Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2017

Sống ở Cuba


Cô giáo Yamile Alvarz Dreke và học sinhẢNH: NGUYỄN TẬP
Nhiều người biết giáo dục và y tế ở Cuba hoàn toàn miễn phí, nhưng “tận mục sở thị” thì còn thú vị hơn.
Ở Cuba, có hai giới rất được yêu quý và kính trọng, đó là giáo viên và bác sĩ. Ra đường, nhìn thấy họ là người dân tay bắt mặt mừng, ân cần hỏi han như người thân.
Đến Mỹ cũng chào thua
Theo báo cáo quan sát toàn cầu của UNESCO năm 2012, Cuba đạt tiêu chuẩn cao về chất lượng giáo dục qua các bài kiểm tra quốc tế, hiệu suất trung bình của học sinh khá cao so với các nước trong khu vực. Những nguyên nhân khả dĩ là đầu tư bền vững, giáo viên chất lượng cao, ưu đãi và tưởng thưởng học sinh, giáo viên, trường xuất sắc, giáo dục là nền tảng của cuộc cách mạng Cuba... Báo cáo cũng lưu ý Cuba nhấn mạnh vai trò của giáo dục trong việc phát triển cá nhân, liên kết rõ ràng giữa giáo dục và cuộc sống, công việc, sản xuất.
Tiến sĩ Hugo M.Pons Duarte, Giám đốc quan hệ quốc tế của Hiệp hội Tài chính và Kinh tế quốc gia Cuba, nói với Thanh Niên: “Ngay từ năm 2 đại học, các nhà máy và công ty đã đến tận trường để tuyển dụng sinh viên vào thực tập. Sau khi tốt nghiệp, sinh viên Cuba có 2 năm thực hiện “nghĩa vụ xã hội” tại chính nơi họ đã thực tập rồi được tự do chuyển nghề, làm việc độc lập hoặc trở lại học tiếp”.
Yamile Alvarz Dreke, giáo viên Trường tiểu học Carlos Paneque Vazquez ở khu phố cổ (Havana), cho biết ở Cuba tất cả người dân đều bắt buộc phải học hết lớp 9. Nếu không chịu đi học sẽ bị đưa vào trường giáo dưỡng. Học sinh từ 12 tuổi trở lên có thể vào các trường dạy nghề. “Giáo dục ở đây miễn phí hoàn toàn từ khi biết đi đến sau đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (nếu vẫn đáp ứng được yêu cầu chuyên môn). Những em học 2 buổi/ngày sẽ có ăn trưa, ăn xế. Sách vở, đồng phục cũng được cấp miễn phí. Nếu trẻ em không thể đến trường vì khuyết tật hay bệnh, giáo viên sẽ được cử đến tận nhà để dạy. Ngoài ra còn có đào tạo đại học từ xa thông qua truyền hình”, cô cho hay.
Theo thống kê của UNESCO cách đây vài năm, so với Mỹ, Cuba chi gấp đôi tỷ lệ ngân sách quốc gia cho giáo dục. Cụ thể, Cuba dành 12,9% GDP và 18,3% tổng chi của chính phủ cho giáo dục. Trong khi đó, ngân sách của Mỹ dành cho giáo dục là 5,4%.
Khó khăn nhưng hào hiệp
Không phải ngẫu nhiên mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận xét hệ thống y tế của Cuba là điển hình cho các nước. Theo WHO, năm 2015 Cuba là quốc gia đầu tiên trên thế giới ngăn chặn thành công lây nhiễm HIV và giang mai từ mẹ sang con. Tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh tại Cuba trong 4 năm qua luôn ở mức thấp nhất thế giới: ít hơn 6/1.000 trường hợp.
“Xuất khẩu” chương trình xóa mù chữ
Theo Fox News, từ sau chiến dịch xóa mù chữ năm 1961, Cuba đã dẫn đầu khu vực Trung, Nam Mỹ và vùng Caribe về tỷ lệ biết đọc viết, triển khai giáo viên xóa mù chữ đến hơn 20 nước. Qua chương trình Yo si puedo (Vâng, tôi có thể), hơn 6 triệu người đã biết đọc viết (trong đó có hơn 1,5 triệu người Venezuela).
Năm 2006, cùng với hơn 15 nước, Cuba được UNESCO trao tặng giải thưởng “King Sejong” về phương pháp học chữ sáng tạo để thúc đẩy tiềm năng cá nhân và xã hội. Mặc dù một số nước khác cũng nhận được giải thưởng này nhưng chỉ riêng Cuba được trao vì đã hỗ trợ các nước khác.
Trong thời gian ở Cuba, nhiều lần tôi thấy nhân viên dịch tễ đến từng nhà để kiểm tra tình trạng vệ sinh, xịt thuốc diệt muỗi, côn trùng. Đợt này, Cuba lo ngại vi rút Zika nên nhân viên y tế đến từng nhà để đo nhiệt độ, hỏi thăm từng người. Chính tôi cũng chứng kiến có người trong khu phố bị suy thận, 2 lần/tuần được nhà nước đưa xe đến chở đi bệnh viện để chạy thận rồi đưa về. Không tốn một đồng.
Nguyễn Trọng Việt, bác sĩ nội trú khoa tim mạch tại Trung tâm tim mạch tỉnh Villa Clara, cho biết phụ nữ Cuba từ 25 - 60 tuổi cứ 3 năm/lần đều phải kiểm tra bắt buộc để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung. Nếu không đi, bác sĩ sẽ đến tận nhà. Những người tàn tật, thiểu năng hoặc nằm liệt giường được cấp 200 peso/tháng (bằng 1/3 lương bình quân) và có người đến chăm sóc, hoặc nhà nước trả tiền cho người thân để bớt thời gian đi làm mà chăm sóc người nhà.
Với những bệnh nhẹ không phải nằm viện như cảm sốt, nhức đầu... người dân phải tự mua thuốc. Còn lại, nếu nằm viện thì tất cả miễn phí, kể cả tiền thuốc lẫn người chăm sóc. Ngay cả mổ tim, mổ não, đặt máy trợ tim nhân tạo cũng miễn phí.
“Do còn nghèo, nên Cuba đặc biệt chú trọng và đầu tư rất nhiều vào phòng ngừa bệnh vì chi phí phòng bệnh sẽ thấp hơn rất nhiều so với chữa bệnh”, bác sĩ Việt cho biết.
Tôi cũng đem điều rất nhiều người thắc mắc để hỏi những bác sĩ, chuyên gia tại Cuba: “Y tế Cuba ưu việt như thế sao chưa thấy có vị nào được trao giải Nobel?”. Ivette Molina, bác sĩ gia đình tại tỉnh Villa Clara, giải thích những người nhận Nobel Y học đều từ các phòng thí nghiệm nổi tiếng thế giới với đầy đủ trang thiết bị hiện đại. Còn Cuba vẫn khó khăn, làm gì đủ thiết bị, điều kiện kinh tế để nghiên cứu. Hơn nữa, dù không có giải Nobel nhưng WHO xác nhận Cuba là một trong những nước có đội bác sĩ thiện nguyện đông nhất thế giới, hỗ trợ miễn phí 30.000 bác sĩ cho các nước kém phát triển và luôn là quốc gia đầu tiên có mặt hỗ trợ ứng cứu sau những thảm họa trên thế giới.
Nguyễn Tập

Xì gà Cuba - đến Tổng thống Mỹ cũng... mê


Vấn xì gà trong xưởngẢNH: NGUYỄN TẬP
Nói đến Cuba mọi người đều nghĩ ngay đến... xì gà. Điều gì đã làm xì gà Cuba lừng danh như thế?
Xì gà được trồng khắp nơi tại Cuba, tuy nhiên tập trung nhiều nhất là vùng Pinar del Rio. Vùng này thì rất đông du khách. Tôi đâm ngại nên tìm đến khu trồng xì gà ở tỉnh Sancti Spíritus, cách thủ đô Havana khoảng 350 km. Tôi đến vào thời điểm cuối năm, cây thuốc lá cũng chỉ mới nhú.
Ông nông dân Juanito cho biết cây thuốc lá ở đây chỉ trồng một vụ/năm. Trồng vào tháng 11 đến tháng 2, nông dân bắt đầu thu hoạch bằng cách ngắt từng lá và gom về kho, treo trên sào gỗ để phơi khô trong 4 tháng nữa. Sau đó tất cả lá xì gà sẽ được nhà nước thu mua.
“Cây thuốc lá trưởng thành nhiều nhất chỉ có 30 lá. Tuy nhiên việc ngắt lá ở mỗi cây có thể kéo dài vài tuần vì mỗi lần chỉ được ngắt từ 2 - 3 lá, sau đó lại phải đợi vài ngày mới được ngắt tiếp”, ông nói.
Có tri thức nhờ vấn xì gà
Nhiều nước trên thế giới cũng trồng và sản xuất xì gà, nhưng xì gà Cuba vẫn luôn được xếp vào hàng chất lượng nhất. Ngoài lợi thế thổ nhưỡng và những bí quyết độc đáo trong quá trình trồng, thu hoạch, sản xuất, Cuba cũng là nước duy nhất làm xì gà hoàn toàn bằng phương pháp thủ công như cách đây 200 năm. Vì thế, xưởng sản xuất được xem là một trong những điểm du lịch hấp dẫn khi đến nước này.
Ở Havana, xưởng Romeo y Julieta thu hút nhiều khách du lịch nhất. Vé vào cửa tham quan cũng đến 10 CUC (10 USD). Nhiều người hay đùa sở dĩ xì gà có mùi thơm và vị đặc biệt là do được vấn “trên đùi những cô gái mới lớn”. Rõ ràng là chuyện nói vui vì thực tế người ta vấn xì gà trên bàn nhưng chuyện đa số phụ nữ làm nghề này thì đúng bởi vì họ tỉ mỉ và khéo léo hơn. Một người có thể vấn được từ 60 - 100 điếu/ngày tùy kỹ thuật và kích thước.
Yaraina, 30 tuổi nhưng đã có hơn 10 năm kinh nghiệm, cho biết một điếu xì gà thường có 3 thành phần chính là ruột, vỏ lót và vỏ bọc. Cây thuốc lá trồng ngoài trời sẽ được lấy lá làm ruột và vỏ lót. Cây trồng trong nhà có lá to và mỏng hơn sẽ được dùng làm vỏ bọc vì dễ cuốn hơn. Từ lúc bắt đầu trồng cho đến khi ra thành phẩm có đến hơn 100 công đoạn. “Do có nhiều công đoạn và đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo cao độ nên muốn trở thành một nghệ nhân vấn xì gà phải tốn cả chục năm”, cô nói.
Lương công nhân xì gà tại đây là 400 - 600 peso và 25 CUC/tháng (tổng cộng khoảng 45 - 50 USD). Ngoài ra, mỗi người còn được 5 điếu/ngày. Đây là mức khá cao so với lương trung bình ở Cuba khoảng từ 20 - 40 USD/tháng.
Khá bất ngờ là những người vấn xì gà Cuba từng được xem là giới trí thức. Chuyện bắt nguồn từ cuối thế kỷ 19, trong xưởng xì gà luôn có một người đứng đọc các tác phẩm văn học hoặc sách báo cho những thợ vấn nghe khi họ đang làm việc. Nhờ đó, họ tiếp thu và tích lũy kiến thức khá nhiều. Thậm chí cả tên của các loại xì gà nổi tiếng Cuba hiện nay như Montecristo và Romeo y Julieta cũng được cho là bắt nguồn từ hai tác phẩm Bá tước Monte Cristo và Romeo - Juliette đọc cho thợ vấn nghe vào thời điểm đó. Ngày nay, một số xưởng tại Cuba vẫn còn giữ truyền thống đọc sách báo cho thợ vấn nghe mỗi ngày.
Trữ xì gà rồi mới cấm vận
Đến Cuba, đi trên đường du khách thường được chào mời mua xì gà. Ai cũng đảm bảo hàng xịn 100% và rằng anh ta có bà con làm ở xưởng nhưng phần lớn đều không thật. Một trong những nguyên tắc đầu tiên mà nhiều người tại Cuba đều dặn tôi là không bao giờ mua xì gà trên đường phố vì ở Cuba có đủ loại, đủ giá từ vài peso (vài ngàn đồng) cho đến vài chục CUC/điếu (cả triệu đồng).
“Ngay cả dân Cuba hút xì gà “từ trong bụng mẹ” cũng khó phân biệt được những loại cùng dòng, cùng vị nhưng giá chênh lệch nhau gấp mấy lần”, theo lời Lorenso (32 tuổi), nghệ nhân vấn xì gà của Hãng Partagas nổi tiếng.
Năm 1961, Mỹ âm mưu lật đổ chế độ cách mạng Cuba trong sự kiện vịnh Con heo nhưng thất bại. Một tháng sau đó, Tổng thống Mỹ John F.Kennedy gọi người phát ngôn Pierre Salinger vào phòng riêng và nói ông cần 1.000 điếu xì gà Cuba Petit Upmann vào sáng mai.
Hôm sau, khi Salinger trả lời đã tìm được 1.200 điếu, Kennedy hào hứng khen: “Tuyệt vời” rồi mở ngăn kéo rút sắc lệnh cấm tất cả sản phẩm của Cuba tại Mỹ và ký vào. Theo lời kể của cựu trợ lý Richard Goodwin với tờ The New York Times nhiều năm sau, Kennedy từng nói rằng ông không có ý định cấm vận luôn cả xì gà nhưng các nhà sản xuất tại Tampa (bang Florida, Mỹ) đã gây áp lực rất mạnh nên đành “xuôi tay”.
Câu chuyện này cũng cho thấy sức quyến rũ của xì gà Cuba mạnh mẽ đến chừng nào.
Nguyễn Tập

Tâm linh ở xứ xì gà

Một cửa hàng bán “bùa”ẢNH: NGUYỄN TẬP
Tôi cùng Lismary đi chợ. Vừa ra đầu ngõ, cô chợt khựng lại, hoảng hốt chỉ vào xác con gà cùng lông vương vãi rồi lẩm bẩm: “Biết ngay, bị ếm bùa rồi!”.
Cũng như các nước Mỹ Latin khác, bùa chú và mê tín là một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người Cuba.
Khi người Cuba “chơi bùa”
Lismary là sinh viên y khoa năm thứ năm, sống với chồng tại Santa Clara (cách Havana khoảng 300 km). Cô cho biết tại Cuba, cũng có 2 dạng thầy pháp là Curandero giúp cầu an, khử tà và Palero có thể làm phép hại người. Nếu có người muốn hại mình, họ sẽ tìm đến Palero để khấn rồi giết con gà mái đen vất gần nhà mình và “tà khí” sẽ theo ám và làm hại. “Hèn gì gần đây toàn gặp chuyện xui xẻo. Tôi cũng nghi là có người ếm bùa hại. Hôm nay thì rõ ràng rồi”, cô hậm hực.
Giải thích xong, Lismary cũng lật đật đi tìm mua con bồ câu trắng (màu trắng tượng trưng cho sự tinh khiết) và trứng rồi mang đến cho một Curandero làm phép trục cái bùa ếm mình đi.
Ông thầy trục tà cho Lismary là một trung niên mặc quần áo trắng, đeo vòng cổ, hút xì gà, nói chuyện rất nhẹ nhàng, tình cảm. Tôi hơi bất ngờ vì nhà của “thầy” khá tuềnh toàng, không ti vi, điện thoại, máy hát. Thậm chí còn nghèo hơn cả nhà dân thường. Căn phòng sực mùi nước hoa và xì gà. Nơi góc phòng có đặt tượng của vài vị thần thánh khá lạ.
“Thầy pháp ở Cuba sống đơn sơ, giản dị lắm. Họ cũng có gia đình bình thường, nhưng không tham dự các lễ hội hay đến những điểm vui chơi giải trí. Mỗi lần gặp thầy, thường người ta trả 10 peso nhưng cũng có thể đưa ít hoặc nhiều hơn, tùy hoàn cảnh mỗi người”, Lismary nói.
Người Cuba cũng tin thờ thần thánh và một trong những vị được yêu kính nhất là thần Lazaro. Tương truyền rằng lúc còn ở cõi trần, thần Lazaro bị hủi nên nhiều người xa lánh. Mấy con chó cứ đến liếm chân ông và sau đó những vết thương bỗng lành hẳn. Vì vậy, hình ảnh thần Lazaro thường là một người đàn ông khắc khổ mặc đồ màu vàng chống nạng và có bầy chó đi theo. Người Cuba hay đặt tượng ông ở góc nhà. Mỗi ngày có tiền xu lẻ thì để vào. Đến ngày 17.12, ngày của thần Lazaro, họ sẽ lấy hết tiền đó để mua rượu, nến, đồ ngọt và thuốc lá để cúng. Còn những người tàn tật xin tiền thường lấy ảnh thần Lazaro đặt phía trước chỗ ngồi.
 
 
Đối với cặp vợ chồng già, nếu một trong hai qua đời, người Cuba sẽ lấy sợi dây đo chiều cao của người kia rồi cắt lấy đoạn đó bỏ vào hòm người quá cố. Họ tin rằng làm như vậy, người chết sẽ không lôi người còn lại theo.
Nếu vô tình giẫm phải phân, người Cuba cho rằng đó là may mắn. Các tỉnh ở Cuba, ngựa là phương tiện giao thông phổ biến nên phân ngựa đầy đường, kiểu này chắc họ may mắn cả đời...
Có một điều khá thú vị là sinh viên Cuba cũng thường “chơi bùa”. Nếu biết tên của giáo viên, trước khi thi, họ thường viết tên của người đó lên tờ giấy rồi đặt vào... ngăn đá tủ lạnh để cầu thi đậu. Tôi chưa thấy ở đâu có kiểu “ếm bùa” dễ thương như vậy.
Nhập gia tùy tục
Những ngày đầu đến Cuba, tại Havana tôi trọ ở casa particular (một dạng homestay). Tôi mua bia về làm vài lon với chủ nhà. Trước khi uống, theo thông tục của người vùng Trung và Nam Mỹ, ông chủ nhà cũng đổ bia xuống đất một chút để mời và tỏ lòng cảm ơn đến các vị thần. Đang uống, nghe ông kể chuyện, tôi cười và bị sặc, làm đổ bia. Ổng liền xua tay: “Không sao, không sao. Đừng lo. Vậy cũng là điều tốt nữa đó vì đối với người Cuba, khi đổ bia thì những điều xui rủi sẽ trôi theo luôn”.
Dù sao thì ở Havana vẫn là thủ đô, khá hiện đại nên phong tục tập quán cũng mai một ít nhiều. Về những tỉnh xa, tất cả vẫn được lưu giữ trong nếp sống hằng ngày. Còn nhớ khi xuống tỉnh Sancti Spíritus, chỉ trong một ngày mà tôi học được biết bao nhiêu điều lạ trong văn hóa Cuba.
Một người bạn mới quen mời tôi đến nhà chơi, ăn trưa. Lúc này, nhà cũng đang có khách. Mỗi người một tay dọn dẹp cho nhanh. Bạn vào bếp chuẩn bị đồ ăn, tôi lấy chổi quét nhà. Vừa quét, bạn đã ra hiệu dừng lại: “Hãy quét ra phía sau, đừng quét ra trước nhà vì đó là điều không may mắn”. Quét xong, theo thói quen ở VN, tôi dựng ngược cây chổi cất sau cửa, bạn lại tiếp tục: “Dựng ngược sau cửa là muốn cho khách không đến hoặc muốn đuổi khách đi đấy”.
Chưa hết, nhà dưới quê nên cũng có 2 cửa ra vào. Khi vào, dĩ nhiên tôi vào cửa chính, nhưng lúc về, tiện đang ở nhà dưới, tôi vừa dợm định bước qua cửa sau ra vườn rồi đi quanh ra phía trước thì người bạn đi cùng cản lại: “Vào cửa nào thì phải ra cửa đó. Nếu không thì sẽ đưa những điều may mắn trong nhà đi hết”.
Ngoài ra, cũng thêm một chuyện vui mà nhiều người kể lại cho tôi. Đó là đa số người Cuba đều rất muốn đi du lịch nước ngoài. Để ước mơ đó thành hiện thực trong năm mới, vào đêm giao thừa họ sẽ mang vali ra ngoài đường như đi du lịch thật. Niềm tin này phổ biến đến nỗi: “Ở Cuba, sau giao thừa bạn sẽ thấy rất nhiều người cầm vali đi đi lại lại ngoài đường. Nhiều khi họ còn đi thành từng đoàn, có người phía trước mở đường cầm chiêng trống gõ tưng bừng, theo sau là một hàng người xách vali cứ thế dạo khắp phố. Vui lắm!”, người bạn kể.
Nguyễn Tập

Cuba thời @

Xếp hàng mua thẻ internet ở HavanaẢNH: NGUYỄN TẬP
Ngày nay, khi internet 3G, 4G tốc độ khủng đã trở nên quá quen thuộc với thế giới thì ở Cuba, internet còn rất hạn chế, sim 3G vẫn chưa có.
Ở VN hầu như quán cà phê, nhà hàng, khách sạn nào cũng có wifi miễn phí, nhưng ở Cuba điều đó thật “xa xỉ”. Muốn vào mạng, người dân phải mua thẻ tại các cửa hàng của Etecsa, công ty viễn thông độc quyền, với giá 2 CUC/tiếng (1 CUC tương đương khoảng 1 USD). Sau đó, đến các nơi có khu vực wifi (thường là công viên) để sử dụng.
“Chỉ cần thấy nơi công cộng nào có nhiều người hí hoáy trên điện thoại, máy tính thì đích thị đó là khu vực wifi”, một người dân địa phương hướng dẫn.
Cũng như mua vé tàu tết ở VN, mua được thẻ internet thường phải xếp hàng dài dằng dặc, chờ vài tiếng là bình thường. Thế là “nghề” xếp hàng thuê ra đời. Tại những nơi đông đúc, tập trung đông du khách, những người xếp hàng thuê đứng cả ngày và chờ người “mua chỗ”. Thay vì mất công chờ đợi, chỉ tốn 1 CUC bạn có thể nhanh chóng được việc. Âu cũng công bằng.
“Dân Cuba rất chịu khó xếp hàng nên “người mua chỗ” của tôi chủ yếu là khách du lịch. Tôi đứng đây cả ngày, bình thường có thể kiếm được 1 - 2 CUC/ngày, nếu may mắn có thể kiếm được 4 - 5 CUC”, Marco, người xếp hàng thuê tại một điểm bán thẻ internet khu phố cổ Havana, cho biết.
Cuba sử dụng hai hệ thống tiền tệ là đồng quy đổi (CUC) tương đương 1 USD và đồng peso (MN) với tỷ giá 1 CUC ăn 24 MN. Người dân được trả lương bằng đồng MN và sử dụng trong những trao đổi mua bán nhu yếu phẩm cơ bản. Đối với những mặt hàng xa xỉ phẩm thì phải mua bằng CUC với giá khá đắt. Đối với nhà nghỉ, bảo tàng, nhà hàng, taxi, xe khách... khách nước ngoài thường phải trả bằng CUC với giá đắt hơn gấp nhiều lần so với dân địa phương.
Muốn khỏi đứng xếp hàng đợi ngoài việc “mua chỗ” còn có thể mua thẻ chợ đen. Giá “chính hãng” là 2 CUC/tiếng, giá chợ đen 3 CUC/tiếng. Muốn mua, rất đơn giản, bạn chỉ cần đến trước những điểm bán thẻ và hô to: “Quiero internet (Tôi cần internet)”, như có phép lạ, một “ông bụt” sẽ bất ngờ hiện ra trước mắt bạn và chìa xấp thẻ ra, muốn bao nhiêu cũng có.
Muốn rẻ hơn, ở khu vực wifi nếu để ý sẽ thấy một số thanh niên ôm máy tính có ăng ten phát wifi. Đưa họ 1 CUC, bạn sẽ có wifi. Dĩ nhiên, với kiểu này bạn phải chấp nhận internet chậm hơn so với mua thẻ. Điều này dễ hiểu vì họ cũng phải mua thẻ internet tại cửa hàng của Etecsa hết 2 CUC nên phải phát wifi cho càng nhiều người càng tốt. Kinh doanh mà.
Cái khó ló cái khôn
Nếu thế giới có eBay hoặc Craiglist là những trang rao vặt, mua bán hàng online thì Cuba cũng có. Vào trang Cubisima.com hoặc Revolico.org, bạn có thể tìm mua mọi thứ thượng vàng hạ cám từ xe hơi giá cả trăm ngàn USD đến cái quạt cũ giá chỉ khoảng vài đồng lẻ.
Cuba hiện có 5 kênh truyền hình gồm 4 kênh nội địa và một kênh từ Venezuela. Muốn xem phim, ca nhạc, hay bất cứ gì khác người dân cũng chỉ cần đem ổ cứng hoặc USB ra tiệm chép về xem “tẹt ga” với giá 5 - 10 peso (10.000 đồng) cho dung lượng 8 Gb. Từ tháng 7. 2015, Cuba bắt đầu phát triển 35 khu vực wifi, mỗi thành phố sẽ có ít nhất một điểm. Riêng thủ đô Havana có 5 khu.
Đến cuối năm 2016, theo khảo sát thực tế của người viết, số khu vực wifi đã tăng gấp nhiều lần. Tuy nhiên, theo thống kê không chính thức, chỉ khoảng 5% người Cuba tiếp cận internet. “Không phải ai cũng được lắp đặt internet tại nhà. Một số quan chức nhà nước, bác sĩ, giáo sư, vận động viên, ca sĩ... mới được đăng ký, nhưng hầu như chỉ được xài đường truyền 128 Kbps rất chậm”, Charlie, sinh viên ĐH La Habana, cho biết.
Đường truyền ADSL nhanh hơn chỉ có người nước ngoài mới được sử dụng nhưng với giá... cực đắt. Theo biểu giá của Etecsa, tốc độ 128 kbps giá 110 USD, 3 Mbps 1.290 USD và 8 Mbps có giá là... 3.075 USD. Trong khi đó, đường truyền internet cáp quang ở VN 16 Mbps giá... 10 USD, nhanh gấp đôi mà rẻ hơn tận... 300 lần.
Vì du học sinh được quyền đăng ký internet (dù chỉ là đường truyền chậm 128 Kbps) nên một số người dân có điều kiện thường nhờ du học sinh nước ngoài đứng tên giúp. “Thường họ sẽ trả phí như biểu giá quy định cộng với tiền “thuê” người đứng tên 100 CUC/tháng”, một sinh viên tại Cuba tiết lộ.
“Có những bên đề nghị cung cấp mạng miễn phí cho chúng tôi nhưng với mục đích chuyển hóa tư tưởng của người dân. Vì thế, chúng tôi sẽ sử dụng internet theo cách của mình. Chúng tôi phải kết nối internet để giới trẻ không bị lạc hậu với thế giới nhưng cũng phải giải thích với họ nguyên nhân triển khai chậm”, cựu chính trị gia Juan Antonio Machado Ventura nói. Hiện tại, có tin Cuba đang hướng tới hợp tác với 2 công ty Trung Quốc là ZTE và Huawei. Chi phí sẽ được tính tùy vào tốc độ đường truyền, phạm vi truy cập (nội địa hay quốc tế), và lưu lượng sử dụng. “Kế hoạch này có ưu điểm là chính phủ có thể thu tiền và quản lý hoạt động truy cập của người dân”, Ten Henken, Giáo sư ĐH Baruch (Mỹ) nhận định.
Nguyễn Tập

Thời tem phiếu chưa qua

Một điểm phân phối thực phẩmẢNH: NGUYỄN TẬP
Sáng thứ bảy, bà hàng xóm đập cửa rầm rầm: “Thịt đến, có thịt rồi nhé!”. Nghe được tin vui, cả xóm chộn rộn hẳn lên.
Mira lật đật vào phòng trong lấy cuốn sổ được cất kỹ trong tủ. Nếu như thời bao cấp ở VN có “Sổ mua lương thực” (còn gọi là “sổ gạo”) thì ở Cuba cho tới ngày nay vẫn còn một cuốn tương tự gọi là “Sổ quản lý việc bán thực phẩm”.
Hai lạng thịt rẻ hơn một bao xốp
Đó là cuốn sổ nhỏ bằng bàn tay, bìa giấy ngả vàng, hơi sần sùi được bao bìa và ép plastic kỹ lưỡng. Các trang trong được chia cột: loại thực phẩm (gạo, đường, muối, bánh mì...) và ngày tháng nhận. “Miếng ăn của gia đình mà, phải kỹ chứ. Mất cuốn này làm lại mệt và lâu lắm, cả tháng mới xong. Chưa kể, trong thời gian đợi làm sổ là mất phần thực phẩm trong tháng đó luôn”, Mira cho hay.
Cô làm tôi nhớ đến hồi còn bé ở VN. Mỗi tháng mẹ cũng cầm cuốn sổ đi lãnh gạo. Nhà ăn ít, nên thỉnh thoảng mẹ lại bán bớt gạo lại cho tư thương để mua thêm chút thịt cải thiện. Hồi đó mẹ cũng nâng niu, quý “sổ gạo” còn hơn vàng vì mất sổ gạo là coi như nhịn đói cả tháng hoặc hơn. Ba mươi năm sau, ở một đất nước khác, tôi gặp lại những điều tưởng sẽ mãi là quá khứ.
Cửa hàng phân phối thịt của xóm “bé như cái lỗ mũi”, phía trước treo tấm bảng ghi rõ thực phẩm đợt này có những gì. Thực phẩm phân phối cho cửa hàng 1 lần/tháng nên ngày này rất đông, từ bà già lụm cụm chống gậy cho đến anh thanh niên quần đùi, áo ba lỗ bị vợ sai đi mua đồ. Họ đứng xếp hàng nói cười rôm rả. Người già, tàn tật, phụ nữ mang thai được ưu tiên không cần xếp hàng.
“Thật ra, cũng chỉ muốn lấy được thịt sớm thôi, chứ nếu đến chậm thì phần của mình vẫn còn đó. Tháng nào không lấy, tháng sau vẫn được lấy bù”, chàng thanh niên bận áo ba lỗ nói.
Một trung niên ở xóm trên thấy Mira đến liền nạt chàng trẻ: “Chú kia, xích ra nhường chỗ cho bà bầu đi chứ”. Anh chàng quay lại, nhận ra Mira liền nói to: “Không phải cô ấy có bầu đâu. Bụng bự thôi”. Thế là đám đông phá lên cười. Mira cũng cười theo.
Trẻ em được 30 lít sữa/tháng
Người dân Cuba từ 13 tuổi trở lên sẽ được nhận mỗi tháng 5 quả trứng/người, 30 mẩu bánh mì (bằng bàn tay), 3,5 kg gạo, 2 kg đường, 250 gr dầu ăn, 250 gr đậu, 250 gr muối, 1 gói cà phê 125 gr, 1 hộp diêm quẹt, 700 gr thịt gà, jambon, thịt bằm. Ngoài ra, cứ 3 tháng, mỗi người còn được nhận khoảng 3 xị cồn và 3 lít dầu lửa (dân quê nhận được nhiều dầu và cồn hơn thành thị).
Cuối năm, người dân sẽ nhận được thêm 1 gói miến và 1 gói spaghetti.
Trẻ em nhận được khẩu phần như người lớn (trừ cà phê và jambon). Đặc biệt, trẻ từ 1 - 7 tuổi được nhận thêm 6 bịch sữa bột (tương đương 30 lít sữa/tháng), 7 hộp nước trái cây nguyên chất (mỗi hộp 200 ml), 1/2 kg thịt bò. Trẻ từ 7 - 13 tuổi được thêm 10 lít sữa chua/tháng.
Phụ nữ có thai mỗi tháng sẽ có thêm 700 gr thịt bò, 1/2 kg thịt gà, sữa bột (pha được 15 lít sữa nước) và 1 kg rau củ.
Trong một khu dân cư thường có 2 cửa hàng, một chuyên bán những loại không cần trữ lạnh như gạo, đậu, trứng, bánh mì..., cửa hàng khác chuyên thịt, cá...
Mỗi người dân trong một tháng sẽ có suất thực phẩm được mua với giá ưu đãi rẻ như cho không. Chẳng hạn đường 40 cent/kg (khoảng 400 đồng/kg), gạo 50 cent/kg (600 đồng/kg), thịt 3 peso/kg (3.000 đồng/kg)...
Ở Cuba, bao xốp khá đắt, khoảng 1 peso/cái, với số tiền này người dân có thể mua được... 300 gr thịt. Chỉ tiếc là thực phẩm giá ưu đãi không nhiều.
“Ăn tiện tặn lắm thì được nửa tháng là hết. Còn lại phải mua ở ngoài ăn mới đủ. Giá ở ngoài cao hơn, gạo 9 peso/kg, đường đen 13 peso/kg, đậu 21 peso/kg, bánh mì 5 peso/ổ to 2 người ăn, thịt đùi, sườn heo khoảng 35 peso/kg...”, một người dân cho biết.
Thịt bò: món ngon quý hiếm
Juan, kỹ sư vi tính, mời tôi đến nhà ăn tối với gia đình. Chúng tôi quen nhau vì thường ăn trưa chung ở một quán cơm bình dân. Căn hộ nhỏ chừng 15 m2 ở gần phố cổ Havana là nơi anh và vợ đang sinh sống.
Bữa tối ở nhà Juan cũng chỉ là mấy món ăn phổ biến của người Cuba: cơm đậu đen, trái bơ, khoai lang và thịt. Riêng đĩa của tôi thì cô vợ Juan hấp háy mắt, gương mặt có vẻ khá trịnh trọng: “Ăn đi, có thịt bò nữa đấy”. Tôi cảm ơn nhưng nghĩ bụng: “Thịt bò thôi mà, có cần phải “nghiêm trọng” vậy không?”.
Như đoán được, Juan mới cười giải thích ở Cuba, giết mổ bò bị cấm. Nông dân cũng không được làm thịt con bò của mình. Ngay cả nếu bò chết vì tai nạn hoặc lý do tự nhiên, Bộ Nội vụ sẽ tìm hiểu và điều tra. Giết mổ bò bất hợp pháp có thể bị phạt tù 20 - 30 năm.
“Bò cung cấp sữa và sức kéo. Trẻ em đến 7 tuổi ở Cuba được 30 lít sữa/tháng nên nhu cầu sữa rất cao. Vì thế, việc cấm giết mổ bò cũng dễ hiểu. Bò bị giết mổ thường là bò cho chất lượng sữa không đạt yêu cầu hoặc không thể cung cấp sức kéo”, Juan cho hay.
“Nhà hàng có món thịt bò đấy thôi”, tôi thắc mắc. “Thịt bò vẫn bán bình thường ở các siêu thị nhưng giá từ 8 - 20 CUC/kg (1 CUC = 24 peso). Trong khi thịt heo ngon giá chỉ 60 peso/kg nên thịt bò thường chỉ có du khách hoặc người nào có điều kiện mới có thể ăn được. Ăn 1 kg thịt bò mất gần cả tháng lương, nên người Cuba ít đụng tới lắm. Hai lạng này cũng gần 3 CUC đấy”, Juan hồn nhiên cho biết.
Sống ở Cuba:
Sống ở Cuba:
Nguyễn Tập

Nghề tay trái

Nhân viên Inspector Popular chờ bắt xe nhà nước cho dân quá giangẢNH: NGUYỄN TẬP
Tục ngữ có câu “Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh” nhưng điều này hầu như không thể áp dụng tại Cuba.
Giáo viên giúp việc nhà, kỹ sư làm thợ hồ, bác sĩ giao pizza... Ở Cuba, bên cạnh công việc chính, hầu như ai cũng phải làm thêm một việc nào đó để cải thiện cuộc sống.
“Ở đây hầu như ai cũng phải làm thêm cả”
Tôi ở nhà Nguyễn Trọng Việt vài hôm. Việt học và lập gia đình tại Cuba, hiện là bác sĩ nội trú Khoa Tim mạch Trung tâm tim mạch tỉnh Villa Clara, cách thủ đô Havana 300 km. Căn nhà 28 m2 là nơi vợ chồng anh cùng đứa con 3 tháng tuổi sinh sống.
Lúc tôi đến, cô vợ Lismary đang hì hụi trộn bột, thịt bằm và gia vị để làm croqueta (một dạng xúc xích). “Tụi em bán 1 peso/cái. Vợ chồng ai rảnh thì đến từng nhà giao. Nhiều người trong xóm biết cũng tới mua. Nếu làm thường xuyên thì được thêm khoảng 300 - 400 peso/tháng”, cô cho biết.
Buổi chiều ở bệnh viện về, trên người vẫn còn khoác chiếc blouse trắng, Việt lại tất tả xách giỏ đi bộ giao bánh pizza. Cả xóm và những khu xung quanh hầu như đều biết anh, í ới cất tiếng chào, nam bắt tay, nữ hôn má chùn chụt (phép xã giao của người Cuba). “Em lấy pizza giá gốc 15 peso, giao tận nhà giá 20 peso/cái. Mỗi cái lời 5 peso. Thỉnh thoảng, vợ chồng còn săn hàng giảm giá rồi mang về quê bán nữa. Tụi em có con rồi, làm thêm để cải thiện đời sống. Đỡ được đồng nào hay đồng đó”, Việt nói.
Khi biết tôi muốn tìm hiểu về nghề tay trái của dân Cuba, người bạn tình cờ quen được tại Havana nửa đùa nửa thật: “Ở đây hầu như ai cũng phải làm thêm cả. Chạy xe ngựa, xe thồ, làm thợ hồ, bán hàng rong, chăn nuôi heo tại gia... đều có thể là cử nhân, thạc sĩ đấy. Muốn tìm hiểu tôi giới thiệu cho, nhiều lắm”. Và tôi biết Veronica qua người bạn ấy..
Veronica là thạc sĩ giáo dục mầm non, đi dạy đã 25 năm. Cô cho biết mức lương giáo viên dao động tùy vào thâm niên và chức vụ nhưng khởi điểm từ 450 peso cho đến lương hiệu trưởng 850 peso. Ở Cuba, ngành y tế và giáo dục được trả lương tương đối cao hơn các ngành khác. Hiện tại, công việc chính của Veronica là dạy mỹ thuật tại trường sư phạm mầm non, 5 ngày/tuần, lương 700 peso/tháng. Mỗi tuần cô đi dọn dẹp, vệ sinh cho 2 gia đình, mỗi nhà 2 lần/tuần được 1.800 peso/tháng. “Dù giúp việc thu nhập cao gấp 2 lần nghề giáo nhưng tôi yêu nghề giáo nên vẫn sẽ tiếp tục đi dạy. Dĩ nhiên là vẫn tiếp tục giúp việc nhà vì đó là nguồn thu nhập chính của tôi mà”, Veronica nói.
Dù sao Veronica cũng may mắn có thể tiếp tục đeo đuổi công việc mình yêu thích. Nelson, 33 tuổi, kỹ sư tin học ở tỉnh Sancti Spíritus, thì không được như vậy.
Sau khi tốt nghiệp, anh đi làm nghĩa vụ xã hội (mọi sinh viên ra trường đều phải làm 2 năm nghĩa vụ xã hội theo đúng chuyên ngành đã học) với mức lương gần 500 peso. Vợ đi dạy tin học được 585 peso/tháng. Rồi vợ có thai, những đứa con lần lượt ra đời. Chi tiêu trong gia đình ngày càng cao.
“Có giai đoạn, tôi làm việc cho ngân hàng với mức lương khá cao so với mặt bằng chung là 1.200 peso/tháng nhưng vẫn không đủ sống. Chúng tôi đã thử để riêng 1.000 peso/tháng dành cho tiền ăn và tiêu vặt. Vậy mà chỉ cỡ 20 ngày là sạch tiền. Vì thế, tôi phải bỏ nghề theo bố làm phụ hồ. Tùy vào công việc mà ông trả lương cho tôi được 1.500 - 2.000 peso/tháng. Mới đó mà đã theo nghề thợ hồ được mấy năm rồi”, Nelson nói.
Ước mơ bình dị
Ở Cuba, những nhu cầu cơ bản trong cuộc sống đều có trợ cấp. Nhà ở hầu như được cấp hoặc cho thuê với giá rất rẻ. Thực phẩm cũng được cấp. Giáo dục, y tế miễn phí. Giao thông công cộng giá chỉ tương đương vài trăm cho đến 1.000 đồng, các hoạt động văn hóa thường là miễn phí.
Tuy nhiên những mặt hàng như áo quần, điện thoại, thiết bị điện tử, thiết bị điện gia dụng... Cuba phải nhập khẩu nên giá rất đắt. Sử dụng điện thoại di động trong 40 phút, internet trong 10 tiếng có thể tiêu hết một tháng lương bình quân. Tiết kiệm cũng thành nếp sống của người Cuba. Đi ăn tiệc, đồ ăn luôn được mang về nhà...
Nelson mời tôi về nhà. Phương tiện đi lại của cả hai vợ chồng là chiếc xe đạp cà tàng, sên xích cứ chực tuột ra, “cái gì cũng kêu trừ cái chuông”. Khi đạp chở tôi ra chợ mua đồ, nhìn cách anh nâng niu chiếc xe, khóa xe cẩn thận làm tôi muốn phì cười. “Xe của anh, ai mà thèm lấy”, tôi đùa. “Biết đâu đấy, cẩn thận vẫn hơn. Dù sao đó cũng là “cái chân” duy nhất của vợ chồng tôi. Mất thì không biết sao đi làm”, anh cười hiền.
“Bây giờ anh muốn điều gì nhất?”, tôi hỏi. “Điều ước thực tế nhất tôi muốn là vẫn có thể theo đuổi chuyên môn tin học của mình với mức lương 4.000 - 5.000 peso/tháng. Mức lương này có thể sống đầy đủ tại Cuba. Nhưng bây giờ cũng chỉ là mơ thôi...”, anh nói rồi thở hắt ra.
Xe nhà nước phải cho dân quá giang
Ở Cuba có lực lượng độc nhất vô nhị được gọi là Inspector Popular với nhiệm vụ đón xe “giá bèo” cho dân. Người dân có nhu cầu di chuyển sang các địa phương khác thường ra đứng ở các nút giao thông, tại đây sẽ có nhân viên Inspector Popular mặc đồng phục màu vàng chuyên...chặn các xe công nào còn trống chỗ để dân quá giang. Mỗi người chỉ phải trả tượng trưng 1 peso/chuyến. Xe nào không dừng sẽ bị ghi lại biển số và phạt rất nặng. “Vì Cuba còn nghèo, giao thông chưa phát triển mạnh nên việc đi lại còn khá khó khăn. Việc này nhằm tận dụng tối đa phương tiện nhà nước để giúp dân”, một nhân viên cho biết.
Nguyễn Tập

Bóng ma cấm vận

Một bảng tuyên truyền viết “Bình thường hóa không đồng nghĩa với cấm vận”ẢNH: NGUYỄN TẬP
Đối với người Cuba, cấm vận là nguyên do dẫn đến mọi khó khăn, thách thức mà họ phải đối mặt trong hơn nửa thế kỷ qua.
Năm 1960, sau khi bị Cuba quốc hữu hóa số tài sản trị giá khoảng 1 tỉ USD tại nước này, Mỹ quyết định phong tỏa kinh tế đảo quốc láng giềng theo lệnh của Tổng thống Dwight Eisenhower. Năm 1962, người kế nhiệm John F.Kennedy tiếp tục cấm mua hàng từ Cuba, từ chối tất cả tàu cập cảng nếu có ghé qua Cuba và cấm người Mỹ đến thăm Cuba.
Năm 1996, Tổng thống Bill Clinton ký đạo luật Helms-Burton cấm tất cả các công ty nước ngoài có làm ăn với Cuba giao dịch với Mỹ. Năm 2004, dưới thời Tổng thống George W.Bush, gần như tất cả hoạt động trao đổi văn hóa, khoa học, thể thao giữa hai nước bị đình chỉ.
Đến những năm gần đây, Tổng thống Barack Obama nhiều lần lên tiếng chỉ trích chính sách bao vây cấm vận Cuba. Mỹ bắt đầu nới lỏng một số quy định và hiện hai nước đang tiến tới bình thường hóa quan hệ sau hơn 50 năm thù địch.
Mỹ từng muốn mua Cuba
Suốt hơn nửa thế kỷ qua, thế giới đã cực lực lên án chính sách cấm vận phi lý nhằm vào Cuba. Liên tiếp 21 năm liền, đại đa số các thành viên LHQ đều bỏ phiếu chống cấm vận Cuba. Năm 2012, Vatican cũng thể hiện quan điểm không tin rằng cấm vận là một biện pháp tốt vì gây ra hậu quả nặng nề cho người dân.
Tiến sĩ Hugo M.Pons Duarte, Giám đốc quan hệ quốc tế Hiệp hội Tài chính và kinh tế quốc gia Cuba, nói với PV Thanh Niên: “Ngày 26.10.2016, có tới 193 nước bỏ phiếu thuận về việc yêu cầu Mỹ xóa bỏ chính sách bao vây cấm vận, hai nước bỏ phiếu trắng là Mỹ và Israel. Trước đây, Mỹ đều bỏ phiếu chống, nhưng năm nay tiến bộ hơn khi bỏ phiếu trắng”. Dầu vậy, lệnh cấm vận vẫn còn đó và khi nào chưa xóa bỏ thì đây vẫn là mối quan tâm lớn nhất về quan hệ Cuba - Mỹ.
Điều ít người biết là trong lịch sử có đến 4 đời chủ nhân Nhà Trắng muốn… mua Cuba. Năm 1808, Tổng thống Thomas Jefferson đưa ra mức giá không được tiết lộ. Bốn mươi năm sau, Tổng thống James K.Polk ngã giá 100 triệu USD. Năm 1854, Tổng thống Franklin Pierce nâng giá 130 triệu USD và năm 1898, Tổng thống William McKinley “chốt” là 300 triệu USD.
Một điểm đáng chú ý khác là vịnh Guantanamo, phía đông nam Cuba, hiện đang được Mỹ kiểm soát theo thỏa thuận cho thuê với chính quyền Cuba vào năm 1903. Hằng năm, Washington vẫn đều đặn gửi chi phiếu 4.000 USD tiền thuê đất nhưng phía Havana cương quyết từ chối.
Hậu quả nặng nề
Trong mắt người dân Cuba, hầu như mọi khó khăn lẫn bất cập đều “do cấm vận” cả. Kinh tế lẽ ra đã rất phát triển nếu không có cấm vận. Không có cấm vận, nước sinh hoạt sẽ sạch đến mức có thể uống được, lương cao không thua gì Mỹ… Cấm vận còn dẫn đến chuyện trễ nải giờ hẹn. Hẹn làm việc tại cơ quan nhà nước: trễ. Giờ tàu chạy: trễ.
Khi một người Cuba nói chờ 5 phút thì đừng bao giờ tin, có thể sẽ là 15 phút, 30 phút, 1 tiếng hoặc thậm chí... đến hôm sau. Lý do mà họ đưa ra là “tại cấm vận”. Mario Rizzi, anh bạn người Canada sống nhiều năm ở Cuba, nói nửa đùa nửa thật rằng ở châu Phi, nếu gặp chuyện không hay xảy ra, người ta thường đưa hai tay lên và cười lớn: “Đây là châu Phi mà”; còn ở Cuba, họ sẽ đưa hai tay lên và nói: “Tại cấm vận đấy!”.
Dưới lệnh cấm vận phi lý, không hàng hóa nào có hơn 10% nguyên liệu xuất phát từ Cuba có thể nhập khẩu vào Mỹ; đồng thời, Cuba cũng không được nhập hàng có trên 10% xuất xứ từ Mỹ. Tàu từ bất cứ quốc gia nào neo đậu tại Cuba đều bị cấm nhập cảnh Mỹ trong 180 ngày… Cấm vận khắc nghiệt đến nỗi năm 2006, cậu bé 13 tuổi người Cuba Rasel Sosa đoạt giải tại một cuộc thi nghệ thuật quốc tế nhưng ban tổ chức là Công ty Nikon không thể trao giải thưởng là chiếc máy ảnh kỹ thuật số, vì sản phẩm này có trên 10% bộ phận xuất xứ từ Mỹ. Vì thế, Nikon phải trao cho cậu bé một... bức tranh để thay thế.
Theo tiến sĩ Duarte, cấm vận khiến Cuba phải nhập khẩu lương thực, linh kiện công nông nghiệp… với giá cao, gặp khó khăn lớn trong việc nhận các nguồn tài chính bên ngoài để phát triển, hạn chế đảm bảo thu nhập cho người dân. “Tính từ tháng 4.2015 đến tháng 3.2016, tác động trực tiếp của chính sách bao vây cấm vận đã gây thiệt hại hơn 4 tỉ USD. Chỉ cần 21% trong con số này, Cuba đã có thể xây dựng được nhiều nhà máy dược phẩm… Hiển nhiên, theo nghĩa đen, Mỹ đang tiến hành chiến tranh kinh tế”, ông nói với Thanh Niên.
Vì sao lãnh tụ Fidel Castro để râu?
Một câu chuyện mà nhiều người thường kể vui cho nhau nghe là bộ râu đặc trưng của lãnh tụ Fidel Castro xuất phát từ cấm vận khiến nguồn cung cấp dao cạo của ông không còn nữa.
Thật ra, trong tự truyện của mình, Fidel đã giải thích điều này: “Câu chuyện về râu của chúng tôi rất đơn giản. Thời chiến đấu, chúng tôi là những du kích sống trong điều kiện khó khăn, làm gì có dao cạo râu, vì thế cứ để râu tóc mọc tự do. Và “râu ria xồm xoàm” cũng trở thành một trong những đặc điểm nhận dạng. Đối với báo chí và mọi người lúc bấy giờ, du kích chúng tôi là “những người đàn ông rậm râu”.
Điều này cũng có cái hay là một khi gián điệp muốn trà trộn vào hàng ngũ chúng tôi, anh ta phải tốn 6 tháng để... nuôi râu, tóc. Sau khi cách mạng thành công, chúng tôi vẫn để râu như một cách giữ gìn “hình tượng” đó”. 
Nguyễn Tập

Lương y như… Cuba

Phòng khám gia đình 6-19 tại H.Encrucijada
Ở Cuba, bác sĩ và người dân địa phương yêu thương, chăm sóc nhau như người trong nhà. Vì sao họ có thể làm được điều đó?
Điều này cũng dễ hiểu vì bác sĩ cũng chính là cư dân sống ngay đó nên ngoài mối quan hệ bác sĩ - bệnh nhân còn là quan hệ hàng xóm, láng giềng. Bác sĩ ở Cuba không được mở phòng mạch tư. Tất cả việc khám chữa bệnh cho dân đều miễn phí, không phân biệt bất cứ ai. Bác sĩ nào lấy tiền của dân sẽ bị rút bằng và đi tù. Vì thế, người dân rất tôn trọng bác sĩ.
Để cám ơn, thỉnh thoảng họ lại tặng bác sĩ những món quà cây nhà lá vườn như trái cây, chút bánh kẹo... Mối quan hệ “người nhà” được hình thành như thế.
Một buổi với “người nhà”
Chưa đến 8 giờ, phòng khám gia đình 6-19 (H.Encrucijada, tỉnh Villa Clara) đã đông già trẻ lớn bé đứng đợi. Bác sĩ Javier Acosta Dominguez cùng cộng s̀ự mở cửa bắt đầu một ngày làm việc tất bật. Javier khám, chẩn bệnh, cô y tá kiểm tra huyết áp, chỉ số sức khỏe, anh nhân viên dịch tễ leo lên xe đạp lóc cóc đạp xuống từng nhà trong xóm để kiểm tra vệ sinh.
“Nhà nào để lu nước có lăng quăng, muỗi tùy trường hợp sẽ bị nhắc nhở hoặc phạt từ 150 - 1.500 pesos (150.000 - 1,5 triệu đồng). Những nhà nuôi heo càng được để mắt nhiều hơn”, anh nhân viên dịch tễ giải thích.
Hơn 12 giờ trưa, bệnh nhân cuối cùng của buổi sáng cũng vừa rời khỏi phòng khám, Javier bước tiếp ra đường. Đi chừng dăm bước, anh lại bị bà Manuela, 78 tuổi, chặn đường: “Bác sĩ giải thích giùm tui cái điện tâm đồ này với, tui lo quá”. Javier lại kiên nhẫn đứng giải thích cặn kẽ cho bà Manuela giữa cái nắng rát nhất trong ngày đã lên ngay đỉnh đầu. “Đã được ăn trưa chưa?”, tôi đùa. Javier cười lớn: “Chưa đâu, còn phải tới nhà bà Maria nữa. Bác sĩ gia đình không chỉ làm việc ở phòng khám mà còn phải trực tiếp đến nhà bệnh nhân nào không thể di chuyển được”.
Bà Maria đã 95 tuổi, bị ung thư đại tràng giai đoạn cuối, nằm liệt trên giường. Bà không có con, người thân đều ở nước ngoài nên bên cạnh việc bác sĩ đến tận nhà, chính quyền còn cử một người đến túc trực chăm sóc cho bà 24/24. Thấy bác sĩ đến, bà nén đau nở nụ cười móm mém. Đã quá quen, Javier đeo ống nghe kiểm tra sức khỏe, xem lại các vết thương của bà và hỏi thăm bệnh tình.
“Bác sĩ gia đình Javier làm việc rất nhiệt tình. Ngày nào ông cũng đến kiểm tra, thăm hỏi sức khỏe bà Maria. Tôi đánh giá rất cao vai trò của bác sĩ gia đình đối với những người sống xa bệnh viện, già yếu”, bà Aida Soto, người được nhà nước cử đến chăm sóc bà Maria, nói.
Trước khi đến Cuba, tôi cũng nghe nhiều về sự ưu việt của ngành y ở đây. Thật sự, tôi không tin lắm vào các “báo cáo tổng kết” tròn trịa, với những con số “đẹp như mơ”, với những cuộc gặp mặt “được sắp xếp” trước. Vì vậy, tôi chọn đến bất ngờ một phòng khám nhỏ ở một huyện xa để thấy và hiểu được thực tế một cách thật nhất có thể. Tận mắt quan sát cách bác sĩ Javier khám bệnh, cách họ (bác sĩ và bệnh nhân) nói chuyện thân tình, ân cần với nhau, tôi thật sự hiểu thế nào là bác sĩ gia đình tại Cuba.
Lương y như… Cuba - ảnh 3
Bác sĩ gia đình kiểm tra sức khỏe cho bé sơ sinhẢNH: NGUYỄN TẬP
Chăm sóc tận gốc rễ
Mỗi phòng khám gia đình sẽ gồm bác sĩ đa khoa, y tá và một người phụ trách dịch tễ (truyền nhiễm, muỗi) chịu trách nhiệm về sức khỏe cho gần 1.000 người địa phương. Các phòng khám sẽ trực thuộc một trạm xá đa khoa. Trạm xá này có các bác sĩ sản, nhi, nội khoa, răng-hàm-mặt, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, nhân viên hoạt động xã hội (chuyên chăm sóc những hoàn cảnh neo đơn, không người thân thích).
H.Encrucijada có 19 phòng khám gia đình trực thuộc Trạm xá đa khoa Abel Santamaria có 92 bác sĩ từ đa khoa đến chuyên khoa, đầy đủ phòng cấp cứu...
“Vai trò của phòng khám gia đình và trạm xá đa khoa rất quan trọng trong việc phòng chống và chăm sóc sức khỏe bệnh nhân. Do là người sống tại địa phương nên các bác sĩ gia đình nắm rất rõ tình trạng sức khỏe của cộng đồng để từ đó có biện pháp hiệu quả ngăn chặn bệnh ngay từ đầu”, Carmen Quintana, Y tá trưởng Trạm xá đa khoa Abel, nói.
Nguyễn Trọng Việt, bác sĩ nội trú chuyên khoa tim mạch của Trung tâm tim mạch Villa Clara từng làm bác sĩ gia đình, cho biết những sinh viên mới ra trường sẽ được cử đến những vùng sâu, vùng xa (nơi không có đủ bác sĩ địa phương). Ngược hẳn với VN, các phòng khám gia đình và trạm xá đa khoa tại đây có thiết bị y tế thậm chí còn nhiều và đầy đủ hơn ở thành phố.
“Lý do rất đơn giản và... hợp lý. Những vùng sâu, xa việc chuyên chở lên bệnh viện tỉnh sẽ khó và mất thời gian hơn. Vì vậy, vùng này phải đầy đủ thiết bị để có thể điều trị tại chỗ hoặc cấp cứu kịp thời chờ chuyển lên bệnh viện tỉnh”, anh nói.
Hồi đó, Việt làm bác sĩ gia đình tại một phòng khám gia đình ở vùng sâu nông thôn thuộc H.Manicaragua. Anh kể: “Đúng như cái tên: gia đình, bác sĩ gia đình với dân thân nhau lắm. Những ngày làm ở đây gần như tôi chẳng khi nào phải nấu ăn giặt giũ vì người dân thương, họ mời về nhà ăn liên tục. Nếu không tới, họ gửi thức ăn đến tận phòng. Thậm chí họ còn tự lấy đồ của mình giặt giùm luôn”.
Lương y như… Cuba - ảnh 5
Bác sĩ Javier chăm sóc bà Maria
Hôm tôi cùng bác sĩ Javier thăm bà Maria. Tưởng tôi cũng là bác sĩ, bà Maria cầm tay tôi thều thào: “Bác sĩ ơi, tôi đau quá, bác sĩ tăng liều giảm đau cho tôi nhé”. Tôi nhìn bà già chỉ còn “da bọc xương” đang cố sống nốt những ngày cuối đời của mình mà không nói nên lời. Tự nhiên tôi lại nhớ câu chuỳện về Che Gueavara. Khi còn là chàng sinh viên y khoa năm cuối, trong chuyến đi khám phá Nam Mỹ bằng xe máy của mình, tại Chile, Che cũng gặp một bà già nghèo bị suyễn và tim, cầm chắc cái chết. Lúc đó ông cũng lặng người đi và chỉ biết để lại lọ thuốc giảm đau cho bà cùng lời chúc sức khỏe. Hình ảnh đó là một trong những động lực thúc đẩy Che quyết định đi làm cách mạng để dân nghèo có cuộc sống tốt hơn. Bây giờ, bà Maria cũng nằm chờ ngày ra đi, nhưng dù sao những ngày cuối đời của bà vẫn còn bác sĩ Javier, còn bà Aida Soto...
Che Guevara đã mất. Cuba vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng có lẽ Che cũng có thể mỉm cười vì lý tưởng cháy bỏng ngày xưa của ông đã phần nào được thực hiện.
Không để bất cứ người dân nào bị “bỏ rơi”
Mô hình bác sĩ gia đình do cựu Chủ tịch Fidel Castro khởi xướng năm 1984. Bằng cách lập phòng khám gia đình với bác sĩ cũng chính là cư dân ngay trong cộng đồng đó, tình trạng sức khỏe, vệ sinh dịch tễ của cộng đồng đó sẽ được nắm rất sâu sát.
Cuba đầu tư rất nhiều vào phòng, chữa bệnh với hệ thống y tế 3 cấp. Phòng khám gia đình và trạm xá đa khoa sẽ là tuyến 1 (tương đương bệnh viện huyện). Bệnh nhân bệnh nặng sẽ được chuyển lên tuyến 2 là bệnh viện tỉnh. Đối với những trường hợp đặc biệt, sẽ lên tuyến 3 là các bệnh viện chuyên ngành của cả nước.
Đến đầu năm 1990, mạng lưới phòng khám gia đình này đã phủ khắp Cuba. Đến tháng 3.2016, Cuba có 254 trạm xá đa khoa với hơn 11.000 phòng khám bác sĩ gia đình.
Nguyễn Tập

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét