Vừa bước vào Tây môn (cổng phía Tây), bên trên nổi bật bức hoành phi “Hà xán âu tường” được viết theo lối chữ “thảo” đã gợi cho tôi cảm xúc lâng lâng với bầu trời rợp cánh hải âu giữa chiều rượm sắc đỏ hoàng hôn... Nhưng, những làn sóng gợn trên mặt Thúy Hồ do cơn mưa khuấy động đã nhắc nhớ tôi về cuộc gặp gỡ lịch sử cách đây gần 80 năm của hai vĩ nhân của Cách mạng Việt Nam.
Chỉ chiếm độ 15ha mặt nước trong không gian công viên 20ha, Thúy Hồ không lớn về diện tích, nhưng mặt hồ tự nhiên tọa lạc phía Bắc trung tâm TP Côn Minh lại tỏa ra sức hút kỳ lạ với tất cả du khách đặt chân đến cao nguyên xanh Vân Nam (Trung Hoa). Với người sinh ra và lớn lên bên sông nước Cửu Long, nhẵn mặt với ao hồ, sông, suối... vậy mà đứng trước Thúy Hồ, lòng tôi không khỏi bồi hồi trước phong cảnh đặc sắc, hữu tình. Thúy Hồ như bức tranh thủy mặc mà danh họa thiên nhiên đã hào phóng vung bút ban tặng cho vùng đất nằm trên độ cao gần 2.000m so mặt nước biển. Giữa vùng núi đá chót vót, lại hiện diện mặt hồ xanh biếc màu ngọc, rồi những khóm trúc bốn mùa lá xanh reo hát, những cành liễu thoảng hoặc đong đưa trước gió như cô nàng “đài các” hóng tóc bên khuê phòng... Và cũng như nhiều công trình hình “vuông” đặc trưng trên đất nước “chữ vuông”, Thúy Hồ có 4 cổng chính được đánh dấu theo hướng Đông, Tây, Nam, Bắc. Mỗi cổng được thiết kế theo lối “tam quan” (1 chính, 2 phụ) với mái ngói cong vút lên trời xanh, nhưng xung quanh không có tường. Chính kiến trúc mở này đã tạo cho Thúy Hồ không gian rộng lớn và vô cùng đặc biệt. Anh bạn đi chung đoàn, có thời gian công tác ở đây lấy làm tiếc khi chúng tôi đến không đúng thời điểm để nhìn hàng ngàn chim hải âu từ Siberi về đây trú Đông. Nhưng cũng chẳng hề gì, bởi bức hoành phi “Hà xán âu tường” bên kia cây cầu đá phía Tây đã giúp những “lữ khách tốc hành” chúng tôi hình dung được nét độc đáo có một không hai ở Thúy Hồ ẩn sâu bên trong 4 chữ được viết theo bộ “thảo” này: “Từng đàn chim hải âu chao lượn dưới chiều tà rực rỡ”. Đó là cách làm du lịch độc đáo mà người làm du lịch Việt cần tham khảo để tạo ra sức hút cả 4 mùa...
Không chỉ đẹp, Thúy Hồ còn hấp dẫn với câu chuyện lịch sử liên quan đến về nhân vật đầy huyền thoại: Ngô Tam Quế (1612 – 1678). Tương truyền, vào đầu thời nhà Thanh, khi về Vân Nam xưng vương, Ngô Tam Quế đã cho xây dựng vương phủ phía Tây danh thắng Thúy Hồ. Giờ di tích không còn, nhưng câu chuyện xưa vẫn phảng phất trong hồn đất Côn Minh.
Bừng sáng cảm xúc lịch sử
Trận mưa làm cho không khí cao nguyên Vân Nam vốn se se càng thêm lạnh. Mưa đất khách càng khiến lữ khách thêm nao lòng... Nhưng, những thoáng gợn của mặt hồ do cơn mưa khuấy động đã kéo chúng tôi ra khỏi cảm giác trầm tư, để nhớ về cuộc gặp gỡ lịch sử cách đây gần 80 năm của hai vĩ nhân của Cách mạng Việt Nam: Võ Nguyên Giáp và Bác Hồ. Trong hồi ký “Nhật ký một chặng đường” (Nxb Văn học - 1978) nhà cách mạng lão thành Lê Tùng Sơn cho biết, vào tháng 5.1940, Trung ương Đảng bố trí Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp sang Trung Quốc công tác. Khoảng tháng sau (6.1940) lần đầu tiên đồng chí Võ Nguyên Giáp được gặp Bác trên một con thuyền đậu giữ lòng Thúy Hồ. Có thể xem đó là cuộc gặp gỡ lịch sử. Bởi sau đó, Bác Hồ nhận ra tiềm năng và tin tưởng giao cho nhà giáo dạy sử nhiệm vụ thành lập “Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân” (“Đội”) vào ngày 22.12.1944 tại khu rừng tỉnh Cao Bằng (ngày nay khu rừng này được đặt tên rừng Trần Hưng Đạo) tiền thân của “Quân đội Nhân dân Việt Nam” ngày nay. Đến nay, nhiều người vẫn nhớ như in câu nói bất hữu của Bác về sự kiện này: “Việc quân sự thì giao cho chú Văn” (Văn là bí danh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp). Lịch sử chứng minh, đó là quyết định của tầm nhìn lịch sử. Bởi chỉ hai hôm sau thành lập, bằng nhãn quan quân sự và tài chỉ huy quân sự bẩm sinh đặc biệt, đồng chí Võ Nguyên Giáp đã đưa “Đội” đánh thắng hai trận vang dội, diệt gọn hai đồn Phai Khắt và Nà Ngần, mở đầu cho chuỗi “bách chiến, bách thắng” sau này, trong đó có nhiều trận đánh chấn động địa cầu và trở thành kinh điển của thế giới về tài chỉ huy quân sự lấy ít thắng nhiều, lấy yếu thắng mạnh: Chiến thắng Điện Biên Phủ...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét