Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2019

Khám phá quần đảo Moluccas trên Thái Bình Dương

Máy bay đáp xuống sân bay Pattimura của đảo Ambon vào lúc gần trưa, hòn đảo thủ phủ của vùng biển Moluccas này chào đón chúng tôi bằng cái nắng cuối năm khá dịu và những làn gió vùng xích đạo trong lành.
Mấy năm gần đây, Moluccas hay còn gọi là quần đảo Gia Vị của Indonesia đang trở thành điểm đến hấp dẫn đối với những du khách yêu thích vẻ đẹp biển đảo hoang sơ. Quần đảo Gia Vị có hơn 1.000 đảo lớn nhỏ. Tuy chỉ một nửa trong số đó có người ở nhưng đảo nào có người ở, đảo đó đều là thiên đường với biển xanh cát trắng, rừng nhiệt đới xinh đẹp, các bộ tộc lâu đời và những món hải sản ngon quên sầu.
Kiến trúc bản địa vùng Moluccas
Kiến trúc bản địa vùng Moluccas

Vùng đất của đinh hương

Hơn năm thế kỷ trước, Moluccas bắt đầu trở thành địa điểm thường xuyên lui tới của các thuyền buôn Bồ Đào Nha và Hà Lan nhờ nguồn cây gia vị vô cùng phong phú, nổi tiếng nhất là đinh hương, nhục đậu khấu. Luồng giao thương này khiến Ambon vốn đã trù phú lại càng nhanh chóng phát triển nhờ vị trí trung tâm, diện tích lớn và đất đai phì nhiêu. Cư dân các đảo Gia Vị rất rành hướng gió và các diễn biến thời tiết, đa số họ là con cháu lâu đời của các thương gia đến đây theo ngọn gió mùa. Khoảng thế kỷ thứ IV trước Công nguyên, theo sau những phát hiện quy luật gió mùa trên các đại dương, các đội thuyền mành phát triển nhanh chóng thành các đoàn tàu buồm hoạt động theo những lộ trình nhất định, tạo nên con đường hương liệu.
Phong cảnh bờ biển Ambon
Phong cảnh bờ biển Ambon
Hơn một ngày lưu lại Ambon, chúng tôi được đi thăm đồn điền đinh hương và trang trại chế biến bột nhục đậu khấu xuất khẩu. Tại những ngôi làng nhỏ, hạt nhục đậu khấu thường được đựng trong những cái thúng rồi đặt lên mái nhà, hoặc được rải lên những tấm vải nhựa đặt trên con đường hẹp. Dưới nắng mặt trời, hạt nhục đậu khấu ánh lên màu đen bóng như ngọc.
Làng chài ở đảo Ambon
Làng chài ở đảo Ambon
Sự thịnh vượng cũng là nguyên nhân khiến hòn đảo thủ phủ nhiều lần rơi vào bất ổn do tranh giành giữa các phe phái. Tuy nhiên những gì du khách cảm nhận được ở đây là người dân vô cùng hiền hòa và nhịp sống luôn thong thả, yên bình. Các phố cảng xây từ thời thuộc địa trầm mặc rêu phong nhìn ra đại dương. Bên cạnh trường đại học cổ kính là nhà thờ Thiên Chúa giáo, vài biệt thự mang kiến trúc châu Âu, xa xa phía bờ biển có pháo đài đổ nát.
Đường làng bình yên gần sân bay trên đảo Ambon
Đường làng bình yên gần sân bay trên đảo Ambon
Lễ hội của ngư dân vùng biển Moluccas
Lễ hội của ngư dân vùng biển Moluccas
Bến cảng dài và sâu ở đảo Ambon là một trong những điểm lặn thám hiểm hàng đầu thế giới, một kiểu lặn chủ yếu để quan sát các động vật biển kỳ lạ như cá ếch, tôm hùm lông và những bậc thầy ngụy trang như lươn biển và cá sao Nhật. Buổi tối, du khách tụ tập tại các nhà hàng hải sản dân dã nhưng chế biến tôm, cua, cá ngon tuyệt vời. Xong bữa thì vào các nhà hát lớn nhỏ kiểu truyền thống – nơi tổ chức các buổi biểu diễn ca múa nhạc Poco Poco bản địa rất đặc sắc.

Những quần đảo hoang sơ hấp dẫn

Hôm sau chúng tôi lên máy bay để sang quần đảo Bandas cách Ambon chừng 120km. Là quần đảo núi lửa ẩn mình giữa Moluccas, Bandas bao gồm 10 hòn đảo nhỏ hình thành từ núi lửa. Quần đảo này là điểm hẹn hoàn hảo cho dân mê lặn biển bởi sở hữu làn nước trong veo và sự đa dạng sinh học. Những loài cá nhiệt đới, rùa và cá mập làm nên thế giới dưới nước phong phú, độc đáo.
Chìm dưới mặt nước các hải đảo là những cánh đồng san hô nối tiếp nhau tạo thành các thủy cung, nơi hàng vạn sinh vật có cuộc sống riêng, nét đẹp riêng, nơi các du khách phương Tây sẵn sàng bỏ nhiều tiền, chịu nhiều cực khổ lặn lội đến đây để được lặn xuống chiêm ngưỡng, khám phá. Những ngọn núi lửa (thỉnh thoảng còn thức dậy) cũng góp phần tạo nên khung cảnh hùng vĩ ấn tượng cho đảo khi nhìn từ trên cao. Đảo Hatta có một số nhà nghỉ cho du khách qua đêm và cho thuê khá đầy đủ dụng cụ để lặn tự do.
Du khách thích thú trước bãi biển ngoạn mục ở đảo núi lửa Bandas
Du khách thích thú trước bãi biển ngoạn mục ở đảo núi lửa Bandas
Ngoài hệ sinh vật biển, quần đảo núi lửa này còn có địa chất, thổ nhưỡng rất hấp dẫn giới nghiên cứu trên khắp thế giới. Mùa này thời tiết ít mưa lại mát mẻ, trên mấy con đường nhỏ xuyên đảo thỉnh thoảng chúng tôi lướt qua các nhóm khách quốc tế đi thực địa. Thật khó hình dung ở một vùng đảo xa vắng của Indonesia lại có những khung cảnh đẹp đến vậy. Nằm giữa các dòng nham thạch xám xanh dựng đứng là các cánh rừng hương liệu nguyên sinh, ngút ngàn, trùng điệp, đầy nắng, đầy gió.
Làng chài xinh đẹp trên đảo Kei
Làng chài xinh đẹp trên đảo Kei
Từ sân bay Pattimura, chúng tôi mất một tiếng rưỡi đồng hồ để bay đến sân bay Karel Satsuitubun ở Langgur, thủ phủ khu vực đông nam Moluccas. Langgur là trung tâm của quần đảo Kei – điểm đến mới đang được Bộ Du lịch Indonesia quảng bá mạnh mẽ. Quần đảo Kei gồm hai đảo chính là Kei Besar và Kei Kecil. Kei Kecil bắt đầu được du khách phương Tây chú ý nhờ những bãi biển hoang sơ đẹp tuyệt vời. Tuy giá vé máy bay khá cao và không có chuyến bay trực tiếp từ thủ đô Jakarta, nhưng cũng chính vì vậy Kei Kecil chính là thiên đường cho dân mê du lịch tìm kiếm những nơi không có quá nhiều du khách và yêu mến vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên.
Đảo Kei có hệ thống đầm phá rất đẹp
Đảo Kei có hệ thống đầm phá rất đẹp
Với sắc nước biển xanh ngọc lam lấp lánh và những đầm phá nước trong như pha lê, quần đảo này, dưới góc nhìn văn hóa lẫn cảnh quan đều rất giống với những đảo thuộc quần đảo Polynesia như Tahiti và Fiji. Kei là điểm đến không thể lý tưởng hơn cho một ngày hòa cùng biển cả, lười biếng đong đưa trên võng, vừa thưởng thức quyển sách tâm đắc vừa nhâm nhi nước dừa mát lạnh.
Một tộc người trong quần đảo Moluccas
Một tộc người trong quần đảo Moluccas
Bên cạnh đó, Kai Kecil còn những ngôi làng chài hàng ngàn năm tuổi với người dân vẫn giữ nguyên tập tục lối sống của cha ông. Đặc sắc nhất là làng Ohoidertawun nằm nép mình trong một vịnh biển thơ mộng. Ngôi làng huyền bí này cuốn hút du khách với tập tục giấu những bộ xương người chết trong các hang động bên bờ biển, dựng nên bao câu chuyện ma quái kỳ bí…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét