Chủ Nhật, 3 tháng 3, 2019

Gottingen – thành phố tri thức và tình yêu

Gottingen

“Ôi! Đẹp làm sao những đóa hồng ở Gottingen! Gottingen…”. Đó là lời mà ca sĩ Barbara đã cất lên từ một bài hát ca ngợi vẻ đẹp lạ lùng có một không hai của thành phố này. Gottingen là “Thành phố Đại học” (Ville Universitaire), “Cái nôi của tri thức” (Berceau du savoir), là một thành phố cổ kính nhưng luôn trẻ trung và quyến rũ của nước Đức.
Gottingen nằm trên tuyến quốc lộ A7 Bắc – Nam, khoảng giữa thành phố Hamburg và Frankfurt, được bao bọc bởi đồi núi ngát xanh của thung lũng sông Leine. Tiền thân của Gottingen là ngôi làng nhỏ có tên Gutingi. Từ thế kỷ XII, nhờ vị trí thuận lợi là nơi giao lưu của các con đường thương mại cổ xưa, Gutingi dần trở thành Gottingen, một thành phố phồn vinh.
Bước ngoặt quan trọng của thành phố là vào năm 1734, khi Georges Auguste – hoàng tử Hanovre, thành lập ở đây một trường đại học, mà chỉ trong vòng vài thập niên đã trở thành đại học nổi tiếng nhất nước Đức.
Gottingen
Vị Viện trưởng đầu tiên của Đại học Gottingen là giáo sư Gerlach Adolphe de Munchhausen (1688-1770). Với tinh thần của “Thế kỷ ánh sáng” (Siecle des Lumieres), ông đã thổi vào đây một luồng sinh khí mới: tự do trong giảng dạy, trong nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo. Ông còn quyết tâm mời cho được những vị giáo sư lỗi lạc nhất về giảng dạy ở trường. Bằng cách đó, ông đã thiết lập nền tảng vững chắc cho một trường Đại học Gottingen nổi tiếng sau này.
Năm 1837, Vua Ernst August độc đoán hủy bỏ hiến pháp 1833. Nhiều giáo sư của trường đã gởi kiến nghị phản kháng và bị nhà vua sa thải một cách thô bạo. Thế đó, đội ngũ giáo sư của trường vừa là những nhà khoa học lỗi lạc vừa là những nhân cách vĩ đại.
Trong suốt chiều dài lịch sử vẻ vang của mình, Gottingen đã đào tạo ra nhiều những nhà văn, nhà khoa học, nhà chính trị lỗi lạc… Họ đã mang về cho trường 40 giải thưởng Nobel. Từ thập niên 20 của thế kỷ XX, Đại học Gottingen trở thành trung tâm của khoa học hạt nhân và đã thu hút về đây những nhà bác học vĩ đại nhất của thế giới, trong đó có Einstein. Sau Thế chiến thứ II, Gottingen nhanh chóng được phục hồi, mở rộng và phát triển không ngừng.
Gottingen
Ngày nay, Đại học Gottingen có hơn 30.000 sinh viên, 14 khoa, cùng với nhiều chuyên ngành công nghệ hiện đại, 2.500 giáo sư và cộng tác viên, 7.000 nhân viên kỹ thuật và hành chính. Một thư viện đồ sộ cung cấp 5,4 triệu cuốn sách cho những ai khao khát kiến thức. Gottingen tiếp tục là “cái nôi của tri thức”, lò đào tạo nhân tài, niềm tự hào của nước Đức và của nhân loại. Đại học Gottingen đã làm thay đổi hẳn diện mạo thành phố: một giai điệu lạ lùng, một phong cách và tính cách, nét quyến rũ, không khí trí tuệ và văn hóa.
Nét nổi bật nhất của Gottingen là sự kết hợp một cách thông minh và hài hòa giữa đặc điểm của một thành phố cổ với những yếu tố hiện đại của một thành phố đại học, tạo nên không gian sống độc đáo, lạ lùng, say đắm và hoàn hảo, giống như biểu tượng của thành phố đặt trên đài nước ở quảng trường tòa thị chính: không phải là một nhà bác học vĩ đại, không phải là một nhà văn, không phải là một hoàng tử, mà là một cô gái nghèo, trẻ, dịu dàng và chan chứa.
Nhiều nhà khoa học, nhà văn, nghệ sĩ, tài tử giai nhân… mơ ước đến đây để được sống, nghiên cứu, sáng tác trong âm hưởng tuyệt vời của Gottingen. Và họ đã đến, tuy chỉ vài năm thôi, nhưng mỗi người mỗi cách đã để lại dấu ấn không thể phai mờ. Đó là những mảng màu đa sắc góp phần tạo nên bức tranh Gottingen rực rỡ sắc màu, ngào ngạt hương hoa và đằm thắm tấc lòng dịu ngọt.
Khu vực trung tâm thành phố Gottingen
Khu vực trung tâm thành phố Gottingen
Đời sống của thành phố chủ yếu diễn ra ở khu vực trung tâm. Ở đó, người ta có thể đi bộ đầu này đến đầu kia chưa quá 15 phút, không kể thời gian du khách phải dừng chân ngẩn ngơ trước các công trình kiến trúc, nghệ thuật rải rác khắp nơi. Nhà thờ Saint Jacques là tuyệt tác của kiến trúc Gothique.
Cùng với Tòa thị chính là công trình được xây dựng từ thời kỳ đầu phồn vinh (thế kỷ XIII – XV), tòa nhà cổ nhất của Gottingen bệ vệ ngự trị trên đường Rote StraBe. Nhà thờ St. Johannis với hai ngọn tháp cao không bằng nhau. Trên đỉnh tháp cao là căn phòng của những sinh viên nghèo – đó là ngôi nhà trọ cao nhất nước Đức. Kho báu của Gottingen được trưng bày trong 11 viện bảo tàng, bao gồm nhiều lĩnh vực: dân tộc học, lịch sử, hàng hải, âm nhạc, ẩm thực…
Tại khu trung tâm, còn tồn tại nhiều ngôi nhà với nhiều kiểu dáng khác nhau qua suốt quá trình phát triển. Những con đường cũ, những ngõ phố xưa… Mặt trước của nhiều ngôi nhà có tấm bảng khắc tên các danh nhân, năm sinh, năm mất, đã sống ở đây từ năm nào đến năm nào. Nhiều đến nỗi tưởng như thành phố từng là nơi chỉ dành riêng cho những bậc tài hoa cái thế ở đời. Tiếng phong cầm của một nghệ sĩ lang thang nào đó lùa theo gió, vang vọng qua các dãy phố, như giai điệu của chiếc nôi đong đưa giữa quá khứ và hiện tại, giữa hiện tại với mai sau.
Gottingen
Tôi dừng chân nơi một quán cà phê trên con đường mang tên Goeth. Cái quán này thuở xưa hẳn Goeth và bạn bè thường tụ hội. Bên kia đường là ngôi nhà Goeth đã ở. Sau cửa sổ căn phòng ấy hẳn ông thường ngồi nhìn trời, mộng mơ – những tâm hồn như thế không thể quay lưng trấp mặt với những gì cao rộng.
Gottingen có khoảng 100.000 dân, trong đó 1/3 dân số thành phố là sinh viên. Tôi đến thăm Gottingen dịp cuối tuần, thành phố rộn ràng những công dân trẻ trung, phơi phới, đẹp như người mẫu, với đủ thứ màu da: trắng, đen, nâu, vàng. Tôi thầm hỏi, không biết ai trong số họ rồi đây sẽ là những nhà khoa học, nhà thơ, nhà doanh nghiệp, thủ tướng, bộ trưởng…
Một thiếu phụ trẻ măng đẩy chiếc xe bên trong có em bé kháu khỉnh mà theo tôi rất có thể là bằng chứng của một cuộc tình thơ dại. Người ta nói, những đứa trẻ sinh ra từ tình yêu và tuổi thanh xuân lớn lên sẽ thông minh sáng láng với tâm hồn cao đẹp. Tôi tin thế. Và tôi bỗng vẫy tay chào nhân cách tí hon đang ngo ngoe trong chiếc xe đẩy kia.
Bức Tượng đài Liesel - biểu tượng của Gottingen
Bức Tượng đài Liesel – biểu tượng của Gottingen
Ôi đôi mắt của cháu mới đẹp làm sao. Hẳn là từ trong bụng mẹ, cháu đã được nghe những lời hay ý đẹp từ trên giảng đường. Mong sao sự nghèo khổ và bom đạn đừng bao giờ đến với cháu. Mong sao lớn lên cháu được sống trong âm nhạc, tình yêu và hòa bình. Và cả bà mẹ trẻ kia nữa, tôi cũng cầu cho cô và tình yêu của cô xanh mãi cây đời.
Tôi chụp nhiều ảnh dưới tượng đài cô gái Liesel – biểu tượng của thành phố. Chuyện kể rằng, hồi ấy có chàng sinh viên quý tộc yêu cô gái nghèo chăn ngỗng. Họ không lấy được nhau chỉ vì họ khác giai tầng. Câu chuyện tình buồn ấy là nỗi đau đối với Gottingen. Rồi người ta cho dựng tượng nàng ở quảng trường trung tâm thành phố. Đó là một cô gái trẻ, dịu dàng, thơ ngây, tay ôm bó hoa, tay xách con ngỗng, miệng như muốn nói điều gì…
Theo tục lệ của Gottingen, sau khi bảo vệ thành công luận án, các tân tiến sĩ đến quảng trường, leo lên đài nước, nghiêng mình hôn lên má cô gái. Không nghi ngờ gì nữa, cô gái là nhân vật được hôn nhiều nhất thế giới. Có phải đó là nụ hôn muộn màng, hối tiếc hay là một lời nguyện ước. Rằng mọi đỉnh cao trí tuệ, mọi học hàm học vị chẳng có ý nghĩa gì nếu như không góp phần kiến tạo nên một thế giới mà những người yêu nhau không hề bị bất cứ ai chia lìa họ.
Gottingen
Gottingen có nhiều quán sách, nhiều hàng hoa. Hèn chi thành phố lúc nào cũng phảng phất cái mùi của tri thức và tình yêu. Bên kia đường, một chàng trai trẻ ôm bó hoa trên tay. Nhìn nét mặt ngời ngời của cu cậu chắc không đi dự sinh nhật bạn gái thì cũng đến điểm hẹn.
Chao ôi, những đóa hồng tươi thắm thế cần gì phải nói lời tỏ tình. Mong sao, những đóa hoa kia dù có héo tàn đi trong đôi ba ngày nhưng tình yêu của họ thì mãi mãi bền lâu cho đến mai sau. Đi trên đường phố Gottingen, người ta chỉ muốn nghĩ những điều tốt lành, nói những lời tốt lành, làm những việc tốt lành.
Các buổi hòa nhạc được tổ chức thường xuyên và khắp nơi trong thành phố. Nhưng sự kiện âm nhạc vang dội nhất của Gottingen là Festival Handel được tổ chức dịp đầu hè, đủ mặt anh tài âm nhạc khắp nơi về dự. Gottingen là thành phố vui sống, không hề có chỗ cho những nỗi buồn.
Quảng trường trung tâm đủ rộng cho những trái tim cuồng nhiệt, nếu bạn không muốn đi xa một chút ra vùng ngoại ô tham gia các trò chơi thể thao như chèo thuyền, cỡi ngựa… hay thơ thẩn ven hồ Seeburg nổi tiếng có tuổi đời 2.500 năm.
Gottingen
Buổi tối lang thang qua các đường phố Gottingen là một hạnh phúc. Rất dễ có cảm giác có một nhân loại thu nhỏ đang dạo chơi ở đây. Chỉ mấy vị “nhân loại con” là được nằm xe, miệng cười tươi như hoa còn đôi mắt thì ngời theo bố mẹ. Ôi, mưa ở Gottingen cũng giống như mưa ở Baghdad, những bông hồng ở Gottingen cũng giống như những bông hồng ở Baghdad, cớ sao trẻ em ở Baghdad không được như trẻ em ở Gottingen!
Là “Thành phố Đại học”, là “Cái nôi của tri thức”, không biết sinh mệnh của Gottingen được định đoạt từ bàn tay của số phận hay từ sự tính toán của một đầu óc lỗi lạc? Thời ấy, các thành phố trong vùng tranh nhau những công trình vừa được quy hoạch. Kassel nhanh tay giành phần béo bở: xây dựng ngành tư pháp, kinh tế. Không lâu sau, Kassel trở thành thành phố công nghiệp, hiện đại với đầy rẫy tội phạm và các vấn đề xã hội.
Trong lúc Gottingen, không ngờ định mệnh mỉm cười với chữ nghĩa, trở thành thành phố đại học, cái nôi của tri thức, niềm kiêu hãnh của nước Đức, chốn bồng lai tiên cảnh giữa cõi trần. Âu đây cũng là bài học cho nhân loại bất cứ thời đại nào: không được coi thường giá trị tri thức.
Ai từng đến với Gottingen hẳn mong có ngày trở lại. Hôm chia tay, tôi cũng hẹn với Gottingen sẽ trở lại. Gottingen là một trong ít thành phố đã để lại trong tôi ấn tượng sâu đậm nhất trên những con đường tôi đã đi qua. Và thú thật, mỗi lần nghĩ về nó, tôi hay liên tưởng đến thành phố Huế thương yêu của tôi, rồi thầm mơ, ước chi… ước chi…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét