Thứ Ba, 16 tháng 5, 2017

Nhà văn Mỹ ấn tượng với bữa trưa trường học Nhật Bản

Quây quần với nhau trong lớp, thể hiện lòng biết ơn với thực phẩm, cùng dọn dẹp khi kết thúc là những điều ấn tượng trong bữa trưa ở trường học Nhật Bản. 

Joyce Wan - nhà văn tự do, tác giả truyện tranh minh họa đến từ Massachusetts, Mỹ, từng tham gia chương trình dạy học ở Hokkaido, Nhật Bản, từ năm 2014 đến 2016. Đầu năm 2017, sau khi kết thúc chương trình, cô có bài viết kể lại một bữa trưa tại trường học Nhật Bản trên GaijinPot.
nha-van-my-an-tuong-voi-bua-trua-truong-hoc-nhat-ban
Một bữa trưa ở trường học Nhật Bản được cân bằng thành phần dinh dưỡng. 
Khi chuông reo sau tiết 4, đó là thời gian cho bữa trưa.
Tôi cần mang khay từ phòng nhân viên đến lớp học mà tôi sẽ ăn cùng ngày hôm nay. Một "cơn lốc" hoạt động diễn ra xung quanh khi tôi cẩn thận bước lên cầu thang. Lũ trẻ đuổi theo nhau đến bồn rửa tay, một số em đẩy xe chứa thức ăn vào lớp. Những bát súp nóng bốc hơi nghi ngút. Học sinh đã ngoan ngoãn vâng lời giáo viên suốt buổi sáng và giờ ăn trưa là thời gian chúng làm chủ. 
Khi tôi đến lớp, không khí ở đây giống một nhà bếp bận rộn. Mọi người vội vã đẩy bàn ăn xếp thành từng nhóm, lấy đũa và khăn ăn từ ngăn để đồ. Thấy tôi bước vào, chúng lập tức chơi trò janken (tên gọi Nhật Bản của trò "oẳn tù tì") để chọn người ngồi với cô giáo. Người chiến thắng đẩy một bàn phụ vào nhóm của mình để dành chỗ cho tôi. Sau đó, cậu bé quay lại xếp hàng, đợi lấy thức ăn. Những người phục vụ nhí mặc tạp dề, quấn khăn quanh đầu hoặc đội mũ, đeo khẩu trang. 
nha-van-my-an-tuong-voi-bua-trua-truong-hoc-nhat-ban-1
Học sinh phân công nhau phục vụ bữa trưa cho mọi người. Ảnh: Fast Japan
Tất cả đều được phục vụ và ngồi ngay ngắn, trong khi một đôi nam nữ chờ đợi để thông báo thực đơn hôm nay. "Làm ơn im lặng nào", cậu bé nhẹ nhàng nói. Tôi nhìn ra cửa sổ. Tuyết không ngừng rơi từ sáng sớm nay, hay từ sáng hôm qua, hay từ vài buổi sáng của những tuần trước. Nhưng lớp học không hề ảm đạm mà vô cùng tươi vui. 
Cô gái còn lại lớn tiếng hơn: "Làm ơn im lặng nào!". Những tiếng trò chuyện rì rầm dần tắt hẳn và cuối cùng thực đơn cũng được điểm qua. Bữa trưa hôm nay gồm cơm chiên gohan, cá saba (cá thu Nhật) nướng, hỗn hợp măng, giá đỗ, rau chân vịt, canh miso bổ dưỡng với đậu hũ, rong biển và bánh mochi khoai tây. 
Cặp đôi vỗ tay và mọi người đồng thanh "Itadakimasu", câu nói nhằm thể hiện lòng biết ơn đối với thực phẩm, đồng thời biết ơn thế giới vì đã cung cấp nó. Cảm giác ấm cúng lan tỏa khắp căn phòng.
Nhóm của tôi bắt đầu thưởng thức bữa trưa một cách hào hứng. Chủ đề phổ biến nhất tôi từng gặp cũng chính là một trong những câu tiếng Anh đầu tiên học sinh Nhật Bản được dạy: "Cô thích ăn món gì?". Tôi hỏi các em đã học được gì sáng nay và biết chúng vừa nghiên cứu cách trồng lúa. Mỗi người gieo hạt trong hộp sữa rỗng, sau đó chuyển ra khu vườn bên ngoài khi mùa xuân đến. Chúng tôi bị gián đoạn bởi chương trình phát thanh trong giờ ăn trưa. Người dẫn chương trình đọc một số bản tin cập nhật của trường và phát bài hát nổi tiếng mới nhất. 
Trong cuộc trò chuyện, tôi biết cậu bé ngồi đối diện vừa "rung rinh" một bạn nữ và cả nhóm cố gắng đoán xem đó là ai. Bạn thân của cậu bé biết nhưng từ chối tiết lộ bí mật. Một người trong nhóm có chiếc chăn trải bàn hình Pokémon, do đó tôi hỏi mọi người về con Pokémon yêu thích nhất. Cuộc trò chuyện đã diễn ra theo cách dễ chịu như thế. Tôi không tưởng tượng được chúng sẽ làm gì sau 15 năm nữa, khi ở độ tuổi của tôi, nhưng vào khoảnh khắc này, ai nấy đều nâng bát súp miso lên và uống một cách vui vẻ.
Kết thúc bữa ăn, chúng tôi lại cùng nhau vỗ tay và nói "gochisosama deshita". Đây là cách diễn đạt biết ơn khác, dành cho những người đã nấu bữa ăn này. Đồ ăn được trường chuẩn bị và không có đầu bếp nào ở đây, do đó tôi đoán lũ trẻ cũng dùng câu này để cảm ơn bạn bè vì đã ăn trưa cùng nhau.
Học sinh Nhật Bản bóc hộp sữa để phục vụ tái chế sau giờ ăn trưa. Nguồn: Vimeo.
Đến thời gian dọn dẹp - Souji, mọi thứ được thực hiện với tốc độ đáng kinh ngạc. Học sinh dọn khay của mình, mang bát đĩa trả lại xe đẩy với các thùng chứa lớn. Tôi vui vì mình uống trà chứ không uống sữa, bởi quá trình mở vỏ hộp sữa để sử dụng cho việc tái chế là nhiệm vụ tôi không bao giờ làm chuẩn xác. 
Tôi phụ trách quét dọn hành lang ngày hôm nay, cố gắng né những chiếc xe đẩy đang quay trở lại điểm xuất phát, còn lũ trẻ như đang trong cuộc đua lau sàn bằng giẻ. Ai cũng có vai trò trong việc dọn dẹp. Khi tất cả hoàn thành, chúng trở lại lớp, tổ chức cuộc họp ngắn để đánh giá mức độ thực hiện nhiệm vụ trong ngày. Chỉ sau bước này, chúng mới thật sự nghỉ ngơi trước khi quay lại giờ học buổi chiều.
Trải qua từ đầu đến cuối một bữa trưa tại trường tiểu học trên đất nước này, tôi hiểu tại sao đây được xem là mô hình thu nhỏ hoàn hảo của văn hóa Nhật Bản. 
Phiêu Linh

Nghệ thuật từ hộp cơm trưa của học sinh Nhật Bản

Những hộp cơm cầu kỳ giúp trẻ làm quen với nhiều loại thực phẩm, không kén ăn. Tuy nhiên, việc tạo ra những hộp cơm này cũng gây áp lực cho các bà mẹ. 

Ở Nhật Bản, những hộp cơm trưa được chuẩn bị sẵn để mang đến trường đã được nâng lên tầm nghệ thuật. Mỗi buổi sáng, trên khắp xứ sở hoa anh đào, các bà mẹ thức dậy thật sớm để chuẩn bị hộp cơm bổ dưỡng cho con, thường gọi là bento. Những hạt gạo dẻo thơm được tạo hình con gấu trúc với đôi mắt được cắt từ tấm rong biển khô, miếng xúc xích được chạm khắc trông như con bạch tuộc, trái cây được xiên qua bằng tăm để cố định thành một con vật đáng yêu nào đó. Và tất nhiên, mọi thứ đều được cân bằng dinh dưỡng, theo Washington Post ngày 13/10.
Một số bà mẹ còn bỏ nhiều công sức hơn để tạo ra kyara-ben (hay character bento), loại cơm hộp độc đáo được trang trí bằng các nhân vật truyện tranh nổi tiếng. Hãy tưởng tượng mèo Hello Kitty hoặc mèo máy Doraemon nằm trên một chiếc giường làm từ rau diếp, bao quanh là trứng ốp khuôn trái tim và hoa cà rốt.
Saori Inokuchi, một bà mẹ 36 tuổi có hai con lần lượt 4 và 5 tuổi, tham dự một lớp học đặc biệt để học cách chuẩn bị hộp cơm trưa cầu kỳ. "Tôi nghĩ mình sẽ mang lại hạnh phúc cho con nhờ những hộp bento đáng yêu", cô nói.
Inokuchi đến cùng Maya Minamisawa, người có 3 đứa con ở độ tuổi 8, 4 và 1, để học Tomomi Maruo cách làm bento theo chủ đề Pokémon. Maruo có một kênh Youtube và công ty Obento4kids, hướng dẫn các bài học về kyara-ben tại nhà.
nghe-thuat-tu-hop-com-trua-cua-hoc-sinh-nhat-ban
Tomomi Maruo đang dạy các bà mẹ cách làm kyara-ben. Ảnh: Ko Sasaki
Những phụ nữ học cách nặn cơm thành hình Pikachu - một con Pokémon màu vàng, cách làm mắt từ miếng rong biển và lát phô mai, cách làm má hồng bằng thanh cua. Họ tạo những quả bóng Pokémon bằng cách dính một nửa quả cà chua bi với một nửa quả trứng cút, sau đó quấn một dải rong biển xung quanh, dán thêm một miếng phô mai hình tròn. 
Mất khoảng một tiếng để các bà mẹ hoàn thành bài tập này, dù Maruo đã nấu chín bông cải xanh và bí đỏ từ trước. Là một người chuyên nghiệp, Maruo hoàn thành trong 40 phút.
Maruo bắt đầu làm những hộp cơm kyara-ben khi con mình còn đi học mẫu giáo, hiện chúng đã 13 và 16 tuổi. Cô lập công ty đã được 13 năm và vô cùng tự hào khi có thể mang lại lời khuyên hữu ích cho các bà mẹ khác.
Kyara-ben chủ yếu được chuẩn bị cho trẻ mẫu giáo để giới thiệu sự đa dạng của thực phẩm, ngăn trẻ kén ăn. Cách tiếp cận này thực sự hữu ích, phần lớn trẻ em Nhật Bản vui vẻ khi ăn cá và rau.
Tuy nhiên, cơn sốt kyara-ben cũng khiến những phụ nữ ở đất nước này chịu áp lực từ sự kỳ vọng rất lớn, đồng thời tạo rào cản cho những người không chỉ đơn thuần ở nhà nội trợ. Văn phòng nội các chính phủ Nhật Bản đã chỉ trích gay gắt việc chia sẻ rộng rãi một bài đăng trên blog của một bà mẹ cố gắng tạo ra những hộp cơm đáng yêu ngay cả khi rất mệt mỏi hoặc bận rộn. 
Nhiều phụ nữ mang thai buộc phải thôi việc, hoặc là vì tình trạng "quấy rối thai sản" (mata-hara) gây nhức nhối trong xã hội Nhật hiện nay, hoặc là vì văn hóa làm việc không ngừng nghỉ không thích hợp với cuộc sống gia đình. Các trường mẫu giáo Nhật Bản thường đặt gánh nặng lên vai các bà mẹ, từ việc may vá cho đến chuẩn bị cơm trưa.
Mạng Internet tràn ngập hình ảnh những hộp cơm kyara-ben. Đất nước này cũng có hàng trăm cuốn sách về chủ đề sáng tạo hộp cơm trưa cho con mang đến trường, với nhan đề kiểu như "Kyara-ben cho người mới: Bạn có thể làm hộp cơm Kyara-ben dễ thương một cách nhanh chóng vào một buổi sáng bận rộn!". Các cửa hàng bán đồ gia dụng cung cấp khuôn hình động vật để dễ dàng tạo hình cho cơm và trứng. Các siêu thị cũng bán tấm giấy lót dễ thương để cho vào hộp.
Một kênh truyền hình cáp hướng dẫn làm kyara-ben lấy cảm hứng từ các linh vật Nhật Bản. Thậm chí có những cuộc thi kyara-ben, nơi các bà mẹ đua nhau làm hộp cơm hấp dẫn nhất. Những ngày hội thao hoặc sự kiện khác ở trường thường biến thành cuộc đua ngầm của các bà mẹ khi họ có thể kiểm tra hộp cơm của những đứa trẻ khác.
nghe-thuat-tu-hop-com-trua-cua-hoc-sinh-nhat-ban-1
Hộp cơm với chủ đề Pokémon. Ảnh: Ko Sasaki
Đây là một kiểu áp lực khiến các bà mẹ phải đau đầu. Một bản tin có tựa đề "Nguyên nhân là kyara-ben! Một cuộc chiến nổ ra giữa những bà mẹ vốn là bạn bè!" hồi đầu năm nay đã mô tả sự ganh đua khốc liệt. Một số trường mẫu giáo thậm chí bắt đầu cấm kyara-ben vì lo sợ tình trạng bắt nạt, những đứa trẻ cười nhạo các hộp cơm không đủ tiêu chuẩn.
Tất nhiên, nhiều người gièm pha điều này. "Tôi nhìn thấy hình ảnh kyara-ben trên Facebook và nhận ra chúng được chuẩn bị bởi các bà mẹ phải thức dậy từ lúc 4 hoặc 5h sáng. Tôi rất vui khi mình không phải là một bà mẹ Nhật Bản", một người phụ nữ viết trên trang web nấu ăn nổi tiếng Cookpad.
Nhưng Minamisawa và Inokuchi, hai người phụ nữ nội trợ, cho rằng lớp học làm kyara-ben mang lại nguồn cảm hứng cho mình. "Làm kyara-ben dễ hơn bạn tưởng", Minamisawa nói. Tuy nhiên, cô cũng cho rằng nhờ Maruo chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ từ trước, cô ít gặp khó khăn hơn so với việc tự làm từ đầu.
Hầu hết ngày trong tuần, Minamisawa dành 15 đến 20 phút để làm mỗi hộp cơm cho từng đứa con của mình, mặc dù một hộp hoàn hảo hơn sẽ mất gấp đôi thời gian đó. "Khi bọn trẻ trở về nhà với hộp bento đã được ăn hết sạch, tôi vô cùng hạnh phúc", cô nói
Phiêu Linh 

Nhật Bản giáo dục học sinh từ thực phẩm hàng ngày

Trường học Nhật Bản xem bữa trưa là cơ hội cung cấp kiến thức dinh dưỡng, đẩy lùi các vấn đề sức khỏe thông qua bộ luật chặt chẽ về giáo dục thực phẩm.


Chế độ ăn uống kiểu mẫu ở Nhật Bản, trong đó gạo là thành phần chính, kết hợp với nhiều loại thực phẩm như cá, thịt, rau, trái cây và sữa, được xây dựng vào khoảng năm 1980. Chế độ này dựa trên quan điểm cân bằng dinh dưỡng và đây không phải lý do duy nhất khiến người Nhật sống lâu. Một đóng góp lớn trong việc nâng cao tuổi thọ người Nhật Bản là việc giáo dục thực phẩm từ sớm trong trường học.
Vào năm 2003, sau cuộc khảo sát dinh dưỡng và sức khỏe quốc gia, phát hiện tình trạng thừa cân, béo phì đang gia tăng, nhiều người trẻ bỏ bữa sáng, Nhật Bản nhận ra cần hành động để thay đổi thói quen ăn uống. Luật cơ bản về giáo dục thực phẩm (từ gốc shokuiku) được ban hành vào tháng 6/2005.
Luật định nghĩa, shokuiku là nắm bắt kiến thức về thực phẩm cũng như khả năng lựa chọn thực phẩm thích hợp. 22 năm trước đây, kinh tế gia đình trở thành một môn học cốt lõi cho tất cả học sinh ở Nhật Bản, tương tự khoa học và toán học.
nhat-ban-giao-duc-hoc-sinh-tu-thuc-phm-hang-ngay
Học sinh Nhật Bản nhận thức về dinh dưỡng qua môn học bắt buộc ở trường.
Giáo dục thực phẩm hay kinh tế gia đình được phổ biến tại các trường học ở xứ sở mặt trời mọc với cách thức như sau:
- Kinh tế gia đình là môn học bắt buộc đối với cả nam và nữ trong các trường học Nhật Bản.
- Có 4.000 giáo viên dinh dưỡng trên cả nước.
- Học sinh nghiên cứu môn học này từ lớp 5 đến lớp 12.
- Nhiều trường học có vườn và tự trồng lúa.
- Học sinh được tham gia vào việc chuẩn bị bữa trưa, luân phiên phục vụ thức ăn cho thầy cô và bạn học mỗi ngày.
- Tất cả mọi người ngồi cùng và ăn chung ở trường.
- Trong khi ăn, học sinh học về dinh dưỡng.
Mục đích của bộ luật về shokuiku bao gồm:
- Khuyến khích người dân hiểu biết và có khả năng đánh giá về chế độ ăn uống.
- Trên toàn quốc, các phong trào tình nguyện nhằm đẩy mạnh shokuiku cần được phát triển.
- Phụ huynh và các nhà giáo dục cần thúc đẩy shokuiku ở trẻ em.
- Hiểu biết về các vấn đề dinh dưỡng nên được củng cố bằng cách tận dụng mọi cơ hội sẵn có, chẳng hạn ở nhà, ở trường, nơi công cộng hoặc bất cứ đâu. Cần giới thiệu cho trẻ nhiều kinh nghiệm và hoạt động liên quan đến thực phẩm.
- Nâng cao nhận thức và đánh giá cao ẩm thực truyền thống.
Chuỗi cửa hàng McDonald mở cửa ở Tokyo hơn 40 năm trước, đến nay thương hiệu đồ ăn nhanh phát triển mạnh mẽ, nhưng vòng eo người Nhật thì không. Đó là nhờ các lớp học kinh tế gia đình bắt buộc theo kế hoạch của chính phủ.
Theo Takuya Mitani, một chuyên gia giáo dục sức khỏe của Bộ Giáo dục Nhật Bản, tỷ lệ béo phì đã giảm dần từ năm 2003 ở trẻ em và thanh thiếu niên. Mitani cho biết chính phủ ổn định được vấn đề thông qua nhận thức sớm và cung cấp cách tiếp cận giáo dục thực phẩm tích cực trong hệ thống trường công lập.
Phiêu Linh (theo foodandhealthteacher)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét