Thứ Ba, 11 tháng 6, 2019

Không gian phi thường của Bảo tàng Oya

Từ hơn 300 năm trước, người bản địa ở Utsunomiya thuộc tỉnh Tochigi, Nhật Bản chỉ với đôi tay và rìu đục, đã xắn vào núi đá thành một không gian hầm đặc biệt, đủ rộng cho một sân bóng chày, từng là nơi sản xuất máy bay thời chiến, và giờ là không gian đa chức năng với các cuộc triển lãm nghệ thuật, chiếu phim, trình diễn kịch Noh, ủ rượu Champagne, sân khấu ca nhạc...
    Khoảng sân đỗ xe trước lối vào chính của Bảo tàng Lịch sử Oya, với đường nét các vách núi đá được gọt đẽo từ thế kỷ 17 chỉ bằng công cụ thô sơ và sức lao động của con người.
    Bảo tàng Lịch sử Oya, nhìn từ bên ngoài ngay trước lối vào, đã gây cho lữ khách sự ngạc nhiên đến kinh ngạc, bởi bao quanh là chập chùng núi đá, nhưng tất cả các vách núi ấy đều mang đường nét gọt dũa, tạo thành những đường hình học vuông thành, sắc cạnh, đậm dấu ấn can thiệp của bàn tay con người.  
    Lối vào bảo tàng cũng là một trải nghiệm đặc biệt khi phải lần theo từng nấc thang xuống độ sâu 60m, để rồi cả không gian kỳ ảo mở ra, với một căn hầm vĩ đại cả về kích thước lẫn câu chuyện lịch sử hình thành. 
    Từ thế kỷ 17, người bản địa bắt đầu khai thác đá ở Oya phục vụ nhu cầu xây dựng công trình nhà ở, đền đài khắp nước Nhật. Việc khai thác đá ban đầu sử dụng công cụ lao động thô sơ là rìu đục, mỗi ngày thợ đá chỉ lấy được 10 phiến, và tiêu tốn đến 4.000 nhát đục. Việc khai thác bằng tay mãi đến 1959 mới được cơ giới hóa bằng lưỡi cưa máy, đẩy năng suất lao động một thợ mỏ đá lên đến 50 phiến/ngày. 
    Qua năm tháng, những phiến đá được lấy ra khỏi hang, tạo thành căn hầm khổng lồ, là nơi trú ẩn, sinh hoạt, ăn ở của người dân trong thời chiến. Trong Thế chiến thứ II, căn hầm trong mỏ đá Oya cũng chính là nơi chế tạo máy bay chiến đấu Nakajima Zero cho lực lượng không quân Nhật Bản.  
    Từ năm 1979, mỏ đá Oya trở thành điểm tham quan, mở cửa cho du khách tìm hiểu về câu chuyện khai thác đá của người bản địa. Điều thú vị là dù bên ngoài thời tiết thế nào đi nữa thì nhiệt độ trong Bảo tàng Oya luôn ở mức 70C, bởi thế các hãng rượu Sake danh tiếng của Nhật và Champagne của Pháp đã chọn Bảo tàng Oya làm nơi ủ các giọt rượu danh tiếng để đóng chai, xuất ra thị trường. 
    Với vòm trần cao đến hơn 30m, được thiết kế ánh sáng huyền ảo, đem lại cho không gian nội thất ở Bảo tàng Oya vẻ đẹp lung linh, kèm một chút ma mị, bí ẩn, cảm giác như đang lạc lối vào một cung điện vĩ đại từ thời Trung Cổ ở trời Âu. 
    Ngoài câu chuyện tái hiện lịch sử của nghề khai thác đá bằng hình ảnh, âm thanh, sắp đặt, không gian hầm đá trong lòng núi ở Bảo tàng Oya còn được tận dụng biến tấu thành không gian cho nghệ thuật truyền thống và đương đại. Nhiều tác phẩm nghệ thuật sắp đặt được trưng bày trong bảo tàng, dẫn dắt người xem vào những trải nghiệm và cảm xúc khác lạ. 
    Mỏ đá ở Oya giờ đã dừng khai thác, nhưng những gì người thợ đá để lại hôm nay, thực là một kết quả phi thường, là điểm tham quan độc - lạ và hấp dẫn trong số các bảo tàng danh tiếng ở Nhật Bản.
    Cột trụ khổng lồ trong bảo tàng cũng là các khối đá dính liền, tạo cảm giác như một công trình xây dựng kiểu La Mã cổ đại 
    Lối xuống tầng hầm ở Bảo tàng Oya, thật khó hình dung đây là một công trình trong lòng núi.
    Một tác phẩm nghệ thuật đương đại với trình diễn của sắp đặt và ánh sáng.
    Không gian Bảo tàng Oya mang lại cảm giác như đang trong một cung điện thời Trung cổ . Khoảng cách từng đường nét hoa văn trên vách tường chính là độ dày phiến đá.
    Lối cho người đi bộ và lối đi cho phương tiện xe tải, xe cơ giới trong hầm đá ở Oya.
    Không gian triển lãm ảnh nghệ thuật trong hầm núi đá Oya.
     
    Góc trưng bày các phiến đá đã được đẽo gọt hoàn thiện, chờ chuyển ra khỏi hang. Căn phòng chứa đá thành phẩm, có gờ cao đúng bằng sàn xe tải, giờ là sân khấu biểu diễn ca nhạc trong Bảo tàng Oya.
     
    Nguyễn Đình

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét