Chủ Nhật, 3 tháng 1, 2016

Đến Port Dickson - Malaysia và… tĩnh lại

Không sôi động như Kuala Lumpur, không sâu lắng như Melacca, không nhiều hoạt động như Langkawi, nhưng có một điều gì đó ở thị trấn nhỏ “buồn ngủ” Port Dickson khiến du khách vẫn muốn quay lại đây thêm nhiều lần nữa. Một số người yêu vẻ đẹp của bãi biển, số khác thích thú với những ngôi nhà nhỏ trên biển. Nhưng trên tất cả, là sự hài hòa đầy duyên dáng của vùng đất này.

Port Dickson (Malacca) cách Kuala Lumpur 90km, nhưng chỉ mất tầm 1 tiếng đến 1 tiếng rưỡi đi ô tô, hoặc 4 tiếng nếu đi xe buýt, là đến nơi.
 
Từng là trung tâm khai thác khoáng sản của Malaysia, không khó để nhìn thấy thi thoảng xuất hiện những mảng đất đỏ chưa được trải bê tông loang lổ vết đào bới. Tuy nhiên, những dấu tích tản mát đó cũng không còn quá nhiều. Port Dickson đang trở mình một cách mạnh mẽ để là một thành phố du lịch, với đường bờ biển duyên dáng, cùng hệ thống khách sạn mọc trên mặt nước tựa như đóa hoa dâm bụt rực rỡ mà thanh lịch.
 
Port Dickson không có sự nổi trội đặc biệt như nhiều điểm du lịch khác của Malaysia. Nhưng vẻ hài hòa của các bãi biển, món ăn, thị trấn nhỏ… đã mang đến những thanh âm rung cảm nhè nhẹ lòng người. Đến đây, du khách dường như có thể quên đi hết thảy, không phải vội vã, không phải ồn ào, chỉ đơn giản là chính mình.  
 
Thực ra, cái vẻ trầm mặc của Port Dickson cũng đang dần bị tiếng ồn thay thế. Tuy nhiên, cái vị xa xăm vẫn còn. Ở Malaysia, cái gì xưa cũng đều có thể trở thành hiện vật, dấu tích nào cũng có thể trở thành bảo tàng, vé vào thường miễn phí, mà đồ vật vẫn được bảo quản cẩn thận, sân bãi vẫn được quét dọn sạch sẽ.
 
Đến Port Dickson là đến thị trấn Lukut và Bảo tàng Pháo đài Lukut. Port Dickson xưa từng rất thịnh vượng, bởi nơi đây là trung tâm buôn bán thiếc, một trong những nơi phát tích ra cái sầm uất cho cả đất nước Malaysia sau này. Nhưng biến động lịch sử đã đưa cái sầm uất đó đi xa, đặc biệt là sau khi cả một hoàng tộc từng bị những người khai mỏ nhập cư thảm sát trong biển lửa vì tăng thuế khai thác khoáng sản. Nay, pháo đài Lukut vẫn còn đó, nhưng chỉ còn những mảng màu loang lổ của một giai thoại lịch sử đẫm máu. Đi theo con đường quanh co lên đồi, những bức tường đá ong đỏ còn sót lại được bao quanh bởi đường hào đã mòn đi nhiều, vài chiếc giếng cạn chỏng chơ giữa trời đã từng là nơi tích nước cho cả vùng đồi, thậm chí vẫn còn “giếng độc” huyền thoại mà người ta tin rằng nó được sử dụng để trừng phạt tội phạm ngày xưa.
 
Không khí trầm mặc bao trùm không gian Lukut.
 
Những giếng cạn trơ trọi còn sót lại như chứng nhân của giai đoạn phát triển biến động nhất của vùng đất này.
 
Do là vùng đất quân sự nên chẳng ngạc nhiên khi Port Dickson có bảo tàng quân đội khá lớn, với các phòng trưng bày chia thành từng giai đoạn lịch sử của quân đội từ Thời vương quốc Malacca ở thế kỷ 16 cho tới thời kỳ thực dân Bồ Đào Nha, Hà Lan và cuối cùng là người Anh. Khu vực xung quanh là nơi trưng bày các phương tiện của quân đội bao gồm máy bay, xe tăng và súng tự động và vòi phun nước tưởng niệm.
 
Chỗ chơi ở Port Dickson không nhiều, trung tâm mua sắm thì cũng không lớn, nhưng vẫn có một vài điểm vui chơi cho những gia đình có con nhỏ, như Triển lãm nghệ thuật 3D, trang trại đà điểu PD Ostrich Farm… Nói là trang trại đà điểu, nhưng có đủ các loài động vật khác như lạc đà, lừa, ngựa, thỏ… Nghe giống sở thú Việt Nam, nhưng thực tế khác nhiều. Không có hàng rào sắt lạnh lẽo ngăn cách cứng nhắc. Động vật ở đây rất gần gũi, chúng có thể “vượt rào” nhảy ra ngoài, quẩn quanh bên chân người tham quan.
 
Đến trang trại đà điểu, khách có thể đăng ký chạy đua cùng những chú đà điểu thực thụ, thậm chí có thể cưỡi chúng, nhưng với điều kiện… không quá nặng, và tất nhiên là có phí. Tiếng líu ríu, cười nói xôn xao của các em học sinh hòa trong không khí càng tiếp sức cho những chú đà điểu chạy đua như các vận động viên chuyên nghiệp.
 
Khách đến đây có thể mở then cài, vào tận nơi và ôm ấp những chú thỏ đáng yêu này, chứ không chỉ đứng ngoài nhìn vào như ở nhiều nơi khác.
 
Ở đây, hầu như loài nào cũng được có đôi có cặp nên không thấy cái vẻ buồn rười rượi, cô quạnh thường thấy của những loài bị nhốt sau lồng sắt. Chỉ có điều, trong thời gian mở cửa, một số “cặp đôi” có thể bị “cột” mỗi “người” một nơi, để tránh mải mê “âu yếm” nhau mà quên cả “làm việc”. Chỉ không rõ vì sao, duy nhất chuồng lạc đà lại chỉ có một con ngồi buồn lẻ bóng.
 
Pork Dickson không tưng bừng náo nhiệt như Kualar Lumpur với các tầng cao, khách sạn sát ngay trung tâm mua sắm như Berjaya Hotel, Renaissance Hotel…, bù lại, nơi đây có hệ thống khách sạn mọc trên bãi biển như Lexis Hotel, mang đến cho khách cảm giác như hòa mình vào màu hoàng hôn trầm mặc, với đủ các loại phòng, cách bố trí, tầm nhìn… với nhiều mức giá. Nhưng nhìn chung, với sự tiện nghi và phong cách phục vụ chuyên nghiệp, giá phòng không quá đắt đỏ, nhất là nếu đem so với nhiều khách sạn Việt hay chặt chém không theo một theo một tiêu chuẩn nào, mà phục vụ thậm chí còn trễ nải hơn, với lý do… quá đông, và coi đó  như là chuyện đương nhiên khách phải chịu.
 
Tuy nhiên, bên cạnh những dịch vụ khách sạn khá hài lòng, cái đáng nhớ nhất ở Port Dickson có lẽ là món ăn dân dã thuần Malaysia. Trên đường đi từ Kuala Lumpur, du khách có thể ghé qua Asam Pedas Kasih Ibu. Dù nhìn chẳng khác mấy quán cơm bình dân ở Việt Nam, nhưng món ăn ở đây tuyệt ngon, đặc biệt món cá, có độ tươi rói của nguyên liệu mới được đánh bắt, lại mang nét dân dã dung dị của món ăn Malaysia, được chế biến cẩn thận nên không bị nồng gia vị mà thơm thơm một cách tự nhiên.
 
Nếu đã đến đây, du khách nên thưởng thức món Ikan bakar - cá nướng cháy vàng rộm cuốn trong lá chuối. Bóc lá chuối ra, tách từng lớp từng lớp thịt cá trắng ngần, bỏ vào miệng, vị ngọt dịu ngon của cá hòa quyện trong cái cay cay, đậm đậm vị sốt sambal - rất phổ biến ở Malaysia và Indonesia. Hay gọi món cá chua cay nổi tiếng của quán - Ikan masak asam pedas, sự kết hợp hoàn hảo giữa gia vị và lửa, giữa vị tinh tế của nước dùng và vị ngọt của thịt trắng, đậm đà, chua chua, ngọt ngào, khiến thực khách không khỏi xuýt xoa, dù mồ hôi đã có thể đầm đìa, tiếng trống lòng như thúc giục. Ăn ở những quán bình dân như vậy mới có thể ra cái vị dân dã đặc trưng của cách chế biến thông dụng này và cảm nhận được hết vị cayi xuýt xoa trên đầu lưỡi - điều có thể thiêu thiếu trong những nhà hàng điều hòa.
 
Món Ikan bakar. Ảnh: Trần Việt Đức
 
Món Ikan masak asam pedas
 
Port Dickson không phải lựa chọn hàng đầu của người dân địa phương khi nói đến bãi biển, tuy làn sóng nơi đây vẫn đủ sức cuốn đi bao lo toan mệt nhọc in hằn trên gương mặt. Không rực rỡ như đóa hồng quyến rũ Kualar Lumpur, không đỏ rực như đóa dâm bụt Malacca, không mướt xanh ngút ngàn như Langkawi, nhưng Pork Dickson níu giữ lòng người ở cái vẻ đẹp mộc mạc yên tĩnh. Và ánh chiều tà tuyệt đẹp của buổi hoàng hôn có lẽ là lời chào tạm biệt thân thiết nhất mà Port Dickson gửi tới du khách.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét