Thứ Năm, 14 tháng 2, 2019

Khám phá nước Nhật

Chất men say của 'Chủ nghĩa bản thân'

Lần theo trục xoay chuyển của thời gian, đi qua các mùa để tiếp cận Nhật Bản, tập du kí của Nguyễn Chí Linh không chỉ đưa người đọc đến với những địa danh nổi tiếng mà còn đào sâu vào lịch sử, văn hóa để kể cho người đọc câu chuyện của một đất nước. Kèm theo đó, là lời giải cho câu hỏi chung của rất nhiều người: Vì sao nước Nhật, người Nhật lại được cả thế giới kính trọng?
Mỗi khi sang Việt Nam vào những ngày cuối năm, Fujita thường mua một cặp rượu Sake trong đó một chai để tặng tôi và một chai để hai anh em chén thù chén tạc trong ngày Noel lạnh giá.
Fujita cho biết người Nhật ngày nay không thích uống rượu Sake bởi cho rằng hương vị của nó quá nhạt nhẽo nên họ thường dùng bia hoặc các loại rượu Whisky có vị đậm đà hơn. Cuộc sống vốn quá muộn phiền, đầy lo âu nên người ta muốn quên đi những thứ không cần nhớ. Uống rượu Sake biết đến bao giờ mới xỉn mà ngủ cho quên? Vậy nên rượu Sake chỉ được những người có tuổi ở các vùng nông thôn ưa chuộng khi mang đến cảm giác lâng lâng vừa ủ. Và nó cũng là thứ không thể thiếu trong mâm lễ cúng bái tổ tiên.
Một ai đó đã nói với tôi, khi say người ta sẽ nói thật mọi điều đang chất chứa trong lòng và ngà ngà trong hương rượu Sake, Fujita đã tâm sự một cách thành thật. Dù là nền kinh tế lớn trên thế giới, có xu hướng cởi mở nhưng những gì tồn tại trong lòng nước Nhật vẫn là một văn hóa phương Đông xen lẫn với những tàn dư phong kiến còn sót lại. Fujita vô cùng khó chịu trước những câu hỏi của đồng nghiệp trong bữa tiệc tất niên cuối năm: “Bao giờ cho chúng tôi nâng rượu chúc mừng?”. Và trong những ngày trở về nhà thăm cha mẹ ngày Tết, bao giờ Fujita cũng nhận được tiếng thở dài của ấng sinh thành: “Con nhà người ta như thế này, thế nọ…”. Cách tốt nhất để tránh những lời dị nghị, đàm tiếu đó là sắp xếp đi công tác bởi trong dịp đó.
Đi công tác còn là cách để Fujita chứng minh với các sếp rằng anh là người có tinh thần cầu tiến, mê việc hơn mọi thứ khác. Trong nền kinh tế mở, người Nhật sống thực dụng hơn khi nhận ra rằng “tiền có thể giải quyết mọi vấn đề”, chưa kể việc sống quá lâu trong thời Nhật hoàng khiến các cô gái Nhật trở nên “khác lạ” hơn trong thời đại mới. Trước mắt, Fujita cần được các sếp đánh giá là người được việc để cân nhắc lên một vị trí mới mà quyền lợi sẽ được theo cùng. Bên cạnh đó, nếu muốn được bạn gái yêu chân thành và đi đến một kết thúc đẹp, Fujita cần phải áp ứng một số tiêu chí nhất định. Các cô gái Nhật ngày nay sống rất thực dụng và họ chỉ nhắm đến các anh Tây hơn là quan tâm đến người bản địa bởi họ nhận ra rằng, các chàng trai Nhật vẫn còn khá nặng tư tưởng gia trưởng, độc tài, trọng nam khinh nữ,…
Các cô gái Nhật yêu chuộng “chủ nghĩa bản thân” bằng việc đi du lịch, mua sắm những món hàng hiệu xa xỉ, làm đẹp,… hơn là trách nhiệm làm vợ làm mẹ vun vén cho gia đình. Họ thích những mối tình chóng vánh hơn là sự gắn bó bền lâu để rồi cuộc sống thêm phần phức tạp do cãi vã vì bất đồng quan điểm. Những bãi biển nổi tiếng trên thế giới đều lưu lại dấu chân của các cô gái Nhật thượng lưu tận hưởng cuộc sống. Việc đàn ông Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Singapore, Malaysia,… phải chọn vợ từ các quốc gia khác phần nào phản ánh khía cạnh hiện thực của xã hội khi tất cả các quốc gia đều lao vào nền kinh tế mở. Chi phí cho một đám cưới ở Nhật ít nhất là 50.000 USD - một khoản tiền không nhỏ chút nào. Việc cực nhọc mưu sinh đi cùng với những điều kiện “cần có” của đôi bên khiến lớp trẻ Nhật không thích lập gia đình dẫn đến dân số ngày càng già đi, quỹ phúc lợi xã hội của đất nước ngày càng thâm hụt do không có sự tái tạo. Fujita thích được bay vòng với điểm quá cảnh ở Bangkok và đến Sài Gòn lúc tối mịt thay vì chọn những chuyến bay thẳng bởi tiếp viên hàng không quốc gia Nhật Bản vốn ít chiều chuộng hành khách trong nước.
Ngày đó, thủ tục visa du lịch vào Nhật rất phức tạp bởi xứ Phù Tang chỉ ưu ái cho những ai đến với mục đích kinh tế, nào là phải có thư mời, sự xác nhận của Bộ Nội vụ Nhật Bản về hiện trạng kinh tế của công ty hay tập đoàn đó, lịch trình những ngày ở Nhật, rồi công ty Việt Nam phải trình hợp đồng mua bán với đối tác Nhật, tính hợp pháp của công ty Việt Nam bằng văn bản pháp lý, quyết định đi công tác theo thư mời,…
Không chỉ giúp tôi có visa vào Nhật, anh bạn Tsubota trẻ tuổi xuất hiện với tính cách mà tôi cho rằng khá hợp với mình trong thời tuổi trẻ sôi nổi. Tsubota là người thay thế Fujita để phụ trách thị trường Việt Nam trước khi chuyển đến thị trường châu Đại dương gồm Úc và New Zealand. Tsubota có tất cả những gì người khác mơ ước: con nhà giàu, học hành tử tế, cao ráo đẹp trai, thông minh,… Nhưng có lẽ tôi thích sự dí dỏm, hài hước một cách trẻ con của Tsubota để những chặng di chuyển đường xa ầy ắp tiếng cười thay cho những cái ngáp dài mệt mỏi và buồn ngủ. Ngày đầu gặp nhau công tác, Tsubota có chút ngại ngùng khi biết tôi biết nói tiếng Nhật và cũng thuộc dạng… thông minh không kém gì anh.
Cũng giống như Fujita, Tsubota vẫn cùng tôi rong ruổi trên những nẻo đường miền Tây khi gió đông se lạnh tràn về. Không còn những chai rượu Sake, thay vào đó là những chiếc bánh gạo dẻo truyền thống của nước Nhật để tôi và Tsubota đối ẩm trong ngày Noel. Chơi với Tsubota, tôi chợt nhận ra rằng kết luận của các nhà khoa học chuyên nghiên cứu về hành vi con người thật đúng: người thông minh thường là người hài hước. Tsubota nhập cuộc rất nhanh khi phán đoán một vấn đề và cách anh diễn trò thường làm tôi cười ra nước mắt. Biểu cảm trẻ con của anh khi kể lại những điều từng nhìn thấy qua các vùng đất khác nhau khiến tôi thích thú đến bất ngờ. Anh luôn chốt hạ câu cuối cùng khi thấy vẻ nghi ngờ trên khuôn mặt tôi: “Không tin à, sau này đi qua vùng đất đó thì biết!”.
Một lần, Tsubota hỏi tôi: “Linh bắt đầu đi từ lúc nào? Tại sao Linh phải đi và thu hoạch được những gì sau chuyến đi ấy?”. Tôi hỏi lại: “Thế Tsubota có thích đi vòng quanh thế giới không và nếu có thì mục đích của những chuyến đi là gì?”. “Được ngắm nhìn hay sờ vào những cảnh vật mà mình chỉ được nhìn thấy qua hình ảnh là trải nghiệm ‘rất đã’. Những chuyến đi giúp mình thư giãn, để cho đầu óc... trống rỗng sau một núi công việc bộn bề. Sau những chuyến đi ấy, tôi có thể hiểu thêm được văn hóa các nước để rồi ‘nhập gia tùy tục’ khi các tập đoàn kinh tế Nhật Bản có mặt khắp nơi”, Tsubota chia sẻ.
Tôi kể lại mơ ước một lần được đặt chân đến xứ Phù Tang và Tsubota đã giúp tôi thực hiện nó bằng việc viết thư mời bảo lãnh với tư cách cá nhân bởi anh sinh ra trong một gia đình khá giả. Tôi ghẹo Tsubota trong lúc làm thủ tục visa: “An tâm nhé bạn hiền, tôi không trốn ở lại đâu. Tôi chỉ muốn tận mắt nhìn thấy đất nước của bạn cũng như để hiểu tại sao người ta thường nói rằng văn hóa của đất nước Mặt trời mọc rất lạ kỳ và người Nhật thì thâm trầm, nhẹ nhàng, tinh tế đến sâu kín như vậy!”. Và Tsubota chỉ ngắn gọn phúc đáp: “Năng lực của Linh có thể ở lại Tokyo làm việc cho Nihon Nohyaku nên Tsubota không cần phải lo!”. Tôi đến Nhật lần đầu vào những ngày hoa anh đào đang bung cánh trong gió xuân mơn mởn năm 2007.

 Mùa hoa anh đào đầu tiên

Những kẻ lữ hành đi trước luôn kháo nhau trên các diễn đàn du lịch quốc tế: Nhật Bản đẹp nhất hai mùa trong năm. Vào mùa xuân, hãy đi ngược từ hòn đảo Okinawa lên tận Hokkaido (Bắc Hải Đạo) để có được một mùa hoa anh đào trọn vẹn khi thời tiết ấm dần lên. Còn mùa thu, hãy đi ngược từ Hokkaido về lại Okinawa để ngắm nhìn những lá phong đổi màu rồi vàng bay theo gió heo may.
Hoa anh đào ngày nay được trồng khá nhiều nơi, từ Trung Á lên tận châu Âu và quay ngược về châu Đại Dương, nhưng cuộc đời còn gì thú vị hơn khi được đặt chân đến quê hương của hoa anh đào, ngắm nhìn chúng từ từ hé nở những cánh mong manh trắng toát đánh thức vạn vật bừng tỉnh sau một mùa đông dài lạnh lẽo. Khi ấy mới thấu hiểu được ý nghĩa sâu xa tại sao người Nhật chọn loài hoa ấy làm biểu tượng cho đất nước mình và in nó trên tấm visa màu tím xanh nhạt. Cảm giác lâng lâng không diễn tả được thành lời khi tôi nhận được visa Nhật nhập cảnh một lần với thời hạn mười lăm ngày.
Khi những cánh hoa anh đào bung cánh, người Nhật được nghỉ khoảng mười ngày để tái tạo sức lao động, nhưng tôi đưa ra hành trình sáu ngày để Tsubota có thời gian riêng tư hoặc được nghỉ ngơi vào những ngày còn lại trong kỳ nghỉ của mình. Mặt khác, tôi biết giá cả sinh hoạt ở Nhật khá đắt đỏ, nhất là ở Tokyo nên chuyến đi chừng một tuần là vừa túi tiền của tôi. Khi trở thành những người bạn thật sự của nhau, tôi thích cách chơi “hợp tác xã” theo kiểu người Mỹ khi cả hai cùng bỏ tiền cho một chuyến đi chung, nhưng trong thư điện tử, Tsubota cứ nhất quyết bảo hãy để anh lo. Tôi chỉ yêu cầu Tsubota cố gắng đưa tôi đến những nơi nào thật sự thấm đẫm văn hóa Nhật nhưng cũng tiện lợi cho cung đường di chuyển. Chúng tôi đi chơi theo kiểu ngẫu hứng của tuổi trẻ bằng xe ô tô riêng và tôi cũng chẳng nhớ lắm trong mùa hoa anh đào đầu tiên trên xứ Phù Tang, mình đã được đi những nẻo đường nào do Tsubota đã tự lên tất cả lịch trình. Mang máng trong ký ức của tôi, dường như đó là cung đường Tokyo - Hakone - Kyoto - Nara và Osaka.
Kể từ khi Mạc phủ Tokugawa(2) lên nắm quyền, Tokyo có tên gọi là “Edo” có nghĩa là “Cửa sông”. Từ một làng chài nhỏ bé cạnh bên cửa sông Sumida (có nghĩa là sông Đại) vào giữa thế kỷ 15, Edo nhanh chóng trở thành một trung tâm quyền lực với bức tường thành vững chãi được xây dựng để bảo vệ đô thị sầm uất với hơn một triệu cư dân sinh sống bên trong. Edo từng là một thành phố nhộn nhịp người mua kẻ bán bậc nhất thế giới vào đầu thế kỷ 18. Những thương gia đến đây thường gọi Edo bằng cái tên mỹ miều khác: Thành phố nổi của thế giới. Khi chế độ Mạc phủ bị lật đổ, Thiên hoàng Meiji (Minh Trị) chính thức dời đô từ Kyoto về “Cửa sông” và đặt tên lại là Tokyo mà theo Hán âm có nghĩa là “Đông Kinh” vào năm 1869.
Năm tháng đi qua, lâu đài Edo cổ kính, chợ cá truyền thống Tsukiji, cùng chiếc cầu Nihonbashi hay một km Zero ở quận trung tâm Chūō ở Tokyo ngày nay giúp tôi hiểu được Đông Kinh từng có một thuở vàng son như thế nào để Thiên hoàng Meiji phải cân nhắc và dời đô về đây. Dòng sông Nihonbashi chỉ dài độ 4,8 km nhưng đóng vai trò quan trọng của quận Chūō khi là nơi hợp nhất hai dòng sông Kanda và Sumida từ vịnh Tokyo để tàu giao thương có thể len lỏi vào lòng phố mua bán hay trao đổi hải sản. Cây cầu gỗ Nihonbashi được hoàn tất vào năm 1603 để nối giao thương hai bờ Bắc - Đông của thành phố. Từ tấm bảng km Zero bằng đồng đặt ngay trung tâm quận Chūō, tôi có thể hiểu một Chūō sầm uất của Tokyo ược mở rộng diện tích như thế nào để giao thương mà khi nhắc đến bảng tin chứng khoán ngày nay, các chuyên gia luôn nhắc đến thị trường Tokyo bên cạnh New York và London. Xuôi về hướng đông là vịnh Tokyo và ngược lên phương bắc là Akihabara - nơi được gọi là trung tâm mua sắm các mặt hàng điện tử với giá cả hợp lý nhất khi đến Nhật. Về hướng tây là Otemachi và Yaesu, trong khi về hướng nam là Ginza nổi tiếng là nơi phát hiện ra “mỏ bạc” của nước Nhật vào năm 1612 và hiện nay đã trở thành trung tâm mua sắm hàng hiệu bậc nhất ở Tokyo với những cửa hàng sang trọng đến từ các thương hiệu nổi tiếng toàn cầu, hay những quán cà phê, nhà hàng dành cho tầng lớp thượng lưu.
Chúng tôi chọn chiếc ghế đá trong công viên nhỏ Kitanomaru đối diện với thành Edo để ngồi. Công viên được trang trí tuyệt đẹp với những cây thông được cắt tỉa khéo léo thành cây bonsai cùng những cây đèn đá đậm chất Phù Tang được đặt dọc theo lối đi. Từ đây, tôi có thể liếc mắt ngắm nhìn cây cầu Seimon Ishibashi đang rủ bóng soi mình xuống hào nước sâu lăn tăn sóng nhỏ và được bảo vệ bởi những lính canh đồng phục. Tôi cũng có thể đưa mắt nhìn xa xa, nơi tòa nhà hiện đại Tokagakudo phục vụ cho những buổi hòa nhạc được xây dựng vào ngày 06/03/1963 nhân kỷ niệm 60 năm ngày sinh hoàng hậu Kojun. Tsubota cho biết nơi đây từng đặt viên gạch đầu tiên để xây dựng nên một Tokyo xanh đỏ đèn quảng cáo như ngày hôm nay.

Lần theo trục xoay chuyển của thời gian, đi qua các mùa để tiếp cận Nhật Bản, tập du kí của Nguyễn Chí Linh không chỉ đưa người đọc đến với những địa danh nổi tiếng mà còn đào sâu vào lịch sử, văn hóa để kể cho người đọc câu chuyện của một đất nước. Kèm theo đó, là lời giải cho câu hỏi chung của rất nhiều người: Vì sao nước Nhật, người Nhật lại được cả thế giới kính trọng?
Trích sách Bốn mùa trên xứ Phù Tang
(2) Mạc phủ Tokugawa hay còn gọi là Mạc phủ Edo, Mạc phủ Đức Xuyên hay Mạc phủ Giang Hộ, là chính quyền Mạc phủ do Tokugawa Ieyasu (Đức Xuyên Gia Khang) thành lập và trị vì từ năm 1603 ến năm 1868 bởi các Chinh di Đại tướng quân nhà Tokugawa.

 Khi hoa đào là biểu tượng của Samurai

Cụm từ “Daigo no Hanami” được vị Samurai sử dụng với hàm ý: Cầu xin các chư vị Bồ Tát bốn phương tám hướng hãy ưa linh hồn ông đến ngưỡng cửa Thiên đàng. Kể từ đó, hoa anh đào không chỉ là biểu tượng của nét đẹp trong trắng mong manh mà còn tượng trưng cho sự liêm khiết, chính trực và lối sống quân tử của một vị Samurai.
Chuyến bay lúc gần nửa đêm từ Sài Gòn đi Tokyo làm tôi khá mỏi mệt với giấc ngủ không tròn, cùng với việc nhập cuộc khá nhanh vào những điểm đến của Tokyo trong ngày đầu tiên khiến đôi chân tôi mỏi nhừ còn mắt thì không mở nổi.
Tinh thần tôi phấn chấn hẳn lên khi Tsubota quyết định đến công viên Ueno nơi có đến 1.200 gốc hoa anh đào được trồng. Mùa xuân đầu tiên trên xứ Phù Tang, tôi cứ như ngây như dại ngắm hoài không biết chán những cánh hoa trắng mỏng manh được trồng dọc theo các con phố. Muốn có một tấm ảnh vắng người ở công viên Ueno là điều không dễ dàng chút nào khi đoàn người cứ nối đuôi chen chúc trong mùa lễ hội. Tùy thời tiết từng năm, hoa anh đào sẽ nở rộ vào cuối tháng Ba đến đầu tháng Tư. Khoảng ba tuần trước đó , cơ quan dự báo thời tiết Nhật có trách nhiệm dự đoán, công bố ngày hoa anh đào nở và ngày bắt đầu lễ hội hoa anh đào - một quốc lễ kéo dài suốt bảy ngày.
Tại mỗi địa phương, ban tổ chức sẽ nổi trống mở đầu lễ hội trong 15 phút. Tùy thời tiết từng vùng, tiếng trống mở màn có thể chênh lệch nhau 1 - 2 ngày và có khi là cả một tháng. Các đôi trai gái dìu nhau đi trong giai điệu nhạc du dương từ sân khấu trung tâm biểu diễn suốt thời gian lễ hội. Những người lớn tuổi đi bộ trên các con đường nằm giữa hàng cây, hít thở không khí ngày xuân. Nhiều gia đình quây quần dưới gốc anh đào bày biện ăn uống, nhấm nháp Sake. Với các công ty, đây cũng là dịp họp mặt dưới gốc anh đào không phân biệt lãnh đạo hay nhân viên. Những tấm bạt màu xanh trải dưới gốc anh đào đầy kín người. Tìm và thuê được chỗ ngồi trong công viên Ueno hết sức khó khăn và giá thuê cũng không rẻ.
Chọn một chiếc ghế đá còn trống trong công viên để ngồi, tôi lại được nghe Tsubota kể một câu chuyện truyền thuyết về hoa anh đào. Lễ hội hoa anh đào được mở màn bằng loạt trống oai hùng Taiko cùng vũ điệu đường phố truyền thống Yosakoi. Thuở xưa ấy, người Jōmon chưa để ý lắm đến loài hoa hoang dại mọc sâu trong thung lũng ở Hokkaido hay những ngọn núi cao. Mãi đến thời Heian (794 - 1185), người Jōmon mới yêu thích những cánh hoa anh đào mong manh khi nhà thơ Ariwana o Narihira (825 - 880) cho ra đời bài thơ: “Nếu những cánh hoa anh đào không tồn tại/Thế giới này im lặng như thế nào/Tôi có thể sống như thế nào trong một mùa xuân quá yên ắng?”. Và kể từ đó, những cánh hoa anh đào đã đi vào thơ ca, nhạc kịch, hội họa, ẩm thực xứ Phù Tang và nhà nước Heian đem loài hoa này trồng khắp nơi trên đất nước Mặt trời mọc.
Trong tiếng Nhật, “Sakura” mang ý nghĩa vẻ đẹp thanh tao nhưng chóng nở chóng tàn, trong khi “Hanami” hàm nghĩa đi ngắm hoa anh đào dưới bầu trời trong xanh. Để hỏi về ý nghĩa hoa anh đào, Tsubota không thể trả lời câu hỏi của tôi nhưng anh lại kể cho tôi nghe một truyền thuyết khác để tôn vinh những vị Samurai thông qua loài hoa này. Vì yêu thích những cánh hoa anh đào hoang dã, vị Samurai vĩ đại Toyotomi Hideyoshi trồng 700 gốc hoa anh đào xung quanh nhà. Sáu tháng trước khi đi qua bên kia thế giới, ông tổ chức một lễ hội nho nhỏ dưới 700 gốc hoa anh đào với tên gọi “Daigo no Hanami” (Ngắm hoa anh đào ở Daigo), trong đó Daigo là ngôi đền Phật giáo linh thiêng và lớn nhất ở kinh ô Kyoto lúc bấy giờ.
Cụm từ “Daigo no Hanami” được vị Samurai sử dụng với hàm ý: Cầu xin các chư vị Bồ Tát bốn phương tám hướng hãy ưa linh hồn ông đến ngưỡng cửa Thiên đàng. Kể từ đó, hoa anh đào không chỉ là biểu tượng của nét đẹp trong trắng mong manh mà còn tượng trưng cho sự liêm khiết, chính trực và lối sống quân tử của một vị Samurai.
Người Nhật cho rằng, lễ hội hoa anh đào có từ hơn 1.000 năm về trước khi loài hoa này đi vào nền văn học nghệ thuật thời Heian. Tuy nhiên, lễ hội hoa anh đào lúc ấy chỉ dành cho hoàng gia với ý nghĩa cầu cho một năm mưa thuận gió hòa, quốc thái dân an. Đến thời Edo (1603 - 1868), lễ hội hoa anh đào mới thật sự phổ biến đến mọi tầng lớp trong xã hội. Hoa anh đào thường bung cánh đầu tiên trong màn đêm khá gần thời khắc giao thoa giữa cũ và mới của ngày. Người Nhật xưa luôn chờ đợi để được ngắm nhìn khoảnh khắc thiêng liêng ấy, uống một ly Sake nhỏ và cầu ước cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa vụ bội thu và gia đình hạnh phúc. Khi mùa hoa anh đào lụi tàn dần, người Nhật lại thích ngồi dưới tán hoa mặc cho những cánh hoa mỏng tang theo gió bám đầy trên người, để một cốc rượu Sake dưới gốc hứng đầy những cánh hoa mịn màng và uống cạn cốc rượu ấy cho thấm trọn tinh thần Samurai. Giữ truyền thống của vị Samurai Toyotomi Hideyoshi đáng kính khi xưa, người Nhật ngày nay vẫn tụ tập dưới bóng cây anh đào để nói lời yêu thương khi đoàn tụ gia đình hay để truyền cảm hứng hoặc chia sẻ khó khăn trong công việc và cuộc sống để từ đó, đưa công ty ngày càng phát triển.
Một ngày không mưa cũng không nắng ở Tokyo trôi qua thật nhanh, chỉ còn lại những cơn gió xuân đêm hây hây thổi bên ngoài ô cửa sổ nhỏ, rồi thỉnh thoảng, chúng mang theo cái lạnh rét cóng khi len lỏi qua căn phòng nhỏ. Cũng giống như ngày đầu tôi đặt chân đến một Sài Gòn quá bao dung để lập nghiệp, Tsubota cũng chưa đủ tiền mua một căn hộ để sống đúng nghĩa ở đất Tokyo nhộn nhịp dù ở quê nhà Fukuoka, anh không thiếu một thứ gì. Cả hai chúng tôi đều giống nhau khi ý thức được mình đã là người trưởng thành và mọi thứ nên bắt đầu bằng đôi bàn tay trắng và một bộ não phải liên tục vận động chứ không thể dựa dẫm mãi vào cha mẹ. Không cần Tsubota giải thích, lần đi Hồng Kông trước đây cũng giúp tôi hiểu được thói quen của thế hệ trẻ Bắc Á ngày nay khi họ thích lang thang ngoài đường vui chơi, mua sắm, ăn uống cho đến hơn nửa đêm mới quay về nhà bởi căn hộ của họ quá eo hẹp về diện tích, chỉ đủ để đặt một chiếc giường cùng một toilet nhưng giá thuê lại không hề rẻ chút nào.
Tôi thiếp nhanh vào giấc ngủ thật ngon mặc cho những ngọn gió xuân đang lao xao bên ngoài. Trôi trong vùng miên viễn của ký ức tôi không phải ngọn tháp Tokyo cao 332,9 mét xanh đỏ tím vàng trong ánh đèn êm, hay sự giả vờ đến đỏ mặt khi ngắm nhìn những bức hình Playboy trong các quyển tạp chí phát không biếu không tại các quán ăn, cũng không phải là giao lộ Shibuya ông nghịt người hay dòng kênh Chidori-ga-fuchi trắng xóa xác hoa anh đào, cũng không hẳn là bức tượng Phật Quan Âm linh thiêng theo truyền thuyết cao chỉ 5,5 cm trong ngôi chùa Senso-ji được xây dựng vào năm 645 cổ kính nhất Đông Kinh, cũng không là những bước chân chống chếnh men rượu trên đường về hay say mèm gục ngủ hẳn tại bàn dưới những gốc anh đào được rọi đèn sáng trưng hoặc tiếng trống báo hiệu mùa hoa của ai đó lạc loài trên đường phố,… mà đó là cách Tsubota giúp tôi nhận dạng chín loại hoa anh đào được lai tạo từ giống Edohiganzakura ban đầu đang khoe cánh trên xứ Phù Tang. Tôi quá si mê loài hoa ấy khi mùa xuân về như một đứa trẻ mân mê một món đồ chơi được mẹ mua cho ngay cả trên giường ngủ. Và lúc ấy, tôi nghĩ mình sẽ không bao giờ có cơ hội lần thứ hai quay lại quê hương hoa anh ào nữa.

Loài hoa hiện thân cho người con gái đẹp nước Nhật

Người Nhật gọi hoa anh đào bằng cái tên mỹ miều “nàng công chúa xuân” nên cụm từ “Zakura” thường đặt phía sau tên một loại hoa anh đào để diễn tả ý niệm chung là một thiếu nữ quyến rũ quý phái. Và tất cả những họ hay tên của người Nhật có liên quan đến hoa anh đào đều chỉ dành cho phái nữ.
Tsubota không đánh thức mà để tôi thật đã giấc trên chiếc sofa sau một ngày mệt nhoài bước chân trong lòng phố Tokyo. Ý nghĩ mông lung lại trôi bồng bềnh trong tia nắng mong manh vàng ươm đang lọt qua khe cửa nhỏ: Hôm nay sẽ là một ngày nắng đẹp và trong hành trình di chuyển về Hakone, tôi sẽ thấy đỉnh núi Phú Sĩ còn nhuốm màu tuyết trắng thoắt ẩn thoắt hiện trong tầm mắt. Chúng tôi làm hành trình đến núi Phú Sĩ độ chừng bốn tiếng xe để rong chơi ngày xuân như cách những người trẻ luôn thích đến vùng nước khoáng nóng Hakone tắm rửa để gột sạch những gì thuộc về năm cũ, để có một tinh thần phấn chấn trong năm mới cùng ước muốn may mắn song hành trong cuộc đời. Rồi sau đó, chúng tôi rong ruổi đến cố đô Kyoto ngắm nhìn những nét văn hóa truyền thống của người Nhật còn gìn giữ cho đến tận ngày nay dù thời gian đang cố bào mòn chúng.
Những lần ghé trạm dừng chân để nhấm nháp ly trà thơm cùng những chiếc bánh gạo Mochi thơm ngọt nhẹ nhàng, Tsubota lại cười phì vì hành động “phát cuồng phát dại” của tôi với những cánh hoa anh đào. Tôi thích lang thang quanh những gốc hoa to được trồng ở trạm dừng chân để ngắm nhìn dù ý thức của não luôn phản bác lại lý lẽ của trái tim: Hoa anh đào đều như nhau hết, đã ngắm từ ngày hôm qua đến nay chưa biết mệt sao; vả lại mình cũng đã từng ngắm những cánh hoa đượm tình “hữu nghị” ở thủ đô Washington của Mỹ trước đây rồi mà. Tôi cố gắng nhận diện từng giống hoa một rồi hỏi lại Tsubota xem đúng hay không, giống như cách tôi từng học và phân loại những thiên địch hữu ích trên đồng ruộng.
Người Nhật gọi hoa anh đào bằng cái tên mỹ miều “nàng công chúa xuân” nên cụm từ “Zakura” thường đặt phía sau tên một loại hoa anh đào để diễn tả ý niệm chung là một thiếu nữ quyến rũ quý phái. Và tất cả những họ hay tên của người Nhật có liên quan đến hoa anh đào đều chỉ dành cho phái nữ. Từ cặp bố mẹ hoang dã ban đầu là Edohigan tìm thấy ở vùng núi Hokkaido và Oshimazakura ở đảo Oshima về nằm phía Nam Tokyo, các nhà khoa học lai tạo ra chín giống hoa anh đào mới với hình dáng và màu sắc cánh hoa khác nhau gồm: Someiyoshino, Kanhizakura, Ohkanzakura, Kawazuzakura, Yaezakura, Youkou, Ukonzakura, Yamazakura và Shidarezakura.
Tôi luôn dành nhiều thiện cảm cho giống hoa anh đào mang tên Shidarezakura với hình dáng một cây liễu rủ màu hồng hoặc màu trắng nên thơ trong bức tranh tuyệt đẹp của mùa xuân. Bên trong khuôn viên các ngôi đền thờ Thần đạo hay Phật giáo, bao giờ Shidarezakura cũng được trồng để rủ hoa dịu dàng theo lối đi hoặc được cắt tỉa cầu kỳ thành một cụm bonsai lạ mắt đến quyến rũ. Trong Hán tự, “Shidare” có nghĩa “rủ cành” và các nghệ nhân cũng chẳng nhớ nó được lai tạo qua bao nhiêu đời từ một cặp bố mẹ thuần chủng giống Edohigan ban đầu để rồi ngày nay, nó giữ lại tính trạng trội là dáng thẳng ứng cao dong dỏng lên trời.
Tsubota gọi giống hoa anh đào Shidarezakura là loài hoa “dậy thì sớm”. Anh có lý do khi gọi như thế bởi giống hoa ấy âm nhánh rất nhiều, khá sớm trong khi thân chưa tăng trưởng kịp nên không gồng gánh nổi mà bắt buộc nhánh phải buông rủ xuống đất. Tôi không biết liệu Tsubota có sâu sắc đến mức dùng hình ảnh và câu nói đó để diễn tả thế giới mới của giới trẻ Nhật khi họ dậy thì sớm hơn tuổi nên biết nhiều điều, nhiều thứ hơn so với thế hệ trước?

Tìm về nguồn gốc người Nhật

Nếu người Việt có câu chuyện về các vua Hùng dựng nước và giữ nước với truyền thuyết “Cha Rồng Mẹ Tiên” để tự hào cội nguồn dân tộc thì người Nhật cũng có truyền thuyết về vị Nhật hoàng đầu tiên Jimmu (Thần Vũ) vào năm 660 TCN để tin rằng mình đích thị là con cháu của thần Amaterasu (Thái Dương Thần Nữ)
Cũng giống như chuyến đi công tác miền Tây trong những ngày Noel se lạnh, mỗi ngày mới, chúng tôi đều bắt đầu bằng việc thảo luận về một câu chuyện nào đó để phá tan tiếng zíc zíc của bánh xe cọ xát lòng đường gây cảm giác buồn ngủ. Lần này, tôi cùng Tsubota trò chuyện về ba vấn đề chính: Tại sao gọi người Nhật là người Nụy hoặc người lùn, bộ chữ viết của người Nhật hiện nay xuất phát từ đâu và tại sao người đời luôn gọi xứ Phù Tang là đất nước Mặt trời mọc. Dĩ nhiên, có những điều Tsubota không biết và ngược lại nên chúng tôi luôn bổ sung nhau để mỗi ngày đều có những niềm vui.
Những kẻ lữ hành luôn có lý do để cho rằng văn hóa Nhật rất lạ kỳ bởi quốc gia này có đến 6.852 hòn đảo lớn nhỏ đóng cửa im lặng với thế giới bên ngoài từ thời tiền sử Jōmon(5) cho đến đầu thế kỷ 17 khi ba thương cảng Hakodate, Yokohama và Nagasaki được các vị Mạc phủ mở cửa giao thương. Tất cả các tên gọi quốc gia liên quan đến người Nhật đều dựa trên những quyển sách cổ của người Trung Hoa ghi lại lúc bấy giờ. Đi về nguồn gốc lịch sử của Nhật Bản, từ các hiện vật thu thập trải dài trên các hòn đảo, các chuyên gia cho rằng nền văn minh Jōmon của Nhật Bản xuất hiện vào khoảng năm 14.000 - 400 TCN và trong lòng đảo quốc ấy tồn tại người Jōmon và ba dân tộc anh em thiểu số khác là Ainu, Ryukyu và Yamato. Người Jōmon sinh sống khắp nơi trên bốn hòn đảo chính trong khi Hokkaido dành riêng cho người Ainu. Người Ryukyu cư ngụ nhiều ở Okinawa trong khi người Yamato trải dài từ miền Trung cho đến miền Nam nước Nhật.
Trong bộ sách Tùy Thư có nhắc đến việc người Trung Hoa từng nhận một lá thư từ hoàng tử Shotoku Taishi (Thánh Đức Thái tử) cử đoàn sứ giả đến nhà Tùy vào năm 607 thông báo tên quốc gia mình với nội dung như sau: “Tôi là Hoàng đế của đất nước nơi mặt trời mọc gửi lời chào thân ái và chúc sức khỏe đến Hoàng đế của đất nước nơi mặt trời lặn!”. Từ “Nihon” có nghĩa “Gốc của mặt trời hay nơi mặt trời mọc” được đề cập sớm nhất trong bộ sách Cựu Đường Thư vào năm 941 và được sử quan Lưu Hu biên soạn dưới triều Hậu Tấn. Người Nhật tin rằng quốc gia mình nằm ở cực Đông của châu Á nên sẽ đón nhận ánh sáng mặt trời đầu tiên vào mỗi sớm mai. Nếu người Việt có câu chuyện về các vua Hùng dựng nước và giữ nước với truyền thuyết “Cha Rồng Mẹ Tiên” để tự hào cội nguồn dân tộc thì người Nhật cũng có truyền thuyết về vị Nhật hoàng đầu tiên Jimmu (Thần Vũ) vào năm 660 TCN để tin rằng mình đích thị là con cháu của thần Amaterasu (Thái Dương Thần Nữ). Việc Nhật hoàng chọn hoa cúc 16 cánh giống như Mặt trời đang tỏa chiếu làm biểu tượng của hoàng gia và là một trong bốn quốc huy Nhật Bản hiện nay cũng là để tôn vinh cội nguồn của dân tộc! Tsubota hứa sẽ cho tôi xem bức họa vị vua tổ tiên trong các tiệm tranh ở phố cổ Kyoto với hình ảnh vô cùng dũng mãnh trong bộ áo đỏ của mặt trời, tay trái cầm cây cung, tay phải cầm thanh gươm thiêng và trên ngực mang chiếc ngọc bội.
Tôi cắt ngang câu chuyện của Tsubota bằng câu hỏi: “Người Nhật ngày nay thích gọi vị hoàng đế đáng kính của mình là Thiên hoàng hay Nhật hoàng bởi giữa ‘Nhật’ và ‘Thiên’ vô cùng khác biệt về ý nghĩa giống như chữ ‘King’ và “Emperor” vậy? Đôi lần Nhật hoàng viếng ngôi đền thiêng Yasukuni cũng làm dấy lên những tranh cãi không đáng có. Liệu rằng, câu chuyện về nữ thần mặt trời Amaterasu có na ná như nữ thần Hae Nim của bán đảo Triều Tiên hay tương tự nữ thần Nữ Oa - vợ của vua Phục Hy trong văn hóa của người Trung Hoa hay không?”. Có lẽ do thấy vế thứ nhất trong câu hỏi của tôi khá “nhạy cảm” nên Tsubota giải thích theo cách ôn hòa: “Cứ gọi là vị vua ược Nhật tôn kính đầy quyền lực trước năm 1945 là Thiên hoàng. Hiện nay, Nhật Bản theo chế độ Quân chủ lập hiến nên Nhật hoàng không phải là người đứng đầu chính phủ cũng không phải là Tổng tư lệnh của lực lượng quân đội mà chỉ đóng vai trò bổ nhiệm Thủ tướng theo chỉ định của Quốc hội, bổ nhiệm Chánh án Tòa án Tối cao theo chỉ định của Nội các và là giáo chủ Thần giáo. Dĩ nhiên, văn hóa của người Trung Hoa đã ảnh hưởng rộng khắp khu vực nên Nhật Bản cũng không ngoại lệ.
Các sử gia và chính trị gia Nhật Bản cũng không vừa khi họ muốn được đến những ngôi mộ cổ hoàng gia (gọi là Kofun) để kiểm tra thực hư câu chuyện Nhật hoàng Thần Vũ và đến thời kỳ Minh Trị, Nội các Hoàng gia Nhật đã từ chối mở cửa Kofun cho công chúng hoặc các nhà khảo cổ với lý do là để không làm phiền linh hồn của các vị vua trong quá khứ. Vào 12.2006, Cơ quan nội chính Hoàng gia thay đổi quyết định này và cho phép các nhà nghiên cứu tiến vào một số Kofun mà không bị giới hạn. Trong mắt các chính trị gia, lịch sử chính thống nước Nhật được bắt đầu từ Thiên hoàng đời thứ 29 (539 - 571) là hoàng đế Kimmei Tenno (Khâm Minh) bởi nhà vua ấy có gia phả rất rõ ràng”.
Không chỉ được gọi là đất nước Mặt trời mọc, Nhật Bản còn được gọi là xứ sở Phù Tang bởi theo thần thoại của người Trung Hoa, thần Mặt trời tắm ở ao trời, còn gọi là ầm Dục Nhật ở Dương Cốc rồi nghỉ ngơi trong cây dâu rỗng lòng gọi là cây Phù Tang, sau đó cưỡi xe ngựa lửa du hành ngang qua bầu trời từ đông sang tây. Nước Nhật ngày nay trồng rất nhiều cây Phù Tang và loại dâu rừng ấy vẫn còn ý nghĩa thật sự với người Nhật khi họ dùng nó để rửa tội, quét tà khí, bệnh tật hay nghiệp chướng cho đứa trẻ mới chào đời như cách những vị thầy lang chữa bệnh trong thời cổ đại.
Trích sách Bốn mùa trên xứ Phù Tang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét