Ở tỉnh Tottori, núi Daisen - Phú Sĩ thứ hai của Nhật Bản, cao nhất vùng Chugoku với 1.709m và có đỉnh hình chóp nón rất giống núi Phú Sĩ - nằm trong danh sách 100 danh sơn đất Nhật. Daisen hàng năm hấp dẫn lữ khách tham gia các hành trình trượt tuyết, leo núi ngoạn cảnh. Riêng ở góc độ lịch sử và văn hóa, ngọn núi Daisen từ thời cổ đại Nhật Bản đã là nơi hành hương của những tín đồ Thần đạo tìm đến tôn thờ vị thần núi linh thiêng Ogamiyama.
Chùa cổ Daisen-ji ẩn trong cánh rừng già lưng chừng núi Daisen
Theo tín ngưỡng dân gian Nhật Bản, các khu rừng già, những đỉnh núi cao, luôn là nơi các vị thần tối cao ngự trị, và Daisen cũng thế. Trước khi ngôi chùa Daisen-ji hình thành, những vị chân tu tìm đến núi Daisen được gọi là Shugendo (Tu nghiệm đạo) - một tôn giáo dành sự thờ kính cho núi non, rừng già và thiên nhiên - tương đồng với tín ngưỡng Thần đạo. Đỉnh núi Daisen và vùng rừng già quanh Daisen-ji từng là một trung tâm nơi các tín đồ Shugendo tu luyện.
Daisen-ji là ngôi chùa hiếm hoi ở Nhật mang sự hòa hợp giữa Phật giáo và Thần đạo
Cho đến khi Phật giáo du nhập vào Nhật Bản, sự hòa hợp giữa tôn giáo mới (thờ Phật) cùng tín ngưỡng bản địa (thờ thần) ở núi Daisen đã hình thành nên một trung tâm Phật giáo thịnh vượng. Và theo nhà sư Fujitani hiện trụ trì chùa Daisen-ji, ngôi cổ tự này từng chứng kiến thời điểm Phật giáo du nhập vào Nhật Bản, và cũng là địa danh hiếm hoi ở Nhật có hai tín ngưỡng cùng được thờ tự song song là Phật giáo và Thần đạo.
Mãi đến cách đây 150 năm, đền thờ Thần đạo Ogamiyama và chùa Daisen-ji mới được tách biệt thành hai địa điểm thờ cúng riêng biệt tọa lạc cạnh nhau trên sườn núi Daisen.
Khách hành hương đảnh lễ ở chùa Daisen-ji
Nhật Bản thư kỷ (Nihon Shoki) là bộ sách cổ thứ hai về lịch sử Nhật Bản được biên soạn hoàn thiện năm 720, ghi lại nhiều sự kiện lịch sử Nhật Bản, trong đó có các sự kiện ngoại giao với Baekje - một trong ba vương quốc cổ xưa thống trị bán đảo Triều Tiên thuộc thời đại Tam quốc của Triều Tiên là Tân La (Silla), Cao Câu Ly (Goguryeo), và Bách Tế (Baekje). Nihon Shoki cho biết năm 552 (thuộc thời kỳ Asuka), Thánh vương Seong của Bách Tế gửi sứ thần dâng tượng Phật Thích Ca mạ vàng cùng các kinh văn Phật giáo cho Nhật hoàng Kimmei và nhận được sự đồng thuận, đánh dấu một trong những điểm mốc quan trọng ghi nhận sự du nhập của Phật giáo vào Nhật Bản.
Nhà sư Fujitani - trụ trì chùa Daisen-ji kể về sự tích thành lập chùa
Chùa Daisen-ji được hoàn thành năm 718, thuộc phái Thiên Thai Tông (Tendai), do vị khai tổ là thiền sư Tối Trừng (Saicho) sáng lập. Đến thời kỳ Heian (794 - 1185), Daisen-ji là cái nôi của Phật giáo trọng yếu của toàn vùng với thống kê có đến 160 chùa cùng hơn 3.000 tăng sĩ tu tập.
Những bậc đá cao dẫn lối lên Daisen-ji
Nhà sư Fujitani nói thêm: “Sự hưng vượng của Phật giáo ở vùng núi Daisen tiếp nối đến thời kỳ Edo (1603 - 1868), nhưng đến thời Minh Trị (1868 - 1912), chính sách chống đối Phật giáo với phong trào Phế Phật - Hủy Thích (haibutsu kishaku) khiến các hoạt động tôn giáo ở Daisen thoái trào, chùa đóng cửa vào năm 1875 và mãi đến năm 1903 mới được hoạt động trở lại cho đến nay”.
Tái hiện hình ảnh vương triều Baekje - trên sông Geumgang - vương quốc giới thiệu Phật giáo vào Nhật Bản thời Asuka
2017 - 2018 được chọn là hai năm liên tiếp dành tổ chức lễ kỷ niệm chùa Daisen tròn 1.300 năm tuổi. Khi biết người viết đến từ Việt Nam, sư thầy Fujitani vui mừng kể: “Tôi cũng thường gặp các đoàn khách Việt Nam, riêng với các dịp lễ lớn của chùa, rất đông sinh viên Việt Nam lưu học ở tỉnh Tottori cũng thường xuyên đến chùa làm công quả, giúp đỡ vận chuyển vật liệu để tu bổ, xây dựng chùa khang trang hơn”.
Mất 1 giờ 20 phút bay từ Haneda, Tokyo đến sân bay Yonago Kitaro, tỉnh Tottori. Tiếp tục đi xe buýt 40 phút là đến được chân núi Daisen, cộng thêm 10 phút tản bộ lên lưng chừng núi là nơi chùa Daisen-ji tọa lạc.
Đứng trước những nấc thang dài nối lên gian chính điện, trước những hàng thông cổ thụ thân hai, ba người ôm, cao ngất che kín cả khoảng trời, cảnh quan thanh tịnh của khuôn viên chùa cổ mang lại cho lữ khách hành hương và những người mộ đạo cảm giác đầy thư thái, như được hòa cùng nhịp thở của thiên nhiên.
Bên cạnh danh thắng chùa cổ Daisen-ji cùng câu chuyện lịch sử đầy thú vị, các địa danh kế cận như ngôi đền Thần đạo Ogamiyama, cung đường núi chinh phục đỉnh Daisen cũng là những hành trình hấp dẫn bước chân khám phá của lữ khách.
Tottori hẳn vẫn là tên gọi khá xa lạ trước những “cung đường vàng” của du lịch Nhật, nhưng một khi đã quyết định đến Tottori, lữ khách sẽ tìm được cho mình những điểm du ngoạn lý tưởng, và chùa cổ Đại Sơn bên sườn núi Daisen chắc chắn sẽ là một trong số những điểm đến kỳ thú ấy.
Bài và ảnh: Lam Phong
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét