Thứ Tư, 28 tháng 9, 2011

(THVL) Côn trùng trong cuộc sống của người Nhật – Phần cuối

Vào thời hiện đại, côn trùng được hình tượng hóa thành những nhân vật trong truyện tranh và trên phim ảnh. Bộ phim Kamen Rider là một ví dụ. Phim ra mắt vào năm 1971, trải qua 40 năm, đến nay, nó vẫn là một bộ phim rất được trẻ em yêu thích.
Nhân vật chính trong phim là anh chàng sinh viên Takeshi Hongo biến hóa thành Kamen Rider mang bộ mặt của một con châu chấu. Đối với các khán giả nhỏ tuổi, Kamen Rider là một siêu anh hùng, nhiệm vụ của anh ta là truy lùng và tiêu diệt các sinh vật xấu xa gây hại cho con người. Chiếc mặt nạ châu chấu và xe mô tô phân khối lớn là những hình ảnh gắn liền với nhân vật Kamen Rider trong các sứ mệnh. Bộ phim mang thông điệp cái thiện luôn thắng cái ác, hướng tới sự công bằng, hòa bình cho xã hội.
Kamen Rider mang bộ mặt của một con châu chấu
Bộ phim quái vật Mothra được công chiếu tại Nhật vào năm 1961. Phim xoay quanh nhân vật là một con sâu Mothra khổng lồ, nó có thể nhả tơ bao bọc lấy kẻ thù khi bị tấn công. Giống như loài bướm, sâu Mothra hóa nhộng và cuối cùng biến thành bươm bướm. Quái vật Mothra là điển hình cho hình tượng côn trùng trên màn ảnh.
Quái vật Mothra là điển hình cho hình tượng côn trùng trên màn ảnh.
Thế giới côn trùng ẩn chứa nhiều điều kỳ bí, con người dựa vào đó để tạo ra các biểu tượng mang tính tâm linh. Hình dáng của chúng còn là nguồn cảm hứng sáng tạo không ngừng của các nhà nghệ thuật.
Người Nhật cũng là những thực khách hâm mộ món côn trùng. Có khoảng 250 loài côn trùng được họ dùng để chế biến món ăn. Trong đó, châu chấu và dế là những loài côn trùng được sử dụng làm món ăn phổ biến nhất tại nhiều địa phương trên khắp nước Nhật. 
Một số món ăn được chế biến từ côn trùng mà người dân Nhật Bản rất yêu thích
Đối với một số vùng miền, côn trùng là nguồn thực phẩm quan trọng và là đặc sản nổi tiếng của địa phương. Những tổ ong bắp cày đã trở thành một phần trong văn hóa ẩm thực của vùng Inadani thuộc tỉnh Nagano. Không chỉ người trong vùng mà du khách từ nơi khác đến cũng có thể tìm mua sản vật côn trùng của Inadani trong các siêu thị. Trong tổ ong có chứa nhộng và ấu trùng, ấu trùng ong sẽ được dùng để chế biến món ăn. Nhộng là phần màu trắng trong tổ còn ấu trùng có màu vàng, chúng là những con ong non đã phá lớp kén nhộng. Giá của mặt hàng này không hề rẻ, mỗi kg tổ ong bắp cày có giá khoảng 10.000 yên, tương đương 2.700.000 đồng Việt Nam. 
Thời điểm đi săn tổ ong bắp cày lý tưởng nhất ở Inadani là vào mùa thu. Người dân thường đi bộ lên núi theo nhóm, việc săn tổ ong không hề dễ dàng nên cần phải có nhiều người để hỗ trợ nhau. 
Trước tiên, người ta dùng mồi nhử để dụ những chàng ong thợ tìm đến ăn mồi. Mồi nhử lý tưởng nhất là mực tươi. Mực được cột vào thân cây để mùi của nó lan tỏa hấp dẫn lũ ong.
Kế đến, người đi săn chuẩn bị một sợi dây bằng nhựa xốp trắng và nhẹ, loại dùng để bọc trái cây mà chúng ta thường thấy. Người đi săn sẽ cột vào đó một sợi chỉ, đầu kia của sợi chỉ cột chặt vào miếng mực nhỏ. Đây là dụng cụ dùng để lần theo dấu vết con ong thợ khi nó bay về tổ.
Khi một con ong bắp cày bị mùi hương cuốn hút, nó bay đến và bám chặt vào con mực đang treo trên cây. Chỉ chờ có vậy, người thợ săn nhẹ nhàng dùng miếng mực nhỏ có gắn sợi dây làm dấu đưa gần đến miệng ong. Chú ong lập tức bám lấy, nó ngỡ đã tìm được miếng mồi ngon và nhanh chóng gắp mồi bay về tổ. Lúc này, nhiệm vụ của những người còn lại trong nhóm đi săn là theo dấu sợi dây để tìm đến tổ của con ong.
Vấn đề tiếp theo mà nhóm thợ săn phải đối mặt là tìm cách lấy tổ ong ra một cách an toàn. Việc lấy tổ ong chỉ dành cho những người có kinh nghiệm để đảm bảo rằng tổ ong không bị hư hại mà người lấy tổ cũng không bị ong tấn công.
Trước tiên, người ta dùng khói để xua đuổi lũ ong thợ đang có mặt trong tổ. Người lấy tổ ong đeo mạng che mặt để tránh bị ong đốt. Gần đây, ấu trùng ong bắp cày tìm thấy trong tự nhiên rất hiếm, vì vậy, chúng chỉ dùng để chế biến món ăn cho trẻ nhỏ. Đây được xem là nguồn thực phẩm giàu dưỡng chất, rất tốt cho sự tăng trưởng của trẻ em.
Ấu trùng ong bắp cày được bày bán ở Nhật Bản với giá cả không hề rẻ
Nhiều thế kỷ đã trôi qua, nhưng nét văn hóa ẩm thực dùng ấu trùng ong bắp cày vẫn được người dân địa phương gìn giữ và lưu truyền đến ngày nay. Giờ đây, nó đã trở thành một phần hấp dẫn khách du lịch đến với Inadani.
Thế giới côn trùng rất phong phú. Không phải loài côn trùng nào cũng có lợi, có một số loài côn trùng gây hại mà con người cần phải tiêu diệt chúng để bảo vệ hoa màu và cả sức khỏe của chúng ta.
Tại nhiều địa phương của Nhật Bản, hàng năm, vào mùa côn trùng sinh sôi nảy nở, người ta thường tổ chức lễ hội đốt đuốc để diệt côn trùng. Trong buổi lễ, người dân mang những ngọn đuốc lớn tết từ rơm rạ đang cháy diễu hành đến đền thờ Thần Đạo trong vùng để cầu xin một vụ mùa an toàn, thắng lợi.
Trên thực tế, các nhà khoa học từ lâu đã tiến hành nhiều cuộc nghiên cứu về côn trùng. Họ tìm cách phát triển những loài côn trùng có ích, hay còn gọi là thiên địch, để tiêu diệt côn trùng gây hại. Mặt khác, họ cấy ấu trùng có chứa vi khuẩn vào cơ thể côn trùng gây hại để từ đó, vi khuẩn phát tán trong cộng đồng của các loài côn trùng này và hủy diệt chúng.
Mọi sự vật đều có hai mặt tốt và xấu và thế giới côn trùng cũng vậy. Tuy nhiên, không vì thế mà con người tìm cách tiêu diệt hết côn trùng gây hại vì chúng có thể là nguồn sống của các loài động vật khác và quan trọng hơn cả, nó thể hiện cho sự cân bằng của tự nhiên – qui luật tạo nên sự sống trên hành tinh này.
Thanh Tâm
 

Không có nhận xét nào: