Ngày chúng tôi có mặt ở Las Vegas, nhiệt độ xuống thấp khoảng 5 - 6 độ. Điểm nhấn của ngày hôm ấy là tham quan đập thủy điện Hoover Dam bằng trực thăng.
Tối hôm trước, cơn mưa rả rích không ngớt, lạnh đến thấu xương khiến ai cũng ngần ngại bước ra đường. Chị Thanh, hướng dẫn viên của chúng tôi, xem dự báo thời tiết trên Google và bảo rằng: “Phải đến 2 giờ sáng hôm sau mưa mới tạnh. Nhưng hy vọng khi đoàn mình khởi hành vào buổi sáng ngày mai, trời không gió to thì chúng ta mới tham quan Hoover Dam bằng trực thăng được”. Điều đó cũng có nghĩa là nếu thời tiết tệ như hôm nay coi như là chuyến đi Las Vegas lần này mất đi sự hấp dẫn mà tất cả mọi người háo hức trông chờ từ bao lâu.
Sáng hôm sau, chúng tôi bước ra khỏi khách sạn để đến một nhà hàng phở của người Việt. Las Vegas có rất nhiều quán ăn VN ghi bảng hiệu bằng tiếng Việt hẳn hoi. Ngồi trên xe băng qua những con đường ở Thành phố tội lỗi (Sin City) vào buổi sáng yên ắng lắm, bù lại cho sự náo nhiệt sôi động vào ban đêm. Xa xa những ngọn núi thấp thoáng phủ đầy màu trắng, chúng tôi bảo nhau: “Có tuyết rơi trên đó rồi đấy”. Và dĩ nhiên là chúng tôi, những du khách từ vùng nhiệt đới ấm áp quanh năm, phải tập chịu đựng với thời tiết “khá khắt nghiệt” này là một thử thách lớn. Vừa bước xuống xe, chúng tôi chạy ngay vào bên trong nhà hàng bởi không ai có thể nấn ná ở ngoài để ngắm cảnh trong cái giá lạnh và gió rít như xát muối vào từng thớ thịt.
Một tô phở to lá sách (bao tử) bò nghi ngút khói đủ làm ấm lòng du khách. Ở Mỹ, cái gì cũng to, tuy biết sức mình ăn không nổi một tô phở thường nên tôi gọi một to nhỏ. Tô nhỏ được bưng ra nhưng cũng còn to hơn tô phở bán tại VN. Nhưng dĩ nhiên là phở ở Mỹ chẳng thể nào sánh được độ thơm ngon của vị phở quê nhà. Sau khi thưởng thức xong bữa sáng, chúng tôi lại tiếp tục lên đường đến Hoover Dam. Băng qua sa mạc đầy cát, những dãy nhà be bé san sát nhau rồi những công trình điện cao thế đồ sộ trên con đường dẫn vào, chị Thanh kể cho chúng tôi nghe rằng những nghệ sĩ VN sống ở Mỹ cũng khá vất vả để kiếm tiền ra sao. Nhiều người trong số họ chẳng được hát ở các sân khấu ca nhạc lớn như mọi người vẫn tưởng mà chỉ hát ở các casino phục vụ khách chơi bài. Tiền kiếm được từ nghề đi hát chẳng thể nuôi sống được, họ phải lao ra làm các nghề khác như cò đất, cò nhà, buôn bán hoa...
Từ khách sạn chúng tôi ở cũng phải ngót một giờ đồng hồ mới đến được khu vực đập Hoover Dam. Là một trong 7 công trình xây dựng vĩ đại nhất nước Mỹ, đập thủy điện Hoover Dam còn được công nhận là kỳ quan lịch sử quốc gia, thu hút hàng chục triệu du khách đến tham quan mỗi năm. Nhưng trước khi vào được bên trong đập, lực lượng an ninh phải kiểm soát từng xe ra vào. Một ông cảnh sát Mỹ to cao bước lên xe thân thiện chào chúng tôi bằng thứ tiếng Việt lơ lớ: “Xin chào VN” khiến đoàn chúng tôi ồ lên ngạc nhiên. Ông đi từ đầu đến cuối xe kiểm tra rồi vui vẻ chào tạm biệt để xe được thông qua khu vực kiểm soát.
Xe tiếp tục hành trình trên những cung đường ngoằn ngèo uốn quanh những hẻm núi quanh co làm chúng tôi nghiêng ngả, nhưng bù lại bên ngoài cửa sổ, chúng tôi tận mắt chứng kiến một cảnh tượng hùng vĩ. Một cái đập thủy điện to lớn như thế nào, gấp vài chục lần những công trình thủy điện của Việt Nam. Tôi nhớ có lần đi thăm đập thủy điện Hòa Bình trên dòng sông Đà được xem là công suất lớn nhất Đông Nam Á nhưng sang đây mới thấy thật chả thấm vào đâu so với sự vĩ đại của Hoover Dam.
Hoover là đập cao thứ nhì trên nước Mỹ được khởi công xây dựng vào năm 1931 và được đặt tên theo Tổng thống thứ 31 của đất nước “cờ và hoa” Herbert Hoover bởi ông đóng vai trò chính trong việc hình thành công trình kiên cố này. Hoover Dam nằm giữa hai tiểu bang Arizona và Nevada tại Black Canyon trên con sông Colorado. Mục tiêu chính của việc xây dựng đập thủy điện Hoover và hồ nhân tạo lớn nhất thế giới Lake Mead ở phía bắc không những cung cấp nguồn điện và nước cho cả thành phố Las Vegas (vốn là nơi tiêu tốn một lượng điện khổng lồ nhưng chỉ chiếm 15% sản lượng điện của công trình) mà còn cho cả vùng rộng lớn phía nam California bao gồm hai tiểu bang Arizona và Nevada cùng hơn 10 thành phố lân cận khác.
Rồi cột mốc biên giới giữa hai bang Arizona và Nevada hiện ra. Tuy hai bang nằm kế cận nhau nhưng thời gian lại chênh nhau 1 giờ đồng hồ. Xe qua một khúc quanh ngoạn mục trên núi rồi đổ xuống lưng chừng dốc núi tại Hoover Dam Lookout để chúng tôi có thể chụp lại những hình ảnh đẹp nhất của đập thủy điện Hoover Dam và lưu dấu những khoảnh khắc đã từng được đến tham quan một hạng mục công trình xây dựng đồ sộ của nước Mỹ.
Trên đường về lại Las Vegas, chúng tôi ghé vào Scenic View để có thể phóng tầm mắt ngắm nhìn Lake Mead từ trên cao. Màu xanh mát dịu trong vắt của nước hồ khiến cho du khách, dù có phải chịu gió rét đến đâu, cũng ráng mà mỉm cười tạo dáng trước ống kính với phông nền Lake Mead phía sau.
Sau đó, chúng tôi được đưa đến khu vực tổ chức tour trực thăng tham quan Hoover Dam từ trên cao. Công ty Dam Helicopter là đơn vị chuyên tổ chức các tour tham quan đập thủy điện Hoover Dam và hồ nhân tạo Lake Mead bằng trực thăng. Hôm nay, do thời tiết không được tốt lắm nên chỉ có duy nhất một chiếc trực thăng phục vụ khách. Do đó chúng tôi phải chờ rất lâu để đến lượt mình.
Một tour ngắm cảnh tham quan hồ Lake Mead trong 2 dặm có giá là 39 đô la Mỹ; tour tham quan hồ và đập Hoover trong 5 dặm là 69 USD; còn tour tham quan Lake Mead, Hoover Dam, sông Colorado và đại vực Black Canyon trong 10 dặm là 139 USD. Trước khi lên máy bay, ai cũng phải lần lượt lên cân trước rồi nhân viên ở đó mới sắp xếp cho chúng tôi nên chia nhau thành từng tốp thế nào để bảo đảm rằng trực thăng không chở vượt quá trọng lượng một lần bay và mỗi hành khách tham gia đều được công ty mua bảo hiểm hẳn hoi. Sau đó, nhân viên của công ty này còn dặn dò du khách phải tuân thủ các quy định trong quá trình tham gia tour ra sao. Nào là chúng tôi không được đội nón, đeo khăn choàng, găng tay, kính mát (ngoại trừ kính cận)... nói chung là những thứ hành khách có thể đánh rơi khi lên máy bay nhưng có thể đem theo máy chụp ảnh, quay phim hay điện thoại di động. Khi lên ngồi rồi, nếu ai ngồi trước cùng phi công thì phải để nhân viên cài khóa an toàn và khi kết thúc chuyến bay, hành khách không được nán lại để chụp hình; trong trường hợp có nhu cầu ghi lại hình ảnh, nhân viên công ty sẽ giúp khách chụp ảnh...
Kết thúc chuyến đi thăm Hoover Dam và Lake Mead, trong lòng chúng tôi ai cũng thật sự ngưỡng mộ những công trình vĩ đại mà người dân Mỹ đã xây dựng nên. Xe đưa chúng tôi về lại Las Vegas và cũng vừa lúc đó, cơn mưa lất phất chợt đến bên ngoài khung cửa sổ. Cũng cần phải cảm ơn ông trời đã cho chúng tôi cơ hội được một lần được bay trên Hoover Dam.
Mai Nguyễn
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét