở châu Phi.
Keo dính được chế biến từ cây baobab.


Baobab là loại cây đặc trưng của vùng châu Phi. Cây này có độ cao từ 5 đến 30 mét và thân cây có đường kính lên tới 11 mét. Do thân rỗng có khả năng chứa nước, baobab còn được gọi là “bottle tree” (cây chai). Lá baobab giống như một loại rau, có thể chế biến tươi hoặc phơi khô. Quả baobab có hàm lượng vitamin C nhiều hơn cam và canxi nhiều hơn sữa bò. Múi baobab sau khi tách hạt có thể ăn trực tiếp hoặc trộn với cháo và sữa. Hạt baobap có thể xay thành bột để nấu súp; để lên men hoặc ép lấy dầu. Nói chung, baobab là một loại cây mà mọi bộ phận đều được sử dụng cho cuộc sống hàng ngày của người bản địa.
 
Hai khẩu thần công này của người Pháp mang đến Gorée từ thế kỷ mười tám, nhưng chỉ được sử dụng duy nhất một lần. Gorée là vị trí chiến lược để kiểm soát các hoạt động buôn người nô lệ da đen, chính vì thế các nước đều cố gắng bằng mọi giá bảo vệ quyền cai trị của mình trên đảo.

Hồi còn làm Tổng thống Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, Bill Clinton đã xây tặng đảo Gorée một đài tưởng niệm mang hình con tàu, tượng trưng cho những chuyến tàu chở nô lệ da đen sang châu Mỹ. Nghe nói có lần Giáo Hoàng đã đến thăm nơi đây và nói lời xin lỗi tới toàn thể nhân dân châu Phi vì những thương đau người châu Âu đã gây ra cho họ suốt mấy thế kỷ buôn nô lệ. Tổng thống Nam Phi Nelson Mandela đã so sánh nhà tù giam giữ ông với phòng giam nô lệ da đen trên đảo Gorée.

Theo Lê Thị Thanh Chung

Không có nhận xét nào: