Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2016

Bên bờ sông Hải Hà

LĐ - 97+98+99+100 DI LI  
Câu cá trên sông Hải Hà đóng băng.
Thiên Tân cách Bắc Kinh 120km, đi tàu cao tốc mất có nửa tiếng, song từ khách sạn ra nhà ga cũng đến một tiếng. Riêng cái sự đi lại ở Bắc Kinh cũng lắm rắc rối. Phương tiện kỳ cục nhất ở đây là một loại xe giống như tuk tuk ở Bangkok, như Bajaj ở Jakarta nhưng thùng xe bằng tôn kín mít và bé tí như thùng bán kem, chỉ vừa hai người ngồi. Xe chạy chậm, kêu phành phạch, giá lại đắt như taxi, chỉ được nỗi rất tiện khi chạy vào các ngõ ngách.
    Phương tiện rẻ tiền nhất của họ là xe buýt, 1 nhân dân tệ (tệ)/người, nhưng với chiến dịch tiết kiệm điện nghiêm ngặt của chính phủ, hầu như chẳng xe buýt nào bật điều hòa. Nóng 370C, khách cứ vã mồ hôi mà lên lên xuống xuống. Vì vậy, phương tiện phổ biến nhất của họ lại là xe điện ngầm, vừa nhanh, đỡ kẹt xe lại rẻ tiền (2 tệ/người). 
    Vào giờ tan tầm, đi lại trên mặt đường dường như là bất khả thi cho những người cần nhiều thì giờ. Đi xe điện ngầm có thể nhanh hơn nhưng việc chuyển bến cũng rất mất thời gian. Hệ thống xe điện ngầm và cơ sở hạ tầng nói chung của Trung Quốc khá hoàn hảo, đặc biệt là ở Bắc Kinh, có thể nói rằng không thua kém gì Âu Mỹ. Tuy nhiên, sự phát triển kinh tế và cơ sở hạ tầng của họ không song hành cùng dân trí. Hành vi cộng đồng nói chung không văn minh bằng những gì mà ta nhìn thấy qua những kiến trúc bề ngoài. Đặc biệt là ở các khu vực chợ búa, sự lỗ mãng của người bán hàng có thể xem là còn vượt quá cả người Hàn.
    Biểu tượng bên sông Hải Hà
    1. Báo cáo GDP của Trung Quốc cho ra một kết quả rất lạc quan, rằng họ có thể sẽ vượt Mỹ và Nhật. Rồi còn rất nhiều dự đoán của các chuyên gia kinh tế, chính trị rằng Trung Quốc sẽ sớm trở thành một cường quốc cạnh tranh với Hoa Kỳ, nếu không có trở ngại lớn nhất là nạn tham nhũng và ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên nạn tham nhũng của họ dường như không cản trở mấy đến những công trình siêu việt cứ thi nhau xuất hiện rất nhanh. Tôi đặc biệt thán phục hệ thống đường sắt cao tốc của họ. Chúng tôi đi xe điện ngầm ra nhà ga Bắc Kinh để đáp tàu cao tốc đi Thiên Tân, một sân ga quy mô và sầm uất ngang một sân bay quốc tế. Tàu cao tốc Bắc Kinh - Thiên Tân với vận tốc 350km/h (nhanh nhất thế giới) được xây dựng từ năm 2005, đến 2008 đưa vào hoạt động ngay trước thềm Thế vận hội Olympic. Khoang tàu được thiết kế giống khoang máy bay và thái độ phục vụ của chiêu đãi viên cũng khiến hành khách có cảm giác mình đang bay trên mặt đất. Tôi từng xem những hình ảnh các chiêu đãi viên được huấn luyện trước khi chính thức bắt đầu làm việc. Chỉ không rõ họ có phải đọc Tam tự kinh nữa hay không thôi, chứ các khâu tập huấn cũng không khác nào trại lính.
     Chiếc đồng hồ biểu tượng của TP.Thiên Tân
    Chúng ta chạy quãng đường hơn 120km thường mất hơn hai tiếng, còn người Thiên Tân đi làm ở Bắc Kinh hằng ngày mất nửa tiếng đi nửa tiếng về cho chặng đường tương tự, giá vé 58 tệ/lượt. Hiện nay Trung Quốc đã có nhiều ngàn kilomet đường sắt cao tốc đi vào hoạt động, vượt quá tổng cộng chiều dài hệ thống đường sắt cao tốc của các nước trên thế giới. Hồi tháng 6.2010 Quốc hội chúng ta cũng bàn bạc rất găng về chủ đề này với hai câu nói rất nổi tiếng của hai đại biểu khi một người khẳng định rằng “Các nước có chỉ số IQ cao đều xây đường sắt cao tốc” và người kia phản bác lại “Chỉ số IQ của tôi thấp nên tôi chắc chắn không tán thành”. Và cuối cùng một đại biểu đề nghị lui dự án lại đến năm 2020 khi mà thế hệ con cháu thông minh hơn sẽ làm hiệu quả hơn. Trên chuyến tàu cao tốc từ Bắc Kinh đến Thiên Tân, nhiều hành khách người Trung Quốc cũng mang máy ảnh ra chụp giống chúng tôi. Tôi cũng không chắc những hành khách kia có chỉ số IQ cao hơn tôi hay không, nhưng rõ ràng, tàu cao tốc đang là niềm tự hào của tất cả người Trung Quốc sống ở thế kỷ 21.
    2. Thiên Tân là thành phố lớn thứ tư ở Trung Hoa đại lục, chỉ sau Bắc Kinh, Thượng Hải và Trùng Khánh. Tuy nhiên, thành phố này cũng không cần quá nệ vào xe điện ngầm, vì dân số ở đây chẳng đông đúc như Bắc Kinh. Giờ tan tầm không mấy khi tắc đường. Mà dẫu cho có xe điện ngầm thì tôi cũng không muốn chui xuống lòng đất chút nào. Làm sao tôi có thể bỏ qua những cảnh quan trên mặt đất ở nơi này. 
    Sau khi rời khỏi thành phố của những ngôi nhà hình hộp màu xám ở thị thành Bắc Kinh, tôi cảm thấy dễ thở hơn khi nhìn thấy dòng Hải Hà chảy trong lòng thành phố, những cây cầu mang đậm kiến trúc Châu Âu và chiếc đồng hồ chạy dây cót khổng lồ ngay trước quảng trường gợi nhớ đến một quang cảnh trong bộ phim “Benjamin Button”. 
    Đường phố Thiên Tân nhỏ hẹp hơn Bắc Kinh, nhiều cây xanh hơn và cũng vì thế mang lại cảm giác vô cùng lãng mạn. Cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, Từ Hy Thái hậu trước sức ép của liên quân 8 nước đã phải cắt đất tô giới cho Anh, Nga, Nhật Bản, Pháp, Đức, Mỹ, Italia và Áo. Do vậy, nhiều khu phố cổ người Âu vẫn còn tồn tại ở Thiên Tân. Những con đường gạch lát, cột đá vỉa hè, đèn đường cổ xưa và kiến trúc đa dạng của Anh, Pháp, Italia… vẫn vẹn nguyên, tạo nên nét độc đáo không đâu có ở thành phố này. 
    Buổi chiều, tôi đi dạo trong khu phố cổ, thấy đâu như mình quay lại 10 năm trước khi lần đầu tiên đặt chân đến Paris. Ven bờ Hải Hà, nhiều tòa nhà chọc trời san sát, mà nếu đứng ngay dưới chân nhà ngước nhìn lên, người sợ độ cao ắt phải chóng mặt. Đấy chính là nét pha trộn Âu, Á, Mỹ vô cùng thú vị ở nơi này. Những công trình xây dựng từ thập niên 60 trở lại đây cũng nhang nhác nét Âu. Nhà chung cư, học xá trường đại học, khách sạn, nhà hàng… thế nào cũng có tường gạch đỏ hoặc ban công. Đó là tư duy thẩm mỹ chỉ có thể tìm thấy ở vài nơi đã từng là thuộc địa như Hồng Kông và Macau chứ hiếm khi thấy ở Trung Hoa đại lục. 
    Phong thái của người Thiên Tân cũng khác người Bắc Kinh nữa. Họ thân thiện, cởi mở và có phần lãng mạn. Buổi đêm ra bờ Hải Hà, đi dạo qua những bức tượng mô phỏng mọi tư thế tình tứ của nam nữ, bất ngờ đâu nghe thấy tiếng saxophone rảo theo một giai điệu xưa cũ gợi nhớ đến những bộ phim bối cảnh Thượng Hải hồi đầu thế kỷ 20. Lần theo tiếng nhạc thấy hai nghệ sĩ đứng dưới bãi cỏ tòa nhà Tài chính quốc tế say sưa thổi kèn trong đêm thanh vắng. Nghe kỹ là bài “Ánh trăng nói hộ lòng em”.
    Anh hỏi em yêu anh có sâu đậm không?
    Em yêu anh bao nhiêu phần?
    Anh hãy nghĩ mà xem
    Anh hãy nhìn mà xem
    Có ánh trăng kia nói hộ lòng em
    Lúc đó đã gần nửa đêm, và ánh đèn tím ngắt rọi từ những ngọn đèn xung quanh bờ sông tạo nên một sân khấu ngoài trời đầy thi vị. Tôi đã đi thêm một đoạn dài bên bờ Hải Hà, vẫn nghe đâu vẳng tiếng người thổi kèn dưới 
    ánh trăng.

     Ngôi nhà 65 triệu đô của đại gia Trương Liên Chí
    3. Nơi mà tôi yêu thích nhất ở thành phố này là khu phố cổ của người Italia. Giờ thì những ngôi nhà cổ trong phố không được trưng dụng vào mục đích hành chính mà trở thành khu ẩm thực “quốc tế” vô cùng sôi động. Khi chiều đã tà, người ta có thể thưởng thức các món ăn từ Italia, Đức, Pháp cho đến Thái Lan và Mexico. Trời mát thì có thể ngồi ngay trên vỉa hè trong không gian khoáng đạt hầu không dấu vết gì của người Trung Quốc. Những thùng bia Đức, những giò hoa nhiều màu sắc, xích đu gỗ, phù điêu đồng đen dọc theo con phố và một đài phun nước “tượng đầm” ở ngã tư trở thành điểm đến du lịch nhộn nhịp. Kiến trúc Italia khá phổ biến ở Thiên Tân, và để tận dụng điều đó, một nhà đầu tư bản địa đã xây dựng nên một trung tâm thương mại rộng lớn mô phỏng những tòa nhà thành Rome ngay sát bờ sông, chỗ gần cây cầu kiểu Pháp và chiếc đồng hồ khổng lồ.
    Một nơi rất đặc biệt nữa không thể thiếu trong các hình ảnh giới thiệu về thành phố là ngôi nhà bằng gốm sứ của nhà sưu tầm Trương Liên Chí. Lúc đi từ ga tàu về khách sạn, qua cửa kính xe, tôi nhìn thấy ngôi nhà kỳ quặc đã được lưu vào Guiness và đành chớp vội một bức ảnh để đi tham quan sau.
    Ngôi nhà gốm sứ của doanh nhân Trương Liên Chí, mà ông ta ký tên là “họa sĩ sắp đặt” ngay dưới lời giới thiệu ở tấm vé vào cửa, một thời gây ồn ào sang tận nước Việt. Báo chí nhiều nước cũng đưa tin về nhân vật chơi ngông này và ngôi nhà “65 triệu đô” của ông ta ở Thiên Tân. Sau 5 năm trời xây dựng, ngôi nhà được khánh thành vào tháng 9.2007 với 400 triệu mảnh sứ, 5.000 chiếc lọ cổ, 4.000 bát và đĩa cổ, hơn 20 tấn đá pha lê và mã não, 400 viên đá cẩm thạch. Đồ đạc bằng gỗ trong ngôi nhà đều là đồ cổ có giá trị, đã được ông Trương sưu tầm trong suốt hai thập kỷ. Giờ thì ngôi nhà đã thành một viện bảo tàng tư nhân, bán vé cho du khách với giá 40 tệ/người. 
    Nhìn từ ngoài, ngôi nhà là cả một sự kỳ quái và lổn nhổn với những chai những lọ, những bát những đĩa. Theo như những gì Trương kể trước công chúng thì hồi còn nhỏ xíu, có lần ông làm vỡ một chiếc bình quý. Nhìn vào đôi mắt rất buồn của mẹ mà không một lời trách móc, ông cũng thấy buồn không kém. Ông bèn nhặt nhạnh tất cả những mảnh vỡ và gắn lại được thành một công trình nho nhỏ khiến mẹ ông không khỏi kinh ngạc. Ngôi nhà gốm sứ ngốn hết 65 triệu đô này là để ông theo đuổi giấc mơ hồi thơ bé và để ông thể hiện tình cảm đối với người mẹ của mình. Tất nhiên chủ nhân ngôi nhà là một tỉ phú. Khởi nghiệp với một nhà hàng vài chục mét vuông, ông Trương đã phát triển nó thành một tập đoàn. Ông Trương sở hữu ba bảo tàng tư nhân tất cả và ngôi nhà gốm sứ là một bảo tàng không thể không ghé thăm của bất kỳ du khách nào đặt chân đến Thiên Tân.
    Đã có một cuộc thăm dò ý kiến dư luận về mức độ hài lòng đối với các thành phố ở Trung Hoa đại lục thì Thiên Tân được xếp số 1. Kinh tế phát triển, phong cảnh hài hòa, môi trường ổn định và con người thân thiện khiến nhiều người dân Thiên Tân có công việc ở Bắc Kinh vẫn ngày ngày bắt tàu cao tốc lên thủ đô đi làm chứ nhất định không chịu chuyển nhà. Và nếu tôi được quyền bỏ một phiếu cho một thành phố ở Trung Quốc thì chắc chắn tôi cũng sẽ lựa chọn Thiên Tân.
    Nhìn vào đôi mắt rất buồn của mẹ mà không một lời trách móc, ông cũng thấy buồn không kém. Ông bèn nhặt nhạnh tất cả những mảnh vỡ và gắn lại được thành một công trình nho nhỏ

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét