Chủ Nhật, 6 tháng 1, 2019

Khám phá biên thùy hoang dã của Texas

Những ngày xuyên tiểu bang Texas, chúng tôi đi từ rừng thông đến rừng sồi, băng qua thảo nguyên rồi dừng chân vài ngày ở sa mạc Big Bend sát biên giới với Mexico. Vùng đất của những chàng cao bồi rộng lớn ngoài sức tưởng tượng và cảnh quan hoang dã Công viên quốc gia Big Bend chẳng khác mấy những gì được xem trong bộ phim cowboy nổi tiếng một thời, cũng là điểm đến gây bất ngờ nhiều nhất. Vẻ đẹp và sức sống sa mạc cho thấy rằng nắm bắt được quy luật của thiên nhiên không bao giờ dễ dàng.
    Cảnh đẹp trên cung đường xuyên Texas.
    Sa mạc Big Bend ngoạn mục
    Khởi hành từ TP. Austin, chúng tôi đến Ft. Stockton sau bảy tiếng ngồi xe. Xa lộ I-10 cho phép chạy tới 80 dặm (khoảng 140km)/giờ. Giao thông thưa thớt và cảnh đẹp từ đồng cỏ bạt ngàn hai bên đường khiến mọi người đều cảm thấy sảng khoái. Chúng tôi nghỉ đêm tại Ft. Stockton, thành phố nhỏ có nhiều pháo đài quân sự bao quanh và nhiều trang trại đặc trưng của miền Viễn Tây nước Mỹ.
    Sáng hôm sau, đoàn dậy sớm để đến Big Bend National Park lúc 10 giờ. Đường vào công viên quốc gia thẳng tắp, hai bên đều là đồng cỏ khô và cây bụi, nếu không có ngọn núi xa xa chắn ngang thì chân trời ngỡ như đang ở ngay trước mắt.
    Đường vào công viên quốc gia Big Bend.
    Nhiệt độ những ngày này dao động ở mức 40 – 45oC, không khí nóng và khô, mặc dù vậy Big Bend vẫn hiện ra tràn đầy sức sống. Động vật hoang dã ở đây phải hoạt động liên tục để có thể sinh tồn, trong đó đông đảo nhất là loài thỏ. Trên đường vào công viên quốc gia, xe đã rất nhiều lần suýt cán phải những con vật xinh xắn này.
    Chạy xe ban đêm ở đây khá nguy hiểm vì muông thú không biết từ đâu ra bất thình lình xuất hiện trên đường. Khoảng vài phút lại có một con vật tạt ngang trước đầu xe, hết thỏ đến chim chóc.
    Chúng tôi đã ba lần tròn mắt chứng kiến những cú nhảy cao đáng kinh ngạc và phản xạ nhanh nhạy của đàn hươu khi chạy qua đường.
    Kiệt tác của đá.
    Có thể nói Big Bend đẹp nhất vào sáng sớm khi mặt trời bắt đầu lên, lúc giữa trưa khi mặt trời lên cao nhất và xế chiều khi mặt trời sắp lặn. Trong thời gian khám phá vùng đất này, những hình ảnh về miền Tây hoang dã (the Wild Wild West) trong các bộ phim tôi đã xem hiện lên thật sinh động, tất nhiên là chất lượng và chân thật hơn rất nhiều. Cung đường chỗ thì thẳng tắp, chỗ thì uốn lượn.
    Quang cảnh chung quanh chỉ toàn núi đá, đồng cỏ khô, xương rồng và cây bụi. Xe chạy qua những cung đường này có khi để lại một dải bụi phía sau, hoang dã hơn cả trong phim.
    Hẻm núi kỳ vĩ ở Big Bend.
    Theo đường Ross Maxwell Scenic, xe đến hẻm núi Santa Elena. Con đường mòn tại đây dẫn khách bộ hành lên núi cao, đến bãi cát bên dòng chảy và đi sâu vào hẻm núi của con sông Rio Grande. Có những đoạn đường, gió từ khe núi thổi ra lạnh cóng. Một điều làm nên tiếng tăm của Big Bend chính là dòng sông Rio Grande chạy len lỏi giữa những bức tường núi đá Santa Elena vô cùng hùng vĩ.
    Bên kia sông là đất nước Mexico. Muốn ra khỏi nước Mỹ, du khách chỉ cần đi bộ qua lòng sông hẹp, nước cao đến thắt lưng.
    Sông Rio Grande, biên giới tự nhiên giữa Mỹ và Mexico.
    Buổi chiều, xe tiến vào thung lũng Chisos Basin nằm lọt thỏm giữa những dãy núi dựng đứng. Những lối mòn dẫn lên dãy núi này hai bên đầy hoa dại và hoa xương rồng màu sắc rực rỡ. Khi nắng sắp tắt, trên đường xuống núi, chúng tôi được thấy cảnh đàn nai rừng ra kiếm ăn.
    Hôm đó, mọi người ngắm cảnh chiều tà tại khe núi có tên “Cửa sổ” (The Window) mãi cho đến khi không còn một giọt nắng nào và hoàng hôn trên sa mạc tạo nên những màu sắc thật kỳ ảo cho cảnh sắc trời và đất! Ðêm xuống, thung lũng một màu đen thẫm, trăng thượng tuần treo lơ lửng đầu non không đủ soi sáng lối đi, ai nấy càng cảm nhận rõ rệt sự tịch liêu chốn núi rừng trùng điệp.
    Hoàng hôn ngoạn mục trên hoang mạc.
    Những dặm đường rong ruổi
    Cách Big Bend vài giờ lái xe là vùng núi Davis. Hơn 70 năm về trước, trên đỉnh Locke của một dãy núi, người ta xây đài thiên văn McDonald (đặt theo tên ông McDonald, một chủ ngân hàng giàu có ở Texas đã cống hiến tài sản của mình vào việc nghiên cứu trăng sao). Nơi đây cách xa đô thị nên bầu trời đêm không bị ánh sáng đèn điện làm vẩn đục.
    Đường đến dãy núi Davis, nơi có đài thiên văn hấp dẫn
    Đường đến dãy núi Davis, nơi có đài thiên văn hấp dẫn.
    Hiện nay, đài thiên văn McDonald thuộc Trường Đại học Texas. Ban ngày, có chương trình hướng dẫn du khách lên đài thiên văn xem viễn vọng kính, ban đêm du khách được quan sát Thái Dương hệ và các dải ngân hà. Lần đầu tiên, chúng tôi được thấy mặt trăng thật rõ, thấy sao Diêm Vương (Pluto) khổng lồ với bốn vệ tinh bé tí xíu.
    Chương trình buổi tối rất phong phú, từ 6 giờ chiều đến hơn 9 giờ đêm mới xong, tham gia cả ba chương trình chỉ tốn có 25 USD/người. Trên bầu trời đêm hôm ấy lấp lánh muôn vàn tinh tú, thật lý tưởng để học hỏi về vũ trụ bao la và nhìn ngắm sao trời.
    Khung cảnh từ đài thiên văn Mcdonal nhìn ra.
    Sát biên giới Texas là công viên quốc gia Carlsbad Caverns ở phía đông nam bang New Mexico cũng là điểm đến được chúng tôi lưu lại khá lâu. Đoạn đường hơn 10km từ đường xuyên bang vào rừng quốc gia uốn lượn theo triền núi với nhiều chỗ tuyệt đẹp.
    Những động thạch nhũ thì giống nhau, nhưng cái mà mọi người cho là đáng đồng tiền hơn cả tại Carlsbad Caverns là “Natural Entrance” – lối đi xuống động tự nhiên (đi thang máy chỉ mất vài phút).
    Lối đi ngoằn ngoèo dài hơn một dặm và rất dốc, có đoạn chỉ bước được nửa bước chân, và nếu đã chọn đi đường này thì phải đi cho hết vì trở lên còn mệt hơn do phải leo dốc.
    Lối đi xuống hang động Carlsbad Caverns.
    Có người cho rằng những vùng sa mạc khô cằn như Big Bend, Carlsbad Caverns thì quang cảnh sẽ rất nhàm chán, nhưng đi rồi mới thấy mỗi hoang mạc có nét đẹp riêng, càng ngắm kỹ càng thấy sức sáng tạo của thiên nhiên thật không cùng.
    Nguyễn Minh

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét