Thứ Hai, 1 tháng 2, 2016

Nhớ một thành phố 2.000 năm tuổi

Hồn Cahors là sông và đá...

Trước hết, Cahors là một thành phố tuổi gấp đôi Thăng Long - Hà Nội mà giữ được nguyên vẹn các di sản qua các thời kỳ lịch sử. Nếu hồn Hà Nội là đầm hồ (theo kiến trúc sư Pédelahors) thì hồn Cahors là sông và đá. Nằm trong khuỷu sông Lot, dưới chân những núi đá vôi, Cahors có đặc điểm kiến trúc hiếm có: giữ nguyên từng khu vực xây dựng theo thời gian, không phải phá cái trước xây cái sau đè lên như ta vẫn làm ở Hà Nội. Ba thời kỳ lịch sử ở ba khu. Trục thành phố là đại lộ Gambetta. Phía Tây bắc thời kỳ nước Pháp có tên là Gaule, bị La Mã chiếm đóng (từ thế kỷ I đến thế kỷ V). Phía Đông đánh dấu thời kỳ Trung cổ. Phía Tây dọc đại lộ là các thế kỷ sau đặc biệt là XIX và XX. Mỗi thời kỳ để lại hàng trăm di sản (lâu đài, nhà thờ, cầu cống, vườn hoa, nhà bảo tàng, cửa hàng ăn cổ, hầm rượu vang,...) được bảo vệ nguyên vẹn. Ở Cahors, còn gì thú vị bằng đi lang thang trong những phố cổ hẹp như ở Hà Nội, nhưng nhà cao hơn nhiều và vắng vẻ, sạch sẽ, đường phố lát đá.
Biểu trưng cho thành phố là cầu Valentré (như Khuê Văn các ở Hà Nội), xây dựng vào thế kỷ XIV, chiếc cầu pháo đài cổ hoàn hảo nhất châu Âu. Cầu có ba tháp canh rất cao dùng làm pháo đài kiên cố. Lịch sử xây dựng cầu gắn liền với sự tích con Quỷ. Người dân địa phương rất hào hứng kể cho du khách nghe. Xưa kia có bác thợ vải xây cầu nhưng xây mãi không xong vì thiếu vật liệu và nhân công. Cầu xin các vị thánh trên trời giúp đỡ mà không được, bác ta đành phải thỏa thuận với Quỷ dữ: giúp ta xây xong cây cầu này, mi sẽ có linh hồn của ta. Khi công trình gần hoàn thiện, bác thợ vải tìm cách để phá vỡ giao kèo với con Quỷ. Một lần, bác ta bắt Quỷ trộn vữa nhưng lại đưa cho nó một cái sàng để xuống sông lấy nước. Quỷ không thể mang nước lên nên đành bỏ cuộc. Nó trả thù bằng cách mỗi đêm khi xây cầu xong nó rút lại một tảng đá. Sáng hôm sau, những người thợ lại phải đem tảng đá khác lắp vào thay thế. Hiện ở tháp giữa cầu có tượng con Quỷ nhỏ!

Phải mất hàng tháng mới xem hết những thắng cảnh và di tích lịch sử từ thời La Mã với rạp hát ngoài trời, cầu dẫn nước, quảng trường... đến thời Trung cổ với nhiều nhà thờ, tu viện, trường đại học (thế kỷ XIV), thời Phục hưng với nhiều lâu đài, thời hiện đại với kiến trúc mới.
Văn hóa ẩm thực là nét độc đáo nhất của Cahors. Ở Hà Nội, những món cổ truyền bị lai căng nhiều do chạy theo thị trường. Không còn nguyên chất nem Cát Tần, phở Hàng Đồng, chả cá Lã Vọng. Tôi đã được nếm các món ở Cahors nấu đúng công thức xưa ở một nhà dân: súp bí đỏ (velouté: mịn như nhung), dồi lợn to tiết nhồi bì, đùi vịt confit (ngâm mỡ một thời gian rồi đem rán), xa lát Truffle (loại nấm đắt tiền), pho mát dê (cabecou).... Ở một quán bar chỉ bán rượu vang, tôi được nhắm rượu vang đỏ với gan vịt nhồi béo là đặc sản bậc nhất của Cahors.
Về kinh tế, Cahors được xếp vào loại thành phố rất năng động của Pháp. Công nông nghiệp và thủ công đều phát triển. Vậy mà đi trong thành phố vẫn thấy yên tĩnh, trật tự, từ tốn khiến tôi cảm giác như đang ở Thụy Điển.
Nhưng quý nhất là con người thanh lịch. Theo nhà báo G.Coulonges, hiếu khách là đặc tính của người Cahors. Họ vui vẻ thông tin hoặc chỉ đường cho khách lạ. Đó không vì lễ phép xã giao mà do bản tính. Tôi được chứng kiến lòng hiếu khách ấy. Vượt cả Paris, một tỉnh nhỏ mà mỗi năm dám tổ chức một festival để từng nước trong khối Pháp ngữ giới thiệu văn hóa nước mình. Bắt đầu là Lebanon năm 2002, sau đến Việt Nam năm 2003. Quỹ thành phố bỏ ra ít tiền, còn nhân dân tự nguyện tiếp khách, đón khách đến ở nhà mình trong bốn ngày liên hoan hơn trăm văn nghệ sĩ Việt Nam (tuồng, chèo, rối nước, thơ, nhạc...). Hai đêm rối nước bán hết sạch vé. Tôi và anh Đình Quang được chị Dominique (chủ cửa hàng sách) và chị Corine (nhà tâm lý học) đón về nhà và dẫn đi xem thành phố.
Theo Hữu Ngọc/ TGVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét