Thứ Ba, 7 tháng 8, 2018

Gotokuji - ngôi đền của những chú mèo “vẫy tay”

Rất rõ ràng, Nhật Bản là một quốc gia yêu mèo. Từ quán cà phê mèo, đảo mèo tới ngày lễ mèo không chính thức - Nyan Nyan Nyan Day (22/2), những người bạn thân thiện này đã giành được trái tim của mọi lứa tuổi. Thật không có gì ngạc nhiên khi Tokyo, Nhật Bản có ngôi đền toàn mèo.

Chú mèo Maneki Neko của Nhật Bản giờ đây đã nổi tiếng khắp thế giới. Người ta gọi nó bằng nhiều cái tên khác nhau: Chú mèo vẫy tay, mèo may mắn, mèo sứ Nhật Bản… Thậm chí còn có nhiều biến thể xung quanh cái tên của mèo Maneki Neko.
Nhiều người tin rằng khi chú mèo này nâng chân trái lên, đó là biểu hiện của sự thành công trong kinh doanh. Nếu chú nâng chân phải lên, đó là khi chú đang sẵn sàng bảo vệ ngôi nhà của gia chủ, giúp cho ngôi nhà đó luôn bình an, yên lành.
Nhiều tranh luận đã nổ ra xung quanh nguồn gốc của chú mèo Maneki Neko, nhưng truyền thuyết được tin tưởng nhiều nhất là chú đến từ ngôi đền Gotokuji ở quận Setagaya, Tokyo, nơi mà các những chú mèo đã từng có đền thờ riêng.

Ẩn mình trong khu phố yên tĩnh, bạn sẽ nhìn thấy ngôi đền tràn ngập những chú mèo sứ tươi cười khi bạn du lịch hoặc đi ngang qua đây.
Theo truyền thuyết địa phương, vào những năm 1400, khi ngôi đền mới chỉ là một túp lều, một nhà sư đã sống ở đó và phải vật lộn vất vả để trang trải cuộc sống. Trong túp lều nhỏ và sơ sài kia, nhà sư đã nuôi một chú mèo và yêu thương chú ta rất nhiều. Ông không ngại chia sẻ bữa ăn ít ỏi của mình với chú mèo. Một ngày nọ, nhà sư thì thầm với chú mèo, mong là chú ấy hãy thương tình mang lại nhiều may mắn đến cho mình. Đồng thời, nhà sư bắt đầu hướng dẫn chú mèo cách đứng trước cửa nhà, giơ cao tay lên vẫy vẫy.

Sau đó một thời gian ngắn, vào một ngày mưa bão, mấy vị Samurai đã dừng lại trước cửa túp lều và xin vào trú mưa. Họ nói rằng đã nhìn thấy chú mèo kia đứng trước cửa túp lều và vẫy tay mời họ vào trong. Nhà sư hoan hỉ pha trà mời các Samurai và kể cho họ nghe việc anh ấy đã dạy chú mèo biết vẫy tay chào như thế nào. Sau khi nghe chuyện, các vị Samurai đã rất ngạc nhiên và vui mừng ra mặt. Một người trong số họ tự giới thiệu mình là Naotaka Li, lãnh chúa vùng Hikone, tỉnh Koshu.
Tin rằng đây là ý muốn của Đức Phật, vị lãnh chúa đã hiến tặng cho nhà sư những cánh đồng lúa và một vùng đất canh tác rộng lớn, biến vùng đất quanh túp lều thành một  ngôi đền lớn như ngày nay.

Tại đền Gotokuji bây giờ, “đội quân” mèo sứ đã lên tới hàng ngàn con, thậm chí là nhiều hơn nữa xếp hàng dày đặc quanh đền. Du khách cũng có thể mua những chú mèo này để làm quà cho bạn bè, người thân và làm “bùa may mắn” cho chính mình. Những chú mèo sứ trong đền với các kích cỡ khác nhau, nhưng đều có chung một đặc điểm là cánh tay đang giơ lên vẫy chào.

Ngôi đền ấy ngày nay cũng trở thành một điểm tham quan độc đáo. Đi ở Setagaya không gì thích hợp hơn những chiếc xe điện.
Những chú mèo ở đền Gotokuji được sơn màu trắng, điểm thêm màu đen ở mắt, màu đỏ ở tai và vành cổ. Nhiều phiên bản mèo may mắn khác ở các nơi còn có thêm màu hồng, màu vàng, thậm chí là màu xanh. Các phiên bản màu truyền thống này đều có nghĩa nghĩa mang lại sự thịnh vượng nói chung, trong đó màu trắng thể hiện sự tinh khiết và năng lượng tích cực, màu đen mang lại nhiều may mắn, màu đỏ bảo vệ thân chủ khỏi bệnh tật, ốm đau, màu hồng tượng trưng cho may mắn trong tình yêu.
Cũng có nhiều niềm tin khác nhau xoay quanh màu sắc của chú mèo này. Một số người cho rằng mèo màu vàng mang lại nhiều may mắn về tiền bạc, trong khi mèo màu xanh lá cây lại tốt cho những người lao động trí óc hoặc các trí thức.
Hầu như những con mèo may mắn này đều giống hệt nhau, nhưng một vài con ở đền Gotokuji lại nổi bật hẳn lên bởi những điều đặc biệt: Một số vị khách quay trở lại ngôi đền sau nhiều năm và viết lưu bút hoặc những lời nhắn lên những mảng sơn trắng của những chú mèo.

Phần lớn những chú mèo được vẽ mặc một chiếc yếm và đeo chuông. Đây là hình ảnh đại diện cho nhà sư ở đền Gotokuji đã từng yêu thương, chăm sóc chú mèo của mình. Một hình ảnh mèo may mắn khác tay cầm đồng xu, là đại diện cho ngôi đền của gia đình vị Samurai nọ, người đã cống hiến đất đai, ruộng đồng cho nhà sư.


Phương Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét