Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018

Lesotho nằm hoàn toàn bên trong Cộng hòa Nam Phi

Lesotho (tên chính thức Vương quốc Lesotho) là quốc gia tại cực nam châu Phi và hoàn toàn bị bao quanh bởi lãnh thổ Cộng hòa Nam Phi. Ngoài Lesotho, chỉ còn hai quốc gia nằm hoàn toàn trong một quốc gia khác, đó là San Marino và Thành Vatican, đều ở bên trong Italy.
Ảnh: Mapsofworld
Ảnh: Mapsofworld
Lesotho có hai ngôn ngữ chính thức: tiếng Sotho và tiếng Anh. Diện tích lãnh thổ là 30.355 km2, dân số tính đến năm 2018 gần 2,3 triệu, theo Worldometers. Maseru là thủ đô và thành phố lớn nhất của Lesotho, tọa lạc bên sông Caledon, ngay biên giới Lesotho - Nam Phi. 

Toàn bộ lãnh thổ Lesotho nằm ở độ cao trên 1.000 m

Lesotho nổi tiếng là quốc gia độc lập duy nhất trên thế giới nằm ở độ cao hoàn toàn trên 1.000 m so với mực nước biển. Theo Just Fun Facts, hơn 80% lãnh thổ đất nước nằm trên 1.800 m. 
Điểm thấp nhất ở Lesotho là 1.400 m, vẫn cao nhất khi so với điểm thấp nhất của bất kỳ quốc gia nào khác. Núi Thabana Ntlenyana (tên gọi có nghĩa "ngọn núi nhỏ xinh đẹp") là điểm cao nhất Lesotho và là ngọn núi cao nhất khu vực Nam Phi, với độ cao 3.482 m trên mực nước biển.
Travelling Chilli thông tin, Lesotho được mệnh danh là "vương quốc núi", bởi gần hai phần ba lãnh thổ là các ngọn núi (2.200-3.000 m). Khi lái xe dọc đất nước, bạn sẽ thấy cảnh tượng núi non trùng điệp, hình thù rất đa dạng.
Con đường với núi non bao quanh ở Lesotho. Ảnh: Travelling Chilli
Con đường với núi non bao quanh ở Lesotho. Ảnh: Travelling Chilli
Lesotho sở hữu quán rượu cao nhất châu Phi, ở độ cao 2.874 m so với mực nước biển. Nó nằm ngay tại biên giới với Nam Phi, là điểm cuối của đèo Sani (Sani Pass).
Rừng chiếm chưa đến 1% diện tích đất ở Lesotho. Quốc gia trong lòng Cộng hòa Nam Phi được xem là vùng đất của bầu trời trong xanh và có hơn 300 ngày nắng mỗi năm. Tuy nhiên, do nằm ở vị trí cao, khí hậu Lesotho lạnh hơn hầu hết khu vực khác có cùng vĩ độ

 Quốc kỳ Lesotho có hình nón rơm ở chính giữa

Theo World Atlas, Lesotho đã thông qua quốc kỳ hiện tại vào ngày 4/10/2006, trùng với lễ kỷ niệm 40 năm trở thành quốc gia độc lập. 
Trên thiết kế hình chữ nhật với tỷ lệ chiều rộng và chiều dài tương ứng 2:3, ba sọc ngang được sắp xếp theo thứ tự từ trên xuống là xanh lam - trắng - xanh lục. Hai sọc xanh có chiều rộng bằng nhau nhưng hẹp hơn một chút so với sọc trắng ở giữa (tỷ lệ chính thức là 3:4:3). Ngay trung tâm sọc trắng là chiếc mũ rơm mokorotlo màu đen, đại diện của di sản văn hóa đất nước. 
Quốc kỳ Lesotho. Ảnh: African Independent
Quốc kỳ Lesotho. Ảnh: African Independent
Lá cờ cũ với biểu tượng chiến tranh truyền thống (giáo và khiên) được sử dụng trong gần hai thập niên kể từ năm 1987. Quốc kỳ hiện tại phản ánh sự hòa bình và ổn định. Màu xanh lam tượng trưng cho mưa hoặc bầu trời trong xanh. Màu trắng thể hiện cho hòa bình, cả về nội bộ lẫn trong mối quan hệ với nước láng giềng duy nhất là Cộng hòa Nam Phi. Màu xanh lục đại diện cho sự thịnh vượng và vùng đất màu mỡ của đất nước.
Mũ mokorotlo được làm bằng rơm, ban đầu là trang phục truyền thống của người dân, sau đó dần trở thành biểu tượng quốc gia. Hình ảnh chiếc mũ xuất hiện trên cả biển số xe và là nguồn cảm hứng cho kiến trúc của trung tâm đồ thủ công tại thủ đô Maseru.
Mũ mokorotlo trong đời thường. Ảnh: Help Lesotho
Mũ mokorotlo trong đời thường. Ảnh: Help Lesotho
Theo truyền thống, người Lesotho đội mũ trong các nghi lễ quan trọng nhằm phản ánh bản sắc dân tộc. Thiết kế ban đầu của quốc kỳ có hình ảnh mokorotlo màu nâu, nhưng sau này đã được đổi thành màu đen như hiện tại.

Chăn là trang phục truyền thống của người Lesotho

Theo trang Help Lesotho, chiếc chăn truyền thống của người Lesotho đã có lịch sử hơn một thế kỷ. Vào năm 1860, vua Moshoeshoe I, người đã tập hợp dân chúng trên lãnh thổ Lesotho ngày nay, được tặng món quà là một chiếc chăn len. Ông thích chiếc chăn đến nỗi từ bỏ chiếc áo choàng da báo truyền thống.
Người dân Lesotho đã học theo nhà vua. Cho đến ngày nay, chăn là một phần gắn liền với cuộc sống và văn hóa của họ. Bạn sẽ nhìn thấy những tấm chăn với đủ màu sắc và hoa văn trong các sự kiện quan trọng của người Lesotho, từ đám cưới đến khi sinh con hay trong lễ đăng quang của các vị vua.
Những người già ở Lesotho mặc chăn truyền thống. Ảnh: Help Lesotho
Những người già ở Lesotho mặc chăn truyền thống. Ảnh: Help Lesotho
Nhiều người ở Lesotho làm nghề chăn nuôi, do đó mặc quần áo phù hợp với cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn, những cậu bé chăn gia súc thường khoác chăn, mang ủng cao su đi mưa để lội qua địa hình núi bùn. Chúng còn đội mũ len hoặc balaclavas (loại mũ ôm khít đầu và cổ, chỉ hở mặt) quanh năm để chống chọi với nhiệt độ thấp và bụi do gió trên núi thổi mạnh. 

Nguồn khoáng sản chính ở Lesotho là kim cương

Tài nguyên khoáng sản chính ở Lesotho là kim cương từ mỏ Letseng ở dãy núi Maluti. Ngành công nghiệp khai thác mỏ do đó tập trung vào khai thác kim cương. Nằm ở độ cao 3.100 m, Letseng là một trong những mỏ kim cương cao nhất thế giới. Nó nổi tiếng là nơi khai thác những viên kim cương cỡ lớn và chất lượng, có mức giá bán bình quân cao nhất trên thế giới.
Tháng 1/2018, một viên kim cương lớn thứ 5 trong lịch sử được tìm thấy tại mỏ Letseng. Theo AFP, viên kim cương nặng 910 carat và có giá trị khoảng 40 triệu USD.
Viên kim cương 910 carat được khai quật ở khu mỏ Letseng, ở Lesotho. Ảnh: AFP
Viên kim cương 910 carat được khai quật ở khu mỏ Letseng, ở Lesotho. Ảnh: AFP
Viên kim cương được khai quật bởi công ty Gem Diamonds, hãng sản xuất kim cương hàng đầu thế giới, đang hoạt động khai thác kim cương ở Lesotho và Botswana. 

Thùy Linh - Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét