Chủ Nhật, 21 tháng 6, 2015

Tục lệ nhịn ăn trong tháng Ramadan Hồi giáo

Thực hiện nghiêm túc quy định không ăn vào ban ngày, dùng bữa iftar khi mặt trời lặn, làm từ thiện và cầu nguyện là những điều người Hồi giáo tuân thủ trong tháng Ramadan. 

Tháng Ramadan năm nay bắt đầu từ ngày 18/6 vào kéo dài đến 17/7, áp dụng cho khoảng 1,6 tỷ tín đồ đạo Hồi. Đây sẽ là sự kiện đáng chú ý với bạn nếu bạn đang ở hoặc sắp du lịch tới các quốc gia theo Hồi giáo.
Người theo đạo Hồi tin rằng nhà tiên tri Mohammed đã nhận được phần cuối của cuốn Khải Huyền từ Thượng đế và nó trở thành kinh Koran. Sự kiện này xảy ra vào tháng thứ 9 của lịch Hồi, vì thế các tín đồ cho rằng tháng đó rất linh thiêng, và tháng có tên là Ramadan. Với người Hồi giáo, đây là thời điểm để để sám hối và thanh tẩy tâm hồn.
London-Muslims-3201119b-2506-1434710095.
Ramadan diễn ra vào tháng 9 theo lịch người Hồi với nhiều thói quen, nghi lễ truyền thống.
Swam (nhịn ăn) là một trong năm trụ cột của đạo Hồi, được viết trong các văn bản Hồi giáo như một nghĩa vụ mà họ phải theo. Ngoài ra, trong tháng Ramadan, họ còn phải thực hiện các việc khác như cầu nguyện, làm từ thiện và hành hương đến thánh địa Mecca ở Arab Saudi.
Suốt một tháng lễ này, tất cả tín đồ đạo Hồi đều thực hiện nghiêm túc quy định không ăn, không hút thuốc, không sinh hoạt tình dục trong khoảng thời gian giữa lúc mặt trời mọc và lặn.
Tuy nhiên có những người không buộc phải nhịn. Người đang ốm, phụ nữ có thai, cho con bú và trẻ em dưới 5 tuổi được miễn trừ. Ngoài ra, những ai đang đi du lịch ở nước ngoài mà ở đó không lấy đạo Hồi làm quốc giáo cũng không cần nhịn ăn.
Tuỳ thuộc vào múi giờ mà tín đồ Hồi giáo ở các nơi nhịn ăn theo thời điểm khác nhau. Tại London, nhiều người sử dụng thời gian biểu dựa vào lúc mặt trời mọc và lặn. Còn ở một số nơi khác, thời điểm nhịn ăn bắt đầu khi họ ngủ dậy.
Khi mặt trời lặn, một bữa ăn được gọi "iftar" sẽ kết thúc quá trình chay tịnh trong ngày. Đây là một bữa tiệc đa dạng, gồm các loại đồ ăn với số lượng lớn để cung cấp năng lượng cho các tín đồ.
Truyền thống Ramadan cũng chú trọng khái niệm “sadaqah”- tình nguyện và giúp đỡ những người nghèo khổ, được thực hiện bằng cách làm từ thiện hay thiết thực hơn là dọn rác. Gần đây, các tín đồ Anh còn quyên góp được 100.000 bảng (hơn 3,4 tỷ đồng) cho các quỹ từ thiện trợ giúp quốc tế chỉ trong tháng Ramadan.
Minh An (theo Telegraph)

Quy tắc cần biết khi đến thăm các quốc gia Hồi giáo

Mặc trang phục kín đáo, không sử dụng tay trái tùy ý cũng như bày tỏ tình cảm thái quá nơi công cộng là những điều cần nhớ khi du lịch Malaysia, Brunei, Dubai...

Bạn có thể sẽ gặp rắc rối nếu không nắm được các quy tắc sau khi đến các nước Hồi giáo.
Trang phục
Quy tắc ăn mặc, đặc biệt là với nữ giới ở các quốc gia Hồi giáo khá nghiêm ngặt. Do đó, dù bạn chọn loại trang phục nào thì cũng cần đảm bảo sự kín đáo và lịch sự. Không nên mặc áo phông, quần soóc, váy trên đầu gối đến những nơi linh thiêng hay khu vực dân cư của người bản địa. Tuy nhiên, ở các khu du lịch, bạn vẫn có thể thoải mái một chút với những bộ quần áo không quá hở hang.
malaysia.jpg
Nên ăn mặc kín đáo, lịch sự tại nơi công cộng khi thăm các nước Hồi giáo.
Nhà thờ Hồi giáo
Là địa điểm tham quan thu hút rất đông khách du lịch nhưng không phải ai cũng nắm hết những quy tắc tối thiểu trước khi bước vào. Bạn có thể sẽ được mời ở ngoài nếu quần áo thiếu nghiêm túc. Ở một số nhà thờ, phụ nữ được phát một bộ áo và khăn choàng đầu để che phủ. Mọi người đều phải bỏ giày dép, mũ, rửa tay chân, lau mặt trước khi vào thánh đường.
Một nguyên tắc cần được tuân thủ là không đụng chạm vào sách Kinh Koran hay chụp ảnh và tránh đi trước mặt những tín đồ trong lúc họ đang cầu nguyện. Thứ Năm và Sáu là hai ngày cầu nguyện chính nơi đất nước Hồi giáo, bạn nên tránh vào tham quan các thánh đường.
Ăn uống
Các nước Hồi giáo kiêng ăn thịt lợn và những con vật đã chết trước khi được cắt tiết theo nghi thức. Ở một số nơi, họ cũng kiêng ăn các loại gia cầm có thể bay, những động vật vừa sống trên cạn hay ăn thịt sống và ăn tạp (như chó, mèo, chuột...). Uống các chất kích thích như rượu, bia cũng là điều cấm kỵ. Tuy nhiên,  một số nơi vẫn có khu vực bán các loại đồ ăn, thức uống này cho khách du lịch.
Bạn cũng cần chú ý đến tháng ăn chay Ramadan. Tùy từng năm mà Ramadan được xác định ngày cụ thể. Vào thời gian này, những người theo đạo Hồi không ăn, không uống từ khi mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Vì thế nếu du lịch ở đây vào tháng này, bạn nên tránh ăn uống trước mặt họ.
malaysia-2.jpg
Malaysia - một trong những quốc gia Hồi giáo thu hút đông khách du lịch Việt Nam.
Tay trái
Một số nước Hồi giáo quan niệm tay trái là không sạch sẽ và chỉ nên dùng tay phải để làm những việc thiêng liêng, quan trọng. Do đó, bạn cần tránh việc cầm đồ ăn hay đồ lễ bằng tay trái. Khi tặng quà hoặc đỡ đồ ăn, bạn có thể dùng hai tay, tay trái đặt dưới đỡ tay phải.
Việc dùng ngón tay trỏ để chỉ cũng là một điều tối kỵ. Thay vào đó, bạn dùng ngón cái của bàn tay phải và 4 ngón tay còn lại nắm chặt bên dưới.
Giới tính
Nếu được mời vào các gia đình Hồi giáo, đừng ngạc nhiên nếu bạn và người bạn khác giới phải ăn riêng bởi đôi khi phụ nữ không được dùng bữa cùng đàn ông. Dù là vợ chồng, bạn cũng không nên bày tỏ tình cảm quá lộ liễu ở chốn đông người như ôm, hôn, khoác vai...
Vy An

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét