Cô bạn tôi nhắn nhủ, nhớ ngồi quán cà phê vỉa hè London thật nắng để thấy cuộc đời hạnh phúc thế nào. Tôi đã không làm được bởi thiếu người tri kỷ thì ly cà phê ở một con phố lạ cũng nhạt.

Thành phố trái tim của đất nước mê trà chiều này chắc chắn là nhiều quán cà phê, cũng giống như các tòa nhà gạch đỏ, đá trắng... bao giờ cũng chiếm 3/4 tầm nhìn của bạn, trừ một số con phố sầm uất như Oxford street, nơi bạn có thể thấy nhiều tòa building phong cách hiện đại, kính lấp lóa mọc san sát. Quán hàng ở đây thường nho nhỏ, những cánh cửa khép kín giấu trong mình thế giới trầm lắng của những tiếng nói rủ rỉ và ánh đèn vàng ấm áp, thật nhiều hoa bên khung cửa hoặc trên tầng rủ xuống, vài bộ bàn ghế nhỏ xinh ngoài cửa. 

London thoạt nhìn mang dáng vẻ một thành phố trầm lặng của màu gạch già và những tán cây ngả màu khi chớm thu. Càng ra khỏi trung tâm thành phố, những tòa nhà càng thấp xuống, xinh xắn, nhưng dáng vẻ chung thì vẫn vậy, buồn và lãng mạn. Khi mới tới đây, tôi đã ngây người trước những khung cửa gỗ cũng nho nhỏ, nhiều màu sắc và kiểu dáng, những chậu hoa rực rỡ khắp các bậu cửa, những bông hoa cỏ cánh mỏng rung rinh dưới chân hàng rào... Đó chính là một London khiến tôi yêu và đốt vào đó nửa số phim mình mang theo, chứ không phải Big Ben hay London Eye.

Tôi may mắn ở đây vào những ngày đầu thu có nắng, hoặc chí ít là chỉ xam xám, không mưa ủ ê hay sương mù mịt. Người lái taxi tự hào khoe với tôi: “London không phải lúc nào cũng mưa, chúng tôi mỗi năm có những 8-9 tuần nắng cơ đấy” (!). 

Thành phố này khi nắng về bừng lên một vẻ hân hoan và thảnh thơi. Những người xách cặp, vắt comple ở tay, bước chân không vội vàng và gương mặt không cúi gằm xuống đất, họ có vẻ khoan thai của những người hài lòng với cuộc sống. Một vài người tranh thủ đưa thú cưng đi dạo. Trong công viên, người ta bắc ghế hoặc nằm duỗi người trên cỏ sưởi nắng, nô đùa, hôn nhau, âu yếm nhau... cứ để thời gian hờ hững trôi. Tất nhiên, đó là những nơi có ánh nắng rọi tới, nơi bừng sáng của thành phố. 

Nửa kia lạnh lẽo hơn, vẫn có các khu ổ chuột chưa kịp biến thành London Eye hay bảo tàng đại dương, trong các hốc tường vẫn có những người co ro không chăn áo, và len lỏi khắp thành phố là những người nhập cư từ thế giới thứ ba ngày ngày cố gắng tìm chỗ đứng và khẳng định giá trị của mình trong xã hội vốn không thuộc về mình.

Không giống các “mỏ vàng” du lịch, nơi khách lạ điều khiển nhịp sống thành phố, người London bình thản sống cuộc sống của mình, tuồng như không có mặt những đoàn khách xì xồ góc phố, tụ lại trước cổng cung điện Buckingham xem mấy anh lính gác đẹp trai, hoặc ngồi đầy các khu tượng đài quanh quảng trường... (đã qua thời người Nhật Bản đeo máy ảnh khám phá thế giới, bây giờ là lúc những nhóm khách du lịch Trung Quốc phất cờ xâm lăng mọi ngõ ngách). Đến London có đáng không? Có chứ, ít nhất đó cũng là một trong những thành phố đáng ghé qua một lần trong cuộc đời.

Nếu có ít thời gian đỗ lại trước khi bị hướng dẫn viên vội vàng lôi tuột lên xe buýt đi tới một thành phố mới, người ta thường muốn xem Buckingham hoành tráng ra sao, Big Ben cao thế nào, Tower Bridge có giống trong phim không, lên London Eye có nhìn thấy rìa thành phố không, qua bờ Nam sông Themes (nơi trước đây vốn là khu ổ chuột tệ nạn nổi tiếng) xem các nghệ sĩ đường phố trình diễn, rồi mua một tour ngồi xe buýt hai tầng điểm danh cả thành phố...

Nếu chỉ có từng ấy thời gian, bạn cũng đừng thất vọng, bởi những giá trị mà vài điểm tiêu biểu đó mang trong mình cũng không hề bị thổi phồng lên qua lăng kính quảng cáo. Đó rõ ràng là một cách hay để làm bảng tóm tắt cho thành phố nhiều ngõ ngách, màu sắc và chủng tộc này.

Ga tàu điện ngầm ở London khoác chiếc áo tẻ nhạt cũ rích, không mỹ lệ như các “cung điện dưới lòng đất” của Nga, nhưng tôi thích ghé xuống để thỉnh thoảng bất ngờ nghe thấy một tiếng đàn ghita hay violin đậm đặc như sờ thấy được (và tất nhiên, vì đi tàu điện ngầm thì... rẻ nữa). Tàu điện ngầm chẳng phải là một nơi thích hợp để nghe nhạc, thậm chí là dừng lại vài giây. 

Vậy nên tôi hoàn toàn có thể lý giải được, tại sao khi tờ thời báo New York Times mời một nghệ sĩ violin nổi tiếng thế giới tới chơi ở ga tàu điện ngầm thì hầu như không ai chú ý tới sự tồn tại của anh. Nhưng cũng như ở bất kỳ con phố nào, các nghệ sĩ trình diễn đường phố hay tại các ga điện ngầm chơi một thứ âm nhạc thật sự, chứ không phải vài nốt nhạc đại khái hòng kiếm xu lẻ.

Tôi thích ghé các khu chợ London, nơi đôi giày của tôi gõ lọc cọc trên con đường lát đá lồi lõm, hoa mắt trước hàng trăm thứ màu sắc và hàng ngàn mặt hàng san sát trong các kiốt, hòa vào đám đông đang hò reo cùng anh chàng diễn xiếc... Bạn muốn gì cũng có thể tìm thấy ở một khu chợ nào đó, chợ bán hoa Hà Lan, chợ bán đồ cổ (đa phần là giả cổ) và trang phục phong cách Vintage, chợ đồ lưu niệm... 

Hôm tôi tới, chợ Apple Market ở Covent Garden đang có lễ kỷ niệm 180 năm ngày ra đời. Mình đang đi trên con đường hơn 180 tuổi, tôi tự nhủ như vậy. Những con đường có thể coi là một trong những chứng nhân thời gian bền bỉ nhất nơi đây, khi mà vụ đại hỏa hoạn năm 1666 đã thiêu rụi hầu hết các công trình gỗ quý giá của cả thành phố.

Xem nhạc kịch cũng là một trải nghiệm thú vị, dù buổi diễn mang tới cho tôi cảm giác choáng ngợp nhiều hơn là cảm xúc. Có thể là vì tôi quá kỳ vọng cho lần đầu được xem Phantom of The Opera ở chính Her Majestic, rạp hát mà nó được công diễn lần đầu. Tôi ước chừng 80% khán giả là khách du lịch. Không phải người London không thích “đứa con đẻ” của mình, mà vì một phần trong số họ đã từng xem ít nhất một lần, khi mà mỗi vở diễn và nhà hát đã song hành có khi tới chục năm trời; một phần khác thì lựa chọn một sự kiện nào đó trong cái thành phố cuối tuần nào cũng có quá nhiều sự kiện văn hóa đáng chú ý, bởi họ biết nhà hát sẽ luôn ở đó. 


Thu Ngọc, một công dân thế giới đã kết hôn với một anh chàng London tốt bụng và sống ở đây 1 năm; và Thu Trang, cô gái bỏ công việc đắt giá khăn gói sang du học, cũng lần đầu tiên đi xem cùng tôi. Dù không mang tới không khí và cảm xúc như khi trình diễn trong những thánh đường nghệ thuật thực sự, nhưng không vì thế mà buổi diễn kém phần nghiêm túc. Khi những giai điệu quen thuộc đầu tiên cất lên từ dàn nhạc ngồi sâu dưới chân sân khấu, và khi từng nốt nhạc được rải thong thả từ chiếc đàn Harp, tôi thấy mình thoáng rung động.


Tôi đã rung động trước vô vàn những cánh cửa của thành phố này, rung động trước những con nắng vội vã, rung động trước vẻ u buồn và lãng mạn, vẻ đẹp khiến người ta, dù đang ở một mình, cũng chợt nhớ và thấy yêu hơn một người nào đó.
Nhớ điều gì khi tới London:

 - Luôn mang theo một cây dù.

- Hãy xuống ga tàu điện ngầm mua Traveller Card giá từ 5,6 bảng, bạn có thể sử dụng để đi các tuyến tàu điện ngầm và xe buýt miễn phí cả ngày trong vùng mà bạn đã chọn.

- Taxi London được đánh giá là tốt nhất thế giới, giá mở cửa trung bình khoảng 2 bảng, giá đủ để bạn thử đi một lần.

- Hẳn bạn đã nghe tới món Fish&Chip nổi tiếng, nhưng London không phải là nơi bạn có thể tìm thấy một đĩa Fish&Chip ngon lành.

- Nếu thèm cơm hay đồ ăn nóng, bạn nên ghé qua China Town (cạnh khu Soho), ở đây không có nhà hàng Việt Nam nhưng có thể lựa chọn mì, xôi...thay thế. Các món ăn trung bình từ 3-7 bảng.

- Các kiểu khách sạn rẻ tiền ở đây không hiếm, giá từ 10-20 bảng/người, nhưng điều kiện cơ sở vật chất không được hoàn hảo, dù đều nằm trên các con phố rộng thênh thang. Bạn có thể tìm và đặt phòng qua trang Agoda.com (có phiên bản tiếng Việt), xem hình và review của người đã sử dụng, cũng như lựa chọn mức giá hợp lý cho mình.

- Nếu thanh toán bằng thẻ tín dụng, bạn nên mang theo một loại giấy tờ có hình của bạn, bởi nhiều nơi yêu cầu xuất trình khi sử dụng nhằm đảm bảo tính an toàn.

- Và cuối cùng, hãy tin vào những gì bạn đã được học trong sách Tiếng Anh lớp 6, người London rất thích bắt đầu câu chuyện bằng chủ đề thời tiết.

Từ London, bạn có thể đi đâu?

Hàng ngày, có rất nhiều tour du lịch ngắn đưa bạn tới các vùng phụ cận của London, giá tour trung bình từ 30 - 50 bảng.

Oxford

Thành phố của các trường đại học cổ kính, nơi bạn có thể tham quan trường quay Harry Porter. Dân cư thành phố chủ yếu là sinh viên và người già.

Thành phố Bath

Thành phố kiều diễm nằm trong thung lũng là địa điểm đầu tiên được công nhận là di sản thế giới. Ngoài việc dạo bộ trong công viên nằm bên bờ sông thơ mộng, thăm Tu viện Bath, nơi tiến hành nghi lễ đăng quang của vị vua đầu tiên của vương quốc Anh năm 973 sau CN, bạn có thể ghé xem Roman Bath để thấy ngày nay chúng ta thừa hưởng tinh hoa của văn minh La Mã nhiều thế nào.

Lâu đài Windsor


Ghé thăm các kiến trúc lâu đài là việc bạn không thể không làm khi tới UK. Quần thể kiến trúc lâu đài Windsor và Queen Mary’s Dolls’ House cùng Nhà thờ Thánh Geogre mang tới nhiều khám phá thú vị.

Stonehenge

Bạn cũng nên ghé qua di tích 5.000 năm có giá trị lớn về khảo cổ này một lần cho biết thế nào là... di tích, vì sự nhỏ bé của nó (các khối đá đứng có chiều cao khoảng 4m) khiến khá nhiều người thất vọng. Có lẽ mọi người đều tưởng tượng nó đồ sộ như những bức tượng trên đảo Phục Sinh.

Salisbury

Thị trấn yên bình với nhà thờ được coi là lớn nhất (cao 123m) và đẹp nhất ở Anh, xây dựng cách nay 800 năm - một trong những kiến trúc tiêu biểu của kiến trúc Anh thời kỳ đầu. Điều ngạc nhiên là bạn có thể gặp ở đây cả những bức tranh kính phong cách hiện đại được hoàn thành vào những năm 1980.

Bài: Vũ Thủy
Ảnh: V.T

Đến London mà bỏ qua những nơi này thì quá phí

(Emdep.vn) - London là nơi tập trung khá nhiều nhà hàng ngon, các bảo tàng mang đậm giá trị văn hóa và những điểm tham quan nhiều màu xanh.
London được biết đến với bề dày lịch sử và là một trung tâm văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực phát triển mạnh của châu Âu. Nếu đến London, bạn hãy chắc chắn lên kế hoạch cho những việc sau:
Thưởng thức đồ ăn tại chợ Borough
Đến đây, bạn sẽ muốn nếm dầu ôliu, pho mát nướng và nhiều món ngon khác. Chợ Borough mở cửa mỗi ngày trừ Chủ nhật. Điểm dừng chân xe tube gần nhất là cầu London.
Xem cảnh đổi ca của cảnh sát Hoàng gia & thăm Cung điện Buckingham
Du khách có thể đi thăm Cung điện Buckingham và cảnh đổi ca của cảnh sát Hoàng gia để cảm nhận vẻ rực rỡ, uy nghiêm của hoàng gia Anh. Thời gian mở cửa thay đổi tùy theo mùa, vì vậy tốt hơn hết, bạn nên kiểm tra lại qua mạng trước khi đến thăm. Việc đổi ca diễn ra trong ba địa điểm: Cung điện Buckingham Palace, Cung điện St James và Wellington Barracks. Một số tour du lịch còn cho phép bạn diễu hành với cảnh sát và đưa bạn đến ba địa điểm trên.
Đến Sky Garden
Sky Garden là một trong những địa điểm miễn phí nên đến thăm ở London. Các không gian sân vườn công cộng trải dài trong ba tầng với sàn quan sát và một sân thượng ngoài trời là những điều thú vị khi bạn đến tầng vòm kính ở đường 20 Fenchurch. Ngoài ra còn có hai nhà hàng cùng với ba khu vực quầy bar và phòng chờ. Điểm dừng xe gần nhất là Đài tưởng niệm.
Khám phá Tháp London và cầu Tháp
Nếu bạn đang đi du lịch với trẻ em, bạn nên tham quan Tháp London và cầu Tháp. Trẻ em ở mọi lứa tuổi và những cặp đôi sẽ khá thích khu vực White Tower, pháo đài, cung điện thời Trung cổ,… Bạn thậm chí có thể leo lên một trong những tòa tháp và đi trên các lối đi bằng kính. Điểm dừng xe tube gần nhất là tháp Tower Hill.
Đi mua sắm tại London
Bạn có thể mua được những món đồ sang trọng cho tới những món đồ ở chợ, mua sắm là một trong những việc nên làm nhất trong thành phố. Nếu muốn mua sắm cao cấp, bạn có thể đi đến các cửa hàng bách hóa nổi tiếng của thành phố: Harrods, Fortnum & Mason và Liberty. Các khu đường phố mua sắm hàng cao cấp bao gồm đường Regency, Oxford Street, Sloane Street, Mount Street, Bond Street, Carnaby Street và Kings Road.
Đi lang thang ở các vùng lân cận 
Phần lớn du khách sẽ đổ xô đến Westminster, West End, St. James và South Bank, nhưng ngoài ra bạn có thể tham quan một khu vực gần đó như Earls Court, Chelsea, Kensington, Mayfair và Knightsbridge.Các khu Brixton, Camden Town, Clapham, Fitzrovia, Notting Hill và Shoreditch có thể đem đến cho bạn một trải nghiệm văn hóa độc đáo.
Ăn tại các nhà hàng và quán rượu ở London
London khá đa dạng về ẩm thực. Từc các nhà hàng Ấn Độ đến một khu phố Tàu nhộn nhịp, bạn chắc chắn có thể thưởng thức nhiều món ngon trên khắp thế giới tại London. Nếu bạn muốn một bữa ăn giống với Nữ hoàng Anh, hãy đến nhà hàng – quán bia Bellamy. Đó là địa chỉ quen thuộc của Nữ hoàng Anh.  Một lợi thế ở đây là việc khám phá những quán rượu địa phương. Ở Kensington, Builder's Arms và Queen's Arms là quán nổi tiếng vì phục vụ đồ ăn và rượu ngon.
Thăm Công viên Hoàng gia và những khu vườn
London có rất nhiều không gian xanh, vì vậy việc khám phá 8 Công viên Hoàng gia là một điều tuyệt vời. Bạn có thể sử dụng xe đạp công cộng của thành phố để đi thăm xung quanh và đi theo các con đường trong công viên Hyde Park, hay thư giãn trên boong tàu của quán bar Serpentine. Cách khoảng 10 dặm so với trung tâm London là Vườn Bách thảo Hoàng gia Kew . Bạn có thể thăm nhà kính Victoria tuyệt đẹp hoặc thậm chí đi bộ trên cây theo một tour đặc biệt.
Hãy dành một ngày tại một bảo tàng ở London
du lịch London
Hầu hết các bảo tàng công cộng tại London đều miễn phí nhằm giúp các du khách có thể tìm hiểu văn hóa của thành phố được tốt nhất. Các bảo tàng nổi tiếng nhất bao gồm Victoria & Albert, nổi tiếng với những bộ sưu tập nghệ; Bảo tàng Anh, một trong những bảo tàng lâu đời nhất trên thế giới; Bảo tàng Londo , kể về lịch sử của thành phố; các bảo tàng khoa học, nơi có nhiều triển lãm tương tác; các Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên thích hợp với trẻ em; Phòng triển lãm Quốc gia, nơi có hơn 2.000 tác phẩm từ tất cả các trường nghệ thuật châu Âu,…

Thụy Du
Theo Smartertravel