Thứ Hai, 22 tháng 6, 2015

Cung đường công nghệ xứ Phù Tang

Khoác lên mình bộ trang phục phi hành gia, ôm con thú cưng bằng máy biết bày tỏ cảm xúc qua ánh mắt và cử chỉ như người, trải nghiệm robot đọc được suy nghĩ để điều khiển cơ bắp, hay trở thành siêu nhân khi chỉ cần một tay nâng bổng 180kg… đó là những khám phá thú vị trong hành trình du ngoạn theo “cung đường công nghệ” ở Ibaraki - cái nôi đào tạo nhân tài cho khoa học Nhật Bản.
Đã từ rất lâu, du lịch xứ Phù Tang thật khó thoát khỏi “cung đường vàng” (golden route) với những trải nghiệm một Nhật Bản đa chiều ở góc độ hiện đại, sầm uất từ trung tâm thương mại, mua sắm kiểu Tokyo, cổ kính, đậm dấu ấn văn hóa như Kyoto và đặc sắc với phong vị ẩm thực truyền thống như Osaka. Cho đến nay, cung đường vàng vẫn là hành trình du lịch hấp dẫn và phổ thông nhất của lữ khách quốc tế khi đến Nhật. Với lợi thế về phát triển kỹ thuật công nghệ, đặc biệt trong lĩnh vực khoa học không gian và nghiên cứu robot, người Nhật cũng đã biến các sản phẩm công nghệ, các trung tâm nghiên cứu khoa học… thành điểm tham quan, hình thành tuyến du lịch mới mang tên “cung đường công nghệ”, đang ngày càng trở nên hấp dẫn khách lữ hành.
Trung tâm không gian Ibaraki
Nhắc đến Ibaraki, nhiều người phải chau mày để định hình xem vị trí của nó ở đâu trên bản đồ Nhật Bản, bởi tỉnh lẻ này chẳng có gì nổi bật so với những điểm đến đầy hấp dẫn của “cung đường vàng” cho dù từ Tokyo xuống đến thành phố Tsukuba, thủ phủ của Ibaraki chỉ mất đúng 45 phút tàu cao tốc tuyến Tsukuba Express. Nhưng ở lĩnh vực khoa học, anh bạn Sotaro Nishikawa - từng bốn năm công tác tại Hà Nội, hiện là Giám đốc xúc tiến thương mại Ibaraki đã đưa ra giới thiệu ngắn gọn: “Ibaraki là cái nôi cung cấp nhân tài cho nền khoa học Nhật Bản, khi đã đào tạo hơn 2 triệu nhà khoa học và 8.000 tiến sĩ”.
Mô hình phòng thí nghiệm KIBO với tỉ lệ 1:1
Những con số khiến người Nhật tự hào ấy cũng khó giúp hình dung về một đất nước có nền khoa học hàng đầu thế giới cho đến khi tiếp cận điểm đến nổi tiếng - đại diện tiêu biểu cho nền khoa học vũ trụ Nhật Bản - Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển hàng không vũ trụ Nhật Bản (JAXA) tại Tsukuba, nơi đang điều khiển hoạt động của KIBO - phòng thí nghiệm không gian lớn nhất kết nối với Trạm Không gian quốc tế (ISS), được đưa lên quỹ đạo năm 2008 cùng với nhà du hành Akihiko Hoshide.
Tại Nhật Bản, Trung tâm Không gian Tsukuba được xây dựng từ 1972, mở cửa tự do cho khách tham quan các hoạt động chính gồm khu vực thiết bị cùng công tác huấn luyện và chăm sóc sức khỏe cho phi hành gia, khu làm việc của 50 nhà khoa học đang trong các thao tác điều khiển và trao đổi thông tin trực tiếp bằng hình ảnh và lời thoại từ trạm thí nghiệm KIBO trên ISS, khu vực tiếp cận và trải nghiệm kỹ thuật chế tạo tên lửa, âm thanh và hình ảnh các lần đưa vệ tinh lên không gian.
Khu vực Space Dome trưng bày tổng thể những khái lược về ngành hàng không vũ trụ Nhật Bản. Người xem được nhìn cận cảnh các vệ tinh do thám không gian, vệ tinh nghiên cứu khí tượng thủy văn... mà Nhật đã đưa lên không gian như KIKU - 7, YURI, DAICHI, IBUKI... và được khám phá mô hình toàn bộ phòng thí nghiệm và khoang điều áp của KIBO với các thiết bị và kích thước thật. Phòng triển lãm này cũng trưng bày các động cơ tên lửa LE-7A, LE-5, đặc biệt là tên lửa H-II với trọng lượng 260 tấn - niềm tự hào của Nhật Bản trong ngành công nghiệp chế tạo tên lửa dùng phục vụ nghiên cứu khoa học không gian. Thông tin nơi đây được nhân viên của Trung tâm - cũng là những nhà nghiên cứu - tận tình hướng dẫn, giải đáp để du khách luôn cảm thấy thỏa mãn với hành trình tìm hiểu về khoa học không gian Nhật Bản.
Động cơ tên lửa trưng bày trong phòng triển lãm của JAXA - Tsukuba
Du khách tham quan Trung tâm không gian Tsukuba còn có cơ hội dùng các món ăn phổ thông mà phi hành gia Nhật thường dùng trên trạm vũ trụ quốc tế. Các món ăn quen thuộc trong ẩm thực Nhật, khi đưa lên không gian được đóng gói, hút chân không, được bày bán - phục vụ theo nguyên bản cung cấp cho phi hành gia, cả bánh cấp đông, kem bảo quản theo phương pháp làm lạnh khô... chính là những món thông dụng khác được du khách thường mua để trải nghiệm phong vị ẩm thực của một nhà du hành người Nhật.
Tsukuba - Ngôi nhà của robot
Nhật Bản dẫn đầu thế giới trong ngành chế tạo robot phục vụ công nghiệp, y học, và đời sống thường nhật của con người, và “nhà hộ sanh” lớn nhất Nhật Bản - nơi ra đời các chú người máy hiện đại chính là thành phố khoa học Tsukuba - kinh đô chất xám của Nhật. Để gặp được những người máy hiện đại nhất, Quảng trường khoa học Tsukuba (SST) thuộc Viện nghiên cứu Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản (AITS) là một địa chỉ đỏ nơi trưng bày các loại hình người máy và phát minh trong lĩnh vực công nghệ của nền khoa học Nhật Bản, được thiết kế như một bảo tàng, phục vụ khách tham quan miễn phí.
.Bộ sưu tập robot trưng bày tại SST
Công nghệ cao vốn không mấy thân quen để nghe - nhìn - sờ - nắn, nhưng ở SST mọi trưng bày đều được cảm nhận một cách thực tế, sống động nhất. Đầu tiên là chú chó Paro, một con robot có thể đọc được cảm xúc con người, biết giận hờn, đùa vui, phát ra những tiếng kêu tùy theo những cử chỉ, điệu bộ mà con người thể hiện với nó. Robot thú cưng này được sử dụng để trị liệu tinh thần cho các bệnh nhi, và là “vật nuôi” hoàn hảo dành cho người già tại nhà.
Bên cạnh “người máy di động” Segway - một phương tiện giao thông hai bánh được cấp phép sử dụng trên đường phố tại Tsukuba, không gian trưng bày robot ở SST còn có thêm sáu loại người máy tiêu biểu khác, gây chú ý là Choromet - chú robot tí hon với chiều cao 37cm mô phỏng hình dáng con người, có thể làm được các cử động phức tạp như đấm, đá, vẫy tay, đứng một chân hoặc lăn lê bò toài.
 Du khách thích thú với những cảm xúc của thú cưng Paro
Ở Tsukuba có một điểm tham quan robot hấp dẫn khác là Cyberdyne Studio trên tầng hai một trung tâm mua sắm. Cyberdyne sản xuất các robot thuộc lĩnh vực hỗ trợ điều trị y học, đứng đầu thế giới hiện nay là robot hỗ trợ vận động các chi bằng suy nghĩ (HAL). Du khách tham quan sẽ được trải nghiệm cách vận hành khi đeo con robot này vào cơ thể người, các bộ cảm biến gồm 5 điểm dán quanh khớp chỏ, gối, sẽ ghi nhận tín hiệu từ não bộ khi muốn cử động tay hoặc chân, robot lập tức mã hoá tín hiệu và điều khiển cơ bắp cử động theo ý muốn. Con robot này đặc biệt hiệu quả cho việc trị liệu các bệnh nhân bị tai biến, liệt nửa người, đã được xuất sang Đức dùng cho y học, và giá thuê để sử dụng trong 1 tháng tại Nhật là 1.500 USD.
Ibaraki còn có nhiều điểm đến gắn với sự phát triển của khoa học kỹ thuật Nhật Bản như bức tượng Phật đứng bằng đồng cao nhất thế giới (120m) Daibutsu, thể hiện trình độ siêu đẳng trong kỹ thuật đúc đồng của Nhật, lò thủy tinh Kagami lâu đời nhất Nhật Bản - chuyên chế tác đồ dùng cho hoàng gia Nhật và làm quà cho các nguyên thủ quốc gia, có cung thiên văn lớn nhất thế giới, Bảo tàng Khoa học Bản đồ và khảo sát, Tổ chức Nghiên cứu Năng lượng Cao tốc (KEK) - nơi tìm hiểu máy gia tốc hạt...
Cung đường công nghệ, tuy chưa trở nên phổ thông nhưng hứa hẹn nhiều thú vị cho những ai thích khám phá một góc nhìn mới, gắn liền với sự phồn vinh của xứ s0.ở mặt trời mọc.
Bài và ảnh Nguyễn Đình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét