Thứ Bảy, 24 tháng 3, 2018

Thành phố 'những người điên' dễ thương

Tên nhạo của thành phố Bỉ này có nghĩa là 'Người điên', nhưng thực ra cư dân ở đây chẳng điên chút nào cả. Ngược lại họ rất thân thiện và hiếu khách, còn thành phố thì mang nét đẹp cổ điển, quý phái đúng kiểu châu Âu.
Một góc phố yên bình ở Bruges (Bỉ)  /// Ảnh: Phương An
Một góc phố yên bình ở Bruges (Bỉ)
ẢNH: PHƯƠNG AN
Vào thời Trung cổ, theo dã sử thì hoàng đế Maximilian đệ nhất (1459 - 1519) của đế chế La Mã khi ấy đã thôn tính Bruges, cấm thành phố này tổ chức hội chợ và các sự kiện khác. Sở dĩ có lệnh cấm này vì trong giai đoạn Bruges biến thành thuộc địa của Roma, nhân dân thành phố đã làm một cuộc nổi dậy và bắt giam Maximilian đệ nhất. Với hy vọng làm dịu cơn tức giận của hoàng đế La Mã, cư dân Bruges đã tổ chức một lễ hội hoành tráng dành riêng cho ngài để xin phép được tổ chức hội chợ, nộp thuế và xây dựng... nhà thương điên (?). Tổ chức hội chợ và tự do kinh doanh chẳng có gì lạ, vì Bruges vốn là một đô thị ven biển buôn bán sầm uất vào thời đó, giống Amsterdam của Hà Lan. Nhưng với đề nghị xây dựng nhà thương điên thì nghe có vẻ lạ tai. Hoàng đế Maximilian đệ nhất đáp lại lời đề nghị của dân chúng Bruges theo cách vừa tức giận vừa hài hước, ngài nói: "Chỉ cần đóng tất cả các cánh cổng của Bruges, thành phố này đã biến thành nhà thương điên rồi!". Có lẽ xuất phát từ điển tích ấy mà thiên hạ đã “sáng chế” ra một từ nhằm chế nhạo người Bruges là “những kẻ điên”.

Đó là “thêu dệt” mang tính dã sử, còn gọi là cổ tích vì lối kiến trúc Gothic của những tòa nhà, những đường phố lát đá đúng kiểu thời Trung cổ đã tạo nên vẻ duyên dáng, ẩn chứa sự thanh lịch vốn có cho thành phố Bruges như trong các bộ phim tình cảm lãng mạn. Sự duyên dáng của Bruges còn được điểm xuyết bởi các con kênh dọc theo các dãy phố có lối kiến trúc hoa mỹ. Chính vì có đặc điểm “trên phố dưới sông” như vậy nên Bruges được người đời xưng tụng là “Venice của phương Bắc”. Đặc biệt, khu quảng trường trung tâm của thành phố được UNESCO công nhận là di sản thế giới vào năm 2000. Bên cạnh đó, quảng trường Burg cũng là một trong những điểm tập trung các công trình kiến trúc đẹp nhất ở Bruges. Một khi đã đến đây, bạn nên ghé thăm tòa thị chính tráng lệ, cung điện vàng Golden Palace of Justice nằm kế bên, Bảo tàng Brugge Vrjie, nhà thờ Basilica of the Holy Blood (nơi cất giữ giọt máu của chúa Jesus). Nếu thời gian cho phép, du khách hãy bước lên tháp chuông Belfry để ngắm nhìn toàn cảnh sự cổ kính, quyến rũ của thành phố Bruges.
Về ẩm thực, vương quốc Bỉ nổi tiếng khắp thế giới về 2 món: chocolate và khoai tây chiên. Có giả thuyết cho rằng món khoai tây chiên xuất xứ từ nước Bỉ, do đó không lấy gì làm ngạc nhiên khi tại Bruges có Bảo tàng Frietmuseum dành riêng cho món khoai tây chiên, còn Bảo tàng Choco-Story chuyên về chocolate. Trong lúc dạo phố, du khách đừng quên nhâm nhi món khoai tây chiên chấm với nước xốt đặc trưng để cảm nhận sự khác biệt so với khoai tây chiên của xứ khác, bảo đảm bạn sẽ “phát nghiện” món này ngay trên quê hương của nó. Ngoài khoai tây chiên, Bruges còn có những thương hiệu chocolate thượng hạng, mua làm quà cho người thân sẽ rất có ý nghĩa. Bên cạnh khoai tây chiên và chocolate, bia Bỉ cũng nổi tiếng không kém và Bruges sẽ thỏa mãn nhu cầu về thức uống này cho du khách. Có điều bạn cũng cần nên biết trước là giá sinh hoạt ở Bruges khá đắt nên lượng sức mà vi vu.

Sau khi vị giác đã thỏa mãn với những khám phá mới về ẩm thực, bạn hãy mạnh dạn thử trải nghiệm ngồi trên xe ngựa hoặc du thuyền dạo một vòng phố xá Bruges để tận hưởng một điểm đến tràn ngập sự thổn thức. Tiếp theo đó bạn hãy chọn một góc phố trên vỉa hè, thưởng thức tách cà phê, để tâm hồn chìm đắm trong nhịp sống bình yên của một nơi rất đáng sống.
Bruges có khí hậu ôn đới, mùa đông không quá lạnh, nhiệt độ trung bình chừng 2°C, còn mùa hè thì mát mẻ, trung bình 20°C. Mùa chan hòa ánh nắng ở Bruges là từ tháng 5 - tháng 8. Nhìn chung, du lịch đến Bruges bất kể mùa nào trong năm cũng đều thấy tuyệt.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét