Thứ Hai, 21 tháng 9, 2015

Karakol: Thụy Sỹ của Trung Á

Những rừng tuyết tùng bao lấy những đỉnh núi Tian Shan phủ tuyết trắng xóa. Mùa hè đến, những người giàu có đến Karakol (Kyrgyzstan) dựng lên các Yurt đủ màu sắc cho kỳ nghỉ hè. Rồi khi mùa đông đến, Karakol lại nhộn nhịp đón những đoàn người leo lên núi cao trượt tuyết.
Dãy Tian Shan cao 4.000m phủ tuyết trắng quanh năm chạy giữa và chia Kyrgyzstan làm hai phần Nam và Bắc. Ở mọi góc nhìn, Tian Shan luôn hùng dùng và lọt vào tầm mắt tôi. Ở quốc gia này, dường như các thành phố nằm tựa đầu dãy núi huyền thoại vào được bao bọc xung quanh là các thung lũng màu mở.
Trên đường đi từ Bishkes đến Karakol, những cánh đồng hoa Poppy đỏ rực như ánh lửa hồng sưởi chút ấm áp không khí lành lạnh của những ngày mùa xuân.

Karakol – Thụy Sỹ của Trung Á

Từng là điểm dừng chân đầu tiên của đoàn người trên con đường tơ lụa khi đến Kyrgyzstan, nhưng Karakol lại được du khách biết đến nhiều hơn trong việc nghỉ dưỡng vào mùa hè hay trượt tuyết vào mùa đông.
Người Karakol yêu thích và trồng hoa mận trong vườn hay ven theo các con phố dù lợi nhuận thu được chẳng là bao. Cứ mùa xuân đến, chúng lại nở hoa trắng muốt cả một góc trời và người ta ví von đó là mùa hoa anh đào.

Yurt – ngôi nhà truyền thống của người Trung Á
May mắn cho tôi trong chuyến đi gặp được chị Jakulya, một giáo viên tiếng Anh đã bỏ nghề từ lâu. “30 sinh viên của lớp trong thời kỳ thuộc Xô Viết, để rồi đến năm thứ 5 chỉ còn đúng 6 người học và tốt nghiệp. Ở quốc gia này, tiếng Anh như là một ngôn ngữ xa lạ và cũng không biết lấy ai để mà dạy…”. Chị Jaku cười chia sẻ.
Đóng cả quầy hàng đang kinh doanh, tôi và chị cùng lên núi.
Tôi đã biết lý do tại sao du khách gọi Karakol là một Thụy Sỹ của Trung Á bởi đường lên núi đẹp tựa một bức tranh. Một kiệt tác của thiên nhiên!.
Chị Jaka cho biết: “Chỉ ở Karakol, thổ nhưỡng mới phù hợp cho cây tuyết tùng sinh sống, sự sinh sôi, nảy nở của chúng tạo thành những cánh rừng dày đặc trên núi cao. Khi mùa hè đến, những người giàu có từ Kazakhstan, Nga hay Bishkes đưa cả gia đình đến đây cắm trại”.

Đào rừng nở ven bên suối
Những túp lều đầy màu sắc được dựng theo kiểu Yurt (ngôi nhà truyền thống của người Trung Á trên các đồng cỏ), con người hòa mình cùng với thiên nhiên xinh đẹp và không khí trong lành.
Lên cao hơn trên núi một chút nữa là khu vực dành cho trượt tuyết vào mùa đông. Từ trên cao, hồ Issyk Kul trông như một giọt nước lớn long lanh nằm vắt vẻo trên thung lũng Chuy.
“Những người giàu có lại lũ lượt kéo nhau đến Karakol khi mùa đông đến. Phải đặt khách sạn trước mới có chổ. Người ta chỉ cào tuyết đúng một đường dành cho người đi bộ lên trạm tập trung. Từ đây, cáp treo sẽ vận chuyển tiếp lên núi cao trượt tuyết…” Anh Azamat – bảo vệ khách sạn trên núi chia sẻ.

Cung đường tơ lụa ngày nay

Trong quá khứ, từ Karakol đoàn người trên con đường tơ lụa ven theo hồ Issyk Kul để đến điểm tập kết Bishkes. Người Karakol thích gọi Issyk Kul là “biển” hơn “hồ” bởi Kyrgyzstan nằm trong lục địa.

Một vài ngôi nhà nằm trong thung lũng trong ánh chiều tà
Hồ Issyk Kul là hồ nước lớn thứ nhì trên thế giới với độ sâu 663m và trải dài đến 4.000m. Làn nước trong xanh, không nhìn thấy bờ bên kia và được dãy núi Tian Shan đầy tuyết bao phủ, nên Issyk Kul cũng là điểm đến lý tưởng để nghỉ dưỡng trong mùa hè cho đoàn người giàu có.
Những resort cao cấp mọc lên như nấm ở các thị trấn nằm ven theo bờ hồ và nhiều nhất ở thị trấn Cholpon – Alta. Ngoài lợi nhuận thu được từ du lịch, người dân ở các thị trấn ven hồ còn đánh bắt cá, chế biến thành món cá xông khói và cung cấp thực phẩm nội địa.

Nhà thờ chính thống của Nga làm bằng gỗ tại Karakol
Món cá xông khói khá “đắt đỏ” tại Kyrgyzstan bởi là mặt hàng quý hiếm. Trong các buổi tiệc sang trọng hay trong những nhà hàng lớn, cá xông khói được sử dụng trộn vào các món salad.
Nhộn nhịp và không quên đối với du khách là hình ảnh những phiên chợ đêm cuối tuần ở bất kỳ thị trấn nào quanh hồ Issyk Kul. Chợ bắt đầu từ 12 giờ đêm thứ bảy kéo dài đến 10 sáng ngày chủ nhật hôm sau.

Một chú ngựa ăn cỏ bên bờ hồ
Từ các rẽo đường ở nông thôn, người bán chuẩn bị tất cả những gì tươi ngon nhất về rau củ hay những đàn gia súc mập mạp nhất để hành quân đến kịp phiên chợ này. Không chỉ có người bản địa tham gia, một số thương gia bán lẽ từ Kazakhstan cũng đánh xe qua để bán quần áo.
Trên cung đường tơ lụa ngày nay, một “đặc sản” quý hiếm chỉ xuất hiện vào đầu tháng 5 trên núi cao được các em bé chăn các đàn gia súc vẫy tay chào bán cho đoàn xe lưu thông dọc đường: cây Yshkyn.
Lột võ bên ngoài, người ta ăn sống phần thân non bên trong. Hương thơm như lá bạc hà của cây có tác dụng khử và diệt virus đường hô hấp, vị chua thanh tao của cây lại có tác dụng giúp cơ thể tiêu hóa tốt hơn.

Cây Yshkyn
Cũng trên cung đường ấy, người Trung Quốc bắt đầu đến đây lập các nhà máy để khai thác khoáng sản của dãy núi Tian Shan. Không quá hiểm trở và đèo dốc quanh co như cung đường Osh – Bishkhes, nhưng một số đoạn đường Karakol – Bishkes đã bị hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, người Trung Quốc lại đến đây xây dựng và nâng cấp các đoạn đường để tỏ “tình thân” với quốc gia láng giềng kế bên.
Mùa xuân cũng là mùa hoa bồ công anh. Những sợi tơ trời như vướng vấn lòng du khách …
Thông tin
Từ bến xe buýt miền Tây ở thủ đô Bishkes, bắt xe buýt 16 chổ để đến Karakol. Giá xe buýt 300 Som. Tàu lửa chỉ chạy từ Bishkes đến Balykchy (thị trấn cửa ngõ để vào Karakol) vào sáng sớm. Giá tàu lửa 70 Som và tàu chạy rất chậm. Giá thuê taxi để lên khu trượt tuyết : 1.500 Some cho 2.5 tiếng.
(Tham khảo bài viết đã đăng trên báo PNTPHCM ngày 29/08/2013)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét