Ephesus – một thành phố có người sinh sống từ 6000 năm trước CN, từ thời đồ đá mới đã bị bỏ rơi ngót nghét gần 6 thế kỷ bên bờ Địa Trung Hải. Nơi đây có đền thờ nữ thần Artemis, một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại. Có có căn nhà đức mẹ Mary đồng trinh sống trong khoảng ba năm cuối đời và hàng chục kỳ quan không tưởng khác.
Ephesus là một thành phố của Hy Lạp cổ đại trên vùng duyên hải Ionia, thuộc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay. Là một trong bảy giáo hội Tiểu Á được nêu trong Sách Khải Huyền. Và có giả thiết cho rằng sách Phúc âm Gioan của Kito giáo có thể đã được viết tại đây.
Thành phố Ephesus ra đời từ khoảng 1.000 năm trước CN (thế kỷ thứ 10). Nhưng có bằng chứng con người đã sinh sống ở đây từ 6.000 năm trước Công nguyên, từ thời đồ đá mới.
Truyền thuyết kể rằng hoàng tử Hy Lạp Androclus được một nhà tiên tri của Apollo tiên đoán rằng kinh thành sẽ được xây ở nơi có một con cá và một con lợn lòi.
Mấy ngày sau, trong khi đoàn người đi tìm đất dừng chân nấu nướng giữa rừng thì một con cá tươi giẫy giụa nhảy ra khỏi chão mỡ đang sôi. Một con lợn lòi nấp trong bụi cây ngay cạnh giật mình hộc lên rồi bỏ chạy. Hoàng tử đuổi theo, giết được con lợn lòi. Ở chỗ con vật bị giết, chàng cho xây thành Ephesus.
Thành Ephesus từng qua tay nhiều thế lực nhiều triều đại. Từng bị người Kimeria đốt phá ở giữa thế kỷ VII trước CN. Từng do người Lydia cai trị ở thế kỷ VI trước CN. Từng dưới ách thống trị và chiến tranh với người Ba Tư hơn hai trăm năm cho đến khi người Ba Tư bị Alexander Đại đến đánh bại trong trận chiến ở Granicus năm 334 trước CN.
Dưới đế chế La Mã, kinh thành này trở thành trung tâm thương mại hưng thịnh bậc nhất phần La Mã phương Đông, dân số lên đến 250.000 người.
Ephesus là nơi có rất nhiều di tích cổ La Mã ở phía đông Địa Trung Hải. Ước tính có khoảng 15% đã được khai quật, nhưng các di tích hữu hình này cho ta một số ý tưởng về vẻ huy hoàng nguyên thủy của thành phố, và những cái tên gắn liền với các di tích gợi nhiều liên tưởng về sự tồn tại trước đây của chúng.
Ví như ngôi đền thờ thần rtemis, nữ thần săn bắn đồng thời là Thần Mẹ, là biểu tượng sinh sôi – một trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại.
Đền Artemis nhiều lần bị hủy hoại trong suốt mười thế kỷ đầu tồn tại. Khi thì bị bão lũ, khi thì bị ngoại xâm đốt phá.
Khét tiếng nhất là trận hỏa hoạn ngày 21 tháng 7 năm 356 trước Công nguyên. Một kẻ cuồng danh, muốn nổi tiếng bằng mọi giá, tên là Herostratus đã đốt đền, chủ ý sẽ được lưu danh trong lịch sử. Hắn bị xử tử và chính quyền khi ấy đã hạ lệnh muôn đời sau không ai được nhắc đến cái tên kẻ đốt đền.
Trong khu di tích, hùng vĩ hơn cả là nhà hát có 25.000 chỗ ngồi, tức là đủ chỗ cho 10% dân số trong thành lúc ấy. Nhà hát hình tròn, giống hình một sân vận động, hàng ghế là những bậc tròn cao dần lên đến ba mươi mét. Đứng trên những bậc tròn khán đài này nhìn xuống sân khấu cũng thấy chóng mặt.
Sân khấu ở đằng trước và bên dưới là một tòa nhà cẩm thạch hai tầng. Kiến trúc cũng tính đến khuếch âm để cho hai vạn rưỡi khán giả có thể ngồi tít trên cao mà vẫn nghe được âm nhạc và tiếng nói đài từ của diễn viên. Đại hí trường này được khởi dựng từ thời hoàng đế Nero (cai trị năm 54-68 CN) và phải sang thế kỷ II mới hoàn thành.
Một di tích nữa cũng khiến du khách thấy ngợp vì sự vĩ đại là thư viện Celsus. Khánh thành vào năm 117 CN, thư viện bị người Goth hủy diệt năm 262, phần di tích hiện nay là do Viện khảo cổ Áo khai quật và phục chế vào những năm 1970.
Đây từng là một trong ba thư viện lớn nhất cổ đại. Hai thư viện kia ở Alexandria (một trong bảy kỳ quan của thế giới cổ đại) và ở Pergamon.
Thư viện được đặt theo tên viên thống đốc Celsus của phần châu Á thuộc đế chế La Mã trong ba năm 105 đến 107.
Pho tượng bốn thiếu nữ ở tầng một tượng trưng cho bốn đức tính của ngài Celsus: Sophia tượng trưng cho sự uyên bác, Arete tượng trưng cho đạo đức, Episteme tượng trưng cho tri thức, Ennoia tượng trưng cho sự thông tuệ.
Những bức tường có các ngăn âm tường để đặt giá sách, chứa sách và các cuộn bản thảo. Chống ẩm, người ta thiết kế tường đôi, khoảng cách giữa hai bức tường là gần một mét.
Vương cung thánh đường Thánh Gioan được xây dựng vào thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên dưới triều hoàng đế Justinian I trên nơi được cho là của ngôi mộ của vị tông đồ này.
Đền Hadrian có từ thế kỷ thứ 2 sau CN nhưng đã trải qua các sửa chữa trong thế kỷ thứ 4 và đã được xây dựng lại từ các mảnh vỡ kiến trúc còn sót lại. Các bức tượng nổi ở các phần trên là tượng đúc, các tượng gốc nay được trưng bày tại nhà Bảo tàng khảo cổ Ephesus. Một số nhân vật được mô tả trong các bức tượng đúc nổi, trong đó có hoàng đế Theodosius I với vợ và người con trai cả.
Ngôi đền này được mô tả ở mặt sau của tờ tiền giấy 20 triệu lira năm 2001-2005 và trong tờ tiền giấy 20 lira mới năm 2005-2009.
Đền Sebastoi (đôi khi cũng gọi là Đền Domitianus), được cung hiến cho triều đại Flavius, là một trong số những ngôi đền lớn nhất ở thành phố. Đền được dựng lên trên một mặt bằng giả 2 hàng cột với 8 × 13 cột. Ngôi đền và tượng của nó là những di tích ít ỏi còn sót lại có liên quan tới Domitianus.
Đặc biệt, ở Ephesus còn có căn nhà được cho là nơi Đức mẹ Đồng Trinh Maria đã sống trong 3 năm cuối đời. Truyền thuyết này bắt nguồn từ luận cứ về việc thánh Gioan Tông đồ có mặt ở thành phố này, và những lời trăn trối của chúa Giêsu khi bị đóng đinh trên thập giá đã gửi gấm Mẹ Maria cho Gioan chăm sóc sau khi Ngài qua đời.
Ngôi nhà này được làm bằng đá, là nơi thường được các tín hữu Công giáo tới hành hương, và đã từng được 3 vị giáo hoàng tới thăm trong những năm gần đây.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét