(Kiến Thức) - Hình thành từ thế kỷ thứ 6 TCN, thành phố cổ Taxila phát triển cực thịnh dưới thời Ashoka - vị hoàng đế Phật giáo nổi tiếng trong lịch sử Ấn Độ.
Nằm ở hạt Rawalpindi, tỉnh Punjab của Pakistan, thành phố cổ Taxila là nơi lưu giữ những chứng tích quan trọng bậc nhất về nền văn hóa Phật giáo Gandhara của Ấn Độ cổ đại.
Hình thành từ thế kỷ thứ 6 TCN, Taxila đạt đến mức độ phát triển cực thịnh dưới thời Ashoka - vị hoàng đế Phật giáo nổi tiếng trong lịch sử Ấn Độ.
Trong giai đoạn này, thành phố cổ Taxila không chỉ là một trung tâm tôn giáo mà còn là cái nôi của nền văn hóa, nghệ thuật và học thuật Phật giáo Gandhara.
Do nằm ở vị trí chiến lược là điểm giao lưu quan trọng giữa Ấn Độ, Tây Á, và Trung Á, sau thời kỳ Ashoka, Taxila đã nhiều lần đổi chủ vì các vương quốc hùng mạnh đều muốn kiểm soát khu vực này.
Khi các tuyến đường thương mại kết nối Ấn Độ, Tây Á, và Trung Á không còn quan trọng nữa, thành phố mất đi tầm quan trọng và cuối cùng bị dân du mục Hung Nô phá hủy vào thế kỷ thứ 5.
Vào giữa thế kỷ 19, nhà khảo cổ học danh tiếng của Hoàng gia Anh Alexander Cunningham đã tái phát hiện phế tích Taxila. Từ đó, nhiều cuộc khai quật quy mô lớn được tiến hành
Đến nay, tại Taxila có hơn 50 địa điểm khảo cổ nằm rải rác trong bán kính 30km. Những di tích quan trọng nhất là tu viện và bảo tháp Dhamarajika, khu di tích Bhir Mound, khu di tích Sirkap, chùa Jandial và tu viện Jaulian.
Các di tích này được chia làm bốn khu quần thể riêng biệt với những phong cách kiến trúc khác nhau, cho thấy sự phát triển liên tục của các đô thị cổ kéo dài trong suốt 5 thế kỷ.
Taxila cũng là nơi các nhà khảo cổ tìm thấy những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc nhất của văn hóa Phật giáo Gandhara.
Năm 1980, Taxila đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.
T.B (tổng hợp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét