Thành phố hơn hai ngàn năm tuổi Tashkent, thủ đô của đất nước Uzbekistan, khiến du khách lạ lẫm trước những công trình kiến trúc hiện đại. Tôi tự hỏi những dấu tích cổ xưa trên con đường Tơ Lụa đâu rồi, kể cả cái tên “thành phố đá” cũng chỉ còn thuộc về quá khứ thôi ư?
Thủ đô Tashkent hay còn được biết đến với tên gọi thành phố đá Tashkent, đây là một trong những trung tâm phát triển của khu vực Trung Á. Thành phố ốc đảo này từng đóng vai trò cực kỳ quan trọng trên con đường Tơ Lụa nối liền giao thương giữa phương Tây và phương Đông. Tashkent thời Trung cổ có tên gọi là “Chach”, nghĩa là thành phố đá, có từ triều đại Kara-Khanid ở thế kỷ X. Nơi đây là trạm dừng chân của các thương nhân trên con đường Tơ Lụa giao dịch các loại hàng hóa, trong đó nổi bật là đá bán quý, vì thế Chach có tên là thế giới đá hay thành phố ngọc lam.
NGƯỢC DÒNG LỊCH SỬ
Quay về thời điểm khoảng thế kỷ V–III trước Công nguyên, Tashkent tập hợp những cư dân bản địa lập nghiệp tại ốc đảo bên dòng sông Chirchik, dưới chân những ngọn đồi của dãy Thiên Sơn. Vùng đất từng chịu sự ảnh hưởng giao thoa các nền văn hóa khác nhau của người Sogdian, Turk, người Hồi giáo Ả Rập, sự xâm lăng của Alexander Đại Đế, Thành Cát Tư Hãn người Mông Cổ, hoàng đế Ba Tư. Dưới triều đại hoàng đế Amir Timur được đánh dấu là thời đại hoàng kim của thành phố, Tashkent là một trong những trung tâm của đế chế này khi mà lúc bấy giờ diện tích vương quốc gấp 7 lần đất nước Uzbekistan hiện tại. Mãi cho đến năm 1865, Nga Hoàng xâm lược Uzbekistan và cuối cùng trở thành một trong những quốc gia thuộc liên bang Xô-Viết cho tới năm 1991 giành được độc lập. Thành phố đa chủng tộc với hơn 60% là người Uzbek, 20% là người Nga, còn lại là các chủng tộc khác, trong đó có cả người Triều Tiên chiếm hơn 2% dân số.
Thành phố đá Tashkent đa chủng tộc và văn hóa
Nếu so sánh với các thành phố như Bukhara, Samarkand, Khiva vẫn giữ được những dấu tích của lịch sử thì thành phố đá Tashkent hiện đại một cách tương phản. Phần lớn thành phố cổ bị tàn phá trong cuộc cách mạng Nga 1917 và trận động đất diễn ra vào ngày 26–4–1966 tầm 7–8 độ Richter đã tàn phá phần lớn những di tích lịch sử của thành phố. Để ghi nhớ quá khứ đau thương ấy, chính quyền thành phố đã xây dựng tượng đài “Dũng cảm” bằng đồng với hình ảnh người phụ nữ bồng con và người đàn ông tỏ thái độ phản ứng trước những vết nứt trên mặt đất như thể hiện sự kháng cự của con người trước sự khủng khiếp của thiên nhiên.
GIAO THOA GIỮA HOÀI CỔ VÀ HIỆN ĐẠI
Con kênh Anhor hiền hòa chảy giữa những ngày hè trên ốc đảo, chia đôi Tashkent thành phố cổ và khu vực hiện đại được xây dựng kiểu kiến trúc Nga. Quảng trường Hast Imam, trung tâm tôn giáo của thành phố đá Tashkent nằm trong khu vực thành phố cổ. Nơi này chỉ còn lại một số ít những di tích cổ, trong đó có học viện tôn giáo Imam Al-Bukhari, nhà thờ Tilla Sheikh và lăng mộ. Trong quần thể di tích còn có thư viện chứa nhiều tư liệu quý của phương Đông, đặc biệt cất giữ bản thảo cổ đại với 353 tờ giấy da có kích thước rất lớn vốn là văn bản gốc của kinh Koran. Nhà thờ Hồi giáo mới Imam Hazrat được xây dựng độc đáo với những bản khắc gỗ. Ngoài ra, khu vực xung quanh được thiết kế đặc biệt tạo nên cảnh quan kiến trúc, nhiên nhiên và ánh sáng hòa quyện, huyền diệu như trong những câu chuyện Ngàn lẻ một đêm.
Quảng trường Độc Lập nằm ngay trung tâm thành phố, độc đáo bởi những đài phun nước và ánh đèn khi đêm về. Quảng trường Amir Timur được đặt theo tên vị hoàng đế lẫy lừng ở thế kỷ XIV, cách đó không xa là bức tượng oai phong lẫm liệt của người. Bảo tàng Amir Timur với đài phun nước diễm lệ và mái vòm ngọc lam như một chiếc yurt của người du mục, nơi trưng bày những hiện vật về Hồi giáo triều đại Timur và tổng thống Islam Karimov.
Tashkent là thành phố lớn nhất Uzbekistan, vốn nổi tiếng với những tòa nhà mang phong cách hiện đại tiêu biểu cho kiến trúc hiện đại Xô-Viết vào những năm 1970 như khách sạn Uzbekistan, bảo tàng Lịch sử Nhà nước. Đặc biệt, thánh đường Minor mở cửa vào tháng 10–2014 là một sự tiếp nối truyền thống cho kiến trúc phương Đông với kết cấu đá cẩm thạch trắng và mái vòm lam ngọc.
Ngoài ra, những điểm đến mà tôi không thể bỏ qua là chợ mái vòm Chorsu Bazaar – chợ cổ nhất của Tashkent bán đủ loại hoa quả, bánh mì, những chiếc đĩa trang trí hoa văn tinh xảo… Với lịch sử giao thoa nhiều nền văn hóa, ẩm thực nơi đây phảng phất ẩm thực các nước Hồi giáo anh em (có kebab của người hồi Tân Cương và cả hoành thánh gói thịt như người Hán). Phần lớn người bản địa ăn thịt cừu, bánh mì hay loại gạo khác Việt Nam.
Tôi sẽ nhớ mãi những tháng ngày ở thành phố đá Tashkent. Nhớ vùng đất này da diết qua những câu chữ trong lời bài hát về Tashkent “một ngôi sao của phương Đông, thủ đô của tình bạn và lòng hiếu khách”.
MÁCH BẠN
√ Ngôn ngữ giao tiếp chính của người dân là tiếng Uzbek, tuy nhiên tiếng Nga lại là tiếng mẹ đẻ của phần lớn cư dân thành phố Tashkent. Bạn chỉ cần học vài câu tiếng Nga giao tiếp cơ bản hoặc dùng tiếng Anh.
√ Bạn có thể bay từ TP. HCM hoặc Hà Nội đến Uzbekistan bằng các hãng quốc tế như Asiana, China Southern với giá khứ hồi khoảng 1.300 đô-la Mỹ (khoảng 30 triệu đồng).
√ Trong thành phố có thể đi bằng metro hoặc taxi. Đặc biệt người Uzbekistan có phong tục đón khách bất kỳ ở đâu, nên bạn cẩn thận khi hitch-hiking vì thông thường bạn phải trả tiền. Hãy thỏa thuận giá trước khi đồng ý lên xe.
√ Khi đến bảo tàng, du khách sẽ phải trả tiền vé cao hơn người bản xứ.
√ Xin visa qua email: registan@indo.net.id do lãnh sự quán đặt trụ sở tại Indonesia.
Bài: Kim Ngân
Tiếp Thị Gia Đình
Tiếp Thị Gia Đình
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét