Chủ Nhật, 1 tháng 4, 2018

Quốc gia châu Á không có đèn giao thông

Bhutan, tên chính thức là Vương quốc Bhutan, là quốc gia không giáp biển ở châu Á, nằm phía đông dãy Himalaya, có biên giới với Trung Quốc và Ấn Độ. Diện tích Bhutan là 38.394 km vuông, dân số gần 815.000, theo số liệu của Worldometers năm 2018.
Cảnh sát giao thông trên đường phố Thimphu, thủ đô Bhutan. Ảnh minh họa: Insight Guides
Cảnh sát giao thông trên đường phố Thimphu, thủ đô Bhutan. Ảnh minh họa: Insight Guides
Đất nước này không có hệ thống đèn giao thông. BBC thông tin, vào đầu năm 2017, số ôtô ở Bhutan khoảng 75.000, có nghĩa những con đường ở đất nước này thường khá thoáng. Thimphu, thủ đô và là thành phố lớn nhất Bhutan, từng là nơi duy nhất cả nước có đèn giao thông, nhưng chỉ trong 24 giờ. Sau đó, do người dân không đồng ý, đèn bị gỡ bỏ và cảnh sát giao thông lại đảm nhiệm vai trò của mình như trước. Họ đứng ở giao lộ chính, điều khiển giao thông trên đường bằng bàn tay đeo găng trắng.
Thimphu cũng là thủ đô duy nhất thế giới không có đèn giao thông
Paro, sân bay quốc tế duy nhất của đất nước nhỏ bé Bhutan nằm giữa dãy Himalaya, ở độ cao 5.500m. Theo Business Insider, độ cao hiểm trở và đường chạy ngắn bất thường khiến việc cất cánh và hạ cánh ở Paro khó khăn bậc nhất thế giới, rất ít phi công đủ khả năng thực hiện.
Nhiều nhà sư sử dụng sân bay Paro để đến thăm các tu viện ở Bhutan. Ảnh: Flickr
Nhiều nhà sư sử dụng sân bay Paro để đến thăm các tu viện ở Bhutan. Ảnh: Flickr
Tuy nhiên, sân bay gần như là cách duy nhất để du khách từ khắp thế giới đến khám phá những ngọn núi hùng vĩ, những tu viện tồn tại hàng trăm năm, biểu hiện của nền văn hóa Phật giáo vẫn luôn được gìn giữ ở vùng đất này.
Menta Floss cho biết, năm 2017, Bhutan là quốc gia đầu tiên và duy nhất có mức khí thải carbon âm trên thế giới, vượt qua cam kết luôn duy trì mức carbon trung tính.
Tổ chức phi lợi nhuận Climate Council có trụ sở tại Australia định nghĩa tình trạng carbon âm xảy ra khi lượng khí thải carbon của một quốc gia không chỉ được bù lại mà còn bị âm nhờ vào sự sản xuất năng lượng tái tạo.
“72% diện tích nước tôi được phủ rừng. Hiến pháp quy định phải có ít nhất 60% tổng diện tích đất đai của Bhutan được phủ rừng trong mọi thời điểm. Toàn bộ đất nước sản sinh ra 2,2 triệu tấn khí CO2 mỗi năm nhưng các khu rừng của chúng tôi lại hấp thụ gấp ba lần lượng khí CO2 này. Có thể nói nước tôi là bể chứa carbon với hơn 4 triệu tấn khí CO2 mỗi năm”, Thủ tướng Bhutan Tshering Tobgay nói.
Người dân Bhutan trồng 108.000 cây xanh mừng đầy tháng hoàng tử bé. Ảnh: Gypsy
Người dân Bhutan trồng 108.000 cây xanh mừng đầy tháng hoàng tử bé. Ảnh: Gypsy
Theo BBC, hành động trồng cây phổ biến ở đất nước này. Năm 2015, Bhutan lập kỷ lục Guinness thế giới bằng cách trồng gần 50.000 cây xanh chỉ trong một giờ. Đầu năm 2016, để chào mừng đầy tháng hoàng tử bé của vương quốc, 100.000 người dân Bhutan trồng 108.000 xây xanh, do 108 là con số linh thiêng trong Phật giáo.
Chính phủ Bhutan có cái nhìn toàn diện về phát triển đất nước, đo bằng chỉ số “Tổng hạnh phúc quốc gia” (GNH) thay vì “Tổng sản phẩm nội địa” (GDP) như hầu hết quốc gia. Thay vì chỉ ưu tiên cải thiện kinh tế, chỉ số GNH giúp cân bằng với cải thiện xã hội và môi trường. Do đó, Bhutan luôn được nhắc đến là một trong số những quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Gangkhar Puensum với độ cao 7.570m là núi cao nhất thế giới chưa từng bị chinh phục. Theo trang ThoughtCo, đây cũng là núi cao nhất Bhutan, cao thứ 40 thế giới. Tên gọi của nó có nghĩa “đỉnh núi trắng của ba anh em linh thiêng”, theo tiếng Dzongkha - ngôn ngữ chính thức của Vương quốc Bhutan.
Núi nằm trên biên giới giữa Bhutan và Tây Tạng, mặc dù còn nhiều tranh cãi xoay quanh những cột mốc chính xác. Gangkhar Puensum được khảo sát lần đầu năm 1922. Các cuộc khảo sát sau đó đã đặt vị trí ngọn núi ở những nơi khác nhau với chiều cao không thống nhất. Tuy nhiên, Bhutan chưa từng khảo sát đỉnh núi, cũng như không có hoạt động cứu trợ các nhà thám hiểm.
Núi Gangkhar Puensum là núi cao nhất chưa từng có người chinh phục. Ảnh: Wikipedia
Gangkhar Puensum là núi cao nhất chưa từng có người chinh phục. Ảnh: Wikipedia
Người dân địa phương xem những ngọn núi là ngôi nhà linh thiêng của các vị thần và các linh hồn. Để thể hiện sự tôn trọng tín ngưỡng và phong tục tập quán của người dân, chính phủ ban lệnh cấm chinh phục những ngọn núi cao hơn 6.000 m vào năm 1994.
Trước đó, bốn cuộc leo núi Gangkhar Puensum từng được thực hiện nhưng bất thành. Đến năm 2004, mọi hoạt động leo núi đều bị cấm ở Bhutan, do đó Gangkhar Puensum có thể sẽ giữ vị trí ngọn núi cao nhất chưa từng bị chinh phục trong thời gian dài.
Bhutan được biết đến với biệt danh Druk Yul do người bản địa đặt từ thế kỷ 13, có nghĩa “vùng đất Rồng Sấm”. Rồng sấm Druk trong huyền thoại Bhutan được thể hiện lên quốc kỳ với bốn chân quắp bốn viên ngọc quý. Con rồng màu trắng tượng trưng cho sự thanh khiết và lòng trung thành. Những viên ngọc đại diện cho sự thịnh vượng, an ninh và bảo hộ nhân dân tại Bhutan.
Ảnh: VideoBlocks
Ảnh: VideoBlocks
Theo World Atlas, phần nền màu vàng trên quốc kỳ Bhutan tượng trưng cho truyền thống dân gian và quyền lực nhà vua; phần màu cam tượng trưng cho các tu viện Drukpa ở Bhutan, biểu thị truyền thống tinh thần Phật giáo.

Thùy Linh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét