Thứ Năm, 13 tháng 8, 2015

“Thành phố vườn” Melbourne

Điều gì khiến Melbourne (Australia) trở thành thành phố đáng sống nhất - câu hỏi ấy theo tôi ngay từ những ngày bắt đầu cuộc sống ở Melbourne.
Thực ra, người Melbourne và người Úc nói chung không mấy chú tâm đến những danh hiệu dành cho mình như quốc gia hạnh phúc nhất thế giới 2013 (do khối Hợp tác và phát triển kinh tế - OECD - xếp hạng) hay thành phố đáng sống nhất thế giới (theo xếp hạng năm 2011, 2012 của tuần báo Economist, Anh). Những danh hiệu này được loan nhiều hơn trên các ewbsite hay trang mạng xã hội của người nước ngoài sống ở Melbourne, nhất là du học sinh.
1. Xét về số tòa nhà chọc trời hoành tráng, theo kiểu chúng ta thường hình dung về những thành phố hiện đại, thì còn lâu Melbourne mới sánh với những đô thị phồn hoa Á châu. Cả thành phố 37,7 km2 trải ra như một hình vuông với góc khuyết là Port Philip Bay. Những tòa nhà cao tầng hầu như tập trung ở khu CBD. Tuy nhiên, ngay tòa nhà cao nhất Melbourne, Eureka tower, xếp loại cao thứ hai ở Úc cũng chỉ cao 297m; một tòa nhà sắp xây khác dự tính cao 388m, xem ra đều chưa là gì so với Khalifa ở Dubai với chiều cao tới 828 m. Bởi thế, khi du khách đến Melbourne muốn tìm một địa điểm được xem như trái tim thành phố, người ta thường chỉ sông Yarra và quảng trường Federation, nơi mà diện tích có lẽ còn nhỏ hơn những quảng trường trước các nhà hát tỉnh lẻ ở Việt Nam.
Melbourne chỉ vậy, có phần hơi bình lặng, soi bóng xuống sông Yarra cũng chẳng mấy xanh trong và có thời còn bị ô nhiễm nặng. Cảnh vật cũng thế. Những ngày đông, khi tiết trời có phần u ám, thành phố buồn đến độ bước chân người cũng muốn chùng xuống. Mùa thu, tuy cỏ cây đã nhuốm màu quan san nhưng chưa đủ vàng mơ để đọ với thu vàng ở Canada. 
Cái hấp dẫn của Melbourne, có chăng, ở chính cái sự đa diện của nó, từ nhộn nhịp cho những người mê mua sắm với những cửa hàng hạng sang có đủ thương hiệu đắt tiền, những khu siêu thị lớn ở Melbourne Central, Bourke Street Mall, Chadstone, Hightpoint… hay dạo chợ trời kiểu Âu, kiểu Việt như Queen Victoria Market, Camberwell, Laverton... đến đa dạng sắc dân lẫn văn hóa, để bất cứ ai cũng có cảm giác mình được chào đón. Một khu phố người da đen và một liên hoan tôn vinh những cư dân từ lục địa đen đã cống hiến cho sự phát triển của thành phố diễn ra ngay giữa thủ phủ người Việt Footscray có những hàng ăn Ý hay Ấn Độ nằm kế bên. Một người Việt Nam, như tôi, có thể không cần tiếng Anh, vẫn đường hoàng sống ở Melbourne, sáng bún bò Huế, cháo lòng hay phở, trưa cơm chiên hay bánh xèo, bánh hỏi, tối đổi món qua cơm Thái hay Ấn, châu Âu mà chẳng cần đâu xa, chỉ loanh quanh nơi North Richmond hay Footscray là đủ. Tôi vào ngân hàng lớ ngớ, đã có nhân viên biết tiếng Việt hướng dẫn...
Một góc chợ Camberwell. Ảnh: L.V.T
Melbourne không làm người ta thấy xa nhưng vẫn lạ. Những ngõ nhỏ Melbourne ngay giữa trung tâm thành phố với các quán cà phê Úc thơm nồng mùi cà phê và bánh nướng cho ta cảm giác thật “đã’ giữa những ngày đông; cái cách cả Australia ngừng tay để xem đua ngựa Melbourne Cup - sự kiện lớn nhất trong bốn ngày hội đua ngựa mùa xuân Melbourne Racing Carnival, diễn ra vào thứ ba tuần đầu tháng 11 - cũng thật đáng để ngước nhìn. Và ngay cái quảng trường Federation từng bị chê xấu, hơn mười năm sau, đã thành trái tim cho một thành phố được mệnh danh là thủ đô đa văn hóa của nước Úc. Vào những ngày hội như đêm trắng Melbourne, ta có thể thả hồn trong dân nhạc từ Á qua Âu ngay tại nơi này. Ngày hội áo dài của sinh viên Việt ở Melbourne cũng diễn ra ở đây.
Nét đa văn hoá tạo sức sống cho không gian sống, cái hồn cốt đô thị Melbourne.
2. Từ ngày đến Melbourne, tôi tự dưng bỏ đi nhiều thói quen. Cái tật ghiền thuốc lá, thả khói những khi căng thẳng bỗng mất tiệt. Ngoài lý do cái vỏ bao thuốc lá ở Úc quá xấu, lại in những hình cảnh báo thấy gớm khiến cái thú bập phà bỗng mất hứng, còn bởi thật bất tiện vì mỗi khi lên cơn ghiền phải lọt tọt tìm ra tận ngoài đường để hút. Ngược lại, cái thói quen đạp xe loăng quăng những ngày chớm đông Hà Nội tưởng đã bỏ từ lâu, nay trở lại, chỉ khác là không còn lo mấy cái chuyện tránh để không đâm sầm vào những người bất chợt lao ra từ một ngách phố. Melbourne khá thân thiện cho người đi xe đạp, bởi có làn đường riêng, người ta đi lại cũng ý tứ hơn và biết tôn trọng nhau. Và những con đường, ngang công viên hay những nhà thờ, đủ xanh và đủ sạch, đủ lãng mạn và đủ lạ, đủ an toàn cả về an ninh lẫn môi trường để níu ta đi thêm chặng nữa thay vì tất bật về nhà hay hộc tốc đạp xe cho kịp vượt đèn xanh.
3. Melbourne không phải chỉ có những khoảng sáng. Ở đó từng có chuyện môi trường sông bị ô nhiễm; có những cư dân lang thang vẫn dùng tiếng đàn, tiếng hát để làm nghề hành khất; có cảnh dân thất nghiệp xin thuốc lá ở các ga tàu điện ngầm như cơm bữa; có không ít người cần mẫn nhặt từng đồng bạc lẻ mỗi ngày từ đủ thứ công việc khác nhau. Có cả nạn phân biệt đối xử với sinh viên châu Á.
4. Người hướng dẫn tôi ở ABC, anh Hạnh, trưởng ban Việt ngữ của đài Úc (Radio Australia thuộc ABC) từng học ở Canberra, sống ở London khá lâu, nhưng rồi quay về góc núi ở Gisborne, một ngôi làng nhỏ dưới chân rặng núi Macedon, cách thủ phủ Melbourne chừng 60 km về phía Tây Bắc. Mỗi ngày, anh mất hơn tiếng đồng hồ ngồi xe lửa lên thành phố làm việc, rồi mất thêm một tiếng cho chuyến về. Hỏi sao không ở London, anh bảo, chán thành phố rồi, muốn về thiên nhiên. Và Melbourne cho anh cơ hội sáng làm công chức ở ABC, chiều về chăm cây, nuôi gà ở Gisborne, chủ nhật bày barbecue ngay vườn nhà chiêu đãi bạn bè từ trung tâm Melbourne xuống rồi rủ nhau lên núi Macedon chụp ảnh thu chuyển màu. Sự dung hòa giữa thành phố và thôn quê trong một mệnh danh "thành phố vườn" của Melbourne, ngoài việc trở thành không gian sống lý tưởng cho những người như anh Hạnh, còn là điều thú vị trong quy hoạch Melbourne, đáng để cho nhà quản lý những đô thị, tuy chưa lớn mà đã chật, chưa hiện đại mà đã ồn ã ở Việt Nam, suy ngẫm.
Giữa Melbourne một ngày đông, ngắm những dáng người đi trên phố như chậm lại, gần lại bên nhau, tôi chợt hiểu tại sao người ta chọn để sống và yêu chốn này.
Lê Viết Thọ


Những góc nhìn về thành phố Melbourne


Melbourne là thành phố được quy hoạch theo dạng bàn cờ với những hàng cây ngô đồng cao to phủ xanh trên các nẽo phố. Dọc theo các con phố san sát là những shop bán hàng. Nếu chỉ nhìn tổng quan như thế, Melbourne không có gì khác biệt so với các thành phố khác trên quả địa cầu này.

Góc nhìn của người châu Á và phương Tây

Du khách châu Á cho rằng: Melbourne là một thành phố văn minh, sạch, xanh và có nhiều chọn lựa trong mua sắm. Rất ít các thành phố của châu Á thỏa mãn được điều này, thậm chí đó là một điều quá xa xỉ. Sự văn minh ở Úc mà du khách có thể nhìn thấy là chính phủ Úc cho phép những công dân của mình nghiện heroin sử dụng tự do trong quốc gia. Kim tiêm được bỏ vào một thùng rác đặc biệt luôn kèm theo thùng rác lớn. Tuy nhiên, việc vận chuyển ma túy vào Úc tuyệt đối nghiêm cấm. Người dân Úc chỉ đóng 1 đô la Úc/năm về bảo hiểm y tế mà có thể hưởng được những dịch vụ y tế kỹ thuật cao nhất.

Một góc yên của Melbourne bên dòng sông Yara.
Người phương Tây cho rằng, Melbourne là một thành phố đáng yêu với tên gọi “thành phố bốn mùa”. Buổi sáng, nhẹ nhàng cơn gió mùa xuân, buổi trưa một chút nắng hanh hanh của mùa hè, chiều xuống với những làn sương khói của mùa thu và một chút lành lạnh của mùa đông vào buổi tối.
Leng keng và dọc ngang trong những nẻo đường phố là những chiếc tàu điện cổ có từ những năm 1884. Với hệ thống đường ray hiện nay là 250km, hệ thống tàu điện ở Melbourne được ghi nhận là dài nhất thế giới.
Người phương Tây thường tìm đến những kiến trúc với nét hoa văn sắc xảo trong từng giai đoạn văn hóa theo dòng lịch sử đang bị biến mất bởi thời gian qua các nhà thờ, công trình công cộng hay những dãy phố trong lòng thành phố. Melbourne lại sự chọn lựa yêu thích và ít nhất du khách phương Tây có thể ngắm nhìn những kiến trúc hay những ngôi vườn được thiết kế đặc trưng theo phong cách Victoria – một mô típ thịnh thành từ năm 1839 đến 1901 – ngoài nước Anh.

Melbourne – thủ đô văn hóa trong tôi

Melbourne lại có dòng chảy mảnh liệt về văn hóa. Tôi thích gọi Melbourne là thủ đô văn hóa của nước Úc, ít nhất qua góc nhìn nhỏ về khía cạnh “nghệ thuật”.
Từng là thuộc địa của người Anh trong quá khứ, du khách cho rằng Melbourne không mang nhiều bản sắc văn hóa riêng, ít nhất là trong âm nhạc. Nhưng ít ai biết rằng, Melbourne còn là nơi cho ra lò những điệu nhảy từ đầu thập niên 1930 mà đến nay người ta xem như là điệu nhảy truyền thống mang bản sắc riêng của người Úc: New Vogue và Melbourn Shuffle. Cũng ít ai để ý rằng, Melbourne là cái nôi và là nơi sản xuất ra những bộ phim cho ngành công nghiệp điện ảnh của nước Úc. Không chỉ có phim trường, ở Melbourne còn có cả những viện nghiên cứu về phim ảnh và ti vi để phục vụ cho ngành giải trí của nước Úc.

Nhà ga tàu điện trung tâm của Melbourne theo kiến trúc Victoria.
Bắt đầu từ khu thương mại trung tâm của Melbourne, len lõi qua những ngõ phố dạng bàn cờ nối tiếp ở con đường Union, tôi đắm chìm vào những bức tranh được vẽ dưới dạng Gaffiti đường phố. Không theo một chủ đề hay trường phái nhất định, những họa sĩ thể hiện những gì mình muốn vào những chiếc cọ vẽ. Những bức tranh đầy sắc màu sống động và thể hiện tâm hồn yêu nghệ thuật của người Melbourne. Tất cả họ là những họa sĩ tự do.
Anh Nellia – một họa sĩ đang vẽ tranh trên phố cho biết: “Ảnh hưởng từ nghệ thuật đường phố New York vào những năm 1970, đến nay chỉ còn 6 trong số 180 ngõ ở khu thương mại trung tâm chưa được vẽ. Chúng tôi trưng dụng tất cả các khoảng trống để vẽ, cho dù đó là những thùng đựng rác. Chúng tôi đang yêu cầu chính quyền tiểu bang Victoria cho phép chúng tôi tiếp tục được vẽ ở những khu phố khác”.

Nghệ thuật Gaffiti đường phố ở Melbourne.
Melbourne đang trở thành trung tâm lớn nhất thế giới về nghệ thuật Gaffiti đường phố. Anh Nellia cho biết thêm:“Những người chủ căn nhà cũng chẳng buồn phiền hay bị tổn thương sau khi được các họa sĩ vẽ tứ tung lên đó. Họ cũng là những người yêu thích nghệ thuật tự do và cứ tha hồ cho họa sĩ thể hiện sự tự do đó”. Không chỉ có những bức tranh Gaffiti đường phố, những họa sĩ tự do còn lấp đầy những mãng tường “nghệ thuật Gaffiti” bằng những poster hay những áp phích được vẽ từ nhà.
Nghệ thuật Gaffiti đường phố đã tạo cho Melbourne một nét rất riêng và rất khác biệt so với các thành phố khác ởÚc.
Dù khác biệt màu da, ngôn ngữ hay văn hóa và người châu Á hay phương Tây có những góc nhìn khác nhau về Melbourne, nhưng Melbourne đều đẹp ở mọi góc lăng kính. Chẳng phải thế, Melbourne luôn nhận giải thưởng cao quý bình chọn hàng năm của rất nhiều tạp chí kinh tế lớn của thế giới: 1 trong 20 thành phố đáng sống trên thế giới.
(Tham khảo bài viết đã đăng báo SGTT ngày 26/06/2013)
(Nguồn: Linhnc2005)

Melbourne là thành phố đáng sống nhất thế giới

An Ngọc (Trung tâm Tin tức VTV24)

VTV.vn - Với không gian thoáng đạt, nhiều bảo tàng nghệ thuật và món café trứ danh, Melbourne (Australia) lần thứ 5 liên tiếp đứng đầu danh sách những thành phố đáng sống nhất.

Cơ quan nghiên cứu kinh tế toàn cầu mới đây đã công bố danh sách những thành phố đáng sống nhất trên thế giới năm 2015. Tiêu chí đánh giá thành phố đáng sống nhất thế giới bao gồm an ninh, cơ sở hạ tầng, y tế tốt, tỷ lệ tội phạm thấp.
Trong số 140 thành phố được khảo sát, Melbourne - thành phố lớn thứ 2 của Australia đã đứng đầu danh sách. Tiếp theo là các thành phố Viena (Áo), Vancouver, Toronto (Canada), Adelaide (Australia)…
Trong khi đó, Paris (Pháp) và Tunis (Tunisia) đã bị giảm bậc xếp hạng do những bất ổn về chính trị và các cuộc khủng bố diễn ra gần đây.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét