Thứ Năm, 14 tháng 9, 2017

Phận người thì ngắn nhưng chiếc cổ lại dài

Hồi xa lắc xa lơ, khi Myanmar mới vừa he hé mở cửa với thế giới, kẻ tò mò như tôi tất nhiên không thể bỏ qua đất nước huyền bí này. Sau bao nhiêu năm đóng cửa, thời gian như ngừng lại ở Myanmar. Cái gì ở Myanmar cũng làm tôi lạ lẫm và đầy xúc động. Như là những người phụ nữ cổ dài trên hồ Inle. Tôi có chụp vài tấm ảnh lưu niệm với họ nhưng không thể chuyện trò vì bất đồng ngôn ngữ, chỉ biết họ là người Karen, đến từ một ngôi làng xa lắc xa lơ nào đó.
Người cổ dài ở Myanmar không phải là do cấu tạo cơ thể đặc biệt khác người, mà bởi họ đã mang những chiếc vòng cổ bằng đồng trĩu nặng từ tấm bé. Thực ra cổ của họ không dài ra mà do vai của họ của bị sụp xuống dưới sức nặng của những chiếc vòng mỗi lúc mỗi nặng hơn. Rất nhiều truyền thuyết về sự tích đeo vòng cổ của người Karen và đến bây giờ thì những người phụ nữ cổ dài đã trở thành biểu tượng của người Karen ở Myanmar. Số phận của người Karen cũng đặc biệt như thế. Sau những cuộc nội chiến, họ phải lưu vong ở miền biên giới của Thái Lan. Ở đó họ tạo dựng những ngôi làng cho tộc người mình, sinh con đẻ cái và sống kiếp ăn đậu ở nhờ trên đất người mà không biết ngày nào trở về cố quốc.
Những lễ hội, phong tục lạ thường - ảnh 4
Những lễ hội, phong tục lạ thường - ảnh 5
Những lễ hội, phong tục lạ thường - ảnh 6
Những lễ hội, phong tục lạ thường - ảnh 7
Phụ nữ Karen và những chiếc vòng cổ độc đáo của mình.
Nghe nói ở xa lắc phía bắc của Thái Lan có vài ngôi làng của người cổ dài đang sinh sống. Tôi mong một lần đến đó, được chứng kiến cuộc sống thực tế của họ, hiểu về họ nhiều hơn chứ không phải chỉ chụp vài tấm ảnh như lần ở hồ Inle. Thế rồi, một dịp tình cờ không định trước, tôi có dịp đến đây. Từ thành phố Chiang Mai của Thái Lan, tôi thuê xe đến ngôi làng cổ dài, cách trung tâm khoảng 50 km.
Đường đến ngôi làng cổ dài rất đẹp, qua những sườn núi cheo leo. Ở nơi heo hút xa xôi nhưng nhà cửa, quán cà phê, resort khách sạn dọc đường đi rất đẹp. Thế nhưng chỉ cách một ngã rẽ, làng của người cổ dài như một thế giới khác. Người cổ dài cùng người căng tai và một số dân tộc nữa sống tại bản này. Bên ngoài có cổng của người Thái, muốn vào phải mua vé rất đắt, những 500 bath Thái, hơn 300.000 đồng. Tôi bấm bụng mua với hy vọng số tiền này sẽ dành để giúp đỡ những người nghèo ở làng này như người bán vé nói chứ không phải chui hết vào túi của những người Thái giỏi làm du lịch. Làng của người cổ dài nằm ở xa nhất, hẻo lánh nhất của bản. Đâu có xa đường cái mấy đâu mà mọi tiện nghi và hiện đại dường như dừng lại sau cánh đồng lúa xanh. Nhà của những người cổ dài lưu lạc trên đất khách quê người là những ngôi nhà sàn nhỏ xíu, bé nhỏ đơn sơ.
Đã từng trông thấy người cổ dài trước đó, vậy mà tâm can tôi chấn động ngay khi nhìn thấy một phụ nữ nhỏ thó đang ngồi dệt vải ở đầu làng. Người phụ nữ ấy không thể đoán nổi tuổi tác, thân hình nhỏ bé lạ thường bởi cái cổ dài lêu nghêu với những chiếc vòng cổ bằng đồng sáng bóng. Nghe nói sức nặng của những chiếc vòng cổ khiến bờ vai, lồng ngực của người mang bị biến dạng như thế. Kiểu tóc và cách ăn mặc truyền thống của người Karen, nét mặt, nụ cười của người Karen cổ dài trông rất khác lạ. Không trẻ không già, không vui không buồn.
Người phụ nữ ấy nhìn tôi khẽ mỉm cười, mà phải nói là chỉ một nửa nụ cười bởi sự gò bó của những chiếc vòng trên cổ, rồi tiếp tục lặng lẽ ngồi dệt từng sợi vải như thể đã ngồi đó ngàn đời nay. Dáng vẻ ấy, nét mặt ấy như thể không thuộc về thế gian này. Vẻ vô thực đó làm tôi bàng hoàng đến nỗi không dám chạm vào, không dám mời bà đứng dậy. Chỉ âm thầm đứng ngắm bà mà tôi đã thấy đau như thể chính mình đang vác chiếc vòng nặng trĩu trên cổ.
Rồi tiếng cười đùa của trẻ thơ làm tôi bừng tỉnh. Ô hay, lũ trẻ ở đây chơi trò gì mà bé gái nào cũng đội những vòng hoa và chiếc khăn dài phía sau tóc như những cô dâu tí hon. Thú vị quá, tôi giơ máy ảnh chụp thì một em bé quay mặt lại. Bé thật dễ thương với gương mặt đầy cá tính, nghịch ngợm. Nhưng tôi lặng người khi nhìn thấy chiếc vòng cổ bé nhỏ trên cổ của em. Từng tuổi này bé đã phải làm quen với phong tục của tổ tiên, ông bà mà không kịp hiểu chuyện gì đang và sẽ xảy ra cho mình tiếp theo. Em không thể nào thoát khỏi số phận đã được định sẵn, không thể quyết định mình có muốn hay không khi lớn lên đã mang theo sẵn chiếc vòng trên cổ…
Ở làng Karen, tôi quen một cô gái nhỏ, dĩ nhiên cũng đang mang vòng cổ như bao cô gái khác. Vẻ đẹp trong trẻo và hiền hòa của cô bé làm tôi cảm động. Tôi ghé nhà em chơi thật lâu. Với vốn tiếng Anh bập bõm, em kể em 15 tuổi và đã năm năm mang vòng cổ. “Em không bao giờ mở vòng cổ ra kể cả khi tắm. Lúc ngủ thì em nằm nghiêng như thế này. Em sẽ mang vòng suốt đời, không bao giờ tháo ra”, em giải thích bằng cử chỉ.
Dẫn tôi lên nhà, em chỉ nơi em ngủ và kia là phòng của ba mẹ. Ngôi nhà trống trơn, sàn tre mong manh. Tôi nhìn khắp nhà, thở dài khi thấy tài sản quý giá nhất là mấy con cá suối đang nướng trên bếp. Muốn trải nghiệm cảm giác làm người Karen, tôi mượn chiếc vòng cổ nhỏ nhất và chỉ đúc một nửa mặt trước (chắc là quà lưu niệm bán cho khách cho dễ mang) mang lên cổ. Em dịu dàng cột tóc, cài hoa và đắp bột thanaka truyền thống của Myanmar lên mặt tôi. Mẹ em với chiếc cổ dài thật dài đang dệt vải gần đó, thỉnh thoảng nhìn chúng tôi mỉm cười hiền lành. Lại một nụ cười mỉm, không phải vì thói quen sở thích mà bởi những vòng cổ dài quá cằm vướng víu không cho người ta cười tự nhiên. Mang vòng một chút thôi mà tôi đã bị đau không thể nào chịu nổi. Gỡ vòng ra hồi lâu mà vẫn còn dư âm hồi lâu. Vậy mà những người Karen cổ dài đã phải gắn suốt cuộc đời mình với những chiếc vòng nặng hơn gấp bao nhiêu.
Người phụ nữ nhỏ bé lặng lẽ ở đầu làng, mẹ của cô bé xinh đẹp này, và cả em nữa, có đau không với những chiếc vòng nặng trĩu trên cổ? Tôi nhìn thấy những tấm khăn lót dưới cằm để giảm sự va chạm của vòng vào cằm, vào mặt. Phải rồi! Họ cũng như tôi, cũng như mọi người trên cuộc đời cũng biết đớn đau khi những việc trái tự nhiên hành hạ xác thân. Đau thì đau, họ vẫn không rời những chiếc vòng cổ mỗi ngày mỗi nặng, từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Em bé nhỏ hôm nay sẽ là cô bé xinh đẹp như cô bạn của tôi trong tương lai. Rồi thì em cũng như mẹ, như người phụ nữ trầm buồn một mình dệt vải đầu ngõ. Em sẽ lấy chồng, một anh thanh niên hiền lành, nghèo khó trong làng. Rồi em cũng ngồi bên hiên nhà ngày ngày dệt vải nuôi con, chờ chồng làm nương bắt cá trở về. Cuộc đời em sẽ lặng lẽ trôi đi, chỉ có những chiếc vòng trên cổ là ngày một nặng hơn…
* * *
“Em thích mang vòng cổ không?”, tôi hỏi cô bé. Em gật đầu. Không biết em có hiểu câu hỏi của tôi hay không, hay là em thật sự thích nhưng tôi nghe buồn nao lòng. Tôi hiểu mình không được quyền nhận xét những nền văn hóa khác biệt, những phong tục tập quán lạ đời. Tôi biết mình không thể lấy quan điểm cá nhân để giải thích và kêu gọi người khác về hạnh phúc, về tự do. Thế nhưng tôi cũng tin tưởng sâu sắc chỉ những gì làm người ta được mạnh khỏe, hạnh phúc và tiến bộ cả về thể chất lẫn tinh thần mới là những giá trị đẹp đẽ cần được trường tồn.
CẨM TÚ

Nơi phụ nữ cả đời mang hàng chục ký vòng đồng trên cổ

Những phụ nữ cổ dài cần mẫn bên khung cửa sổ đã thu hút hàng triệu du khách khắp thế giới đến Myanmar.
Nơi phụ nữ cả đời mang hàng chục ký vòng đồng trên cổ
Kayan là một dân tộc thiểu số có nguồn gốc cổ xưa ở Myanmar. Họ sinh sống rải rác ở Bagan, Inle và cả ở vùng biên giới giáp Thái Lan. Nếu du khách mua tour tham quan hồ Inle, "làng cổ dài" sẽ là một trong những điểm dừng chân thú vị của chuyến đi.
Nơi phụ nữ cả đời mang hàng chục ký vòng đồng trên cổ
Ở đây du khách gặp những phụ nữ cổ dài đang cần mẫn bên khung cửi. Trải qua hàng nghìn năm, phụ nữ Kayan vẫn giữ phong tục đeo những chiếc vòng đồng lấp lánh khiến cổ của họ cao hơn nhiều so với bình thường.
Nơi phụ nữ cả đời mang hàng chục ký vòng đồng trên cổ
Những phụ nữ trưởng thành có thể đeo đến 37 chiếc vòng cổ, nặng khoảng 15 kg. Từ khi lên 5 tuổi, các bé gái ở đây bắt đầu đeo vòng cổ, số lượng tăng dần theo chu kỳ 4 năm một lần. Họ mang những chiếc vòng này cả khi ngủ, làm việc. Việc đeo vòng cổ được xem như một nghi lễ thiêng liêng, được thực hiện bởi những người lớn tuổi có kinh nghiệm. Nếu không làm đúng cách có thể dẫn đến khó chịu, nghẹt thở hoặc khó nuốt thức ăn.
Nơi phụ nữ cả đời mang hàng chục ký vòng đồng trên cổ
Nhiều người còn mang cả vòng ở chân và tay. Có nhiều cách lý giải về phong tục kỳ lạ này. Một trong số đó là truyền thuyết về trưởng bộ lạc được cảnh báo trong giấc mơ rằng, ngày thứ 4 sau khi con ông chào đời, một con hổ xuất hiện và tấn công dân làng. Nó sẽ cắn vào cổ họ cho đến chết. Từ đó bộ lạc quyết định tất cả trẻ em phải đeo vòng quanh cổ sau khi sinh để con hổ không xuất hiện. Một giả thuyết khác là phụ nữ Kayan đeo vòng để phân biệt với vẻ đẹp của các tộc người khác.
Nơi phụ nữ cả đời mang hàng chục ký vòng đồng trên cổ
Lâu dần việc đeo vòng cổ trở thành phong tục độc đáo. Người Kyan tin rằng những phụ nữ có vòng cổ càng dài thì càng đẹp. Tuy nhiên theo nghiên cứu của các nhà khoa học, thực ra cổ của họ không dài ra mà do xương đòn, bả vai và ngực của họ bị áp lực bởi khối lượng vòng đồng. Những phụ nữ đeo vòng cổ lâu cũng có vấn đề về sức khỏe, khu vực quanh cổ bị đau vĩnh viễn và lớp da ở đây cũng mỏng hơn những nơi khác trên cơ thể.
Nơi phụ nữ cả đời mang hàng chục ký vòng đồng trên cổ
Những phụ nữ Kayan đeo vòng cổ đến lúc chết. Nếu phản bội chồng, những chiếc vòng cổ của họ bị gỡ ra và cộng đồng xa lánh. Vì vậy, không phụ nữ Kayan nào muốn gỡ vòng cổ ra khỏi cơ thể. Những bộ vòng cổ này được truyền từ mẹ sang con. Tuy nhiên ngày nay không phải đứa trẻ Kayan nào cũng sẵn sàng đeo bộ vòng cao vài chục cm này lên cổ. 
Nơi phụ nữ cả đời mang hàng chục ký vòng đồng trên cổ
Trong vài năm trở lại đây, hình ảnh những phụ nữ cổ dài bên khung cửa sổ cặm cụi đan những mẫu thổ cẩm không còn xa lạ với du khách. Ngôi làng của người Kayan trở thành một phần trong hệ sinh thái du lịch ở Myanmar. Những phụ nữ này sẵn sàng ngồi nói chuyện, cười nói hàng giờ với du khách mà không ngại ngần. Khi đến thăm nhà phụ nữ cổ dài, du khách có thể thử đeo vòng, chụp hình, mua sắm đồ lưu niệm...
Nơi phụ nữ cả đời mang hàng chục ký vòng đồng trên cổ
Các mẫu vải thổ cẩm được phụ nữ Kayan dệt tay có giá khá đắt. Du khách vẫn có thể thương lượng nếu muốn mua về làm kỷ niệm. 
Nơi phụ nữ cả đời mang hàng chục ký vòng đồng trên cổ
Để thăm tộc người Kayan, bạn có thể đến hồ Inle, mua tour dạo quanh hồ, hành trình sẽ ghé qua "Làng cổ dài" và ở lại lâu hay nhanh tùy ý. Tour thường kéo dài từ sáng sớm đến chiều tà, giá khoảng 200.000 đồng một người.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét