Món thịt cá voi tại một nhà hàng ở Tokyo trong lễ hội Ebisu. Nguồn: AFP
Bất chấp những quan điểm khác nhau về thịt cá voi, món này vẫn tiếp tục được coi như “thượng phẩm” để thu hút khách du lịch và đáp ứng nhu cầu của nhiều người, ít ra ở một quận thuộc Tokyo.
Tại Nhật Bản, cá voi là thức ăn rất phổ biến. Tuy nhiên sau những quy định luật pháp cũng như sự phản đối từ các tổ chức nhân đạo và môi trường, việc ăn thịt cá voi hiện tại được xem là vấn đề nhạy cảm.
Thiên đường cá voi trong lòng Tokyo
Khoảng 30 nhà hàng tại quận Ebisu, thành phố Tokyo đang cung cấp món thịt cá voi trong một lễ hội kéo dài tới ngày 18/10, theo AFP. Đây là một lễ hội ẩm thực thường niên, nhưng nó lại gây nhiều tranh cãi vì món ăn trứ danh của Nhật Bản trong tâm trí những vị khách mê sushi.
Với riêng Ebisu, cá voi gắn liền như một biểu tượng văn hóa. Ở Nhật Bản, Ebisu là một trong 7 vị thần mang lại may mắn (Thất Phúc thần), cũng là vị thần phù hộ cho người đánh cá và thợ cơ khí.
Người Nhật Bản trong lễ hội ẩm thực thường niên ở Ebisu thường gắn liền với những hình ảnh như thịt cá voi, người nước ngoài, ngụ ý về “sự may mắn được các vị khách phương xa đem tới”, theo AFP.
Khá nhiều người nước ngoài không đồng tình với việc thử món cá voi. Tuy nhiên ban tổ chức vẫn tỏ ra tự tin về lễ hội của họ.
“Với rất nhiều du khách nước ngoài đến thăm Nhật Bản hiện nay, chúng tôi muốn thể hiện cho họ thấy những cảm nhận thực sự của mình về việc ăn thịt loài động vật này”, Takashi Furui, trưởng đoàn tổ chức sự kiện nói.
Món ăn được chế biến từ thịt cá voi được chuẩn bị để phục vụ thực khách tại một nhà hàng ở Tokyo trong lễ hội Ebisu. Nguồn: AFP |
Ẩm thực tại Nhật Bản, đặc biệt Tokyo, luôn nhận được sự tôn trọng từ những tạp chí uy tín thế giới. Có lẽ sự đam mê của người Nhật dành cho cá voi vừa là vấn đề gây tranh cãi, vừa là yếu tố giúp họ luôn giữ nét riêng trong văn hóa ẩm thực của mình.
“Ma lực” từ cá voi
Liên minh Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên liệt cá voi vây (Balaenoptera physalus) vào danh sách những loài bị đe dọa tuyệt chủng. Công ước về buôn bán các loài động thực vật hoang dã, có nguy cơ tuyệt chủng (CITES) coi việc vận chuyển thịt cá voi là bất hợp pháp. Nhưng quy định này không áp dụng cho Iceland, Na Uy và Nhật Bản. Những nước này vẫn xin được quyền thương mại đối với cá voi.
Trước đây, Nhật Bản thường lấy lý do sử dụng thịt cá voi từ những chú cá chết trong lúc thực hành những thí nghiệm khoa học, theo tạp chí Newsweek (Mỹ). Đây là cách để họ chế biến cá voi mà không vướng mắc những vấn đề pháp lý.
Tuy nhiên vào cuối tháng 8 năm nay, người ta phát hiện khoảng 1.800 tấn thịt cá voi quý hiếm cập bến Osaka trên con tàu Winter Bay sau 3 tháng lang thang từ Iceland sang.
Bản thân Iceland cũng là nước từng xảy ra nhiều cuộc tranh cãi về chuyện ăn thịt cá voi. Chính vì thế, họ xem Nhật Bản là địa điểm lý tưởng để tiêu thụ cá voi mà không vấp phải nhiều sự phản đối của người dân trong nước. Đồng thời, phía Nhật Bản cũng có thể “dễ ăn nói” hơn với các tổ chức bảo vệ loài cá này, do họ không thực hiện hành vi đánh bắt.
Hiệp hội Cá voi Nhật Bản, một tổ chức có ảnh hưởng lớn trong nước này cũng đã tham dự khai mạc lễ hội ẩm thực ở Ebisu và bày tỏ mong muốn những người tổ chức ý thức việc họ đang làm.
“Nếu du khách nước ngoài thực sự nhìn thấy thức ăn được phục vụ tại nhà hàng, tôi hy vọng họ hiểu và nói rằng họ có thể dùng thịt cá voi như một tài nguyên, miễn là bảo đảm cá voi không bị đe dọa tuyệt chủng”, Chủ tịch Kazuo Yamamura của Hiệp hội cá voi Nhật Bản nói với AFP.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét