Thứ Tư, 7 tháng 11, 2018

Chạm vào đại dương xanh ở Nausicaá

Không đơn thuần là một điểm đến du lịch, Nausicaá là một lời kêu gọi khách viếng thăm nâng cao nhận thức về môi trường biển và mời mọi người hành động, cũng như sống hài hòa với hành tinh xanh.
    Nằm giữa bờ biển dài Côte D’Opale phía bắc nước Pháp, nơi tiếp giáp với eo biển sang Anh, Boulogne-sur-Mer là thành phố từng được sử dụng như một thương cảng thời La Mã để trao đổi hàng hóa với đế chế Anh. 
    Hiện nay, vẫn là cảng cá lớn nhất Pháp và khu vực chế biến hải sản lớn nhất châu Âu giữa vùng Calais và Normandy, Boulogne-sur-mer được chọn làm nơi xây dựng trung tâm hải dương mang tên Nausicaá, như một công trình làm tăng giá trị cho ngành kinh tế biển cũng như đóng góp vào những nghiên cứu giáo dục về hải dương cùng với các viện nghiên cứu và đại học trong vùng.
    Học sinh, sinh viên và các nhà nghiên cứu là những người mà trung tâm Nausicaá muốn nhắm đến trước tiên, trong chiến lược giáo dục về hiểu biết và hành động vì đại dương xanh
    Ý tưởng xây dựng một hồ cá nhân tạo được ông Guy Lengagne, cựu bộ trưởng Bộ Hải dương của Pháp và cũng là cựu thị trưởng Boulogne-sur-mer, đặt ra từ năm 1991, với mong muốn tận dụng lợi thế cảng biển, xây dựng một công trình không chỉ là trung tâm giải trí đơn thuần mà còn là nơi trao đổi thông tin, nghiên cứu và giáo dục các kiến thức về đại dương. Sau 27 năm thành lập, Trung tâm hải dương Nausicaá đã đón tổng cộng 16 triệu khách, với 30% từ nước ngoài. Phần lớn khách đến thăm là các nhóm học sinh, sinh viên đến từ Pháp, Bỉ và Anh, đặc biệt những vùng có khoảng cách di chuyển trong bán kính 3 giờ đồng hồ.
    Thiết kế tàu lặn khám phá đáy đại dương
    Tháng 5.2018, Nausicaá khánh thành phần mở rộng, trở thành trung tâm hải dương quốc gia có hồ cá nhân tạo lớn nhất châu Âu. Công trình đặt mục tiêu thu hút một triệu khách đến thăm mỗi năm, đóng vai trò một trong những công trình chủ lực thu hút khách, đóng góp vào kinh tế thành phố cũng như tạo thành một biểu tượng quan trọng trong việc giáo dục, trao đổi thông tin, kiến thức và triển khai các hoạt động tìm hiểu, bảo vệ đại dương. Nausicaá cũng được xếp vào top 5 hồ cá nhân tạo lớn nhất thế giới và có bộ sưu tập hệ sinh thái thuộc vùng biển chung, nằm phía ngoài vùng đặc quyền kinh tế các nước ven biển - high sea, lớn nhất thế giới.
    Âm thanh và ánh sáng được lồng ghép tạo không gian một góc biển về đêm
    Không gian trưng bày của Nausicaá lên đến 10.000 mét vuông với 58.000 cá thể thuộc 1.600 loài, cũng như các thảm thực vật trong hệ sinh thái biển từ biển kín đến đại dương. Các chương trình tham quan còn được thiết kế để khách có thể tìm hiểu, thể hiện nhận thức về biển và hệ sinh thái biển trước, trong và cả sau chuyến tham quan.
    Hai năm vừa qua, Nausicaá tăng quy mô triển lãm lên gấp đôi, mở rộng thêm 5.000 mét vuông, tốn khoản đầu tư 70 triệu euro. Nhà hải dương học Philippe Vallette, Tổng giám đốc Nausicaá cho hay, Trung tâm đã áp dụng mọi công nghệ mới nhất vào việc trưng bày và tạo hiệu ứng cho bộ sưu tập, đặc biệt là bộ sưu tập sinh vật biển vùng high sea độc đáo và lớn nhất thế giới hiện nay.
    Góc nhìn sinh vật biển thiết kế từ dưới lên
    Cách thiết kế, bài trí, sắp đặt và phân loại các sinh vật biển, kết hợp với các thông tin từ hình ảnh, tranh vẽ, clip và màn hình vi tính giúp người xem có thể tìm hiểu đầy đủ về bất cứ sinh vật biển nào có mặt trong hồ, về môi trường sống đến mối liên hệ giữa con người với các sinh vật biển ở các nơi trên thế giới. Việc sắp đặt các hồ từ dưới chân đến ngang tầm mắt và trên đầu, cũng như cầu kính dẫn qua các hồ lớn, giúp người xem có thể ngắm nhìn một góc đại dương từ mọi giác độ.
    Một góc biển nhiệt đới
    Một trong những nét độc đáo tại đây so với các trung tâm khác, là thiết kế âm thanh cho các khu vực trưng bày, từ tiếng nước, tiếng gió đến tiếng quẫy của cá, cả tiếng gọi nhau của những con cá heo. Các nhà thiết kế đã ghi lại âm thanh ở các tầng của đại dương để tích hợp khiến toàn cảnh trở nên sống động và ấn tượng hơn.
    Mô hình bảo tàng hải dương Nausicaá
    Không những thế, kiến trúc và mô hình phụ kết nối các khu vực hồ cá cũng được thiết kế gần gũi với thiên nhiên, giống như người xem đang bơi lặn trong các hang ngầm dưới biển, khiến họ nhiều khi quên mất mình đang đi giữa một hồ cá trên cạn.
    “Những gì chúng tôi đang thực hiện tại Nausicaá mong muốn sẽ tạo cảm hứng cho người đến xem đam mê tìm hiểu, khám phá biển cả và rồi tham gia cũng như có ý thức bảo vệ đại dương, nguồn sống quan trọng của con người, góp phần giảm những tác động nghiêm trọng của biến đổi khí hậu toàn cầu, một trong những vấn đề cấp bách hiện nay” - Guy Lengagne, Chủ tịch Nausicaá chia sẻ.
    Nhân viên lặn kiểm tra hồ hàng ngày
    Mặc dù tên gọi là hồ cá, trung tâm hải dương, nhưng thực tế, mô hình và cách thực hiện tại nơi này chính là một bảo tàng hải dương lớn chứa đầy ắp các thông tin cơ bản cũng như bên lề rất thú vị đối với từng cá thể, danh mục. Nếu là người yêu và khám phá đại dương, một ngày sẽ không bao giờ đủ để thâu nạp hết những kiến thức được cung cấp tại đây.
    Ông Philippe Vallette chia sẻ với người viết: “Mô hình này của chúng tôi là mô hình phi lợi nhuận, tất cả tiền thu được đều mang đầu tư trở lại trung tâm. Thật ra, chúng tôi đã lấy lại vốn, trả được tiền mua đất để xây dựng trung tâm cho thành phố và chúng tôi tiếp tục bổ sung, làm giàu thêm cho các bộ sưu tập, cũng như làm phong phú thêm các hoạt động gia tăng giá trị cho khách đến thăm”.
    Nhà hải dương học Philippe Vallette trao đổi với các đồng nghiệp về bảo tàng
    Là một trong những nhà hải dương học nổi tiếng tại châu Âu, ông Philippe Vallette theo đuổi và xác định công việc nghiên cứu đại dương như mục đích chính của sự nghiệp. Khi được mời về làm việc tại Nausicaá ông đã khởi động “Mạng lưới đại dương toàn cầu”, một tổ chức giáo dục kết nối hệ thống các bảo tàng đại dương, các viện nghiên cứu nhằm nâng cao ý thức bảo vệ và khai thác đại dương bền vững.  Ông Philippe Vallette cũng là người đưa ra ý tưởng về Xã hội Xanh - Blue Society, nhằm hỗ trợ các thông tin và hành động về khai thác tiềm năng to lớn từ đại dương, dựa trên sử dụng tài nguyên biển một cách có trách nhiệm, phát triển các công nghệ tiên tiến và các sản phẩm mới tạo việc làm và nguồn lực kinh tế. Đây được coi là nơi để các nhà khoa học, doanh nghiệp, các nhà hoạch định chính trị và công dân chia sẻ kiến thức, tầm nhìn, các giải pháp tích cực, đóng góp vào việc tạo ra một xã hội bền vững và công bằng hơn.
    Du khách đến thăm Trung tâm đều được mời gọi, truyền cảm hứng để hành động bảo vệ biển cả, nơi được coi là trung tâm của những tranh chấp nghiêm trọng giữa nhiều nước trong thế kỷ XXI. 
    Bài và ảnh: Ninh Hạ

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét