(iHay) Thành phố Verona là điểm đến yêu thích của các đôi tình nhân vì ở đây có ngôi nhà và mộ của nàng Juliet.
Là quê hương của nàng Juliet trong vở kịch Romeo & Juliet nổi tiếng, thành phố Verona vốn xinh đẹp lại càng được dân Ý tô điểm để thu hút du khách, nhất là những người đang mong chờ một chuyện tình lãng mạn.
Đến đây vào tháng ba, chúng tôi dù là những kẻ độc thân vẫn thấy lòng xao xuyến không nguôi trước cảnh mùa xuân quá lộng lẫy. Tháng ba, Verona được bao phủ bởi chiếc áo hoa muôn màu, nhưng ngắm kỹ, màu vàng của mimosa và forsythia chính là những dải màu như thắp sáng cho cả thành phố.
Những ngày chớm xuân ở Ý, tuyết đã tan hết và crocus (hoa tuyết) nở đầy hai bên đường. Loài hoa giản dị khiêm nhường này khi trời lạnh chỉ chúm chím như giọt nước, nhưng chỉ cần một tia nắng ấm là bung cánh đồng loạt, tạo thành cả thảm hoa trắng, hồng, tím phơn phớt mong manh. Tại Verona, ngoài hoa tuyết, mimosa và forsythia chính là lời chào ấm áp nhất của mùa xuân. Là thủ phủ của vùng Veneto trù phú, Verona kiêu hãnh với hàng loạt nhà thờ cổ kính và các dinh thự cầu kỳ theo phong cách Venice. Verona không có kênh rạch chằng chịt như Venice cách đó 2 giờ xe nhưng thành phố rất đỗi yêu kiều với dòng sông Adige xanh mát uốn lượn qua trung tâm phố cổ. Sáu chiếc cầu thơ mộng bắc ngang sông nhìn từ xa cứ như những chiếc vương miện cài trên mái tóc xanh mướt của các tiểu thư trung cổ. Hai bên bờ sông cây ô liu xanh tốt quanh năm. Bao quanh thành phố là những dãy núi cao với tuyết phủ trắng xóa trên đỉnh.
Trong thành phố vẫn còn những công trình nổi tiếng từ thời La Mã hồi đầu công nguyên. Trên quảng trường Castovecchio là con đường lát đá và Khải Hoàn Môn vẫn hằn vết chiến xa trên những tảng đá lát. Công trình nguyên vẹn nhất là tòa nhà nghị viện bằng đá hoa cương trắng cao ba tầng với tượng các vị thần La Mã chạm trên mặt tiền và các cửa sổ. Nhà hát La Mã trên đồi bên bờ sông thì đã bị bom hồi Thế chiến hai phá hủy phần xây nổi với các khán phòng và hành lang bằng đá nhưng phần tầng hầm nằm sâu dưới đất và các hàng ghế lớn bao quanh sân khấu thì vẫn còn nguyên vẹn. Tòa lâu đài xây trên ngọn đồi này là một trong những nơi đẹp nhất của Verona, nơi hẹn hò yêu thích của các đôi tình nhân vì đứng đây có thể ngắm cả thành phố và mặt trời lặn lúc hoàng hôn. Bảo tàng khảo cổ học được đặt ngay trong khuôn viên nhà hát La Mã. Trong bảo tàng này, ngoài các phần còn lại từ các tòa nhà thời La Mã còn có một bộ sưu tập đá quý rất độc đáo: những viên đá hổ phách, ruby, khổng tước chỉ bé bằng đầu ngón tay út được chạm khắc chân dung các vị thần, các con vật linh thiêng, các nhà quý tộc, đẹp và chi tiết đến từng nếp gấp áo.
Ở Verona cũng có đấu trường dù không lớn bằng Coliseum ở Roma nhưng cũng rất đồ sộ, được xây dựng bằng đá với chỗ ngồi cho vài nghìn người. Đấu trường hình bầu dục với các cổng vòm bên ngoài, các hàng bậc đá làm chỗ ngồi bao quanh sân hình bầu dục, ban công lớn nhìn thẳng vào cửa chính là ban công danh dự, chỗ ngồi của hoàng đế và các quý tộc cao cấp. Dưới tầng hầm của đấu trường có lối đi dẫn đến nơi nhốt thú dữ, nhốt tù nhân và các đấu sĩ cùng các cửa dẫn ra sân đấu. Buồn cười nhất là có mấy anh chàng mặc trang phục đấu sĩ cầm kiếm nhựa dậm dọa khách du lịch, được mọi người mời chụp ảnh cùng. Trên quảng trường trước đấu trường có rất nhiều người hóa trang thành thiên thần, quỷ, chú lùn, xác ướp, đứng giả làm tượng nhưng mắt thì nháy liên tục! Các nhà thờ ở Verona nổi tiếng không chỉ vì lịch sử lâu đời mà còn vì kiến trúc rất độc đáo và các bộ sưu tập tranh của các danh họa từ rất nhiều thế kỷ trên các bức tường và trần nhà thờ. Vật liệu chính xây nhà thờ là gạch thô và đá hoa cương đỏ lấy từ các ngọn núi của vùng này, ngoài ra còn có đá hoa cương trắng, xám được đưa từ các vùng khác đến. Khác với những bức tranh thời Phục hưng vẽ bằng sơn dầu lồng khung mạ vàng, những bích họa thời đầu Công nguyên và Trung cổ ở đây được vẽ thẳng lên tường nhà bằng chất liệu màu là các loại bột khoáng chất, vì thế màu rất ít bị phai và không bị bong tróc. Những bức tranh tường như thế được gọi là các fresco, không chỉ ở trong nhà thờ mà trong và ngoài các tòa nhà, các lâu đài cũng có nhiều.
Thành phố Verona là điểm đến yêu thích của các đôi tình nhân vì ở đây có ngôi nhà và mộ của nàng Juliet. Ngôi nhà của Juliet cũng không có gì khác biệt so với những tòa nhà khác cùng thời nhưng lúc nào cũng tấp nập người đến thăm. Trên tường, dọc lối vào là rất nhiều những mảnh giấy nhỏ ghi những điều ước nguyện của các cặp tình nhân, mảnh sân nhỏ trước nhà có tượng Juliet bằng đồng, ban công Juliet nhìn xuống sân là nơi ưa thích để mọi người chụp ảnh lưu niệm. Bên trong nhà Juliet bây giờ là bảo tàng với các đồ nội thất và trang phục từ thời trung cổ, các bức tranh, tượng mô tả lại câu chuyện tình, và ở đại sảnh là chân dung lớn của Shakespeare, người đã làm cho mối tình của Romeo và Juliet trở thành bất tử. Hầm mộ của Juliet ở phía nam thành phố bây giờ cũng là bảo tàng. Trong khu vườn nhỏ trước lối vào lăng có một vườn hoa, giếng nước cổ, cây ô liu và rất nhiều chim bồ câu sống ở đây. Hầm đào dưới lòng đất bằng gạch, trước lối vào có tượng Romeo và Juliet. Những bậc thang bằng gạch dẫn tới một gian chính trần hình vòm khá rộng, rồi đến gian nhỏ hơn hình chữ nhật, chính giữa là nơi đặt bệ nằm và quách đá.
Phía sau các dinh thự đồ sộ làm nên bộ mặt cho Verona còn có những ngõ nhỏ giản dị nhưng rất sống động. Tôi thích ngắm mấy ngôi nhà gạch cam tường đã tróc đôi chỗ nhưng ban công vẫn được trang trí cẩn thận, chỗ thì ban công họa tiết tinh xảo, chỗ lại buông những giàn hoa mùa xuân. Lên khu tường thành hùng vĩ, tôi được chiêm ngưỡng cả bức tường hoa Forsythia nở vàng lộng lẫy. Loài hoa này bám trên gạch cũ, rũ xuống bờ tường cũ rêu phong như tấm thảm dày toàn một màu vàng đến là chói chang. Tường hoa rực rỡ trong buổi chiều đang chầm chậm xuống khiến cả thành phố như nhuốm màu vàng. Mặt trời dần xuống. Hoàng hôn phủ rực lên con sông và cả khu bên kia đồi. Giản dị mà huy hoàng.
Bài & ảnh: Hạnh Lê
Đại hí trường La mã, xây năm 30 sau CN, được xem là lớn thứ ba thế giới sau đại hí trường Colysée ở Roma và Capoue. Được bảo tồn một cách kỹ lưỡng bên trong. Bên ngoài bị phá hủy nghiêm trong bởi một trận động đất năm 1117.
Ngày nay còn khoảng hai chỗ ngồi. Năm 1930 đã có một cuộc biểu diễn opera ở đây trong khuôn khổ Festival Verona. Tháng 3 và tháng 9 hằng năm thường có những buổi diễn chủ đề về các cuôc chiến đấu xưa.
Graffiti, những mẫu thư cầu tình yêu vĩnh cửu của cá cặp tình nhân gắn đầy trên tường vào sân nhà Juliette
Chiếc balcon nổi tiếng phục dựng theo huyền thoại. Từ 1936-1940, nhà sử học Antonio Arena đã tái dựng như tranh vẽ toàn bộ căn nhà của Juliette. Ông thêm vào đó chiếc balcon này ở mặt tiền
Tượng đồng Juliette do Nereo Constantini điêu khắc. Theo truyền thuyết, những phụ nữ độc thân, trẻ phải sờ vào ngực phải của nàng để mang lại cho mình tình yêu vĩnh cửu, hạnh phúc. Nhưng bây giờ cả đàn ông đàn bà già trẻ lớn bé gì cũng sờ để... chụp ảnh- tại Casa di Giulietta.
Quần áo này của Roméo và Juliette theo mẫu trong bộ phim Roméo và Juliette của Franco Zeffirelli quay năm 1968
(PLO)- Chiều Verona có những tường thành cổ đỏ rực trong nắng, cháy dài, thành nối nhà, tiếp phố, phố tiếp nối thành. Chiều Verona có tiếng thanh niên nam nữ vui đùa trong nắng ấm quảng trường Dante, Erbe, Bra... Chiều Verona có tiếng thở dài... của hí trường đổ nát bên ngoài và của ngôi nhà hẻm nhỏ...
Đi vòng vèo hơn hai cây số trong phố cổ sang trọng Verona, giữa dòng người đổ về thăm nhà Juliette, người tình muôn thuở của Roméo và của không ít thanh niên Sài gòn cuối thập niên 60 - trong đó có tôi giờ đây cùng với đôi chân mỏi, tôi cảm thấy khó quên căn nhà số 23 Via Capello.
Ngày đó, dường như đang học lớp đệ lục thì phim màu màn ảnh đại vĩ tuyến technicolor về Việt Nam. Và chỉ trong một thời gian ngắn, tôi đã đến Rex xem bốn lần đến nỗi thuộc lòng cả đoạn thoại giữa Juliette và Roméo bên cửa sổ, dưới ánh trăng.
Bởi vậy, từ Milan tôi cố vượt hai giờ đồng hồ về đây. Rồi vẫn ngồi hoài nơi đây, ngay đầu ngõ nhà nàng, cạnh Arena thời La mã ngắm nhìn dòng người vẫn không ngừng nườm nượp đổ về phố cổ.
Nhà của Juliette trở thành bảo tàng từ 1905, nằm trong khu nhà ở của các công hầu ở Verona, địa điểm Shakespeare cho diễn ra vở kịch Roméo và Juliette năm 1597.
Vào thế kỷ 12, ngôi nhà này được xây trên đường Capello (via Capello), bởi nhà quý tộc Dal Capello, cạnh quảng trường Erbe.
Thế kỷ 16, khi Sheakespeare ra mắt vở kịch huyền thoại và xác định diễn biến câu chuyện tại TP Verona Ý, ngay lập tức Verona trở TP của tình yêu, điểm hành hương lý tưởng của các cặp tình nhân.
Thế kỷ 19, những phát hiện liên quan giữa đường Capello và dòng họ Capuleti làm người ta tin rằng ngôi nhà này là của Juliette. Thật hư thế nào chắc phải... hỏi Sheakespeare.
Năm 1905, huyền thoại tình yêu của Roméo và Juliette đã biến ngôi nhà thành bảo tàng và là điểm du lịch quan trọng góp phần đưa Verona lên tầm TP đẹp của thế giới và nổi tiếng là TP tình yêu.
Dù thật hay không cũng phải khâm phục tầm nhìn trăm năm của cư dân và đương nhiên có cả lãnh đạo thành Verona. Họ chứng tỏ bản chất văn hóa và sự yêu mến nghệ thuật, tôn trọng lịch sử.
Từ 1936-1940, nhà sử học Antonio Arena đã tái cấu trúc ngôi nhà một cách thơ mộng, hoàn tất việc xây dựng một bảo tàng quan trọng cho TP.
Verona, Vérone. Những âm vang dễ thương của địa danh đó chắc sẽ còn vang mãi trăm ngàn năm nữa với mối tình đẹp thiên thu.
Vừa xuống sân ga lúc 17 giờ chiều nhưng dòng người đổ xuống Verona vẫn không ngớt
Vừa xuống sân ga lúc 17 giờ chiều nhưng dòng người đổ xuống Verona vẫn không ngớt
Đại hí trường La mã, xây năm 30 sau CN, được xem là lớn thứ ba thế giới sau đại hí trường Colysée ở Roma và Capoue. Được bảo tồn một cách kỹ lưỡng bên trong. Bên ngoài bị phá hủy nghiêm trong bởi một trận động đất năm 1117.
Ngày nay còn khoảng hai chỗ ngồi. Năm 1930 đã có một cuộc biểu diễn opera ở đây trong khuôn khổ Festival Verona. Tháng 3 và tháng 9 hằng năm thường có những buổi diễn chủ đề về các cuôc chiến đấu xưa.
Cổng vào sân nhà Juliette , nơi đây nổi tiếng với bài thơ "Chỉ có tên chàng thù hận với em thôi... Nghĩa lý gì một cái tên? Đóa hoa mà ta gọi là bông hồng, dù mang tên gì cũng vẫn ngào ngạt hương thơm".
Graffiti, những mẫu thư cầu tình yêu vĩnh cửu của cá cặp tình nhân gắn đầy trên tường vào sân nhà Juliette
Chiếc balcon nổi tiếng phục dựng theo huyền thoại. Từ 1936-1940, nhà sử học Antonio Arena đã tái dựng như tranh vẽ toàn bộ căn nhà của Juliette. Ông thêm vào đó chiếc balcon này ở mặt tiền
Tượng đồng Juliette do Nereo Constantini điêu khắc. Theo truyền thuyết, những phụ nữ độc thân, trẻ phải sờ vào ngực phải của nàng để mang lại cho mình tình yêu vĩnh cửu, hạnh phúc. Nhưng bây giờ cả đàn ông đàn bà già trẻ lớn bé gì cũng sờ để... chụp ảnh- tại Casa di Giulietta.
Quần áo này của Roméo và Juliette theo mẫu trong bộ phim Roméo và Juliette của Franco Zeffirelli quay năm 1968
THẨM TUYÊN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét