Thứ Bảy, 2 tháng 2, 2019

Vì sao geisha dần biến mất tại Nhật Bản?

Một giáo viên Nhật Bản cho rằng khi geisha biến mất chính là ngày tàn cho một nền văn hóa truyền thống đặc sắc.

Vào một tối mùa đông, geisha Kikuno cùng hai cô gái tập sự maiko đang tổ chức tiệc tối trong nhà hàng Sushi Isshin tại quận Yushima (Tokyo, Nhật Bản). Những kỹ nữ truyền thống của Nhật Bản thay nhau mời khách nhấp rượu sake, thưởng thức những khay sushi.
Khách khứa đang trò chuyện rôm rả, bỗng một tiếng suỵt vang lên khi ba kỹ nữ bắt đầu màn biểu diễn. Kikuno uyển chuyển nhảy trong tiếng đàn shamisen nảy lên từng nhịp êm dịu. Thực khách tán thưởng hết mình khi tiết mục kết thúc, các kỹ nữ chuyển sang phần giao lưu.
Những trò chơi không hề khó nhằn, thường liên quan đến một bài hát nào đó và người thua cuộc buộc phải cạn một chén sake. Nhờ Kikuno dẫn dắt trò chơi, tất cả thực khách đều cười nói vui vẻ và từng người thua cuộc đều uống hết rượu phạt.
Tiệc tàn, thực khách kéo nhau ra con phố náo nhiệt bên ngoài. Kikuno có vẻ hài lòng, thành công của buổi tối hôm đó chứng tỏ vị thế của một geisha duyên dáng có khiếu hài hước. Bữa tiệc này là một phần trong dự án Kagai Restoration Project do Kikuno khởi xướng từ năm 2012. Cô mong muốn hồi sinh văn hóa geisha tại quận Ganrinin, thành phố Nara (Nhật Bản) - nơi cô bắt đầu sự nghiệp của một geisha từ đầu những năm 2000.
"Nếu chỉ tiếp tục những gì chúng tôi từng làm trong quá khứ thì chưa đủ. Tôi có trách nhiệm với những cô gái trẻ tuổi. Với cương vị của một người lâu năm trong giới, tôi muốn trao đi điều gì đó", Kikuno nói trên Japan Times.

Video Player is loading.


Hiện tại 0:38
/
Thời lượng 0:57
Đã tải: 0%
Tiến trình: 0%

Màn múa trong bộ phim nổi tiếng Hồi ức của một Geisha (Memoirs of a Geisha) với sự góp mặt của Chương Tử Di và Dương Tử Quỳnh. Video: YouTube.
Một đời làm geisha
Kikuno đã tìm hiểu văn hóa geisha trong hơn 30 năm. Từ khi chỉ là một cô bé tomboy để tóc ngắn tới trường, cô đã nhen nhóm hứng thú trở thành một kỹ nữ. Cô bé Kikuno ngày nào chỉ vừa học hết trung học khi trở thành kỹ nữ tập sự nhờ công của dì, người mở một phòng trà geisha vào thời điểm đó.
Kikuno bắt đầu khổ luyện từ tuổi 15, phải học đủ lễ nghĩa từ cách gấp và mặc kimono cho tới cách ngồi với toàn bộ chân khép gọn. Cô được dạy dỗ để ít dành thời gian bên gia đình và bạn bè, cũng như tránh xa nhạc pop - thứ có thể ảnh hưởng khả năng cảm thụ âm thanh từ đàn shamisen.
"Tôi hoàn toàn tách biệt khỏi thế giới. Nhưng khi đó tôi chỉ mới 15 tuổi, nên chấp nhận cuộc sống như vốn vẫn vậy", Kikuno nói.
Chân dung Kikuno. Ảnh: Kazuhiro Takahashi.
Chân dung Kikuno. Ảnh: Kazuhiro Takahashi.
Ngày ngày, Kikuno phải học trường ca nagauta và kouta, theo các lớp trà đạo, cắm hoa nghệ thuật, thư pháp và học các điệu múa truyền thống Nhật Bản. Tối tối, Kikuno sẽ được hướng dẫn ngồi trên nệm tatami khi đang mặc kimono và xem những geisha trình diễn trong phòng trà. Kikuno phải quan sát khi nào cần thay gạt tàn, rót rượu sake và tập trò chuyện với khách.
"Đầu tiên, tôi chỉ ngồi và quan sát, rất thú vị. Những người đàn ông đến phòng trà với vẻ nghiêm nghị, nhưng mặt họ giãn dần sau khi uống và nói chuyện với geisha", cô kể lại.
Kikuno chính thức trở thành một maiko vào năm 18 tuổi, cuộc sống bỗng nhiên bận rộn hơn. Cô thiếu nữ ngày nào bắt đầu phải trang điểm và mặc kimono để tới lớp học múa mỗi sáng. Tiếp đến là tiệc trưa, sau đó cô sẽ đi học trường ca nagauta và đến tiệc tối, tranh thủ lúc nào đó ăn chút gì lót dạ. 20h, Kikuno trở lại phòng trà và tiếp khách đến nửa đêm.
Kikuno không thể quên cảm giác mệt mỏi đến mức muốn gục ngã, thân thể đau đớn chống chọi với chứng thoát vị đĩa đệm và tổn thương gan.
Kikuno trở thành geisha vào tuổi 23. Nhiều năm trôi qua, các geisha khác lần lượt về hưu hay bỏ việc, cho tới khi cô trở thành geisha duy nhất còn lại ở Nara.
"Gần 20 năm trước, lượng khách đến những buổi tiệc tối đã vãn hẳn, mà không ai làm gì để thay đổi. Có người nói rằng phụ nữ có thể làm geisha cả đời, nhưng càng nhiều tuổi chúng tôi càng xuống sắc. Khách sẽ chẳng tìm đến nữa nếu các geisha không thể đem đến điều gì mới mẻ như màn nhảy kiệt xuất hay một cuộc trò chuyện đáng nhớ", Kikuno nhận định.
Vẻ đẹp mai một
Trong cuốn Geisha: Lịch sử bí mật của một thế giới đang biến mất, tác giả Lesley Downer nhận định mọi người trong hoa liễu giới đều lo lắng cho tương lai.
Vấn đề nằm ở khoảng cách giữa geisha và xã hội hiện đại. Geisha không thay đổi, họ như mắc kẹt trong quá khứ. Nhưng xã hội Nhật Bản biến đổi không ngừng và tiến về phía trước với tốc độ chóng mặt. Geisha chỉ là một phần nhỏ bé giữa Pokemon, Nintendo, Sony, hay những vấn đề về bình đẳng giới trong chính trị và kinh doanh, nơi phụ nữ chọn sống độc thân vì không muốn dành cả đời chăm sóc cho chồng con, những người già chọn ly hôn ở tuổi về hưu...
Nhật Bản ngày nay tràn ngập những tòa nhà bê tông chọc trời, phố sá sáng bừng ánh đèn neon, giao thông nhộn nhịp, giới trẻ ăn mặc phá cách và "bay" hết mình trong những đại tiệc âm nhạc... 
Geisha là những người hoàn toàn lạc lõng giữa bản hòa tấu hiện đại của Nhật Bản. Ảnh: Lucas Vallecillos.
Geisha là những người hoàn toàn lạc lõng giữa bản hòa tấu hiện đại của Nhật Bản. Ảnh: Lucas Vallecillos.
Một người bạn than thở với Lesley rằng giới trẻ ngày nay không thể hiểu vẻ quyến rũ của hoa liễu giới. "Thời xưa, bạn sẽ ngồi yên lặng và trò chuyện với một geisha, ngẩn ngơ vì vẻ đáng yêu của cô ấy trong bộ kimono tuyệt đẹp, uống trà và mua vài đồ thủ công tinh xảo. Nhưng trong thế giới hiện đại, không còn ai biết trân trọng những điều đó".
Anh hy vọng hoa liễu giới sẽ trường tồn, nếu không con người giữa thế giới này sẽ thật cô đơn và thui chột. "Nhật Bản sẽ trở thành một Hong Kong thứ hai, chẳng có gì ngoài ánh đèn neon. Geisha cao tuổi nhất tại Shimbashi (Tokyo) đã 90 tuổi. Bà ấy bảo rằng điều tồi tệ nhất sẽ xảy ra nếu geisha biến mất, tệ hơn cả một trận động đất hay chiến tranh - chính là kết thúc".
Một giáo viên dạy đàn shamisen từng dành cả đời cho văn hóa geisha nói với Lesley rằng: "Cung cách ứng xử lịch thiệp dần biến mất tại Nhật Bản. Nơi duy nhất lối sống này tồn tại là hoa liễu giới. Hệ thống okiya - yêu cầu maiko khổ luyện trong những nhà geisha dưới sự quản lý nghiêm khắc của các bà mẹ Okasan, đã bảo tồn nét ứng xử tinh tế của kỹ nữ nhờ các nguyên tắc khắt khe".
Bà cho rằng, khi geisha biến mất chính là dấu chấm hết cho những gì tạo nên một Nhật Bản độc đáo, là ngày tàn cho một nền văn hóa truyền thống của Nhật Bản.
Nỗ lực bảo tồn một thế giới đang biến mất
Văn hóa geisha khởi nguồn từ thời Edo (1603-1868), hình thành giới karyūkai ("hoa liễu giới" - thế giới của hoa và liễu ý chỉ thế giới thanh lịch và văn hóa). Một trong những quận geisha cổ nhất của Nhật Bản tại Kyoto là Gion Kobu và Kamishichiken, Asakusa, Kagurazaka và Shinbashi tại Tokyo.
Sumi Asahara, một nhà báo đã đưa tin về geisha trong 20 năm qua, cho rằng văn hóa này rất hấp dẫn: "Những phụ nữ này rất độc đáo, đến mức họ là bậc thầy của nghệ thuật tiếp đón. Họ có khả năng trình diễn những màn nghệ thuật truyền thống và mua vui cho khách".
Ước tính có khoảng 40.000 - 80.000 geisha trên khắp xứ sở hoa anh đào vào giai đoạn đầu của thời kỳ Chiêu Hòa (1926-1989). Asahara ước tính có khoảng 600 geisha còn hoạt động tại 40 quận của Nhật Bản vào năm 2017.
"Những nơi từng tồn tại 20 năm trước đã biến mất, những nơi còn lại không có sức sống. Theo lẽ tự nhiên, ngày càng nhiều nhà hàng truyền thống đóng cửa vì không có khách và tuổi đời của các kỹ nữ đã cao. Mọi người chật vật bảo tồn nét văn hóa này", Asahara nói.
Susumu Nakano, giám đốc điều hành một khách sạn tại thành phố Niigata, cho biết khoảng 20 năm trở lại đây, không còn cô gái nào học tập để trở thành kỹ nữ, do đó geisha trẻ nhất cũng đã gần 40.
Ông Nakano thành lập Ryuto Shinko, một đoàn nhạc kịch chiêu mộ những cô gái trẻ tài năng, huấn luyện họ trở thành furisode và tomesode - những thuật ngữ tương đương maiko và geisha. Thời gian đầu rất khó khăn, ông Nakano phải trả các cô gái gấp đôi mức lương khởi điểm của nhân viên công ty thời đó, sắp xếp nơi ăn chốn ở và thuyết phục họ theo đuổi nghề ít nhất một năm.
30 năm sau, Ryuto Shinko thu hút từ một đến ba thành viên mới. Gần đây, những sinh viên mới tốt nghiệp cũng quan tâm đến đoàn nhạc kịch, và một số còn tiếp tục theo nghề dù đã kết hôn hay sinh con.
Lớp học múa quạt của một Okasan. Ảnh: Lucas Vallecillos.
Lớp học múa quạt của một Okasan. Ảnh: Lucas Vallecillos.
Người kế tục
Trở lại thành phố Nara với Kikuno, cô đang thử những chiến lược mới. Nhờ Internet, Kikuno đã liên hệ với những geisha tại các vùng khác của Nhật Bản - họ cũng chật vật tìm người kế tục. Theo truyền thống, geisha không bao giờ giao thiệp hay làm ăn chung với người trong giới từ các vùng khác, nhưng Kikuno hiểu rằng đã đến lúc cô phải thay đổi.
Kikuno cũng có một lý do cá nhân khác để thực hiện dự án Ganrinin: Cô không muốn chết trong cô độc. Cô đã chứng kiến vô số geisha không tìm được tập sự, và họ qua đời vì tuổi già mà không có ai săn sóc. Kikuno ngưng câu chuyện, mắt đẫm lệ khi nhớ đến geisha dạy cô chơi đàn shamisen 15 năm trước, người giã từ trần thế mà chỉ có vài học trò bên cạnh.
"May mắn là chúng tôi vẫn có thể tổ chức tang lễ cho bà, nhưng có những geisha ngoài kia không thể làm đám tang cho chính mình. Geisha có tuổi thường chết trong cô độc, tôi thi thoảng vẫn nghĩ tới ngày tận của mình. Đó là lý do tôi muốn kết nối với những geisha khác", Kikuno trải lòng.
Kikuno đã tổ chức nhiều dịp giao lưu dành cho geisha tại Nhật Bản và tham dự nhiều sự kiện quảng bá quốc tế. Cô nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa geisha, cũng như khuyến khích thử những điều mới mẻ, dấn thân đến những vùng đất mới.
Nhờ quyết tâm và sức sáng tạo, Kikuno đã chiêu mộ thêm ba maiko với một người đang làm việc tại Nara, và một học trò có tên Kikukame đã trở thành geisha chính thức.
"Như nhiều nghệ thuật và nghề truyền thống khác, thế giới geisha cần ai đó truyền lại những tinh hoa cho đời sau. Là một người chọn trở thành một phần của thế giới này, tôi tin rằng đó là số mệnh cũng như nghĩa vụ của mình", Kikuno bày tỏ.

Tiểu Bảo

Chơi đàn shamisen - bài học vỡ lòng của mọi geisha

Để trở thành geisha, các cô gái bước vào nghề từ năm 15 tuổi sẽ phải học chơi đàn shamisen, một loại nhạc cụ truyền thống của Nhật Bản

Ngoài kỹ năng múa, hát, cắm hoa, tiếp rượu, hầu chuyện, các cô gái muốn trở thành geisha phải học cách chơi đàn shamisen. Đây là một trong những yêu cầu bắt buộc với tất cả geisha và phải mất nhiều năm mới có thể thành thục.
Shamisen là nhạc cụ 3 dây, xuất hiện ở Nhật Bản từ thế kỷ 16, được sử dụng trong các buổi biểu diễn. Nhạc cụ này gồm hai phần chính: cổ đàn gọi là "sao" và thân đàn gọi là "do". Đàn được chơi bằng cách dùng một dụng cụ tên bachi để gảy. Vẻ ngoài của nó được thiết kế khá giống guitar, nhưng cổ đàn mỏng hơn và không có phím.
choi-dan-shamisen-bai-hoc-vo-long-cua-moi-geisha
Đàn shamisen là nhạc cụ không thể thiếu trong các tiết mục biểu diễn của geisha. Ảnh: Printest.
Tùy vào kích thước, người Nhật chia đàn shamisen thành 3 loại cơ bản, gồm hosozao, chuzao và futozao, theo đó bachi cũng khác nhau. Hộp đàn giống như một cái trống với hai mặt phủ da. Loại da được dùng để làm đàn phụ thuộc vào thể loại và kỹ năng của người chơi. Đàn shamisen dành cho những người mới học thường sử dụng chất liệu da chó, đôi khi là chất dẻo công nghiệp, bởi loại này dễ dàng thay thế và rẻ hơn. Với những nghệ nhân chơi shamisen, đàn thường sử dụng chất liệu da mèo vì nó cho âm thanh tinh tế nhưng khá đắt đỏ. Riêng dây dàn làm từ lụa. Miếng gẩy cũng được làm từ nhiều chất liệu như gỗ, nhựa hoặc ngà voi.
Đàn shamisen được sử dụng để đệm cho các bài hát truyền thống Nhật Bản. Trong đó, geisha thường chơi đàn shamisen cho các bài hát dân ca ngắn, gọi là kouta. Âm thanh của shamisen rất nhẹ nhàng và tinh tế. Tiếng đàn có thể mô phỏng âm thanh của tự nhiên như tiếng gió thổi, nước chảy hay biểu lộ tâm trạng của con người.
choi-dan-shamisen-bai-hoc-vo-long-cua-moi-geisha-1
Đàn được các geisha và nghệ sĩ giữ gìn rất cẩn thận. Ảnh: China Daily
Trước đây, các geisha sử dụng đàn shamisen để phục vụ nhu cầu giải trí của tầng lớp quý tộc Nhật Bản và samurai. Ngày nay, nhạc cụ này vẫn được các geisha biểu diễn trong các tiết mục giới thiệu văn hóa truyền thống đến du khách. Tuy nhiên, ngoài geisha, loại nhạc cụ này cũng được chơi bởi nhiều nghệ sĩ khác.
Một trong những điểm geisha biểu diễn nổi tiếng nhất ở Nhật Bản là quận Gion, Kyoto. Ngoài ra, còn có Miyagawachou, Kamishichiken, Pontocho, cũng nằm ở cố đô Nhật Bản. Tại Tsugaruhan Neputa Mura, tỉnh Aomori, du khách còn có cơ hội trải nghiệm chơi loại nhạc cụ này. Phí tham gia là 1.500 yen (hơn 320.000 đồng).
Không chỉ bó hẹp ở phạm vi trong nước, Nhật Bản cũng thường xuyên tổ chức các show diễn với đàn shamisen đến các quốc gia trên thế giới. Một trong số đó là Hòa nhạc giao hưởng cổ điển chọn lọc (One Asia Joint Concert) với sự kết hợp của các nghệ sĩ Đông Nam Á. Ngày 7/9, các nghệ sĩ Nhật Bản đã cháy hết mình với đàn shamisen khi mang đến khán giả Hà Nội những bữa tiệc âm nhạc đầy màu sắc.
choi-dan-shamisen-bai-hoc-vo-long-cua-moi-geisha-2
Nghệ sĩ Nhật chơi đàn shamisen cùng với một số nhạc cụ truyền thống Việt Nam. Ảnh: Trần Hằng.


Vy An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét