Chủ Nhật, 16 tháng 7, 2017

George Mũi To - tên cướp khét tiếng bị biến thành đôi giày da

Bác sĩ lấy da của tên cướp gửi tới một tiệm thuộc da tại Denver cùng bộ hướng dẫn cụ thể, phần da được làm thành một đôi giày.

Bảo tàng Carbon County ở Rawlings, bang Wyoming là một trong những địa chỉ hàng đầu mà du khách thường muốn ghé thăm khi tới miền tây nước Mỹ. Đây là nơi trưng bày đôi giày làm từ da người đàn ông có tên gọi George Mũi To cùng bức tượng thạch cao, nửa dưới hộp sọ. Phần nắp được quản tại bảo tàng Union Pacific tại Omaha, Nebraska.
Câu chuyện được bắt đầu vào cuối thế kỷ 19, khi mọi giao dịch kinh doanh tại Mỹ đều dùng tiền mặt. Xe ngựa hay các đoàn tàu thường phải vận chuyển lượng tiền lớn, đặc biệt vào những ngày trả lương. Chiếc xe tiền này trở thành miếng mồi béo bở cho những tên cướp táo tợn tại miền tây hoang dã nước Mỹ.
George Parrott cầm đầu một băng cướp khét tiếng, chuyên nhắm vào các tàu, xe ngựa chở tiền. Tướng cướp George cũng có một quá khứ "hoành tráng" khi thời trẻ đã đi ăn trộm gia súc, cướp dọc đường. Do sở hữu chiếc mũi to, nên hắn có biệt danh trong giới trộm cướp là George Mũi To.
 Bản nhạc sáng tác về George Parrot
Một ngày năm 1878, băng cướp của Mũi To quyết định thử vận may với đoàn tàu Union Pacific đang trên đường mang tiền trả lương cho công nhân của tập đoàn. Chúng tìm thấy một đoạn đường ray trơ trọi nằm gần sông Medicine Bow, Wyoming. Cả bọn tháo rời một chiếc đinh đóng trên thanh ray và đợi tàu đến.
Nhưng một công nhân đường sắt tinh mắt nhận ra đoạn ray bị hỏng, anh ta nhanh chóng sửa chữa và báo cho cảnh sát trước khi tàu đến. Mũi To và đồng bọn trốn đến hẻm núi Rắn Đuôi Chuông (Rattlesnake Canyon) dưới chân núi Elk. Theo sát vó ngựa của chúng là hai sĩ quan - phó cảnh sát trưởng Wyoming, Robert Widdowfield và thám tử Union Pacific, Tip Vincent.
Tới hẻm núi Rắn Đuôi Chuông, hai sĩ quan phát hiện ra một đống lửa được dập vội. Khi Robert đang khom lưng kiểm tra xem đống lửa được nhóm từ bao giờ, một phát súng bắn ra từ bụi cây bay thẳng vào mặt ông. Robert chết ngay tại chỗ, Vincent quay lại và cố chạy đi nhưng cũng trúng đạn.
Tập đoàn đường sắt Union Pacific ngay lập tức treo thưởng 10.000 USD cho ai săn được đầu của thủ lĩnh toán cướp, khoản tiền nhanh chóng được tăng lên thành 20.000 USD.
2 năm sau, khi Mũi To chè chén tại một quán bar ở thành phố Miles, Montana và ba hoa về những gì đã xảy ra dưới chân núi Elk thì bị bắt. Hắn bị tuyên án tử hình bằng cách treo cổ.
Trước ngày hành quyết 10 ngày, George định vượt ngục. Hắn dùng một con dao bỏ túi cưa đinh tán trên đôi cùm chân nặng trịch, đập vỡ sọ quản ngục Robert Rankin. Mặc dù bị thương, quản ngục vẫn gọi được vợ là Rosa. Rosa nhanh tay với lấy súng và bắt George trở về xà lim.
Tin tức lan khắp thành phố, đám đông giận dữ đổ tới nhà tù và lôi George ra treo cổ lên cột điện thoại.
Không có ai đến nhận khâm liệm George, bác sĩ Thomas Maghee và John Eugene Osborne khám nghiệm tử thi với hi vọng tìm ra động cơ của tên cướp. Hai bác sĩ cưa hộp sọ của George để kiểm tra não, họ không tìm ra khác biệt nào giữa bộ não của hắn với não người "bình thường".
Từ đây, những thí nghiệm của John Eugene Osborne trở nên kỳ dị hơn. Đầu tiên, ông đúc khuôn mặt George từ thạch cao. Sau đó lấy da của tên cướp gửi tới một tiệm thuộc da tại Denver cùng bộ hướng dẫn cụ thể. Toàn bộ phần da được làm thành một đôi giày và túi đựng thuốc.
george-mui-to-ten-cuop-khet-tieng-bi-bien-thanh-mot-doi-giay-1
Những thứ còn lại của George Parrot - tượng thạch cao, đôi giày và ảnh...  được trưng bày trong bảo tàng Carbon County. Ảnh: Carbon County Museum. Ảnh: Historical Reproductions by Perue.
Ngày nhận thành phẩm, bác sĩ John khá thất vọng vì đôi giày không có nguyên phần da với đầu ngực của tên cướp nhưng ông vẫn dùng.
Toàn bộ những gì còn lại của thi thể George được giữ trong một thùng whiskey và muối. Bác sĩ John tiếp tục giải phẫu thi thể tên cướp và thực hiện thí nghiệm thêm một năm. Cuối cùng, thùng whiskey được chôn trong sân sau của văn phòng bác sĩ Thomas.
Với quá khứ rùng rợn sau lưng, John Eugene Osborne dấn thân vào giới chính trị gia và đắc cử chức Thống đốc đảng Dân chủ đầu tiên của bang Wyoming. Sau đó, ông trở thành thư ký cho bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ dưới thời tổng thống Wilson.
Trong lễ nhậm chức thống đốc bang năm 1893, John Eugene Osborne được cho là đi đôi giày làm từ da tên cướp miền Tây.
Hộp sọ bị cưa của George Parrott được tặng cho trợ lý 15 tuổi của John, Lillian Heath - người sau này trở thành nữ bác sĩ đầu tiên của bang Wyoming. Bà dùng nửa hộp sọ làm gạt tàn trong nhiều năm rồi đặt làm chặn cửa trong văn phòng.
George Mũi To gần như bị lãng quên cho tới một chiều tháng 5/1950, công nhân xây dựng phát hiện một thùng whiskey chứa đầy xương người khi đào móng cho tòa nhà mới. Bên trong thùng rượu, người ta tìm thấy hộp sọ bị cưa còn nửa, một chai rau trộn và một đôi giày da.
Click để lật ảnh
Click để lật ảnh
Khoảnh khắc hai hộp sọ khớp vào nhau và ảnh chụp bộ hài cốt được khai quật trong thùng rượu. Ảnh: WyoHistory/Taringa.
Chính quyền địa phương biết rõ bộ hài cốt thuộc về ai song vẫn chờ xét nghiệm. Tới khi ai đó nhớ đến nửa hộp sọ của bác sĩ Lillian Health giữ và gửi tới cho bà - khi ấy bà ngoài 80. Nửa hộp sọ của bà hoàn toàn khớp với nửa họ tìm thấy dưới thùng rượu, nhiều thập kỷ sau mới có kết quả xét nghiệm ADN.
Ngày nay, du khách, những người vẫn thường bị quyến rũ bởi các câu chuyện về những chàng cao bồi của miền tây nước Mỹ, đến Wyoming đều muốn ghé thăm nơi đặt những thứ còn sót lại của tên cướp khét tiếng một thời.
Bảo tàng Carbon County nằm tại số 904, phố West Walnut và mở cửa đón khách từ 10h đến 18h, từ thứ 3 tới thứ 7 hàng tuần. Du khách có thể tự tham quan bảo tàng với tài liệu thông tin hoặc đi theo tour từ 5 người, dưới sự hướng dẫn của nhân viên bảo tàng.
Theo Wyo History
Phạm Huyền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét