Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018

Poke: kết quả mối tình hơi "ngang trái" của ẩm thực Mỹ và Nhật, lai lai giữa salad và sushi

QUỲNH ĐÀO, THEO TRÍ THỨC TRẺ

Không phải salad dù có rất nhiều rau, cũng chẳng phải sushi dù có cá sống, Poke là kết quả của sự dung hợp hai nền ẩm thực Nhật - Mỹ độc đáo.

Đối với nhiều bạn trẻ, Poke vẫn là một khái niệm tương đối xa lạ, bởi lẽ 50% món ăn này được làm từ rau, rất nhiều rau. Một bát Poke bình thường có màu xanh lá ngự trị nhiều đến mức ai nhìn vào cũng tưởng đấy là salad, mà như đã biết thì người trẻ tụi mình toàn "đạo thịt" thôi, có đứa ghét rau nói chung đến mức không đụng nổi… một cọng hành, chứ đừng nói chi là salad. Chính vì thế mà phần đông giới trẻ "tự giác" né Poke ra.
Poke: kết quả mối tình hơi ngang trái của ẩm thực Mỹ và Nhật, lai lai giữa salad và sushi - Ảnh 1.
Thế nhưng đấy là hiểu lầm, bản thân Poke không phải là một món có rau củ làm chủ đạo như các loại salad, mà là các loại topping nguồn gốc hải sản như cá ngừ, cá hồi hoặc trứng cá hồi. Và mặc dù cái tên cùng món cá sống dễ khiến người ta liên tưởng đến nước Nhật, Poke thực ra lại mang "quốc tịch"… Hawaii (Mỹ) cơ.
Poke đọc là "poh kay", trong ngôn ngữ Hawaii có nghĩa là "cắt lát", ý chỉ những lát cá tươi sống được cắt thành khối vuông nhỏ trong một bát Poke. Để hiểu thêm về cái tên này thì hẳn phải "đào" đến cội nguồn gốc rễ từ xưa xửa xừa xưa. Tổ tiên ngư dân Hawaii đã tạo ra Poke từ những con cá nhỏ không thể mang đi bán được. Họ cắt những con cá nhỏ này ra lúc vừa mới bắt được và ăn tươi sống cùng cơm và rau củ ngay trên thuyền. Đây vốn là một truyền thống dùng để tiết kiệm của người dân nơi này.
Poke: kết quả mối tình hơi ngang trái của ẩm thực Mỹ và Nhật, lai lai giữa salad và sushi - Ảnh 2.
Tuy nhiên, khi sự đổ bộ của công nhân Nhật Bản vào thế kỷ 18, những con cá nhỏ không tên trong món Poke bắt đầu được đổi thành cá ngừ ngâm. Đối với những con dân "rành" ẩm thực Nhật thì hẳn không khó để chỉ ra sự tương đồng giữa Poke và Donburi (cùng là tô cơm với topping rau củ, thịt và sốt) nhỉ? Vì vậy nên, theo một nghĩa nào đấy thì Poke chính là đứa con tinh thần của hai nền ẩm thực Nhật và Hawaii sau một thời gian... "giao lưu" với nhau.
Poke: kết quả mối tình hơi ngang trái của ẩm thực Mỹ và Nhật, lai lai giữa salad và sushi - Ảnh 3.
Poke chính là món ăn được ưa chuộng không chỉ ở Hawaii, mà dưới xu hướng giao thoa của các nền văn hoá hiện tại, nó đã rời khỏi cố hương và trở thành một trong số những món ăn nổi tiếng trên khắp thế giới. Các hàng quán bán Poke cũng lục tục nổi lên như "nấm mọc sau mưa" và có dạo còn tung hoành trên mạng xã hội. Có thể nói, Poke được nhiều người yêu thích do yếu tố dinh dưỡng và do cả… "ăn ảnh". Bằng chứng là chỉ cần lượn một vòng Instagram cũng sẽ thấy cơ man là hình lung linh của món ăn này.
Poke: kết quả mối tình hơi ngang trái của ẩm thực Mỹ và Nhật, lai lai giữa salad và sushi - Ảnh 4.
Tuy nhiên, dù nổi tiếng là vậy nhưng "mẫu quốc" của Poke lại tỏ vẻ không hài lòng. Bởi vì có một sự thật là Poke hiện tại đang được "cải tiến" quá mức. Những lát cá thu ngâm truyền thống được thay thế bằng nào là cá ngừ, cá hồi và trứng cá hồi, bạch tuộc, tôm… và ti tỉ những loại rau không tồn tại ở Hawaii như… cần tây. Nếu hỏi một người Hawaii bản địa về món Poke bây giờ thì chắc chắn sẽ nhận lại những cái lắc đầu "ngao ngán".
"Bạn không thể cứ ném hằm bà lằng mọi thứ vào, thêm một ít dứa rồi gọi nó là thức ăn Hawaii được, thật kì cục!" một người bản địa đã nói trong một cuộc phỏng vấn cho báo Washington Post (Mỹ).
Poke: kết quả mối tình hơi ngang trái của ẩm thực Mỹ và Nhật, lai lai giữa salad và sushi - Ảnh 5.
Song, mặc cho những ý kiến trái chiều thì Poke phiên bản "hiện đại" vẫn rất nổi tiếng ở nhiều nước trên thế giới, và là một trong những món ăn lành mạnh nhất cho hội yêu fitness. Món ăn này đã thoát khỏi xuất thân bình dị mà trở nên "đắt giá" hơn khi đến những nước khác. Không nói đâu xa, một phần Poke được bán ở Sài Gòn hay Hà Nội cũng có giá đến khoảng 150k rồi, dù chỉ là một tô cơm nhỏ thêm rau củ và topping cá sống. Có ai dám thử không nào?
Nguồn: Michelin Guide, The Washington Post

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét