Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Đi săn mặt trời đêm

“Bạn có quen với bóng tối không?”, câu hỏi của một người bạn khiến tôi không khỏi tò mò về vùng đất ấy, Tromso – thành phố cực bắc Na Uy, địa danh quen thuộc với những kẻ chuyên đi săn mặt trời đêm, những người bị ám ảnh bởi điệu nhảy quyến rũ của “nàng Aurora” trong dải lụa xanh huyền ảo Bắc cực quang. Và tôi lên đường bắt đầu cuộc đi săn vũ điệu ánh sáng của mình.
02/05/2017, 7:27
Bài ALEX TU Ảnh NVS
PIN
than-pho-cuc-bac-na-uy-3
Theo truyền thuyết Hy Lạp, Aurora – nữ thần Bình minh (em gái của Helios – thần Mặt trời và Selene – nữ thần Mặt trăng) thường nhảy múa, biến ảo cùng dải lụa đa sắc trong những đêm trời đầy sao. Tuy nhiên, đó là cách lí giải mang tính thần thoại, còn thực tế, cực quang là hiện tượng quang học xảy ra do sự tương tác giữa các hạt năng lượng mặt trời với tầng khí quyển của Trái đất.
Hầu hết cực quang xuất hiện ở độ cao từ 100-900km so với bề mặt Trái đất. Xanh lá cây là sắc màu phổ biến nhất của cực quang, trường hợp xuất hiện ở tầng khí quyển cao hơn sẽ sinh ánh sáng đỏ và tím. Các quầng sáng liên tục chuyển động như những dải lụa màu trên bầu trời đêm.
Để “săn” được mặt trời đêm, bạn có thể đến Bắc bán cầu hoặc Nam bán cầu. Điểm đến tôi lựa chọn là Tromso, thành phố phía Bắc Na Uy, mt trong những địa điểm có xác suất diễn ra hiện tượng cực quang khá cao.
than-pho-cuc-bac-na-uy-4
Hai giờ chiều tại bến cảng ở trung tâm thành phố Tromso, thuộc Vòng Bắc Cực (Arctic Circle)
Tromso là một hòn đảo khá nhỏ, có khoảng 70.000 cư dân sinh sống, bao quanh bởi núi và những dòng sông. Với một trung tâm thương mại, ba con phố mua sắm và vài rạp chiếu phim nhỏ, Tromso khiến tôi nhớ đến… câu nói của cô gái người Na Uy trong cuốn tiểu thuyết “6 người đi khắp thế gian”: “Tôi không thể sống được ở vùng đất này”, ý chỉ chứng trầm cảm mùa đông của người dân vùng Bắc Âu khi phải sống chung với bóng tối. Nhưng thực tế thì cuộc sống vẫn luôn vận động, dù đêm hay ngày. Tromso có 60 đêm Bắc cực vào mùa đông, khi mặt trời không thể nhô lên quá đường chân trời; đồng thời cũng có đến 60 ngày mặt trời không lặn với những buổi hòa nhạc bắt đầu lúc nửa đêm, khi ánh nắng vẫn chan hòa khắp chốn. Quả là vùng đất kì lạ.
Càng gần đến ngày khởi hành, tôi càng hoang mang bởi có vẻ như cơ hội nhìn thấy Bắc cực quang năm nay sẽ khó hơn khi thời tiết ở Tromso được dự báo sẽ nhiều mây mù mà tôi lại chỉ có vỏn vẹn 4 ngày ở đây. Viễn cảnh đen tối ấy nhiều lúc trở nên thật ám ảnh, bởi tôi đã bỏ biết bao công sức để biến chuyến đi này trở thành hiện thực.
than-pho-cuc-bac-na-uy-7
Những dải lụa ánh sáng uốn lượn trên bầu trời chỉ vài giây trước khi tắt lịm
Để tới được Tromso, tôi phải bay đến Paris, quá cảnh tại sân bay Frankfurt của Đức chờ nối chuyến. Trời lạnh giá làm băng đóng trên thân máy bay khiến chuyến bay của tôi bị hoãn tới 45 phút mới có thể cất cánh, trong khi thời gian quá cảnh của tôi tại Đức chỉ có 50 phút. Cuối cùng khi tới được phòng chờ ở Frankfurt, tôi đành ngán ngẩm nhìn theo chiếc máy bay tới Tromso đang lẫn dần vào màn mây trắng. Theo hướng dẫn của nhân viên mặt đất, mỗi tuần chỉ có duy nhất một chuyến bay thẳng từ Đức tới Tromso, chính là chuyến bay đã cất cánh mà không có tôi, vì vậy, tôi không còn cách nào khác hơn là đi đường vòng, bay qua Oslo – thủ đô Na Uy, đợi ở đó 5 giờ đồng hồ trước khi tới được Tromso.
Tôi tới khách sạn ở Tromso khoảng 9 giờ rưỡi tối, những mái nhà phủ tuyết trắng xóa nằm dọc sườn đồi, ánh đèn vàng từ những ô cửa sổ nhấp nháy trên nền trời xanh thẫm. Tromso – “Paris của phương Bắc” đây rồi. Tôi sung sướng thả mình xuống chiếc nệm êm ái và chìm vào giấc ngủ, sau một chặng đường dài.
than-pho-cuc-bac-na-uy-8
Cho tuần lộc ở trang trại ăn
than-pho-cuc-bac-na-uy-1
Những người thuộc bộ lạc Sami điều hành trại tuần lộc ở ngoại ô Tromso
than-pho-cuc-bac-na-uy-5
Tác giả đứng trên tàu trong chuyến trải nghiệm xem cá voi trên biển Na Uy
Tám giờ sáng, trời vẫn tối đen như mực. Phải đến 12 giờ trưa, ánh sáng mặt trời mới tỏ, nhưng cũng rất ngắn, chỉ đến 2 giờ chiều, màn đêm đã lại bao trùm cả thị trấn, như thể quầng sáng mặt trời chỉ lướt nhẹ qua đây. Tối, bảy giờ kém, tôi là người đầu tiên có mặt ở địa điểm tập trung. Một lúc sau có lác đác thêm vài người nữa. Cuộc “đi săn” bắt đầu lúc 8 giờ. Theo hướng dẫn viên, các dải ánh sáng thay đổi liên tục, không đêm nào giống đêm nào, vì vậy với họ, mỗi chuyến đi lại là một trải nghiệm khác nhau. Nói đây là cuộc đi săn quả không ngoa vì phải lần theo dấu hiệu từ bầu trời để truy tìm ánh sáng. Khi thiết bị chuyên dụng của hướng dẫn viên nhận được tín hiệu của Bắc cực quang, chiếc xe buýt chở chúng tôi vội tấp vào lề đường.
Gió biển thổi lồng lộng, lạnh cóng. Chúng tôi đi dạo vòng quanh và chờ đợi dải sáng xanh xuất hiện. Hai mươi phút trôi qua, vẫn chưa thấy bất kì dấu hiệu nào. Chúng tôi tiếp tục di chuyển lên đỉnh núi để có góc nhìn tốt hơn. Nhiệt độ trên núi xuống thấp, khoảng -5oC, nhưng gió không thổi mạnh như ở bãi biển. Chúng tôi nhóm lửa, ngồi xuống và chờ đợi. Bất chợt, hướng dẫn viên gọi lớn và lấy đèn pin chỉ lên bầu trời nói rằng Bắc cực quang sẽ xuất hiện theo hướng này. Năm phút sau, một vệt sáng xanh nhạt hiện lên mờ mờ rồi tắt lịm.
than-pho-cuc-bac-na-uy-6
Ánh sáng ban ngày tại Tromso
than-pho-cuc-bac-na-uy-2
Những ngôi nhà phủ tuyết trắng nằm  thoai thoải từ đỉnh đồi xuống tận bến cảng
Lúc này đã quá nửa đêm. Chúng tôi vẫn kiên nhẫn chờ đợi, truyền tay nhau những chén súp nóng, vị bùi của khoai tây, cà rốt và chút thịt hầm khiến chúng tôi ấm dạ. Anh chàng hướng dẫn cất tiếng hát, giữa mênh mông đất trời và màn đêm giá lạnh. Giọng hát của anh có một ma lực kì lạ, như mời gọi nàng Aurora bắt đầu vũ điệu của mình. Mọi người gọi nhau í ới. Dải sáng xanh nhạt lại hiện lên, lúc mờ ảo, khi rực rỡ, tựa tiếng đàn hoàng hạc reo trên bầu trời. Như bước ra từ truyện cổ tích, bà tiên gõ cây đũa thần khiến những dải lụa màu sắc bay nhảy, uốn lượn huyền ảo. Mọi người reo lên đầy phấn khích. Cuối cùng thì hành trình dài của tôi đã được đền đáp, tôi đã săn được mặt trời đêm.
Chúng tôi lên xe trở về khi đồng hồ chỉ một rưỡi sáng, tuy mệt mỏi nhưng vô cùng hạnh phúc. Cuộn người trong chăn ấm, tôi thấy mình đang bay lượn giữa những dải lụa ánh sáng đầy màu sắc.
Những điều cần lưu ý trong cuộc “săn mặt trời”
1. Để săn cực quang, bạn có thể đến vùng Bắc Mỹ như Alaska, hay các nước Bắc Âu Scandinavia (Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan).
2. Về thời gian, Bắc cực quang hiện lên rõ nhất từ tháng 11 tới tháng 3 hàng năm.
3. Bạn cần mang giày đặc biệt đi trên tuyết để tránh trơn trượt.
4. Máy chụp hình cần để chế độ ống kính mở trong vòng 15 giây để có bức hình như ý. Bạn cần hỏi người có kinh nghiệm chụp ảnh để thao tác thành thục không sẽ lỡ mất những hình ảnh quý giá.
5. Tới Bắc Âu nhớ ăn thật nhiều cá hồi. Bạn có thể thử cả thịt tuần lộc nếu muốn.
6. Vào mùa đông, mặt trời chỉ ló ra khoảng 2 tiếng mỗi ngày ở Tromso. Nếu bạn muốn thăm thú thị trấn, phải tranh thủ vào lúc 12 giờ trưa tới 2 giờ chiều.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét