Những câu chuyện của chị Jaluka, một giáo viên tiếng Anh đã bỏ nghề, từ thành phố Karakol lên Bishkek, cho tôi cảm giác Kyrgyzstan đang trở mình và cần lắm sự mở cửa của nhà nước để phát triển kinh tế. Tôi thật sự ấn tượng với câu nói của chị: “Trong cái thời Xô Viết, có tiền cũng chẳng mua được gì!”.
Cảm thấy không an tâm vì sẽ không có ai giúp đỡ tôi trên đường đi, ở quốc gia mà tiếng Nga là ngôn ngữ chính, chịJaluka giúp tôi bằng cách cùng đi xe buýt địa phương từ Karakol lên thủ đô Bishkek. Và chị cho biết: “không ai học tiếng Anh, lấy đâu ra học trò cho tôi dạy?”.
Chị hỏi tôi, khi đến đây, tôi nhìn thấy sân bay Manas được mấy hãng hàng không bay đến? So với Việt Nam, sân bay ở đâu đông hơn? “Hình như chỉ có 4 – 5 hãng hàng không mà hầu hết là các hãng của Nga và các nước thuộc khối Xô Viết xưa kia”, tôi đáp.
Chị Jaluka thở dài: “Kyrgyzstan là như thế, đã qua thời Xô Viết nhưng người ta vẫn chưa mở cửa để phát triển kinh tế”.
Dãy núi Tian Shan với độ cao 4.000m, quanh năm phủ tuyết trắng, chia cắt Kyrgyzstan thành hai miền Nam – Bắc. Sự màu mỡ của thung lũng Fergana ở phía Nam và thung lũng Chuy ở phía Bắc khiến nền kinh tế củaKyrgyzstan chủ yếu là sản xuất nông nghiệp.
Trong thời Xô Viết, 98% sản phẩm nông nghiệp như: cỏ khô, sữa bò, khoai tây, rau cải, củ cải đường được xuất khẩu sang Nga và một số nước thành viên thuộc Xô Viết. Xuất khẩu nông nghiệp đóng góp phần lớn vào GDP củaKyrgyzstan, chủ yếu dựa vào các hộ sản xuất nhỏ lẻ (55%), trang trại tư nhân (40%) và trang trại thuộc nhà nước (5%).
Chị Jaluka cho biết: “Thời kỳ Xô Viết được coi là thời kỳ kinh tế phát triển tốt nhất của Kyrgyzstan, đặc biệt vào những năm 1980. Chính phủ quy hoạch lại thành phố Bishkek và nhiều công trình được xây dựng tại đây. Tuy nhiên, trong thời kỳ đó, có tiền cũng không mua được đồ ngoại nhập bởi chính sách đóng cửa của khối Xô Viết trong việc xuất nhập hàng. Mua một chiếc tivi từ Nhật hay Hàn Quốc là điều không thể. Người dân sống trong sự bó buộc về kinh tế lẫn chính trị”.
Tôi thật sự ấn tượng với câu nói của chị: “Trong cái thời Xô Viết, có tiền cũng chẳng mua được gì!”.
Bishkek là một thành phố nhỏ, với diện tích 127km2 và đường phố rợp bóng cây xanh. Thấp thoáng trong những hàng cây là những khối nhà chung cư hình hộp vuông được xây dựng vào những năm 1980 theo kiến trúc của Nga.
Những chiếc đu quay hay cầu tuột dành cho trẻ con được đặt ở những khoảng trống nhỏ giữa 3 – 4 block nhà cất theo dạng hình chữ U. Màu sơn tường đã trở nên xám xịt và xuống cấp trầm trọng. Là thủ đô nhưng những con đường chính ở Bishkek đầy rẫy ổ gà. Rất nhiều con đường phụ nối các quốc lộ chính đang trong tình trạng xuống cấp, chỉ còn một lớp đá mỏng rải bên trên và bụi bay mù trời khi có một chiếc xe lướt qua.
Xe buýt địa phương ở Bishkek giống xe Ford 16 chỗ, được gọi là Marshrutka. Bên trong những chiếc Marshrutka chỉ có một vài cái ghế dành cho phụ nữ, những hành khách khác cứ đứng khom lưng và chen lấn trong không gian chật chội.
Những chiếc tàu điện cũ xì, màu xám xịt, hoạt động song hành với Marshrutka. Chúng chưa được nâng cấp đầu máy nên chạy ì ạch và chỉ dành cho những bà nội trợ. Những chiếc taxi của Hãng Gorky (Nga) có từ những năm 1980 vẫn hoạt động đều đặn ở Bishkek. Chúng đã quá cũ nên tốc độ cao nhất chỉ là 60 km/g.
Thỉnh thoảng cũng có những chiếc xe bóng loáng xuất hiện trên phố, nhưng số lượng không đáng kể so với lượng xe hiện có ở Bishkek.
Đó là những gì Kyrgyzstan có sau thời kỳ hậu Xô Viết.
Chị Jaluka tiếp tục câu chuyện: “Tỷ giá hối đoái rớt thê thảm sau những năm Xô Viết tan rã, đồng tiền tuột dốc không phanh, từ 1 USD = 10 som xuống còn 1 USD = 48 som vào năm 2000. Chính phủ cứu vớt đồng tiền bản địa bằng nỗ lực xuất khẩu để cân bằng cán cân kinh tế. Đồng som có giá trị cao nhất vào năm 2005 (1 USD = 41 som), nhưng lại tiếp tục xuống dốc và giữ ở mức 1 USD = 47 – 48 som. Việc khai thác vàng ở Kumtor cũng giảm một cách nghiêm trọng bởi máy móc quá lạc hậu nên không đảm bảo chất lượng”.
Xuất khẩu nông nghiệp gần như đóng băng khi các quốc gia thuộc Xô Viết cũng đang trong tình trạng như thế và bắt đầu chuyển sang sản xuất để tiêu dùng nội địa. GDP của quốc gia vào năm 1990 từ 2,6 tỷ USD rớt dần đều những năm sau đó, thấp nhất là vào năm 1999, chỉ còn 1,2 tỷ USD. Tỷ lệ thất nghiệp tăng từ 5,7% vào năm 1991 lên 12,5% vào năm 2002. Khó tìm việc trong nước, những thanh niên có học mong muốn tìm việc làm ở nước ngoài, đặc biệt ở Nga, bởi không bị rào cản ngôn ngữ và Nga đang cần những người làm việc ở vùng băng giá Siberi.
Giống như các gia đình khác ở Kyrgyzstan, con trai và con gái của chị Jaluka cũng đang làm việc cật lực tại Ngađể gửi tiền cho gia đình.
Chị Jaluka cho biết, Bộ trưởng Bộ Lao động Aliyasbek Alymkulov phát biểu với báo giới khi nền kinh tế nước nhà trì trệ sau thời kỳ hậu Xô Viết: “Cách duy nhất để giải quyết nạn thất nghiệp ở Kyrgyzstan là xuất khẩu nguồn nhân lực sang các quốc gia lân cận hay xa hơn. Ngân sách nhà nước không đủ để hỗ trợ những người thất nghiệp. Chúng tôi đang liên hệ và ký thỏa thuận với bốn quốc gia: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, UAE và Qatar để xuất khẩu nguồn nhân lực chất lượng cao. Các trường đại học ở Bishkek sẽ đảm nhận vai trò đào tạo nguồn nhân lực xuất khẩu”.
“Điện thoại di động là thứ xa xỉ trong thời kỳ hậu Xô Viết, còn điện thoại bàn thì luôn trong tình trạng chập chờn”, chị Jaluka cười nói.
Đang mùa Xuân và cũng là mùa vụ mới, chị Jaluka cho biết: “Ở Kyrgyzstan còn rất nhiều hộ làm nông nghiệp bằng tay, chỉ những hộ nhà giàu mới có máy cày, các hộ còn lại chủ yếu làm đất và gieo hạt bằng tay. Họ gom hết người thân trong gia đình ra đồng khi mùa vụ đến”.
Nguồn tiền từ những người xuất khẩu lao động mang về khiến Kyrgyzstan dần trở mình. Bishkek bắt đầu mở rộng hành lang thành phố bằng những khu phố mới. Chỉ những ngôi biệt thự đẹp với các chóp nhọn theo kiểu Nga hiện ra trên con đường có quá nhiều ổ gà xung quanh thành phố, chị Jaluka nói: “Khu này là nơi mở rộng hành lang của thủ đô Bishkek sau 14 năm Kyrgyzstan tách ra khỏi Xô Viết và chỉ dành cho tầng lớp thượng lưu. Họ có được nguồn tiền do người thân từ Nga hay Mỹ gửi về, chứ ở quốc gia không mở cửa này, lấy tiền đâu ra mà mua đất cất nhà to như thế”.
Nhà nước bắt đầu chú ý khai thác những ngành công nghiệp mũi nhọn khác thay vì tập trung vào nông nghiệp như trước đây. Họ bắt đầu mở cửa cho một vài công ty của Trung Quốc và Đức vào khai thác nguồn khoáng sản.
Lực lượng lao động nam được sắp xếp lại theo tỷ lệ mới: nông nghiệp 48%, công nghiệp 12,5% và dịch vụ 39,5%. Tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống còn khoảng 8,6%.
Đi ngang những nhà máy khai thác khoáng của Trung Quốc hay Đức, chị đều chỉ cho tôi thấy như là minh chứng cho sự trở mình của Kyrgyzstan sau thời kỳ hậu Xô Viết.
Không còn loay hoay xuất khẩu sang những quốc gia thuộc khối Xô Viết xưa, Kyrgyzstan tìm đến những thị trường mới, đặc biệt là UAE và Thổ Nhĩ Kỳ với các mặt hàng chủ yếu: vàng, bông vải, len, thuốc lá, uranium, thủy ngân, các loại thịt. Thị trường xuất khẩu chính của Kyrgyzstan bao gồm: Uzbekistan (25,3%), Russia (22,1%), Kazakhstan (20,1%), Trung Quốc (7,8%), UAE (5,5%), Afghanistan (5%) và Thổ Nhĩ Kỳ (4,2%).
Việc xuất khẩu trong năm 2012 đem lại 2,2 tỷ USD và gần như tương đồng với thời kỳ kinh tế đỉnh cao củaKyrgyzstan khi còn thuộc khối Xô Viết vào năm 1991. GDP của từng mảng đóng góp vào GDP quốc gia cũng đã thay đổi: nông nghiệp, 20,2%; các ngành công nghiệp, 27,3% và dịch vụ, 25,5%.
Theo ước tính của nhiều chuyên gia, nếu mở cửa cho các tập đoàn lớn của nước ngoài vào đầu tư, Kyrgyzstan có thể đạt GDP khoảng 5 tỷ USD.
Một số mặt hàng cần thiết trong cuộc sống hằng ngày cũng đang đổ bộ vào Kyrgyzstan, nhiều nhất là điện thoại của Hãng Samsung. Có khoảng 95% điện thoại di động Samsung được người địa phương sử dụng. Tuy nhiên, internet chưa phát triển nên phải rất khó khăn tôi mới tìm được một tiệm internet. Các thương gia của Kazakhstancũng rục rịch đánh những chuyến hàng quần áo bằng xe tải sang đây bán vào mỗi cuối tuần.
Tôi thích sự chia sẻ chân thành của chị Jaluka: “Tôi nói tiếng Anh, Linh có nghe được không? Những người châu Âu đến đây nói nhanh quá, tôi không nghe được gì hết”.
Nhưng rồi tôi lại bùi ngùi khi nghe chị hỏi: “Linh nghĩ tôi có thể trở thành hướng dẫn viên du lịch được không khi nhà nước mở cửa? Nhưng đợi đến bao giờ, chắc lúc đó tôi già lắm rồi!”.
(Tham khảo bài viết đã được đăng trên báo DNSG số 256 ngày 14/8/2013)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét