Thứ Hai, 14 tháng 1, 2019

Đến Strasbourg để yêu và để nhớ

Nơi đó có những giọt vang nức tiếng vùng Alsace, có một La Petite France (Nước Pháp thu nhỏ), một phố cổ với những ngôi nhà hơn 600 năm tuổi, một giáo đường Gothic cao thứ 4 thế giới, một chợ phiên đặc sản tấp nập dịp cuối năm… Những nguyên cớ ấy đưa tôi đến với Strasbourg, một cổ thành bên dòng Ill cách Paris gần 3 giờ đi tàu.

           
    Chợ phiên cuối năm ở quảng trường Nhà thờ Đức Bà Strasbourg, góc trái là ngôi nhà cổ Maison Kammerzell xây nên từ 1427
    Đến Strasbourg trong những ngày cuối năm, bỏ qua những bất an với dư âm một vụ xả xúng khủng bố gần đây, Strasbourg vẫn rộn ràng, quyến rũ và đầy thơ mộng. Thị tứ miền biên này được công nhận là Di sản Thế giới từ 1988 bởi vẻ đẹp lưu giữ vẹn toàn từ thời Trung Cổ.
    Đồng hành cùng ngàn người tứ xứ đổ về phố cổ Île de la Cité, càng gần đến phố cổ, cảm giác tình yêu với Strasbourg tăng thêm dần, khi vẻ đẹp kiều diễm của Strasbourg mở ra, không dồn dập, vội vàng mà kín đáo, e ấp như một cô gái đương thì miền thôn quê lạc chốn thị thành. Bởi thế, các văn hào hay ví von Strasbourg như một nàng thơ bất hủ vùng Alsace, với vẻ đẹp tinh khiết đến kiêu sa trong trang phục là những tòa kiến trúc cổ, ngày ngày soi vẻ đẹp vượt thời gian lên dòng Ill lãng mạn. 
     
    Một góc đẹp với dòng sông Ill và phố cổ ở La Petite France của Strasbourg 
    Strasbourg thanh bình với những ngôi nhà kiểu Đức soi bóng trên dòng sông Ill
    Một trong những nét đẹp đại diện cho Strasbourg, chính là tòa kiến trúc Gothic của Nhà thờ Đức Bà Strasbourg (Cathédrale Notre-Dame de Strasbourg), điểm độc đáo ở tòa kiến trúc hơn 1000 năm tuổi này (được đặt viên đá xây dựng đầu tiên từ 1015 do Hoàng đế Heinrich II cùng Werner von Habsburg - Giám mục Strasbourg - cử hành), là sự khiếm khuyết một tháp chuông ở mặt tiền phía tây công trình, bởi phần đất nền yếu nên các công trình sư phải thay đổi bản thiết kế, bớt đi một tháp chuông để giảm tải khiến chỉ còn lại một tháp chuông như hiện hữu.
    Công trình mất đến hơn 4 thế kỷ, trải qua 14 đời kiến trúc sư, từng là kiến trúc Gothic cao nhất thế giới (142m), được mệnh danh là kỳ quan thời Trung Cổ, hàng năm đón hơn 4,5 triệu lượt khách tham quan. 
    Mặt tiền nhà thờ Đức Bà Strasbourg với kiến trúc Gothic theo phong cách tỏa sáng (rayonnant)
    Chưa vào đến phố cổ Strasbourg, cảm giác say say tăng dần, say vì cảnh chỉ là cảm xúc, nhưng cái say đã đời hơn ấy là những tiệm bán rượu vang nóng của các em gái Alsace xinh tươi chốt khắp ngả đường, thật khó cưỡng bởi dân uống vang ai cũng biết Alsace là quê hương của các giống nho lẫy lừng với Pinot Blanc, Pinot Gris hay Riesling… tạo nên hương vị tinh tế cho hơn 30% tổng sản lượng các chai vang trắng trên toàn nước Pháp.
    Nhưng uống vang nóng ở cái lạnh trời đông dịp cuối năm, lại được những cô nàng Alsace chính hiệu mời mọc, cộng với mức giá 3 Euro cho 30cl (bằng giá với 2 chai vang 750ml hạng xoàng trong siêu thị), từng hớp vang ngọt, nồng, cay, ấm… phê tê đủ mọi đường. 
     Một tiệm bán vang nóng theo ba phong cách khác nhau của các cô gái Alsace
    Trong hơi nồng men vang vẫn quanh quất, khiến cả 5 giác quan đang phải căng ra tận hưởng, tôi chạm vào một nhức nhối khác của ẩm thực Pháp, ấy là nấm hương Truffes được bán trong chợ phiên cuối năm ngay trước lối vào phố cổ Strasbourg. Các cục nấm tươi nguyên, mới được đám lợn thu hoạch từ vùng rừng thông Alsace, đưa về phố, được nâng niu còn hơn con mọn, đã đặt trong tủ kính lại còn nhốt thêm cái hộp con con, hóa ra để giữ mùi hương đặc biệt của nấm. Ông chủ bán hàng có đôi ria con kiến, nhìn qua đã thấy tếu táo, thấy tôi là dân Á Đông, đầy nhiệt tình giới thiệu, lôi đủ thứ nấm Truffes ra cho… hít hà các mùi hương khác nhau.
    Trình thẩm mùi hương thứ nấm xa xỉ ấy của tôi thuộc giải “ngoại hạng”, thế nên đưa loại rẻ là 5.500 Euro/kg (khoảng 145 triệu) đến loại 14.000 Euro/kg (khoảng 370 triệu)… thấy cả hai ngon thơm đến mười phân vẹn mười. 
    Ông chủ tiệm nấm Truffes vui tính nơi chợ phiên cuối năm ở Strasbourg 
    Câu chuyện tìm nấm, khai thác từng viên nấm bé bằng quả vải thiều, được ông chủ kể lể, nghe li kỳ, phức tạp ra phết. Nhờ mùi hương quyến rũ, nên chỉ có hai giống lợn hoặc chó săn thiện nghệ mới có thể đánh hơi ra nấm nằm sâu dưới lớp lá rừng mùa cuối thu. Cũng bởi thế mà giá nấm Truffes luôn ngất ngưởng.
    Ngoài hương, vị tự nhiên, ngon thơm quý phái, nâng độ phê cho ẩm thực, Truffes có thêm công dụng khác khiến tôi phải rưng rưng bởi nghe đồn từ ngàn xưa thứ này đã được dân quý tộc Châu Âu sử dụng làm trợ thủ đắc lực chốn phòng the.
    Thật khó cưỡng lại chuyện mua một miếng bánh nướng, kèm 4 lát nấm Truffes đen (do rẻ hơn Truffes trắng) mỏng tang phủ lên trên để thử độ hiệu nghiệm. 
    Các viên nấm đen bày bán trong chợ phiên cuối năm, mức giá này được xem là rất bình dân, nếu vào cửa tiệm sẽ khủng hơn ít là đôi lần
    Miếng ăn đường phố mà có giá cửa tiệm ấy ngốn hết 12 Euro (hơn 300 ngàn), nhưng quả thực, mùi nấm tươi, nồng hương mới, quyến rũ đến nồng nàn, tôi phải hết sức kiềm chế trước cám dỗ đầy mời mọc của hương nấm, và của cả ông chủ tiệm hiếu khách để chia tay những cục nấm Truffes, tiếp tục hành trình loanh quanh vào phố cổ Strasbourg. 
     Lối vào khu chợ phiên bày bán các đặc sản vùng Alsace dịp cuối năm   
    “Nước Pháp thu nhỏ”, “Venice thu nhỏ”… hàng loạt mỹ từ người ta miêu tả về Strasbourg mở ra với những cây cầu bắc ngang dòng ill, với những kiến trúc cổ mang đậm phong cách Đức đã qua hàng trăm năm tồn tại. Tạo nên một thành cổ đặc biệt trên toàn vùng Châu Âu. Nét hấp dẫn ấy của Strasbourg bởi là đô thành nơi biên giới, với quá khứ thăng trầm khi chịu nhiều ảnh hưởng của cả hai nền văn hóa Pháp - Đức.
    Từ chuyện là một đô thành tự trị, rồi thuộc về lãnh thổ Pháp ở thế kỷ 17 sau khi Pháp chiếm được Strasbourg 09/1681. Đến thế kỷ 19 (1871), Strasbourg lại thuộc về đế chế Đức cho đến Hòa ước Versailles 1919. Sau đó Strasbourg tiếp tục… đổi chủ và trở thành lãnh thổ Pháp cho đến hôm nay.
    Câu chuyện chiến sự xưa ở Strasbourg cũng là nơi khai sinh ra Hành khúc Đoàn quân sông Rhin, chính là La Marseillaise - quốc ca Pháp do Claude Joseph Rouget de Lisle - một binh sĩ, nhạc công vĩ cầm - sáng tác ở Strasbourg trong đêm 25/04/1792. 
    Những ngôi nhà cổ mái dốc theo phong cách kiến trúc Đức nơi phố cổ Strasbourg 
    Ngày đến Strasbourg, bên cạnh hành trình khám phá nét đẹp quyến rũ, thơ mộng của thành cổ này, tôi may mắn được nghe đội nhạc chuông của Strasbourg trình diễn bằng màn diễu hành quanh phố cổ. Mỗi khi đội nhạc chuông đi đến đâu, các hoạt động nhộp nhịp đường phố như dừng hẳn lại để chiêm ngưỡng, lắng nghe âm thanh từ 20 quả chuông hạng nặng, được những chàng đã đẹp trai lại còn cơ bắp của Strasbourg rung lắc theo nhịp chân đi, tạo nên bản hòa ca đặc biệt cùng âm thanh vang dội, hùng tráng. 
     Đội nhạc chuông độc đáo ở Strasbourg biểu diễn trên đường phố ở chợ phiên cuối năm
    Thăm thú Strasbourg, cảm giác như thời gian chẳng bao giờ là đủ, bởi đô thành đặc biệt này còn quá nhiều điều hấp dẫn để chiêm nghiệm, khám phá. Dù sao, được một lần chạm vào nét duyên thơ nơi Strasbourg, khi rời đi, ai cũng mong sớm có ngày hạnh ngộ.    
           
             THIÊN AN
          

    Strasbourg vương vấn một mùi hương

    Cách Paris 500km về phía đông, giáp giới với Đức, Strasbourg là thành phố nhỏ nhắn và thâm hậu: Là thủ phủ của vùng Alsace. Là nơi giao lộ của các ngả đường đi khắp châu Âu. Là thành phố cổ kính hơn hai ngàn năm tuổi. Là di sản văn hóa thế giới (1988). Là được coi như là thủ đô của châu Âu – nơi đặt trụ sở Quốc hội châu Âu, Hội đồng châu Âu, Tòa án Nhân quyền châu Âu, Quân đoàn châu Âu… Và, từng là nơi cư ngụ của bao danh sĩ lẫy lừng. Cách Paris 500km về phía đông, giáp giới với Đức, Strasbourg là thành phố nhỏ nhắn và thâm hậu: Là thủ phủ của vùng Alsace. Là nơi giao lộ của các ngả đường đi khắp châu Âu. Là thành phố cổ kính hơn hai ngàn năm tuổi. Là di sản văn hóa thế giới (1988). Là được coi như là thủ đô của châu Âu – nơi đặt trụ sở Quốc hội châu Âu, Hội đồng châu Âu, Tòa án Nhân quyền châu Âu, Quân đoàn châu Âu… Và, từng là nơi cư ngụ của bao danh sĩ lẫy lừng.
    Tiền thân của Strasbourg là khu thành lũy có tên Argentoratum, được xây dựng năm 12 trước Công nguyên dưới thời hoàng đế La Mã Augustus. Trời Trung cổ, Strasbourg là một trung tâm kinh tế quan trọng. Nhưng rồi, trong suốt chiều dài lịch sử của mình, Strasbourg chẳng khác chi số phận của cô gái xinh đẹp và dịu dàng, lại như tấm lụa đào phất phơ giữa chợ khi vào tay Pháp, khi qua tay Đức, đôi khi lẻ loi một mình, rồi lại về Pháp, lại sang Đức, nay thì hoàn toàn thuộc Pháp. Phải chăng vì thế mà Strasbourg vừa có chất lãng mạn và hào hoa của Pháp, vừa có tính chặt chẽ và ngăn nắp của Đức, hai chất liệu góp phần tạo nên một Strasbourg độc đáo và quyến rũ.
    Với con sông nhỏ uốn quanh
    Biểu tượng của thành phố là Nhà thờ Đức Bà. Sau hơn hai thế kỷ xây dựng, năm 1439, công trình được hoàn thành – từng là công trình cao nhất thế giới, ngày nay nó vẫn được xếp vào hàng một trong những nhà thờ cao nhất thế giới. Nhà thờ Đức Bà là một kiệt tác kiến trúc, với những đường nét, những công trình chạm trổ tinh xảo và nghệ thuật, cùng thứ màu tím hồng độc đáo và lãng mạn khiến trở thành vô song. Vào những ngày lễ lớn, hệ thống đèn chiếu sáng khoác lên mình nó thứ ánh vàng mộng mị tưởng như vừa hiện ra từ trong câu chuyện cổ tích.
    Và những thánh đường cao vút
    Thành phố cổ Strasbourg nằm gọn trên đảo lớn (Grande Île), được bao bọc bởi hai nhánh sông Ill – phụ lưu của sông Rhin. Bởi thế, một trong những đặc điểm nổi bật của Strasbourg là có rất nhiều cầu. Những chiếc cầu nhỏ nhắn, xinh xinh, hai bên thành cầu lúc nào cũng có nhiều hoa. Hình như đó là những chiếc cầu không chỉ làm nhiệm vụ nối liền đôi bờ mà còn cả sứ mệnh nối liền trái tim với những trái tim, hiện tại với quá khứ, hôm nay và mai sau.
    Chiếc tàu điện nối liền hai miền cổ kính và hiện đại
    Qua khỏi cầu là một cảnh giới hoàn toàn khác. Rất dễ có cảm tưởng ta đang lồng lộng đi như đi giữa ngày xưa. Mỗi ngôi nhà, mỗi góc phố đều in đậm dấu thời gian. Một cảm giác lạ lùng tràn ngập tâm hồn khách lãng du: tĩnh lặng, thơ thới, êm đềm, sâu lắng… Trong vô số những ngôi nhà cổ ở Strasbourg, Maison Kammerzell là ngôi nhà nổi tiếng nhất, với tuổi đời ngót nghét 600 năm, tọa lạc ngay bên quảng trường Nhà thờ Lớn. Có người nói, đây là một trong những quảng trường đẹp nhất châu Âu, và lạ lùng thay lúc nào cũng lộng gió. Đi cho chán chê ê ẩm rồi về đây ngồi nhâm nhi cốc bia truyền thống vùng Alsace, ngắm nhìn nhân loại nhởn nhơ… Thiệt đại chi là thú.
    Quảng trường Nhà thờ Lớn bao giờ cũng lộng gió
    Nhưng thu hút du khách nhiều nhất vẫn là khu phố cổ La Petite France, nằm cạnh bờ sông Ill, với những ngôi nhà cổ theo phong cách Nam Đức – nhiều tầng, mái dốc, tường trắng, khung gỗ lộ ra bên ngoài, trên các bậu cửa luôn đính nhiều lẵng hoa đủ sắc màu, trông lãng mạn và đẹp cái đẹp rất riêng. Cùng với những kênh đào thơ mộng, những ngõ hẻm hun hút gió lùa, cái giai điệu lạ lùng quyến rũ… La Petite France thật sự là điểm sáng nghệ thuật của bài thơ Strasbourg.
    Một góc La Petite France
    Strasbourg là hình mẫu của sự kết hợp truyền thống và hiện đại. Phố cổ với những con đường nhỏ nhắn xinh xinh, những ngôi nhà cổ duyên dáng và trữ tình, những lâu đài cổ huyền bí và mộng mơ… tất cả đều được trân quý và bảo tồn nguyên vẹn. Từ khi Strasbourg trở thành như là thủ đô của châu Âu, rất nhiều công trình mới được xây dựng cực kỳ bề thế và hiện đại, như tòa Nghị viện châu Âu, Hội đồng châu Âu, Điện Nhân quyền châu Âu, và nhiều công trình khác. Nhưng tất cả đều nằm bên ngoài quần thể kiến trúc cổ. Strasbourg như bức tranh với hai màu chủ đạo tưởng như xung khắc nhau nhưng lại được phối hợp một cách tài tình, duyên dáng, và đẹp. Ở đây người ta hiểu bảo tồn và phát triển là hai khái niệm độc lập nhưng không đối lập, và người ta đã giải quyết vấn đề theo hướng tích cực. Rằng bảo tồn các di sản văn hóa là một cách phát triển kinh tế. Mà muốn phát triển kinh tế, muốn thu hút du khách, muốn giàu, muốn mạnh thì phải biết giữ gìn nét văn hóa độc đáo của mình, nghĩa là không lỏi chỏi, không lai tạp, không học đòi, không mất mình, không sến. Strasbourg mỗi năm thu hút khoảng vài chục triệu khách du lịch – con số đáng ngưỡng mộ, nhưng chẳng có gì khó hiểu.
    Trung tâm Hội nghị châu Âu
    Strasbourg chính là nơi Claude Joseph Rouget de Lisle sáng tác bản nhạc lừng danh dành cho quân đoàn sông Rhin, sau này trở thành bài La Marseillaise – quốc ca của Pháp. Cũng tại thành phố này, Gutenberg sáng chế máy in đầu tiên, để rồi từ đây công nghệ này phát triển ra khắp châu Âu. Strasbourg còn là nơi học tập và sinh sống của nhiều nhân vật nổi tiếng như Johann Wolfgang Goethe, Jakob Michael Reinhold Lenz, Johann Gottfried Herder, Eulogius Schneider, Georg Büchner…
    Người ta nói, Strasbourg là thành phố nhiều hoa và cây xanh nhất nước Pháp, đặc biệt có rất nhiều công viên lớn nhỏ, mà Orangerie là công viên nổi tiếng nhất. Tại đây, năm 1804, thành phố quyết định xây Pavillon Joséphine làm nơi đi về cho đôi tình nhân lừng danh kim cổ: Napoléon – Joséphine. Thế là các cuộc tiệc tùng xa hoa lộng lẫy tưng bừng khai hội mỗi lần họ ghé qua. Tòa nhà hiện nay là công trình đã được trùng tu y chang mô hình cũ vốn bị hỏa hoạn thiêu rụi năm 1968. Trước nhà vẫn còn nguyên bức tượng bán thân nữ hoàng Joséphine sinh động như thật. Khuôn mặt nàng thì hết nói rồi, còn bộ ngực, hèn chi Napoléon chếnh choáng đất trời. Napoléon là vị tướng tài danh và đa tình. Có quá nhiều người để ông yêu, nhưng xem ra ông chỉ yêu một người, đó là Joséphine, thiếu phụ đã qua một đời chồng, hai con, và hơn ông tới năm tuổi. Vậy mà ngay cái nhìn đầu tiên, Napoléon đã bị hút hồn. Họ trở thành vợ chồng như là trò chơi cắc cớ của thượng đế.
    Những con đường nhỏ nhắn 2.000 năm tuổi
    Một biểu tượng khác lẫy lừng không kém Nhà thờ Đức Bà là Trường Đại học Strasbourg, được thành lập năm 1621. Hiện là đại học lớn nhất nước Pháp, với khoảng 43.000 sinh viên, hơn 6.000 cán bộ giảng viên, 77 trung tâm nghiên cứu, 38 đơn vị khoa, ngành, viện… Là ngôi trường nổi tiếng châu Âu, cả nổi tiếng thế giới. Là nơi đào tạo cho thế giới không biết bao nhiêu nhân tài trên mọi lĩnh vực, và nhiều nhà khoa học lỗi lạc, trong đó có nhiều vị đoạt giải Nobel và Fields. Trước năm 2000, có sáu sinh viên Việt Nam được chính phủ Pháp cấp học bổng du học tại đây.
    Nhà thờ Đức Bà và ngôi nhà cổ Kammerzell nổi tiếng
    Một trong sáu sinh viên ấy là Thục Uyển, con gái út của chúng tôi. Còn nhớ, những năm đầu da diết lắm – vừa lo lắng, vừa nhớ thương. Nhưng rồi qua thư của con, dần dà chúng tôi cũng hình dung được thành phố nơi cháu gửi gắm cả tuổi thanh xuân của mình: Đó là thành phố cổ kính và yên bình, dân thành phố hiền hòa và nhân hậu… Là thành phố mùa đông cực kỳ lạnh giá, mùa xuân hoa lá khắp nơi, mùa hè ngát xanh cây cỏ, mùa thu thăm thẳm tầng trời. Là thành phố có con sông nhỏ uốn quanh, những ngôi nhà cổ soi bóng, những chiếc cầu xinh xinh, những giáo đường cao vút. Là thành phố đẹp như thơ, ngăn nắp như bài tập. Là thành phố xe đạp nhiều hơn xe hơi; chiếc tàu điện  nhỏ nhắn, dễ thương nối liền hai miền cổ kính và hiện đại. Ngày tôi đến, xem ra Strasbourg đời thật không khác bao nhiêu với Strasbourg trong tâm tưởng tôi.
    Ôi Strasbourg. Năm tháng đi qua mà chút tình xưa vẫn còn vương vấn mãi.
    Nguyễn Văn Dũng
    Trung tâm Luật Nhân quyền châu Âu
            

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét