Thứ Năm, 14 tháng 3, 2019

Tonkatsu

Ẩm thực Nhật Bản dường như quá nổi tiếng với các món sushi hay sashimi mà thường dùng cá sống hay đặc dị như nhím biển. Nhưng bên cạnh đó các sushi bar hay có các món thịt nướng yakitori; món Tonkatsu trở nên phổ biến vì giá cả vừa phải hơn và không phải đợi lâu. Nó phổ biến với giới văn phòng ở Mỹ, vì đến giờ lunch thì chỉ cần tạt vô một nhà hàng Nhật và kêu món Tonkatsu là có thể có một bữa trưa ngon lành với đầy đủ hương vị của xứ sở anh đào.
Món này được phổ biến ở Nhật trong thời kỳ Minh Trị thoát Á, và nguyên bản được coi là một món yoshoku, tức là món ăn Nhật hóa của phương Tây. Sớm giao thoa với phương Tây, món Tonkatsu giữ mấy đặc điểm sau sự du nhập của các thương nhân Anh, Bồ Ðào Nha là được chiên ngập dầu, dùng một loại nước sốt kiểu Worcestershire và được tẩm bột và vụn bánh mì, nhưng phương thức và nguyên liệu cũng được Nhật hóa, tạo ra một món Tonkatsu có đặc trưng riêng biệt.
tonkatsu
Tonkatsu mà trong đó Ton có nghĩa là thịt heo và Katsu có nghĩa là cốt lết. Với cốt lết heo bỏ xương, cắt thành bít tết vừa cỡ và được đập mềm. Thịt sau đó được tẩm bột mì chỉ rất nhẹ và nhúng tiếp trong trứng rồi được bọc bên ngoài bằng vụn bánh mì Panko. Vụn bánh mì Panko là vụn bánh mì trắng nhưng không giống của phương tây vì nó rất nhẹ và xốp bông. Món ăn Nhật vốn chú trọng thanh nhẹ nên không dầu mỡ, nên dù Tonkatsu được chiên ngập dầu nó cũng không béo như các món chiên tẩm bột kiểu schnitzel của Áo hay escalope kiểu Pháp. Ðó là do thứ vụn bánh mì Panko kiểu Nhật hấp thụ ít dầu mỡ mà khiến cho Tonkatsu xốp bông, panko cũng được bán trong các siêu thị ở Mỹ.
Cốt lết sau khi chiên ngập dầu chừng vài phút vàng rộm và miếng thịt nổi lên là xong, chỉ cần ráo mỡ và cắt dọc vừa miếng gắp. Tonkatsu do chiên dầu nên bao giờ cũng được dùng với rất nhiều rau và không thể thiếu bắp cải thái sợi. Ðặc biệt là thời gian đầu khi món Tonkatsu được giới thiệu ở nhà hàng Rengatei, Tokyo năm 1989 thì nó được dùng với nước sốt Worcestershire nhập từ Anh quốc, sau này người Nhật đã biến thể thứ nước sốt này sền sệt hơn và chỉ dùng nguyên liệu chay gọi là “Usuta sosu” trong đó có táo, cà chua, khoai tây, bột mì, nước màu, gia vị. Nếu không thể kiếm thứ nước sốt “usuta sosu” thì có thể thay thế bằng nước sốt Worcestershire pha với sốt cà chua thêm chút xì dầu. Như vậy là đã xong một suất Tonkatsu. Một miếng cốt lết chiên xù với Panko, dùng với cơm trắng, phủ lên một lớp nước sốt Usuta sosu đậm đà và dùng với bắp cải thái sợi.
Một bữa trưa với món Tonkatsu quả là không tồi, nhà hàng Nhật có thể phục vụ bạn món này kèm thêm với một chén súp miso và chén dưa muối Tsukemono, giống như súp và rau dưa khi order cơm đĩa Việt. Và nếu cần thêm chút cay nồng, Tonkatsu cũng có thể chấm với thứ mù tạt karashi wasabi cay nóng mắt mà dân nghiện vẫn thường dùng với sushi!
Nếu ở Dallas thì chỉ cần ghé qua Greenville, nhà hàng Tampopo hay Wabi là có thể thưởng thức ngay món này.
NM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét