Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

Ngôi làng trôi nổi theo chiều gió ở Indonesia


Đến với hồ Tempe và được nghe những câu chuyện về ngôi làng nổi trôi dạt theo gió ở đây là trải nghiệm khó quên với du khách.

Nằm ở phía nam đảo Sulawesi với diện tích 130 km vuông, hồ Tempe là một trong 10 hồ nước ngọt lớn nhất Indonesia. Đến đây, du khách sẽ có cơ hội quan sát thiên nhiên đa dạng của các loài chim và tìm hiểu đời sống người bản địa tại một ngôi làng nổi lâu đời ở Indonesia.

Khởi hành từ thành phố Makassar - thủ phủ của đảo Sulawesi, nhóm chúng tôi đón chiếc ôtô 7 chỗ hướng thẳng đến thị trấn Sengkang. Khoảng cách Makassar 250 km không quá dài nhưng những con dốc liên tục khiến chuyến xe nửa đêm như dài hơn. Ngoài các nhà xe bus lớn có lịch trình mỗi ngày, du khách có thể đón các chuyến xe đêm dành cho người địa phương để tiết kiệm hơn nhưng phải đợi cho đến khi xe được lấp đầy chỗ mới khởi hành.
Hồ Tempe nổi tiếng với ngôi làng có người dân sinh sống trong những ngôi nhà nổi. Ảnh: Phong Vinh
Hồ Tempe nổi tiếng với ngôi làng có người dân sinh sống trong những ngôi nhà nổi. Ảnh: Phong Vinh.
Hiện tại, nơi này vẫn chưa có các tuyến thuyền bè công cộng dành cho du khách tham quan. Nhưng bạn sẽ dễ dàng tìm được thuyền của người bản địa để thực hiện chuyến khám phá của mình. Giá cho một lượt vào ra làng khoảng 200.000 rupiah (380.000 đồng) cho một thuyền với sức chứa 3 – 4 người tùy vào chủ thuyền. Bạn cũng có thể trả giá nếu đi một mình.
Chiếc thuyền mạnh mẽ rẽ nước nhanh chóng đưa tôi tiến sâu vào bên trong lòng hồ. Đoạn đầu dọc đôi bờ, bạn sẽ bắt gặp những ngôi sàn, thánh đường Hồi giáo hay nhiều phụ nữ giặt giũ và trẻ em tắm rửa trên những tấm bè tre. Càng vào sâu, không gian dần mở ra với thảm thực vật xanh ngắt, những đàn cò trắng bay trên ngọn cỏ lau, nhiều loài chim với bộ lông đủ màu sắc trú ẩn bên trong bụi cỏ ven sông hoặc xa hơn là vài chiếc thuyền bé của ngư dân.
Điều thôi thúc tôi đến nơi này chính là ngôi làng nằm sâu bên trong với những mái nhà nổi được dựng bằng tre nứa. Năm 1985, ba ngôi nhà đầu tiên được xây dựng và dần dần phát triển lên con số 30 như hiện nay. Người vùng này thuộc bộ tộc Bugis, một trong những bộ tộc có truyền thống văn hóa đặc sắc ở Indonesia.
Cụ bà Umi, 73 tuổi, đang chế biến cá sau khi đánh bắt. Ảnh: Phong Vinh
Cụ bà Umi, 73 tuổi, đang chế biến cá sau khi đánh bắt. Ảnh: Phong Vinh.
Điều đặc biệt của làng này đó chính là vị trí của các ngôi nhà luôn bị thay đổi theo hướng và sức gió. Khi gió thổi, các ngôi nhà sẽ bắt đầu di chuyển, cứ như thế cả ngôi làng trôi trên mặt nước hết chỗ này đến chỗ khác.
Ngày nay, để duy trì sự ổn định và tránh việc va chạm giữa các ngôi nhà, người địa phương đã biết cách cố định sàn từ dưới đáy. Do những đợt sóng và sự chuyển động, dây thừng cố định sàn nhà sẽ dần bị phá huỷ nên toàn bộ sàn nhà phải được thay đổi hai năm một lần.
Theo lời kể của cụ Umi – một trong những ngư dân đầu tiên của làng thì cứ cách tuần gia đình bà lại thả phần cố định dưới đáy để "được trôi nổi". Khi hỏi vì sao, cụ bà cười giòn và nói “thói quen đã lâu, hễ sáng mà bước ra ngoài thấy trước mắt vẫn y như hôm trước là cảm thấy khó chịu”. Tôi thầm nghĩ, ở đây bốn bề là mây trời, cây cối và hồ nước thì cảnh quan sẽ thay đổi ra sao?
Người ở làng sống chủ yếu nhờ vào nghề đánh bắt và chế biến cá. Đàn ông là lao động chính, phụ nữ thì đưa trẻ em đi học bằng thuyền mỗi sớm và ở lại chợ để buôn bán. Cuộc sống của họ không có nhiều phương tiện hiện đại, đa số sinh hoạt hàng ngày đều dựa vào dòng nước.
Món pisang goreng (chuối chiên) là đặc sản mà không du khách nào bỏ qua mỗi khi tới đây. Ảnh: Phong Vinh
Món “pisang goreng” (chuối chiên) là đặc sản mà không du khách nào bỏ qua mỗi khi tới đây. Ảnh: Phong Vinh.
Dăm ba câu chuyện từ bác lái thuyền và gia đình cụ Umi đã giúp tôi có thêm cái nhìn mới về cuộc sống của người Indonesia. Tôi ở đó cả buổi sáng chỉ để ngắm nhìn mây nước, tận hưởng sự yên bình mà ở phố thị ít khi tôi có được. Trở lại thị trấn Sengkang dưới cái nắng bỏng da nhưng tôi vẫn không sao quên được âm thanh máy thuyền đạp nước và tiếng radio địa phương thanh vang giữa khoảng trời bao la ấy.
Phong Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét