Thứ Tư, 31 tháng 10, 2018

Quốc gia có lãnh thổ hình quả ớt

Ảnh: iStock

Chile (tên chính thức Cộng hòa Chile) nằm ở Nam Mỹ, giáp Peru ở phía Bắc, Bolivia ở phía Đông Bắc, Argentina ở phía Đông, Thái Bình Dương ở phía Tây và Nam.
Chile có diện tích hơn 750.000 km vuông, dân số đến năm 2018 là 18,2 triệu. Thủ đô Santiago là thành phố lớn nhất Chile.
Lãnh thổ Chile có hình một dải dài và hẹp, trải dài trên 38 vĩ độ, thường được ví với quả ớt. Chiều dài từ Bắc tới Nam là 4.270 km, trong khi chiều rộng trung bình từ Đông sang Tây chỉ 177 km.
Cảnh quan Chile. Ảnh: Aliwen Incoming
Cảnh quan Chile. Ảnh: Aliwen Incoming
Theo Chile Culture, địa hình Chile gồm các ngọn núi thấp dọc theo hoặc gần bờ biển; trung tâm là đồng bằng màu mỡ, nơi nông nghiệp phát triển mạnh. Dãy núi Andes chạy qua 7 quốc gia, trong đó có Chile, khiến đất nước này trở thành điểm đến hấp dẫn với những đỉnh núi phủ đầy tuyết cao bậc nhất thế giới và các sông băng. Phía nam Chile gồm các cụm đảo nhỏ và bán đảo.
Chile sở hữu khí hậu Địa Trung Hải, nơi du khách có thể tận hưởng cả những ngày ấm áp đến nóng nực và buổi đêm mát mẻ trong mùa hè.

Tên nước Chile không bắt nguồn từ 'quả ớt' trong tiếng Anh

Realm of History thông tin, tên gọi của Chile không bắt nguồn từ “quả ớt” trong tiếng Anh (chili pepper). Nhiều người thường nhầm tưởng do liên hệ với hình dạng địa lý độc đáo của quốc gia.
Dù mối liên hệ với "quả ớt" bị loại bỏ, các nhà nghiên cứu chưa chắc chắn hoàn toàn về nguồn gốc tên Chile. Một trong những giả thuyết về lý do người Inca (tộc người da đỏ ở miền nam châu Mỹ, lập vương quốc từ thế kỷ 13 đến 16) gọi vùng đất này là Chili xuất phát từ cách gọi chệch Tili - tên của người đứng đầu bộ tộc Picunche.
Giả thuyết thứ hai liên quan đến việc thung lũng chính Aconcagua của Chile có cảnh quan tương tự thung lũng Casma ở Peru, nơi có một thị trấn tên là Chili, nên tên gọi đó bắt nguồn từ thị trấn này.
Giả thuyết thứ ba là tên Chile có nguồn gốc từ “chilli” trong ngôn ngữ Mapuche (nhóm cư dân bản địa), có nghĩa là “nơi vùng đất kết thúc”. Bản thân từ “chilli” có thể ra đời nhờ mô phỏng tiếng hót của loài chim Trile địa phương.

quốc kỳ hiện tại của Chile được thông qua năm 1817

Quốc kỳ hiện tại của Chile chính thức được thông qua ngày 18/10/1817, trước khi giành độc lập từ Tây Ban Nha ngày 12/2/1818, theo Enchanted Learning.
Ảnh: Shutterstock
Ảnh: Shutterstock
Cờ được thiết kế theo tỷ lệ 2:3, gồm ba phần màu đỏ, trắng, xanh và một ngôi sao. Phần xanh hình vuông ở góc trên bên trái tượng trưng cho bầu trời, màu trắng tượng trưng cho tuyết trên những đỉnh núi của dãy Andes, và màu đỏ tượng trưng cho màu máu đổ xuống trong cuộc chiến giành tự do. Ngôi sao duy nhất thể hiện quyền lực của chính phủ.
Hiện nay, người Chile treo cờ vào những ngày lễ như Ngày Hải quân, Ngày Quốc khánh và Ngày Quân đội, tương ứng 21/5, 18/9 và 19/9. Việc không treo cờ hay treo không thích hợp trong những ngày này có thể bị phạt tiền.

Chile sở hữu sa mạc Atacama khô cằn nhất thế giới

Yahoo Travel thông tin, sa mạc Atacama nằm ở phía bắc Chile, giữa Thái Bình Dương và dãy núi Andes, gồm những địa hình tương phản nhau như đồi đá, núi lửa và các cồn cát trải dài. Atacama có diện tích khoảng 181.300 m2, được Kỷ lục Thế giới Guinness, NASA và Hội địa lý Mỹ ghi nhận là sa mạc khô cằn nhất thế giới.
Theo IFL Science, điều kiện khô hạn ở Atamaca là do sự kết hợp giữa khu vực không mưa của dãy núi Andes ở phía đông và không khí lạnh của Thái Bình Dương ở phía tây.
Sa mạc Atacama. Ảnh: Cascada Expediciones
Sa mạc Atacama. Ảnh: Cascada Expediciones
Những khu vực có lượng mưa trung bình dưới 250 mm một năm được phân loại là sa mạc. Tuy nhiên, nơi ẩm ướt nhất ở Atacama có lượng mưa chưa đến 2,5 mm. Ở một số địa điểm, hiện tượng mưa chưa bao giờ được ghi nhận.
Tuy nhiên, trên sa mạc khô cằn này vẫn tồn tại một khu vực hiếm hoi thỉnh thoảng vẫn có mưa. Tương tự các sa mạc khác, sự sống tại đây đã tiến hóa để sinh tồn trong những khoảng thời gian hạn hán kéo dài, sẵn sàng nảy mầm và đơm hoa khi có nước. Hiện tượng này có tên là “sa mạc nở hoa”. Gần đây nhất, du khách đã được chiêm ngưỡng thảm hoa tuyệt đẹp ở Atacama trong năm 2015 và 2017.

 Đảo nổi tiếng ở Chile là đảo Phục Sinh

Theo News, hòn đảo có diện tích hơn 163 km2 được phát hiện năm 1722, gọi chính thức là đảo Phục Sinh. Trong tiếng bản địa, đảo có tên là Rapa Nui, còn theo tiếng Tây Ban Nha là Isla de Pascua. Đây là một trong bốn hòn đảo nằm cách biệt nhất với thế giới, cách đảo gần nhất Pitcairn hơn 2.000 km về phía Đông và cách Chile lục địa khoảng 3.600 km về phía Tây. Năm 1888, đảo được sáp nhập vào lãnh thổ Chile.
Đến nay, gần 900 pho tượng đá có hình thù kỳ dị (được gọi là Moai), có niên đại ít nhất từ thế kỷ 12 đã được tìm thấy trên đảo. Các nhà khoa học chỉ ra rằng chúng đều được tạc dựa theo hình ảnh tổ tiên của những người thổ dân bản địa với kích thước khá lớn, nặng từ vài chục đến hàng trăm tấn. Mỗi pho tượng mang một đặc tính như cao, thấp, béo, gầy... và đều được chạm khắc tinh xảo.
Những tượng đá Moai trên đảo Phục Sinh. Ảnh: ABC
Những tượng đá Moai trên đảo Phục Sinh. Ảnh: ABC
Bên cạnh những bức tượng có nguồn gốc kỳ lạ, đảo Phục Sinh còn khiến thế giới hiện đại phải ngỡ ngàng khi xuất hiện những văn tự cổ sử dụng thứ ngôn ngữ viết đầy bí ẩn Rongo-rongo. Nhiều người đã tin vào giả thiết cách đây nhiều thế kỷ trên đảo đã xuất hiện một nền văn minh tiến bộ và rực rỡ. 
Tuy không được chính quyền phát triển thành điểm du lịch, du khách từ khắp nơi trên thế giới vẫn xem đảo Phục Sinh là nơi đáng để ghé thăm và chiêm ngưỡng những pho tượng huyền bí.
Theo số liệu từ năm 2012 của chính phủ Chile, hiện dân số trên đảo gần 6.000, hơn nửa số đó là dân bản địa gốc. Họ chủ yếu sống bằng nghề chăn nuôi gia súc và luôn có ý thức cao trong việc giữ gìn phong tục truyền thống.

Thùy Linh - Tổng hợp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét