Thứ Hai, 7 tháng 1, 2019

Sắc màu mùa băng tuyết ở Kiruna

Sắc màu mùa băng tuyết ở Kiruna

Do chuyến bay bị hoãn, chúng tôi đáp xuống Kiruna vào lúc 1 giờ sáng. Nhìn qua cửa sổ máy bay thấy tuyết bay cuộn theo gió trên đường băng, và nhiệt độ ngoài trời là -9oC. Vậy là chúng tôi sẽ có đúng 10 tiếng đồng hồ để làm quen với cái lạnh thấu xương vùng Lapland – cực bắc của các nước Bắc Âu. Dù chỉ là thành phố nhỏ giữa vùng khai thác mỏ, Kiruna vẫn là điểm đến du lịch hấp dẫn phía bắc Thụy Điển nhờ biết khai thác vẻ đẹp băng tuyết của mình.
Khung cảnh miền Lapland Thụy Điển
Khung cảnh miền Lapland Thụy Điển
Các dịch vụ du lịch ở Kiruna rất chuyên nghiệp và uy tín. Đúng 11 giờ trưa, mọi người lên xe đi tour. Chúng tôi chọn tour snowmobile, tức là lái snowmobile – một dạng xe môtô bánh xích được thiết kế để đi trên băng tuyết. Snowmobile trông rất hiện đại và thể thao, nghe nói giá một chiếc khoảng 10.000-20.000 USD. Lần đầu cưỡi chiếc xe bề thế giữa con đường rừng phủ đầy tuyết trắng, ai nấy có chút e sợ, nhưng rồi cảm giác đó nhanh chóng tan biến. Phong cảnh đẹp đến ngỡ ngàng. Tuyết phủ trắng xóa trên các cành cây rủ trên đường. Xe cứ theo lối mà đi, cành cây thì va bộp bộp vô mũ bảo hiểm.
Đến đoạn đi trên sông băng du khách bắt đầu căng thẳng vì phải rất tập trung. Trưởng đoàn Henrik dặn đi dặn lại: “Phải đi theo đúng vết xích bánh xe của xe đi đầu, vì lỡ đi lệch vào những chỗ băng mỏng sẽ gặp nguy hiểm”. Vậy là từ vận tốc gần 70km/giờ, mọi người giảm xuống còn 25km/giờ. Henrik lại nhắc mọi người phải đi nhanh lên vì đi chậm quá sẽ làm hư bánh xe! Sau quen dần thì thấy thử thách này hóa ra rất thú vị. Thật ra, dân lái snowmobile chuyên nghiệp có thể phóng với tốc độ 250km/giờ trên mặt sông đóng băng. Trên đường đi, thỉnh thoảng trưởng đoàn cho mọi người dừng lại để xem dấu chân của các con hươu, nai sừng tấm, có khi là chó sói. Lúc đoàn đang đi thì cũng có mấy con tuần lộc xuất hiện trước mặt nhưng không ai dám ngắm kỹ do phải tập trung vào tay lái.

Trải nghiệm đời sống bản địa miền Bắc cực

Quá trưa, chúng tôi dừng chân tại một thôn xóm gồm sáu ngôi nhà của người Sami – chủ nhân lâu đời nhất của vùng Lapland, nổi tiếng với nghề nuôi tuần lộc và giữ được đời sống – văn hóa cổ truyền khá tốt. Đoàn ăn trưa tại nhà chị Martar. Rất nhanh nhẹn, bà chủ rót cho mỗi người một ly đỏ thẫm như rượu vang nóng rồi còn bảo rượu này có pha máu nai, uống… cho ấm người!
Mấy nữ du khách nhấp môi lấy lệ rồi chui tọt vào căn bếp gỗ thơm lựng mùi thịt nướng. Trên trần bếp là bộ da gấu, chó sói, sừng của hươu rồi tuần lộc, cả đại bàng nhồi rơm. Bữa trưa mỗi người được thưởng thức một chén xúp rau củ với thịt hươu băm nhỏ, ngon và ấm nóng rồi uống trà với bánh gừng truyền thống. Những ngôi nhà của người Sami đều rất ấm cúng, chúng tôi sẽ có một ngày một đêm ở đây để trải nghiệm đời sống miền Bắc cực.
    Trải nghiệm đầu tiên trong buổi chiều là… bổ củi để có gỗ sưởi ấm các phòng và phòng xông hơi. May sao củi đã phơi một năm rồi nên khô và dễ cháy. Xong việc thì theo mấy đứa trẻ Sami đi trượt tuyết quanh nhà bằng cách ngồi lên một dụng cụ nhìn như chiếc mâm. Lao từ trên dốc xuống, có té lăn cù giữa tuyết thì cũng không đến nỗi đau do tuyết dày, xốp và lớp áo quần dày sụ.
    Khi trời nhá nhem tối, những du khách khỏe mạnh được Martar rủ đi xách nước từ dòng sông Tôm về nấu nướng, xông hơi. Cũng là đem xô đi múc nước từ sông lên nhưng ở Bắc cực, mọi cử chỉ đều phải bắt chước chủ nhà rất cẩn thận vì nếu để nước dính vào cổ tay áo là sẽ bị nhiễm lạnh ngay. Sau khi dùng tiệc nướng, mọi người ngồi chờ xem cực quang. Tối hôm đó cực quang khá đẹp, một vẻ đẹp khó diễn tả bằng lời, chỉ có thể nói là kỳ ảo và choáng ngợp. Đêm xuống, đa số du khách vào phòng gỗ có lò sưởi ấm để ngủ. Riêng chúng tôi chọn ngủ trong lều du mục của người Sami. Chủ nhà trang bị đầy đủ túi ngủ và chăn cho khách ngủ lều, ngoài ra còn có tấm lông tuần lộc dày để phủ dưới sàn. Ngủ một mạch đến sáng, chủ nhà cho biết là nhiệt độ lúc thấp nhất đêm qua là -28oC!
    Cực quang bắt đầu xuất hiện
    Cực quang bắt đầu xuất hiện
    Mọi người ăn điểm tâm nhanh chóng rồi đi khoét băng trên mặt sông để câu cá. Martar hướng dẫn chúng tôi khoét lỗ bằng một cái khoan. Dựa vào tiếng bước chân, màu sắc băng, chị biết lớp băng ở đó dày hay mỏng. Martar cho hay vì trời lạnh nên cá cũng lặn sâu hơn để giữ ấm và ít di chuyển. Thả câu chưa được 10 phút chúng tôi đã hết kiên nhẫn và chuyển sang hiking – đi men theo triền đồi để ngắm cảnh sông băng núi tuyết và rừng trụi lá. Trời lạnh cắt da nhưng nắng vẫn chói lòa trên tuyết trắng. Có loại cây rừng nhìn rất lạ mắt với những sợi rủ xuống từ trên ngọn, chỉ xuất hiện ở những nơi không khí tuyệt đối trong lành như nơi đây. Ngoài ra còn có các cây bị tuyết đè nặng, uốn cong nhưng vào mùa hè chúng sẽ tự đứng thẳng trở lại.

    Điều kỳ diệu ở Kiruna

    Trở lại trung tâm Kiruna, chúng tôi mua tour tham quan hầm mỏ – đặc trưng du lịch của vùng này – nhưng không phải bằng xe chạy trên đường ray tải quặng mà bằng xe buýt 50 chỗ ngồi! Đường vào hầm mỏ rộng như hầm đường bộ, hai xe buýt không phải giảm tốc để tránh nhau nếu chạy ngược chiều. Từ mặt đất đến điểm tham quan được nhân viên hầm mỏ xác định sâu hơn 500m, nếu tính từ đỉnh của ngọn núi thì phải gấp đôi khoảng cách đó. Từ lúc bước xuống xe buýt vào khu bảo tàng dưới lòng đất, du khách phải tuyệt đối tuân thủ hai yêu cầu: luôn luôn đội nón bảo hộ và không tách nhóm nếu không muốn lạc trong mê hồn trận của khoảng 400km đường ngầm đã được dùng khai thác mỏ hơn 110 năm qua.
    Đường vào trung tâm Kiruna
    Đường vào trung tâm Kiruna
    Thành phố nhỏ Kiruna thực chất đang nằm trên một bọng tổ ong khi mà hầm mỏ vẫn khai thác ì ầm bên dưới. Chính quyền Thụy Điển cùng với Công ty khai khoáng LKAB khai thác quặng đã bắt đầu một kế hoạch đầy tham vọng: dời cả thành phố đến một nơi cách khu mỏ 4km. Họ tuyên bố sẽ chuyển nguyên vẹn các kiến trúc cổ, di dời từng viên gạch một. Việc di dời thành phố đã bắt đầu được tiến hành từ năm 2004, khi mà các vết nứt đã xuất hiện trên nền đất ở nhiều khu vực dân cư do khai thác quặng.
    Tham quan hầm mỏ
    Tham quan hầm mỏ
    Lúc bấy giờ có hai phương án được đưa ra, một là đóng cửa khu mỏ có tuổi đời 120 năm, nhưng 4.000 người dân thị trấn sẽ mất việc. Bởi vậy, phương án hai được chọn, theo đó LKAB đạt được một thỏa thuận với chính quyền thị trấn để chuyển 6.000 người dân tới sinh sống trong thành phố mới. Tại thị trấn mới, nhà dân được xây mới nhưng các kiến trúc công cộng được coi là di sản thì phải chuyển nguyên vẹn từ thị trấn cũ qua.
    Kiến trúc cổ ở thành phố Kiruna
    Kiến trúc cổ ở thành phố Kiruna
    Vui chơi trong mùa đông ở Kiruna
    Vui chơi trong mùa đông ở Kiruna
    Vượt băng tuyết bằng snowmobile
    Vượt băng tuyết bằng snowmobile
    Di dời các ngôi nhà có tuổi đời hơn 100 năm bằng đường bộ dài 4km quả là thách thức không nhỏ, tuy nhiên Kiruna đã làm điều này rất tốt, khiến cả thế giới biết đến. Một số tòa nhà do có kích cỡ quá lớn để có thể vận chuyển, người ta đã phải tách cẩn thận từng viên gạch một, sau đó lắp ráp lại như nguyên mẫu ở thị trấn mới. Chi phí cho mỗi vụ di dời ngang bằng việc xây dựng mới hoàn toàn.

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét