Thứ Bảy, 22 tháng 8, 2015

Trích hồi ức "Tây Tạng mùa đông - về phía Đông Lhasa": Jokhang

(Phuot.vn)

Tôi đã viết nhiều về Jokhang, trái tim của Lhasa, trái tim của Tibet. Chúng tôi đã đi theo dòng người đi vòng quanh tu viện, và giờ đến lúc bước vào trong đó. Cũng biết rằng bên trong đã là cái "máy gặt tiền du khách" của chính quyền Trung Quốc, nhưng không vào thì cũng không đành lòng. Nơi đây là kho báu tinh hoa của Tibet, cả về vật thể và tâm linh.

Lại một lần nữa bị kiểm tra, lần nữa nhìn thấy cái cột cờ chỏng gọng, cái lều canh trên mái nhà xa xa nhức nhối. Nhưng bỏ qua thôi, chấp vào cái gì cũng đều là vọng cả ...



Khi mua vé và bước vào trong, chúng tôi gặp một đoàn người Tibet có vẻ từ xa đến. Những người này khác với những người đang ngày đêm đi vòng bên ngoài tu viện. Tuy mặc toàn bộ đồ truyền thống, nhưng họ có vẻ giàu có, sang trọng hơn một chút. Những bộ quần áo truyền thống sạch và mới. Những người phụ nữ đeo rất nhiều trang sức trên đầu, trên cổ: những chuỗi vòng đá lớn màu xanh đỏ, những chuỗi vòng tay lấp lánh. Tuy tu viện đông đúc thêm, nhưng không phải là những du khách lộn xộn, mà là đoàn người đi lễ nên không gian lại thêm sinh khí thiêng liêng.



Những bức tường của Jokhang được vẽ kín bởi bích họa. Nhưng đây cũng là phục chế lại thôi, những hình ảnh gốc đã bị tàn phá theo sự ngu dốt của một thế hệ thiếu học bị kích động những năm 1960s.



Khung cửa chính dẫn vào Nội điện của Jokhang. 



Những tảng đá lát trong hơn nghìn năm qua đã đón nhận bao nhiêu bước chân?



Trên trần của hành lang chính dẫn vào nội điện.



Từ đây không được chụp ảnh nữa. Có thể thấy bên trên là camera theo dõi. Cái này tôi phải zoom từ xa vào. Chính giữa là tượng Dalai Lama thứ 5. Hai bên còn những pho tượng rất lớn của Liên Hoa Sinh, Tông Khách Ba, và các tượng Phật.



Bước vào chính điện của Jokhang, thực sự lúc đầu tôi cũng không có nhiều cảm xúc lắm. Có lẽ vì buổi sáng đã nhìn thấy nhiều báu vật trong Potala rồi, nên những bức tượng ở giữa điện không gây ấn tượng mạnh. Xung quanh chính điện có nhiều điện thờ nhỏ mới là nơi gìn giữ những bảo vật thiêng liêng nhất, nhưng các chỗ đó đều bị một tấm lưới sắt rất lớn ngăn cách. Người ta có thể đứng ngoài nhìn vào bên trong, nhưng không vào được vì các lưới sắt đó rất nặng lại được khóa bốn phía.

Lúc đó đoàn người Tibet kia vừa đi vừa lễ đến nơi có căn phòng nhỏ, trong đó có một bức tượng Quán Âm rất thiêng liêng. Bỗng tôi nghe tiếng loảng xoảng: một vị lama mở khóa và kéo tấm sắt sang bên cho đoàn người đi vào trong !

Lặng một lúc, tôi quay lại nhìn June để hỏi: Có vào không? Thế rồi không nói gì, cả hai vội vàng đi vào cùng đoàn người. Chiêm ngưỡng pho tượng ở vị trí gần như thế, nghe tiếng những người Tibet lầm rầm đọc kinh, cầu nguyện, ..., tôi nhắm nhẹ mắt lại và cảm nhận cái không khí tràn ngập thiêng liêng. 

Lúc đó có một số người Tibet lấy điện thoại ra chụp ảnh bức tượng. Tôi phân vân, nửa muốn nửa không. Cuối cùng tôi đã không chụp ảnh tại căn phòng nhỏ đó.

Đoàn người lục tục kéo ra, để đi đến khám thờ ở cuối chính điện, nơi thiêng liêng nhất của Jokhang, trái tim của trái tim Tibet...

Tấm lưới sắt chắn ngang được kéo lên, cùng đoàn người, tôi và June đi vào giữa và lọt vào hậu điện, nơi thiêng liêng nhất của Jokhang, nơi đặt bức tượng trấn giữ cõi Tibet. Những bài đầu của topic này đã viết rất nhiều về bức tượng này rồi.

Trên mạng cũng có những bức ảnh về pho tượng này, và thực sự nhiều người vào Jokhang cũng đã chiêm ngưỡng bức tượng này qua tấm màn sắt. Bước vào trong, thực ra tôi cũng không thể chạm vào pho tượng vì xung quanh quá nhiều đồ thờ. Phía trước bày các bát nước cúng, tôi lấy một ít cho vào chiếc lọ nhỏ mang theo. Lúc này một vị lama đang lấy dầu thơm xức lên pho tượng, và xung quanh, những người Tibet đọc rền vang những bài kinh. 

Lúc này, một số người xung quanh tiếp tục chụp bằng điện thoại. Không nhịn được, tôi cũng rút máy ảnh bấm liên tục !



Chúng tôi đi vòng một vòng quanh pho tượng, trong tiếng đọc kinh của người Tibet, trong ánh sáng những ngọn đèn bập bùng. Nhiều người nhìn thấy pho tượng qua tấm màn sắt, nhưng những pho tượng ở hẳn đằng sau thì chắc rất ít người được thấy, và còn chụp ảnh được nữa. Tôi giữ nó cho riêng mình.

Chúng tôi đứng lặng ở đó, giữa âm thanh, ánh sáng, khói hương, và tâm linh tột độ.

Cũng nhờ đoàn người Tibet đó, tôi có thể chụp ảnh trong chính điện không ngại ngần. Nếu lúc khác thì sự đe dọa tịch thu máy và sự giám sát bởi hàng chục camera của người TQ chắc chắn làm tôi chùn tay.

Pho tượng Liên Hoa Sinh, bày đối diện, nhìn thẳng vào tượng Jowo Sakyamuni



Pho tượng Văn Thành công chúa, bình thường khóa nhưng đã được mở ra cho những người hành hương chạm vào:



Rời chính điện ngập trong tâm linh và hương khói, chúng tôi đi lên phía nóc Jokhang, nơi không gian xanh thăm thẳm mênh mông.

Những mái vàng của Jokhang đang được tu sửa, rực lên trong nắng chiều.





Từ trên nhìn xuống, quảng trường Bakhor tràn nắng, những người dân Tibet vẫn cặm cụi lễ lạy bên ngoài, trong vòng vây kiểm soát của người Trung Hoa. Potala xa xa còn bị canh phòng nhiều hơn thế.

Ngay phía trước Jokhang là tấm bia Tibet (hình cột đá có mũ ở trên) ghi lại hòa ước giữa nhà Đường và Tsongphan Khambo, nhấn mạnh rằng cương thổ đã chia, không xâm phạm lẫn nhau. Bên trái là các tấm bia Hán của các triều đại sau này khi đã có uy lực chi phối Tibet.





Có một bà cụ hành lễ ở phía xa khác hẳn với những người khác: Cụ không hề dùng bất cứ đồ hỗ trợ nào. Trong khi người khác có những tấm gỗ, đeo găng tay, tấm da để hành lễ thì cụ cứ tay trần mà sấp mình trên mặt đá trong thời tiết lạnh buốt đến gần 0 độ. Mỗi lạy là cụ lại lần một hạt trong tràng hạt trước mặt, cứ thế, cứ thế. Khi chúng tôi rời quảng trường, nhìn lại vẫn thấy cụ đang nghiêm cẩn quỳ lạy, mái tóc bạc phơ đắm trong niềm tin sâu thẳm.



Trước khi về nghỉ, tôi lại đi một vòng nữa quanh đền Jokhang, hòa vào với dòng người mộ đạo.

Đây là buổi chiều cuối tôi còn ở lại Tibet. Sáng hôm sau đã ra sân bay rời xa vùng đất của Chư thiên. Buổi sáng trước khi đi, tôi và các bạn đã lại đến nơi đây một lần nữa, lặng lẽ hít mùi khói hương đầy ngực, nhìn cho đã mắt. Và cùng với một người bạn, tôi đã nằm xuống áp mặt vào nền đá lạnh trước Jokhang...






Tác giả: Chitto
Ghi rõ nguồn Phuot.vn và tên tác giả khi phát hành lại bài viết này.

1 nhận xét: